Máu tụ dưới màng cứng là tình trạng máu chảy khoang dưới màng cứng thường gặp trong chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Khối máu tụ có thể gây ra sự chèn ép lên não và đe dọa tính mạng bệnh nhân nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
1. Máu tụ dưới màng cứng là gì?
Đây cứng là hiện tượng chảy máu ở bề mặt của não bộ, nằm trong khoang dưới màng cứng. Sự chảy máu xảy ra dưới lớp màng bao quanh não, còn gọi là màng cứng “dura”. Mặc dù sự chảy máu thường không phải từ não nhưng nếu khối máu tụ có kích thước lớn, nó có thể chèn ép vào não bộ. Việc chèn ép này dẫn đến các triệu chứng.
Chấn thương sọ não là nguyên nhân dẫn đến hầu hết các trường hợp máu tụ dưới màng cứng. Nguyên nhân của chấn thương thường gặp nhất như:
- Tai nạn giao thông.
- Té cao.
- Ẩu đả.
>> Chấn thường đầu là tình trạng khá thường gặp trong cuộc sống. Tìm hiểu thêm: Y học thường thức: Chấn thương đầu.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi
Máu tụ dưới màng cứng được phân làm hai nhóm chính:
- Máu tụ dưới màng cứng cấp tính: Nhóm này xuất hiện từ những giờ đầu sau chấn thương. Nếu hiện tượng chảy máu cứ tiếp diễn, khối máu tụ ngày càng tăng kích thước tiếp tục trong những ngày sau của chấn thương.
- Máu tụ dưới màng cứng mạn tính: Nhóm này thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi. Ở nhóm bệnh nhân này thường có hiện tượng teo não sinh lý theo tuổi. Những chấn thương đầu nhẹ cũng có thể tổn thương các tĩnh mạch não nhỏ, dẫn đến hiện tượng chảy máu ở bề mặt của não. Chấn thương có thể nhẹ đến mức người bệnh hoàn toàn không chú ý đến hoặc không nhớ là có chấn thương đầu. Khối máu này tăng kích thước chậm chạp, có thể kéo dài hàng tuần.
2. Triệu chứng
Vài bệnh nhân bất tỉnh sau những chấn thương đầu nặng và có tình trạng máu tụ dưới màng cứng cấp tính.
Sau đó, những triệu chứng có thể xuất hiện như:
- Đau đầu.
- Nôn ói.
- Yếu liệt.
- Tê bì.
- Khó khăn trong di chuyển.
- Gặp vấn đề trong phát âm.
- Chóng mặt.
- Nhầm lẫn hoặc khó khăn trong tư duy.
- Buồn ngủ.
- Động kinh.
3. Chẩn đoán
Máu tụ dưới màng cứng được phát hiện thông qua việc chụp hình ảnh não bộ như chụp cắt lớp vi tính CT scan và đôi khi dùng cộng hưởng từ MRI. Thông qua những hình ảnh, ta thấy được sự hiện diện và kích thước của khối máu tụ.
4. Điều trị máu tụ dưới màng cứng
Việc điều trị được lựa chọn phụ thuộc vào kích thước của khối máu tụ và triệu chứng của bệnh nhân. Đôi khi, bệnh nhân cần phẫu thuật để lấy khối máu tụ và giải áp cho não bộ. Nếu máu tụ kích thước nhỏ, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bảo tồn và theo dõi sát. Trong trường hợp điều trị bảo tồn và theo dõi thì việc lặp lại nhiều lần các phim chụp CT scan hoặc MRI là cần thiết.
Nếu bệnh nhân đang dùng các thuốc chống đông máu như aspirin hay warfarin, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân ngưng sử dụng. Hãy chú ý cung cấp thông tin những thuốc bạn đang sử dụng cũng như thảo luận về thời điểm an toàn để tiếp tục điều trị các thuốc trên trở lại.
Ở nhóm bệnh nhân máu tụ dưới màng cứng kích thước lớn chèn ép não đe dọa tính mạng thì cần được phẫu thuật lấy máu tụ giải áp cấp cứu. Phẫu thuật viên có nhiều phương pháp kỹ thuật có thể lấy máu tụ giải áp như:
Mở lỗ thoát
Một lỗ được khoan ở xương sọ trên vùng máu tụ, thông qua lỗ khoan này máu tụ thoát ra ngoài giải áp cho não. Thường được lựa chọn ở những bệnh nhân máu tụ dưới màng cứng mạn tính.
Mở sọ giải áp có đặt lại nắp sọ
Ở phương pháp này, một phần xương sọ được lấy rời. Việc này giúp tiếp cận khối máu tụ tốt hơn và giải áp tốt hơn cho não bộ. Phần xương lấy rời được đặt trở lại sau khi lấy máu tụ và giải áp cho não bộ vào cuối cuộc phẫu thuật.
Mở sọ giải áp:
Ở phương pháp này, một phần xương sọ được lấy rời và không được đặt lại ngay mà sẽ được đặt lại bằng một phẫu thuật “vá sọ” sau khi tình trạng bệnh nhân cho phép. Việc lấy rời nắp sọ giúp giải áp tốt và kéo dài cho não bộ, phòng ngừa những trường hợp phù não đe dọa tụt não. Tuy nhiên, phương pháp này không thường xuyên được sử dụng và còn dựa vào đánh giá của phẫu thuật viên tùy trường hợp.
Bác sĩ Ngô Minh Quân