Thuốc chữa bệnh hoang tưởng là một phần quan trọng của quá trình điều trị tình trạng này. Chúng góp phần làm giảm hiện tượng ảo tưởng hay ảo giác, nhất là khi hoang tưởng là triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt. Dưới đây, chúng ta sẽ cùng Chuyên viên Tâm lý Nguyễn Thị Hương tìm hiểu cụ thể về các loại thuốc chữa hoang tưởng cũng như những chú ý khi sử dụng.
Những tiêu chí chọn thuốc chữa bệnh hoang tưởng
Có khá nhiều loại thuốc chữa bệnh hoang tưởng. Do đó, khi lựa chọn thuốc chữa bệnh cho bệnh nhân, các bác sĩ cần dựa trên các yếu tố sau:1
- Chỉ định của thuốc có phù hợp với tình trạng sinh lý hiện tại của bệnh nhân?
- Thuốc đó hoạt động như thế nào với các triệu chứng của bệnh nhân?
- Thời gian dùng thuốc.
- Phản ứng phụ của loại thuốc đó ra sao?
- Có tương tác thuốc nào quá nghiêm trọng không?
- Người bệnh có thể tìm kiếm loại thuốc đó dễ dàng như thế nào?
- Giá cả của từng loại thuốc.
Bác sĩ sẽ đưa ra những điều chỉnh về liều lượng tùy theo thời gian và tình trạng bệnh. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể phải uống nhiều hơn một loại thuốc chữa bệnh loạn thần.
Các loại thuốc chữa bệnh hoang tưởng
Thuốc chữa hoang tưởng được sử dụng rộng rãi hiện nay được gọi là thuốc chống loạn thần. Chúng làm dịu các hiện tượng thường gặp như ảo tưởng và ảo giác. Loại thuốc này hoạt động dựa trên cơ chế của các chất hóa học trong não như dopamine và serotonin. Người bệnh có thể dùng thuốc trong một thời gian ngắn để giảm nhanh các triệu chứng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp sẽ phải dùng suốt đời dù bệnh đã thuyên giảm. Hiện nay, thuốc chống loạn thần có ba dạng phổ biến là thuốc viên, chất lỏng hoặc dạng tiêm, bao gồm:
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.
Thuốc chống loạn thần điển hình
Hay còn gọi là thuốc chống loạn thần thông thường hoặc thuốc chống loạn thần thế hệ đầu tiên. Chúng bao gồm một số cái tên phổ biến như: Chlorpromazine, Fluphenazine, Haloperidol, Perphenazine,…
Chúng hoạt động bằng cách ức chế dẫn truyền thần kinh dopaminergic. Hiệu quả tốt nhất khi thuốc ngăn chặn khoảng 72% thụ thể D2 dopamine trong não. Ngoài ra các thuốc này cũng có tác dụng ngăn chặn noradrenergic, cholinergic và histaminergic.2
Thuốc chống loạn thần không điển hình
Hay còn gọi là thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai. Có thể kể đến Aripiprazole, Aripiprazole lauroxil, Asenapine, Brexpiprazole, Cariprazine, Clozapine,…
Cơ chế hoạt động của thuốc: ngăn chặn thụ thể dopamine D2 cũng như đối kháng thụ thể serotonin. Loại 5-HT2A của thụ thể serotonin thường có liên quan nhất.2
Các loại thuốc chữa bệnh hoang tưởng khác
Bên cạnh thuốc chống loạn thần, bác sĩ còn có thể kê thêm một số loại thuốc khác để điều trị bổ sung. Trường hợp này thường gặp khi hoang tưởng là một phần của bệnh tâm thần phân liệt hoặc rối loạn lưỡng cực. Chúng thường bao gồm thuốc ổn định tâm trạng hoặc thuốc chống trầm cảm.
Những tác dụng phụ của thuốc chữa bệnh hoang tưởng
Bên cạnh tác dụng chữa bệnh, các loại thuốc chữa hoang tưởng cũng có những tác dụng phụ đáng kể. Người bệnh cũng như người chăm sóc cần biết điều này để có những biện pháp ứng phó kịp thời.1 2
Tác dụng phụ của thuốc chống loạn thần
Tác dụng phụ của các loại thuốc chống loạn thần điển hình sẽ khác với các loại không điển hình. Trong đó, tác dụng phụ điển hình nhất là tăng cân. Người bệnh cũng có thể sẽ khó kiểm soát được lượng đường trong máu và mức cholesterol. Bên cạnh đó nếu sử dụng lâu dài, chúng có thể có một tác dụng phụ nghiêm trọng là rối loạn vận động. Khi đó, người bệnh có thể không kiểm soát được cơ mặt, cổ và lưỡi. Ngoài ra, loại thuốc này còn có thể gây ra một số tình trạng dưới đây:
- Buồn nôn, khô miệng, táo bón.
- Chóng mặt, buồn ngủ hoặc cảm thấy bồn chồn.
- Huyết áp thấp.
- Mờ tầm nhìn.
- Co giật.
- Ảnh hưởng đến ham muốn tình dục.
Tác dụng phụ của các loại thuốc chữa bệnh hoang tưởng bổ sung
Không chỉ riêng thuốc chống loạn thần, các loại thuốc bổ sung cho quá trình chữa trị cũng có thể có những tác dụng phụ đáng kể. Trong đó, thuốc bình ổn tâm trạng có thể khiến người bệnh cảm thấy ngứa, phát ban, khát nước, buồn tiểu… Đối với thuốc chống trầm cảm, tác dụng phụ của chúng cũng gần giống với thuốc chữa bệnh hoang tưởng. Chúng bao gồm các ảnh hưởng như làm cho người bệnh mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy, tăng cân,…
Những chú ý khi sử dụng thuốc chữa bệnh hoang tưởng
Để đạt được hiệu quả cao trong quá trình điều trị bệnh hoang tưởng bằng thuốc, người bệnh cần chú ý một số điểm dưới đây:
- Bạn có thể cảm thấy tác dụng tích cực của thuốc ngay sau khi sử dụng. Tuy nhiên cũng có trường hợp chỉ thấy triệu chứng chuyển biến tích cực sau 4-6 tuần.
- Người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ việc sử dụng thuốc theo các yêu cầu của bác sĩ. Trong đó bao gồm cả việc uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng. Người bệnh có thể sẽ khó tuân thủ điều này do đó họ cần có sự hỗ trợ chăm sóc của người thân.
- Đảm bảo dùng thuốc đủ thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ để có thể biết loại thuốc đó có hiệu quả hay không. Việc này có thể sẽ mất đến vài tuần. Việc thay đổi loại thuốc cũng có thể diễn ra theo chỉ định của bác sĩ.
- Cần nói với bác sĩ về các tác dụng phụ của thuốc nếu như gặp phải để có những điều chỉnh kịp thời.
Thuốc chữa bệnh hoang tưởng là một phần rất quan trọng trong việc điều trị căn bệnh này. Chính vì vậy, người bệnh cần tuân thủ đúng các hướng dẫn của bác sĩ khi sử dụng thuốc. Bên cạnh đó, các liệu pháp tâm lý cũng như sự hỗ trợ của người thân là rất cần thiết. Tất cả sẽ giúp người bệnh có những tiến triển tích cực hơn và sớm hồi phục.