Bệnh trầm cảm nhẹ khá phổ biến. Tuy nhiên, với các dấu hiệu không quá mạnh mẽ, chúng rất khó bị phát hiện. Có rất nhiều người thậm chí không biết mình đã bị trầm cảm nhẹ bởi họ quen thuộc với các triệu chứng như mệt mỏi, buồn bã. Nếu nhận thấy những điều này kéo dài, bạn không nên coi thường mà hãy đến gặp bác sĩ. Bài viết dưới đây của Chuyên viên Tâm lý Nguyễn Thị Hương sẽ cung cấp những thông tin về triệu chứng của bệnh trầm cảm nhẹ. Mời bạn đọc cùng theo dõi nhé!
Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là chứng rối loạn tâm trạng gây buồn, thấp thỏm và tuyệt vọng thời gian dài. Nó ảnh hưởng đến cảm giác, suy nghĩ và hành vi hằng ngày của người bệnh như ngủ, ăn uống, học tập, làm việc,… Bất kỳ ai cũng có thể bị trầm cảm, bất kể tuổi tác, thu nhập, văn hóa,…1
Nếu không điều trị kịp thời, chứng trầm cảm có thể trở nên tồi tệ. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể thấy khó khăn khi thực hiện các hoạt động hằng ngày, có hành vi làm tổn thương bản thân, thậm chí là tự tử.2
Trầm cảm nhẹ là gì?
Có nhiều cách phân loại bệnh trầm cảm. Trong đó, bệnh trầm cảm có thể phân loại thành:2
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.
- Trầm cảm nặng (MDD).
- Trầm cảm lưỡng cực.
- Trầm cảm chu sinh và sau sinh.
- Rối loạn trầm cảm dai dẳng (PDD).
- Rối loạn tiền kinh nguyệt (PMDD).
- Rối loạn tâm thần.
- Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD).
Trầm cảm nhẹ là một triệu chứng của trầm cảm dai dẳng (PDD).3 4 Các biểu hiện của trầm cảm dai dẳng cũng giống như trầm cảm nặng, nhưng ở mức độ nhẹ hơn và lại kéo dài hơn, thường là trong 2 năm hoặc lâu hơn.2
Triệu chứng của bệnh trầm cảm nhẹ
Dưới đây là một số biểu hiện điển hình:5
- Mệt mỏi, buồn chán, thiếu hứng thú trong mọi hoạt động thường ngày.
- Cảm giác vô vọng, tội lỗi, thất vọng về bản thân.
- Khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ nhiều hơn.
- Chán ăn hoặc ăn nhiều hơn, thay đổi cân nặng.
- Mau nước mắt, hay khóc không có lý do.
- Suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử.
- Khó tập trung, suy nghĩ và ra quyết định.
- Cảm giác bồn chồn, khó chịu.
- Một số trường hợp trở nên cáu kỉnh và kích động.
Nguyên nhân của bệnh trầm cảm nhẹ
Tương tự như các loại trầm cảm khác, nguyên nhân của trầm cảm nhẹ cũng chưa được xác định cụ thể. Chúng có thể đến từ sự kết hợp giữa nhiều yếu tố với nhau như di truyền, sự kiện đau thương hay lối sống kém lành mạnh. Ngoài ra, sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh trong não cũng có thể là một yếu tố. Một số bệnh mãn tính hay các rối loạn tâm thần khác cũng có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm.2
Chẩn đoán và cách chữa bệnh trầm cảm nhẹ như thế nào?
