Trầm cảm nặng là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Chúng ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt trong đời sống của người bệnh. Đây cũng là một trong những rối loạn sức khỏe tâm thần ảnh hưởng nhiều nhất đến người trưởng thành. Hãy cùng xem đâu là nguyên nhân cũng như những triệu chứng của căn bệnh này qua bài viết dưới đây của Chuyên viên Tâm lý Nguyễn Thị Hương nhé!
Trầm cảm nặng là gì?
Trầm cảm nặng còn có tên gọi khác là trầm cảm lâm sàng (MMD). Hiện nay không có định nghĩa cụ thể nào về tình trạng này. Việc xác định một người bị trầm cảm nặng, nhẹ hay trung bình phụ thuộc vào đánh giá của bác sĩ. Căn bệnh này ảnh hưởng đến hầu hết mọi mặt trong cuộc sống của người bệnh, đặc biệt là cảm xúc và hành vi. Đây cũng là tình trạng sức khỏe tâm thần tiêu cực phổ biến ở Mỹ.1 Dữ liệu cho thấy, tại Mỹ, có hơn 8.4% người trưởng thành trải qua giai đoạn trầm cảm nặng vào năm 2020.2
Triệu chứng trầm cảm nặng
Theo sổ tay thống kê và chẩn đoán các rối loạn tâm thần (DSM-5), nếu có 5 trong số các dấu hiệu dưới đây kéo dài hơn 2 tuần, bạn có thể bị trầm cảm lâm sàng:1
- Cảm thấy buồn chán hoặc cáu kỉnh trong hầu hết thời gian trong ngày.
- Mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích.
- Thay đổi cảm giác thèm ăn, tăng cân hoặc giảm cân đột ngột.
- Khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ nhiều hơn bình thường.
- Cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng.
- Có cảm giác bồn chồn, bứt rứt không yên.
- Thường cảm thấy bản thân vô dụng hoặc có cảm giác tội lỗi về những điều mà bình thường sẽ không thấy như vậy.
- Khó tập trung, khó suy nghĩ và đưa ra quyết định.
- Nghĩ đến việc làm hại bản thân hoặc có ý định tự sát.
Nguyên nhân của bệnh trầm cảm nặng
Nguyên nhân cụ thể của căn bệnh này cho đến nay vẫn là một dấu hỏi. Các bác sĩ cho rằng có một số yếu tố như di truyền, sự thay đổi các hóa chất trong não là nguyên nhân gây ra bệnh. Ngoài ra còn có một số yếu tố nguy cơ khác có thể kích hoạt chúng. Điển hình như những sự kiện đau thương, mất mát hay bị lạm dụng thời thơ ấu. Tình trạng nghiện các chất kích thích như rượu, ma túy cũng có liên quan đến trầm cảm nặng. Ngoài ra, bệnh nhân bị các bệnh mãn hay các bệnh nguy hiểm như ung thư, suy tuyến giáp cũng có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn. Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị mụn trứng cá và các bệnh khác cũng làm tăng khả năng mắc căn bệnh này.1 3
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.
Điều trị trầm cảm nặng như thế nào?
Để chữa bệnh trầm cảm nặng cần có sự kiên trì và kết hợp nhiều biện pháp với nhau. Trong đó có thể bao gồm cả thuốc, liệu pháp tâm lý và lối sống. Một số trường hợp bệnh nhân phải ở lại bệnh viện trong suốt thời gian chữa bệnh. Điều này giúp phòng ngừa nguy cơ bệnh nhân tự hại bản thân hoặc tự sát.1
Ngoài ra, còn có các phương pháp điều trị khác cho chứng trầm cảm lâm sàng, như: liệu pháp sốc điện (ECT), sử dụng Esketamine qua đường mũi, kích thích từ xuyên sọ (TMS) hoặc kích thích dây thần kinh Vagus (VNS). Trong đó, liệu pháp sốc điện (ECT) có thể được sử dụng nếu thuốc chữa trầm cảm không hiệu quả hoặc bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng (tự tử cấp tính, rối loạn thần kinh nặng,…).3 4 Liệu pháp sốc điện được cho là hiệu quả hơn bất kỳ hình thức điều trị trầm cảm nặng nào khác.5
Sử dụng thuốc trị trầm cảm nặng1
Thông thường, thuốc chính là hình thức điều trị đầu tiên dành cho bệnh nhân bị trầm cảm lâm sàng. Các loại thuốc này thường hoạt động bằng cách ức chế sự phân hủy serotonin trong não. Từ đó, chúng giúp tăng cường lượng chất này trong não nhiều hơn. Điều này rất quan trọng bởi serotonin chịu trách nhiệm về tâm trạng. Chúng giúp chúng ta cũng như người bệnh cảm thấy vui vẻ và dễ ngủ hơn.
