Teo não: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Teo não là một tình trạng phổ biến trong các bệnh lý ảnh hưởng đến não bộ. Đây có thể chỉ là hậu quả của quá trình lão hóa tự nhiên, chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nhưng bệnh cũng có thể vô cùng nguy hiểm. Nó dọa trực tiếp đến sức khỏe người bệnh, ảnh hưởng đến tuổi thọ của một người. Thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Để hiểu rõ hơn về bệnh teo não, mời bạn cùng Bác sĩ Cao Hoàng Nhã tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

Teo não là gì?

Teo não là bệnh lý gây nên bởi sự suy giảm số lượng tế bào não do thoái hóa hay chết và mất khả năng kết nối giữa các tế bào thần kinh. Từ đó, khiến thông tin dẫn truyền từ trung khu thần kinh tới các bộ phận chức năng bị gián đoạn. Nó khiến não bộ không hoàn thành được chức năng nhiệm vụ của mình.

Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến toàn bộ não bộ hoặc khu trú – chỉ ảnh hưởng đến một vùng giới hạn của não và dẫn đến suy giảm các chức năng mà vùng não đó kiểm soát. Nếu hai bán cầu đại não bị ảnh hưởng bởi quá trình này, những suy nghĩ có ý thức và các quá trình tự động trong cơ thể có thể bị suy giảm.

Teo não khiến não bộ không hoàn thành được chức năng nhiệm vụ của mình

Nguyên nhân teo não

Nguyên nhân teo não có thể do quá trình lão hóa của con người. Giống như các cơ quan khác, não bộ cũng bị thoái hóa dần theo thời gian. Biểu hiện là sự mất dần thể tích, khối lượng. Đi kèm là sự suy giảm chức năng, biểu hiện ở các mặt hành vi, ngôn ngữ, ghi nhớ. Đối tượng có nguy cơ cao teo não thông thường là những người cao tuổi.1

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi

Bệnh teo não cũng có nhiều nguyên nhân khác. Chúng làm cho tiến trình teo não diễn ra và biểu hiện lâm sàng sớm, trước 65 tuổi. Đó có thể do di truyền, do các bệnh của hệ thống mạch máu nuôi dưỡng não, chẳng hạn hẹp động mạch cảnh, dị dạng mạch máu hay xơ vữa động mạch.

Diễn tiến và tốc độ tiến triển của bệnh phụ thuộc vào các bệnh nền liên quan. Đó cũng có thể được xem là nguyên nhân gây bệnh như sau:1 2 3

  • Đột quỵ: bệnh xảy ra do sự gián đoạn đột ngột của nguồn cung cấp máu cho não.
  • Chấn thương sọ não.
  • Bệnh Alzheimer.
  • Người già mất trí nhớ, sa sút trí tuệ do xơ vữa mạch máu.
  • Bệnh đái tháo đường tuýp II.4
  • Sử dụng steroid thường xuyên.5
  • Bại não.
  • Bệnh Pick, gây ra sự phá hủy dần các tế bào thần kinh trong não.
  • Bệnh Huntington.
  • Leukodystrophy, bệnh Krabbe, căn bệnh gây hủy bao myelin bọc ngoài các sợi trục dẫn truyền thần kinh.
  • Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.
  • Viêm não.
  • Bệnh đa xơ cứng, bệnh động kinh.
  • Bệnh thần kinh cơ do ty lạp thể, chẳng hạn như hội chứng Kearns-Sayre.
  • Suy dinh dưỡng, do thiếu hoặc dư thừa dinh dưỡng từ thực phẩm.6
  • Các rối loạn ăn uống như chán ăn tâm thần, ăn vô độ tâm thần.7
  • AIDS và bệnh của hệ thống miễn dịch.

Ngoài ra, thiếu vitamin B12 cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh teo não. Lượng vitamin B12 càng thấp thì có nghĩa là thể tích não càng giảm. Theo nghiên cứu tại Anh, những người có mức vitamin B12 thấp nhất bị giảm tới 1/6 thể tích não so với những người có nồng độ vitamin B12 trong cơ thể cao nhất.8

Triệu chứng teo não

Các triệu chứng teo não bao gồm:1 2 3 9

Mất trí nhớ

Đây là triệu chứng đầu tiên và xuất hiện rất sớm. Chứng sa sút trí tuệ được đặc trưng bởi sự suy giảm dần của trí nhớ và chức năng trí tuệ, cản trở các kỹ năng xã hội và công việc.

