Hiện nay, ngày càng nhiều người gặp tình trạng khó ngủ vào ban đêm. Khó ngủ có thể chỉ là tình trạng tạm thời do những thay đổi trong lối sống, múi giờ,… nhưng cũng có thể cảnh báo những bất ổn của cơ thể. Khó ngủ cảnh báo điều gì và làm thế nào để khắc phục, cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
1. Chứng khó ngủ là gì?
Chứng khó ngủ là tình trạng bất ổn của giấc ngủ, đặc trưng bởi việc người bệnh gặp khó khăn khi chìm vào giấc ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ ngon với các biểu hiện như:
– Không buồn ngủ khi đến giờ ngủ, thường xuyên thức khuya
– Nằm trên giường 30 phút – 1 tiếng mà không thể ngủ được
– Ngủ không sâu, có người trằn trọc suốt đêm
– Thức dậy nhiều lần trong đêm
Hậu quả của tình trạng này là những tác động xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Người bệnh thường:
– Thức dậy quá sớm
– Cảm thấy buồn ngủ, thiếu tỉnh táo khi thức dậy
– Thiếu năng lượng, mệt mỏi, khó tập trung vào ban ngày
– Thường xuyên đau đầu, thâm mắt
– Trí nhớ giảm sút, hay quên hoặc khó tiếp nhận những kiến thức mới
2. Nguyên nhân gây khó ngủ
Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn không ngủ được hoặc ngủ không ngon giấc, bao gồm:
– Tuổi tác: Tuổi càng cao thời gian ngủ của con người càng ngắn. Hơn sự lão hóa của hệ thần kinh khiến người già thường xuyên bị mất ngủ hơn so với người trẻ.
– Não bị kích thích trước khi ngủ: Uống quá nhiều caffeine, xem TV, Ipad, điện thoại quá nhiều, chơi trò chơi điện tử, tập thể dục quá mức…trước khi ngủ có thể gây căng thẳng cho hệ thần kinh, khiến bạn khó đi vào giấc ngủ
– Không gian ngủ không tối ưu: Phòng ngủ nhiều tiếng ồn, chật hẹp, ẩm thấp có thể gây khó chịu, khó ngủ.
– Ngủ quá nhiều: Ngủ trưa quá lâu hoặc ngủ quá nhiều trong ngày có thể khiến bạn không buồn ngủ vào ban đêm.
– Thiếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Việc ngồi làm việc cả ngày trong phòng kín, không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể gây mất ngủ vào ban đêm.
– Lệch múi giờ: Sự khác biệt về múi giờ khi đi du lịch, công tác có thể gây khó ngủ tạm thời.
– Thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc kê toa có thành phần gây mất ngủ cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Trong nhiều trường hợp, chứng khó ngủ cũng có thể cảnh báo một số các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như: rối loạn lo âu, trầm cảm, tiểu đường, đau mạn tính, hen suyễn, bệnh tim mạch, tình trạng ngưng thở khi ngủ…
3. Điều trị khó ngủ vào ban đêm
Phương pháp điều trị chứng khó ngủ thường xuất phát từ nguyên nhân gây ra tình trạng này.
3.1 Cách điều trị khó ngủ vào ban đêm không dùng thuốc
Trong những trường hợp chứng khó ngủ vào ban đêm nhẹ và mới xảy ra, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp thay đổi lối sống, sử dụng các loại thảo dược, trị liệu tâm lý… để dễ đi vào giấc ngủ hơn.
3.1.1. Thay đổi lối sống lành mạnh
Các biện pháp bao gồm:
– Sắp xếp thời gian khoa học, tránh làm việc quá sức, cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi để cơ thể được thư giãn và thoải mái.
– Xây dựng lịch trình cho giấc ngủ: Rèn luyện ngủ trước 23 giờ, ngủ và thức dậy cùng một giờ trong ngày.
– Thư giãn trước khi ngủ bằng cách đọc sách, nghe nhạc để giải tỏa căng thẳng.
– Ăn uống khoa học: Bổ sung các thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng và tốt cho giấc ngủ là phương pháp hữu hiệu để cải thiện giấc ngủ.
– Không ăn quá no vào buổi tối hoặc ăn quá sát giờ ngủ.
– Không sử dụng các chất kích thích gây khó ngủ.
– Thường xuyên vận động, rèn luyện thể chất giúp cho máu lưu thông tốt hơn, nhờ đó giấc ngủ cũng trở nên dễ dàng.
– Chọn nơi ngủ thoáng mát, sạch sẽ, nhiệt độ, ánh sáng thích hợp, thường xuyên vệ sinh không gian phòng ngủ, chăn ga. Thêm một ít loại tinh dầu hay nến thơm để đầu óc thư giãn, như vậy giấc ngủ sẽ trở nên trọn vẹn hơn, cải thiện việc khó ngủ vào ban đêm.
3.1.2. Sử dụng các loại thảo dược thiên nhiên
Một số loại thảo dược như tâm sen, gừng, lạc tiên, hoa cúc,…có tác dụng tốt trong việc an thần, hỗ trợ giấc ngủ, khó ngủ vào ban đêm. Những nguyên liệu này thường khá lành tính, ít gây tác dụng phụ và có thể sử dụng được cho nhiều đối tượng khác nhau. Bạn có thể pha trà với các nguyên liệu để uống mỗi ngày, như vậy sẽ giúp cho chất lượng giấc ngủ được nâng cao.
3.1.3. Trị liệu bằng biện pháp tâm lý
Tâm lý trị liệu là phương pháp đã được chứng minh có hiệu quả tốt trong việc hỗ trợ cải thiện chứng mất ngủ, khó ngủ vào ban đêm. Với liệu pháp này, các chuyên gia tâm lý sẽ trò chuyện, trao đổi trực tiếp với người bệnh, giúp để tìm ra nguyên nhân gây mất ngủ, khó ngủ vào ban đêm từ đó có biện pháp cải thiện giấc ngủ một cách tự nhiên nhất.
Các biện pháp trên tương đối lành tính nhưng thường chỉ được áp dụng trong những trường hợp bệnh nhẹ và đòi hỏi người bệnh phải kiên trì mới đem lại hiệu quả.
3.2 Cách điều trị khó ngủ vào ban đêm bằng thuốc
Trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp trên mà các tình trạng khó ngủ vào ban đêm vẫn không thuyên giảm, bạn cần đi khám để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp xử trí phù hợp. Các bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân một số loại thuốc ngủ, thuốc an thần, bình thần, thuốc chống trầm cảm 3 vòng,… để giúp bệnh nhân thư giãn và đi vào giấc ngủ. Người bệnh cần sử dụng các loại thuốc này tuân thủ theo đơn của bác sĩ, uống đúng liều lượng và thời gian để thuốc phát huy hiệu quả tối đa và tránh các tác dụng phụ.
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu thêm về chứng khó ngủ vào ban đêm và các phương pháp điều trị. Lưu ý, những kiến thức trên chỉ mang tính minh họa, không thay thế cho các chẩn đoán và điều trị y khoa. Khi thấy các triệu chứng khó ngủ, bạn nên đi khám Nội thần kinh để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị phù hợp.