Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là bệnh lý có thể gây đau mỏi vùng cổ, vai gáy, hay tê bì cánh tay… Tình trạng này kéo dài có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy nguyên nhân của bệnh lý này là gì? Cách điều trị như thế nào? Mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đào Duy Phương tìm hiểu về thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ qua bài viết sau nhé.

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là gì?

Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi nhân nhầy của đĩa đệm vỡ ra qua một vết rách của vòng xơ. Nhân nhầy gây kích ứng rễ thần kinh, gây ra một sự kích thích đó giống như một kích ứng hóa học. Cơn đau là do viêm và sưng rễ thần kinh do áp lực của đĩa đệm thoát vị gây ra. Theo thời gian, mảnh thoát vị có xu hướng co lại và bạn có thể giảm đau một phần hoặc hoàn toàn. Trong hầu hết các trường hợp, đau cổ hoặc cánh tay sẽ giảm trong khoảng 6 tuần.

Lồi đĩa đệm xảy ra khi vòng xơ vẫn còn nguyên vẹn nhưng tạo thành một chỗ lồi ra có thể chèn ép lên các rễ thần kinh. Đĩa thoát vị thực sự xảy ra khi vòng xơ bị nứt hoặc vỡ, cho phép nhân nhầy trung tâm bị ép ra. Đôi khi thoát vị nghiêm trọng đến mức xuất hiện một mảnh rời, có nghĩa là một mảnh đã vỡ hoàn toàn khỏi đĩa đệm và nằm trong ống sống.

Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ

Thoát vị đĩa đệm nói chung có các triệu chứng rất khác nhau, tùy thuộc vào vị trí thoát vị và phản ứng của cơ thể đối với cơn đau.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi

Đối với thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, người bệnh có thể cảm thấy đau lan tỏa xuống cánh tay và có thể vào bàn tay.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể đau vai, đau cổ khi xoay đầu hoặc cúi ngửa nghiên cổ. Đôi khi có thể bị co thắt cơ (có nghĩa là cơ thắt chặt không kiểm soát được). Đôi khi kèm theo theo tê và giảm cảm giác. Có thể bị yếu cơ và teo cơ ở tay.

Người bệnh có thể nhận thấy cơn đau đầu tiên khi thức dậy, mà không có bất kỳ chấn động nào có thể gây ra chấn thương. Một số bệnh nhân cảm thấy dễ chịu bằng cách giữ cánh tay ở vị trí cao phía sau đầu; vì vị trí này làm giảm áp lực lên rễ thần kinh.

Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ

Nâng vật nặng không đúng cách có thể khiến đĩa đệm phình to, lồi ra; hoặc thoát vị do chấn thương, hoặc có thể xảy ra tự phát.

Sự lão hóa cũng đóng một vai trò quan trọng. Khi lớn tuổi, đĩa đệm mất nước trở nên khô và cứng hơn. Vòng xơ phía ngoài của đĩa có thể yếu đi. Nhân nhầy có thể phồng lên hoặc vỡ ra qua một vết rách của vòng xơ, gây đau khi chạm vào dây thần kinh.

Di truyền, hút thuốc lá và một số hoạt động nghề nghiệp, cũng như giải trí không phù hợp dẫn đến thoái hóa đĩa đệm sớm hơn.

Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ

Khi bị đau lần đầu tiên, người bệnh hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Các bác sĩ sẽ khai thác đầy đủ tiền sử y khoa để hiểu những triệu chứng, tổn thương và bệnh lý có từ trước và xác định xem có thói quen lối sống nào gây đau hay không. Tiếp theo, họ sẽ khám để xác định nguồn gốc của cơn đau và kiểm tra xem có bị yếu hoặc tê cơ hay không.

Bác sĩ có thể đề nghị một hoặc nhiều chẩn đoán hình ảnh sau: X-quang, MRI, myelogram, CT scan hoặc EMG. Dựa trên kết quả, bạn có thể được giới thiệu đến bác sĩ thần kinh, bác sĩ chỉnh hình hoặc bác sĩ ngoại thần kinh để điều trị.

MRI (chụp bên) cho thoát vị đĩa đệm C4 C5. Cũng được chỉ ra là các dấu hiệu của hẹp cột sống, một sự hẹp của ống sống làm cho cột sống xuất hiện nếp nhăn

Điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ

Điều trị bảo tồn không phẫu thuật

Điều trị bảo tồn là bước đầu tiên để phục hồi. Bao gồm các phương pháp:

  • Sử dụng thuốc;
  • Nghỉ ngơi, xoa bóp;
  • Tập vật lý trị liệu;
  • Tập thể dục tại nhà;
  • Thủy liệu pháp.
  • Chăm sóc khớp xương và kiểm soát cơn đau. 

