Làm cha mẹ là một trải nghiệm đầy màu sắc và diệu kỳ: niềm vui, sự phấn khích, hạnh phúc khi chào đón một sinh linh mới chào đời. Những thay đổi về tâm lý trong thời kỳ mang thai của phụ nữ là một hiện tượng rất bình thường. Tuy nhiên, nếu những biểu hiện tiêu cực về cảm xúc (buồn bã, lo lắng) ảnh hưởng sâu đến cuộc sống thường nhật, thì đây chính là lúc người mẹ cần nhận được sự quan tâm và giúp đỡ cần thiết.
Tại sao phụ nữ lại bị trầm cảm khi mang thai?
Có con có thể là một trong những thời điểm thú vị nhất trong cuộc đời bạn, nhưng đôi khi cũng có thể gây căng thẳng. Bạn đang trải qua rất nhiều thay đổi, và đôi lúc bạn lo lắng về tương lai.
Đối với hơn 10% phụ nữ mang thai, việc chào đón đứa trẻ sắp chào đời thường xen lẫn với cảm giác buồn bã, vô vọng và lo lắng, cũng như giảm cảm giác thèm ăn và khó ngủ.
Sự thay đổi hormone trong thai kỳ có thể là nguyên nhân góp phần dẫn đến trầm cảm. Nội tiết tố thay đổi làm cảm xúc của người mẹ thay đổi. Dẫn đến thai phụ nhạy cảm hơn với những vấn đề xảy ra.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm
- Áp lực về tài chính và căng thẳng từ cuộc sống (ví dụ có người thân mới mất, di chuyển chỗ ở hoặc thay đổi công việc).
- Phụ nữ ngày nay không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi hay sống chậm lại và tận hưởng cuộc sống.
- Nỗi lo sợ về mang thai, cũng như làm thế nào để đối mặt với việc sinh nở, những căng thẳng khi làm mẹ, trách nhiệm mới.
- Một số phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, hoặc họ chưa sẵn sàng mang thai trong thời điểm hiện tại.
- Cảm giác cô lập với xã hội và không nhận được sự quan tâm đúng mực từ phía người bạn đời.
- Tiền sử bị lạm dụng hoặc bạo lực.
- Tình trạng nghiện ma túy và/hoặc rượu.
Bạn có thể dễ bị trầm cảm khi mang thai hơn nếu:
- Có tiền sử người thân trong gia đình bị trầm cảm, đặc biệt là trầm cảm sau sinh.
- Từng trầm cảm trong thời niên thiếu hoặc trong những năm trưởng thành.
- Bạn bị trầm cảm sau khi sinh em bé trước đó.
- Trước đây bạn bị vô sinh và phải điều trị bằng hormone khi cố gắng mang thai.
Các triệu chứng nhận biết
Việc trải nghiệm nhiều cảm xúc khác nhau trong khi mang thai là hiện tượng rất bình thường. Thông thường, những thay đổi này xảy ra từ tuần thứ sáu đến thứ 10. Và quay lại một lần nữa vào ba tháng cuối thai kỳ.
Một số triệu chứng trầm cảm có thể xuất hiện sớm nhất là sau hai tuần mang thai. Những triệu chứng này bao gồm:
- Tâm trạng chán nản hay buồn bã cùng cực, dai dẳng.
- Mất ngủ.
- Mất hứng thú với cuộc sống.
- Khóc không có lý do rõ ràng.
- Suy nghĩ nhiều, lo lắng quá mức, không thực tế hoặc cảm giác vô dụng hoặc vô vọng.
- Bồn chồn, luôn cảm thấy mất kiểm soát hoặc thiếu năng lượng.
- Quá lo lắng trong thai kỳ và lo lắng về khả năng làm mẹ của mình.
- Thay đổi về giấc ngủ hoặc khẩu vị (ví dụ, ngủ hoặc ăn quá ít hoặc quá nhiều).
- Tự cô lập bản thân với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
- Có suy nghĩ tự tử hoặc làm tổn thương chính mình/người khác.
Hệ quả của trầm cảm khi mang thai
Trầm cảm không được điều trị có thể giảm khả năng chăm sóc bản thân của phụ nữ, suy giảm dinh dưỡng, tăng sử dụng thuốc lá, rượu và ma túy, dẫn đến sảy thai, sinh non và sinh con nhẹ cân, thai nhi phát triển không tốt và cản trở cảm giác gắn kết với thai nhi. Sau khi sinh có thể thai nhi gặp phải một số chứng bệnh như tự kỷ, chậm phát triển.
Điều trị trầm cảm ở phụ nữ mang thai
Trầm cảm khi mang thai có thể được điều trị bằng phương pháp tâm lý hoặc sử dụng thuốc.
Nghiên cứu mới nhất cho thấy có những loại thuốc chống trầm cảm an toàn khi sử dụng trong thai kỳ. Thuốc thường được sử dụng trong ba tháng giữa thai kỳ để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
Có thể mất bốn đến sáu tuần để biết thuốc có tác dụng hay không. Đừng tự ý ngưng dùng thuốc cho đến khi bạn trao đổi với bác sĩ. Nếu bạn ngừng thuốc đột ngột, bạn có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng, trầm cảm và suy nghĩ tự tử.
Mặc khác, người chồng, gia đình hoặc bạn bè cũng đóng vai trò rất quan trọng giúp thai phụ vượt qua được những khủng hoảng thai kỳ:
- Đi cùng vợ đến các cuộc hẹn khám thai định kỳ.
- Giúp đỡ việc nhà như nấu ăn và dọn dẹp.
- Đề nghị giữ trẻ lớn.
Phòng tránh cảm xúc tiêu cực trong khi mang thai
Tập thể dục và ăn uống điều độ để giúp giữ tâm trạng của bạn trong tầm kiểm soát.
Tránh xa căng thẳng. Nếu một số người hoặc tình huống khiến bạn khó chịu, hãy tránh xa họ nhiều nhất có thể. Đừng nhận thêm việc tại công ty hoặc trong cộng đồng. Học cách nói “không” – nếu bạn có quá nhiều việc phải làm, nó có thể gây căng thẳng.
- Dành thời gian để thư giãn và nghỉ ngơi. Hãy để bản thân nghỉ ngơi khi bạn mệt mỏi.
- Tìm sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè. Bạn có thể yêu cầu mọi người giúp đỡ trong công việc và việc nội trợ. Điều quan trọng nhất là bạn cần phải nghỉ ngơi để chăm sóc cơ thể và tránh xa căng thẳng.
- Chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của bạn với người khác. Nếu bạn lo lắng, buồn bã, hãy tâm sự với người bạn đời, hoặc một người bạn đáng tin cậy hay một thành viên trong gia đình.
Phụ nữ khi mang thai phải đối mặt với rất nhiều thay đổi về tâm lí. Họ rất cần sự trợ giúp từ phía người chồng, gia đình và bạn bè. Do vậy, việc quan tâm, chăm sóc và dành thời gian tâm sự với thai phụ là hết sức quan trọng. Giúp thai phụ tránh xa các cảm xúc tiêu cực, căng thẳng và trầm cảm khi mang thai.