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán trầm cảm nhẹ hoàn toàn dựa vào các biểu hiện của bệnh. Các bác sĩ sẽ quan sát chúng và trò chuyện với bệnh nhân để có được đánh giá cuối cùng rồi kết luận. Hầu hết các chuyên gia hoặc bác sĩ tâm thần sẽ dựa vào sổ tay chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần DSM-5 để xác định.3
Bên cạnh việc xem xét triệu chứng, các bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân làm các xét nghiệm khác như máu hoặc nước tiểu. Điều này sẽ giúp loại bỏ nguy cơ về các bệnh thể chất có thể gây ra các triệu chứng như trầm cảm.5
Cách chữa trầm cảm nhẹ3 4
Biện pháp phổ biến để vượt qua căn bệnh này là uống thuốc kết hợp với các liệu pháp tâm lý. Thuốc chống trầm cảm nhẹ có thể sẽ được sử dụng trong giai đoạn đầu. Một số trường hợp bệnh nhân có thể không dùng thuốc mà chỉ áp dụng các biện pháp tâm lý. Việc trị liệu tâm lý được xem là có hiệu quả lớn đối với tình trạng trầm cảm dai dẳng. Một số phương pháp cụ thể được áp dụng bao gồm trị liệu nhóm hoặc trị liệu nhận thức hành vi. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ quyết định xem nên áp dụng biện pháp chữa trị ra sao. Dù có theo hướng nào, người bệnh cũng cần kiên trì và tuân thủ đúng hướng dẫn cũng như liệu trình chữa trị.
Những điều chỉnh lối sống giúp đối phó với bệnh trầm cảm nhẹ
Bên cạnh việc tiếp nhận điều trị, người bị trầm cảm nhẹ có thể điều chỉnh lối sống của mình trở nên lành mạnh hơn. Điều này cũng có những tác động tích cực tới quá trình phục hồi.
Ăn uống đủ chất3 6
Chế độ ăn uống liên quan rất lớn đến sức khỏe tinh thần. Do đó, để hỗ trợ tốt cho việc điều trị, người bệnh cần ăn uống đủ chất. Hãy bổ sung các loại rau xanh, trái cây vào khẩu phần ăn hằng ngày. Các loại thực phẩm giàu protein và omega 3 như trứng, cá, sữa chua,… cũng rất tốt cho tâm trạng. Cùng với đó, hãy hạn chế các thực phẩm giàu chất béo và đường. Chúng có thể khiến cân nặng thay đổi mất kiểm soát mà còn khiến sức khỏe đi xuống. Tốt nhất, hãy ăn uống đa dạng và cân bằng. Đồng thời, đừng quên tránh xa các chất kích thích.
Tập thể dục đều đặn3
Việc vận động thể chất hay tập thể dục cũng có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa cũng như điều trị bệnh trầm cảm nhẹ. Vì vậy, bạn hãy dành khoảng 30 phút mỗi ngày để thực hiện hoạt động này. Hãy chọn cho mình những bài tập nhẹ và vừa sức. Nếu không thể tập liên tục 30 phút, bạn cũng có thể chia nhỏ ra khoảng 3 lần, mỗi lần 10 phút tập. Điều đó sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.
Thư giãn4 7
Các hoạt động giải trí giúp người bị trầm cảm ít buồn chán hơn, tâm trạng cũng vì thế mà được cải thiện. Bạn hãy chọn các hình thức thư giãn mà bạn thích và tận hưởng chúng. Nghe nhạc, xem phim, gặp bạn bè,… đều có thể có lợi cho tinh thần của bạn.
Ở bên cạnh những người bạn tích cực3
Những mối quan hệ tích cực, ủng hộ và giúp đỡ người bị trầm cảm là rất cần thiết. Những người bạn này không chỉ giúp người bệnh trò chuyện mà còn giúp họ cải thiện khả năng giao tiếp. Khi được thấu hiểu và giúp đỡ, người bệnh cũng bớt dần việc tự cô lập bản thân. Từ đó, sức khỏe tinh thần cũng tốt hơn.
Với những biểu hiện có phần nhẹ nhàng, bệnh trầm cảm nhẹ có thể dễ dàng bị bỏ qua mà không được chẩn đoán hay điều trị. Tuy nhiên, chúng là một tình trạng trầm cảm dai dẳng và mãn tính nên chúng ta không thể coi thường. Nếu thấy bất kỳ cảm giác buồn chán, ủ rũ hay mất đi hứng thú trong cuộc sống kéo dài, bạn hãy tìm đến những người có chuyên môn để được hỗ trợ ngay.