Trên 95% người bệnh bị đau cánh tay do thoát vị đĩa đệm cổ cải thiện trong khoảng 6 tuần và trở lại hoạt động bình thường. Nếu việc điều trị bảo tồn không phẫu thuật không cho thấy hiệu quả hoặc các triệu chứng ngày càng nặng hơn, việc phẫu thuật có thể được xem xét.

Điều trị phẫu thuật

Khi các triệu chứng tiến triển hoặc không thuyên giảm khi điều trị bảo tồn, phẫu thuật có thể là một lựa chọn. Các yếu tố như tuổi, thời gian kéo dài, các vấn đề y tế khác, phẫu thuật cổ trước đây và kết quả mong đợi được xem xét trong việc lập kế hoạch phẫu thuật.

Cách tiếp cận phổ biến nhất đối với phẫu thuật thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là lối trước (phía trước cổ). Cách tiếp cận lối sau (từ phía sau) có thể được thực hiện nếu cần giải ép cho các tình trạng khác như hẹp.

1. Phẫu thuật hàn xương cột sống cổ lối trước (ACDF)

Bác sĩ phẫu thuật thực hiện một vết rạch nhỏ ở phía trước cổ theo nếp lằn da cổ của bạn. Các cơ cổ, mạch máu, dây thần kinh được di chuyển sang một bên để lộ bờ trước thân sống và đĩa đệm. Phần đĩa đệm bị vỡ đang đè lên dây thần kinh sẽ được lấy ra. Sau khi loại bỏ khối thoát vị, không gian đĩa có thể được lấp đầy bằng mảnh ghép xương hoặc lồng để tạo ra sự hàn xương.

Hàn xương là quá trình nối hai hoặc nhiều xương. Theo thời gian, mảnh ghép sẽ hợp nhất với đốt sống trên và dưới để tạo thành một mảnh xương rắn chắc. Các tấm nẹp kim loại và vít có thể được sử dụng để tạo ra sự ổn định trong quá trình làm cứng và có thể có tốc độ hàn xương tốt hơn.

Trong làm cứng cột sống, một tấm nẹp kim loại và vít được sử dụng để giữ ghép xương giữa 2 đốt sống. Trong 3 đến 6 tháng, xương mới lấp đầy không gian tạo thành một mảnh xương rắn chắc

2. Thay đĩa đệm nhân tạo

Trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ phần trước, một thiết bị có thể di chuyển bắt chước chuyển động tự nhiên của đĩa đệm được đưa vào không gian đĩa bị tổn thương. Một đĩa nhân tạo bảo toàn chuyển động, trong khi sự hợp nhất loại bỏ chuyển động. Được làm bằng kim loại và nhựa, chúng tương tự như thay khớp háng và khớp. Kết quả cho đĩa nhân tạo so với ACDF (tiêu chuẩn vàng) là tương đương, nhưng thay thế đĩa cột sống cổ bảo tồn chuyển động và có lẽ tránh được chịu lực của tầng kế cận, nhưng điều này vẫn còn là một giả thuyết và chưa được chứng minh.

3. Phẫu thuật cắt bỏ nội soi/vi phẫu xâm lấn tối thiểu

Bác sĩ phẫu thuật rạch một vết nhỏ ở phía sau cổ. Các ống nhỏ gọi là ống nong được sử dụng với đường kính tăng dần để mở rộng đường hầm đến đốt sống. Một phần xương bản sống được lấy ra để lộ rễ thần kinh và đĩa đệm. Bác sĩ phẫu thuật sử dụng nội soi hoặc kính hiển vi để loại bỏ đĩa đệm bị vỡ. Kỹ thuật này ít gây tổn thương cơ hơn so với phẫu thuật mổ truyền thống.

4. Cắt bỏ cột sống cổ sau

Bác sĩ phẫu thuật rạch một đường 1-2 inch ở đường giữa phía sau cổ. Để tiếp cận đĩa đệm bị tổn thương, các cơ cột sống được bóc tách và di chuyển sang bên để lộ ra các đốt sống xương. Một phần của bản sống được loại bỏ để tiếp cận rễ thần kinh và vùng đĩa đệm. Phần đĩa đệm bị vỡ đang chèn ép dây thần kinh cột sống được lấy ra một cách cẩn thận. Các lỗ liên hợp mà qua đó rễ thần kinh thoát ra khỏi cột sống thường được mở rộng để ngăn chặn sự tái phát.

Qua bài viết trên, hi vọng bạn đọc đã có cái nhìn tổng quan về bệnh lý thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ. Từ đó, có những kiến thức hữu ích giúp bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và những người thân xung quanh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *