Ngành ngoại khoa không ngừng phát triển theo hướng ngày càng ít xâm lấn lên cơ thể người bệnh mà vẫn giải quyết được các bệnh lý. Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu ngày nay đã chứng tỏ tính hiệu quả và an toàn trong thực hành lâm sàng. Cùng tìm hiểu ngay qua bài viết của Bác sĩ Ngô Minh Quân nhé!
Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu là gì?
Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu là một nhóm các phương pháp phẫu thuật ứng dụng dụng cụ đặc biệt. Với mục đích giảm kích thước vết mổ, giảm lượng mô lành bị tổn thương trong cuộc phẫu thuật.
Một trong những dạng của phẫu thuật xâm lấn tối thiểu là sử dụng dụng cụ “scope”. Hay còn gọi là phẫu thuật nội soi. “Scope” là một thiết bị quan sát giúp phẫu thuật viên nhìn được vùng phẫu thuật bên trong cơ thể. Không cần bộc lộ vùng mổ để quan sát.
Một dạng khác của phẫu thuật xâm lấn tối thiểu là can thiệp nội mạch. Thông qua việc kết hợp với tia X giúp phẫu thuật viên quan sát bên trong cơ thể. Và một thiết bị kích thước nhỏ được đưa vào lòng mạch để thao tác.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi
Trong khuôn khổ bài viết này sẽ tập trung vào dạng phẫu thuật nội soi, sử dụng scopes.
Có nhiều loại scopes khác nhau, tuy nhiên về nguyên tắc hoạt động chúng có nhiều nét tương đồng. Scopes thường là những dụng cụ dài hình ống với một camera nhỏ và đầu đèn phát sáng được gắn ở đầu ống.
Thông qua camera cung cấp những hình ảnh bên trong cơ thể thông qua việc kết nối với màn hình TV. Khi thực hiện phẫu thuật nội soi, phẫu thuật viên chỉ cần đường mổ nhỏ vừa đủ để đưa scopes vào bên trong phẫu trường. Phẫu thuật viên đôi khi cần từ 2 đến nhiều đường rạch da thêm để đưa các dụng cụ đặc biệt vào và thao tác.
Những dụng cụ đặc biệt đó có thể là kẹp, cắt hoặc các dụng cụ khâu… Những dụng cụ này được điều khiển từ bên ngoài cơ thể. Bằng cách quan sát qua màn hình TV, phẫu thuật viên có thể điều khiển dụng cụ để tiến hành các thao tác phẫu thuật.
Có những dạng xâm lấn tối thiểu dùng Scopes nào?
Một số dạng phẫu thuật nội soi
Có rất nhiều dạng phẫu thuật nội soi khác nhau, thường chúng được đặt tên dựa vào vùng hoặc cơ quan mà chúng được sử dụng:
- Dạng Phẫu thuật nội soi ngực : Thường được lựa chọn cho những phẫu thuật sinh thiết phổi, hoặc một số phẫu thuật tim mạch
- Phẫu thuật nội soi bụng : Thường được lựa chọn cho những phẫu thuật cắt bỏ túi mật, cắt ruột thừa, cắt tử cung hay nhiều loại phẫu thuật khác vùng bụng
- Dạng Phẫu thuật nội soi lòng tử cung : Thường được lựa chọn cho những phẫu thuật loại bỏ các bất thường trong lòng tử cung
- Phẫu thuật nội soi khớp : Thường dùng trong phẫu thuật nội soi khớp gối, khớp vai,..
Ống nội soi cung cấp hình ảnh hoặc sinh thiết lòng của ống tiêu hóa
- Nội soi thực quản-dạ dày
- Hình ảnh nội soi đại trực tràng
Một vài phẫu thuật xâm lấn tối thiểu sử dụng rô bốt. Là những thiết bị được điều khiển bởi phẫu thuật viên- hay còn gọi là phẫu thuật rô bốt.
So sánh phẫu thuật xâm lấn tối thiểu và phẫu thuật thông thường
Trong phần lớn các trường hợp (không phải tất cả ) – phẫu thuật xâm lấn tối thiểu giúp bệnh nhân hồi phục sau mổ nhanh hơn bởi vì :
- Thường vết mổ sẽ nhỏ hơn.
- Không bộc lộ nhiều vùng cơ thể để quan sát mà chỉ quan sát qua các dụng cụ đặc biệt.
- Không cần tác, kéo hay vén các cơ quan bình thường nhiều để thao tác.
Mặc dù có nhiều điểm khác so với phẫu thuật thông thường. Nhưng suy cho cùng vẫn là một phương pháp phẫu thuật. Do vậy sau mổ bệnh nhân vẫn đau, vẫn có nguy cơ nhiễm trùng sau mổ. Và những vấn đề khác của một cuộc phẫu thuật ít nhiều vẫn hiện diện.
Có nên luôn luôn chọn phẫu thuật xâm lấn thối thiểu?
Không nên, nhiều loại phẫu thuật có thể áp dụng nhưng không phải luôn luôn. Lựa chọn phương pháp phẫu thuật nào còn phụ thuộc vào:
- Khả năng chuyên môn và trình độ tay nghề của phẫu thuật viên đối với loại phẫu thuật cần thực hiện.
- Chỉ định phẫu thuật trên bệnh nhân.
- Những vấn đề sức khỏe khác kèm theo của bệnh nhân.
Kể cả khi bệnh nhân và bác sĩ lựa chọn phẫu thuật xâm lấn tối thiểu thì không phải luôn luôn thực hiện được trọn vẹn. Một vài ca phẫu thuật bắt đầu bằng phẫu thuật xâm lấn tối thiểu nhưng gặp bất lợi trong lúc thao tác và phải buộc lựa chọn chuyển sang phẫu thuật thông thường.
Vậy nên nếu bạn đã quyết định phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Hãy chuẩn bị và tìm hiểu thông tin. Luôn sẵn sàng chấp nhận nguy cơ chuyển sang mổ thông thường nếu không thuận lợi. Những tình huống chuyển mổ thông thường có thể gặp như:
- Phẫu thuật viên phát hiện những thương tổn bất thường ngoài dự kiến.
- Phẫu thuật viên đánh giá việc thao tác gặp nhiều khó khăn và không thể hoàn thành được mục tiêu của cuộc mổ.
- Chảy máu trong lúc mổ mà không thể kiểm soát qua phẫu thuật xâm lấn tối thiểu.
Điều quan trọng nhất cần ghi nhớ: Phẫu thuật viên sẽ sẵn sàng chuyển từ phẫu thuật xâm lấn tối thiểu sang phẫu thuật thông thường, để bảo vệ tối đa sức khỏe của bệnh nhân.