Các loại thuốc chống trầm cảm thường có tác dụng ngay trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, chúng cũng có nhiều tác dụng phụ và có thể khiến người bệnh thấy khó chịu. Không hiếm những trường hợp người bệnh phải ngưng dùng thuốc hoặc chuyển sang loại thuốc khác. Và dù có quyết định như thế nào cũng cần phải có ý kiến của bác sĩ điều trị.
Liệu pháp tâm lý
Bên cạnh thuốc thì các liệu pháp tâm lý cũng cần thiết cho người bị bệnh trầm cảm nặng. Người bệnh sẽ gặp chuyên viên tâm lý theo định kỳ để trò chuyện về tình trạng của bản thân cũng như các vấn đề liên quan. Một số liệu pháp tâm lý thường được ứng dụng trong việc điều trị căn bệnh này có thể kể đến là nhận thức hành vi, liệu pháp giữa các cá nhân, trị liệu nhóm,…1
Trị liệu tâm lý sẽ giúp người bệnh:6
- Điều chỉnh những khủng hoảng, những khó khăn hiện tại;
- Xác định những hành vi tiêu cực. Từ đó, thay thế chúng bằng những hành vi lành mạnh, tích cực;
- Có thêm mối quan hệ và kinh nghiệm, đồng thời, cải thiện kỹ năng giao tiếp;
- Tìm được cách tốt hơn để đối phó và giải quyết vấn đề khủng hoảng trong cuộc sống;
- Xác định các vấn đề có thể là nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm của bạn. Thay đổi các hành vi tiêu cực có thể khiến bệnh trầm cảm trở nên tồi tệ hơn;
- Lấy lại cảm giác hài lòng và biết cách kiểm soát cuộc sống của bạn;
- Học cách đặt mục tiêu cho cuộc sống của bạn;
- Rèn luyện khả năng chịu đựng và chấp nhận sự đau khổ bằng các việc làm lành mạnh.
Cải thiện lối sống1
Bên cạnh việc điều trị theo hướng dẫn, người bệnh cũng cần thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh hơn. Bạn có thể bắt đầu từ một chế độ ăn uống đủ chất bởi dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe tinh thần. Các thực phẩm giàu omega 3, vitamin B, magie là những món nên bổ sung vào khẩu phần ăn. Ngoài ra, cần tránh xa các loại chất kích thích như rượu, bia và các thực phẩm chế biến sẵn.
Cố gắng dành thời gian để tập thể dục hoặc vận động thể chất. Đặc biệt là vận động ngoài trời bởi chúng có thể cải thiện tâm trạng. Việc ngủ đủ giấc cũng rất quan trọng. Không có gì tốt hơn cho cơ thể bằng một giấc ngủ đủ. Nếu khó ngủ, bạn hãy nói với bác sĩ để được giúp đỡ.
Cách điều trị khác
Khi thuốc và liệu pháp tâm lý không có tác dụng, bác sĩ có thể đề xuất thực hiện các cách điều trị khác, như:3
- Liệu pháp co giật điện (ECT)
- Kích thích từ xuyên sọ (TMS)
- Kích thích dây thần kinh Vagus (VNS)
- Sử dụng Esketamine đường mũi
Mắc trầm cảm nặng là một tình trạng nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng hoàn toàn có thể điều trị được. Nếu thực sự muốn cải thiện tình hình, người bệnh cần tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ. Không nên tự ý ngưng thuốc hoặc bỏ các buổi gặp với chuyên viên tâm lý cũng như buổi tái khám. Ngoài ra, cũng đừng ngần ngại tìm đến sự hỗ trợ của người thân hoặc những người có chuyên môn. Sự ủng hộ của họ sẽ là động lực lớn lao để bạn vượt qua căn bệnh này.