Diễn tiến ngày càng nặng và không hồi phục. Thường biểu hiện mất trí nhớ gần (quên những sự vật mới xảy ra). Thường quên những việc hàng ngày như “đã dùng bữa hay chưa” hoặc không nhớ được ăn những gì. Thậm chí dần dần họ quên ngày, tháng, quên tên các người thân trong gia đình. Khi ra khỏi nhà quên đường đi, lối về.

Trí nhớ, định hướng, khả năng trừu tượng, khả năng học hỏi, nhận thức không gian – thị giác và các chức năng điều hành cao hơn như lập kế hoạch, tổ chức và trình tự cũng có thể bị suy giảm, có khi không tính được những phép toán đơn giản,…

Rối loạn phối hợp động tác

Người bệnh không chú ý đến trang phục, mặc quần áo khó khăn, khó thực hiện những công việc thường ngày. Người bệnh yếu cơ, run, hay bị chuột rút. Vì thế, ảnh hưởng đến các công việc vệ sinh cá nhân như tắm, rửa, thay quần áo.

Rối loạn ngôn ngữ

Mất ngôn ngữ (Aphasia) là một nhóm rối loạn đặc trưng bởi rối loạn khả năng nói và hiểu ngôn ngữ.

  • Chứng mất ngôn ngữ tiếp thu gây ra suy giảm khả năng hiểu.
  • Chứng mất ngôn ngữ diễn đạt được biểu hiện trong việc lựa chọn từ ngữ kỳ quặc. Người bệnh khó tìm từ ngữ để diễn tả ý tưởng, các câu nói không hoàn chỉnh. Họ khó phát âm, nói không trôi chảy sau đó mất dần khả năng ngôn ngữ.

Người mắc chứng mất ngôn ngữ khó tìm từ ngữ để diễn tả ý tưởng

Trầm cảm

Thường ở giai đoạn sớm, khi người bệnh còn nhận thức được sự suy giảm nhiều chức năng não bộ.

Loạn thần

Có thể là ảo thị với các hình ảnh kỳ quái, nhưng đa số là chứng hoang tưởng bị hại.

Diễn tiến tự nhiên của bệnh teo não từ lúc xuất hiện triệu chứng đầu tiên cho đến lúc bệnh nhân qua đời có thể kéo dài từ 8 – 10 năm.10

Nguyên nhân tử vong có thể là do suy kiệt hoặc do các bệnh lý khác. Những bệnh này có thể là biến chứng bệnh teo não gây ra. Ví dụ: viêm phổi (nằm lâu gây ứ đọng), nhiễm trùng do loét tỳ đè (với người nằm nhiều) hoặc do bệnh tim mạch,…10

Giai đoạn bệnh

Một trong số những nguyên nhân của teo não là bệnh Alzheimer’s. Và trong số các bệnh nhân Alzheimer’s, có đến 90% là khởi phát và được chẩn đoán sau 65 tuổi. Chỉ 10% có biểu hiện và được chẩn đoán trước 65 tuổi, được gọi là bệnh Alzheimer’s khởi phát sớm.9

Bệnh Alzheimer’s trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Cơ cấu 7 giai đoạn của bệnh Alzheimer’s dựa trên một hệ thống được phát triển bởi Tiến sĩ Y khoa Barry Reisberg, giám đốc lâm sàng của New York University School of Medicine’s Silberstein Aging and Dementia Research Center.10

Ở những giai đoạn 1, 2 và 3, những biểu hiện lâm sàng thường không có đến nhẹ. Vì thế, nó không được lưu tâm và thường chưa đưa người bệnh đến khám hoặc chẩn đoán.

Ở những giai đoạn tiếp theo, biểu hiện ngày càng rõ ràng và nặng dần. Ở giai đoạn 4, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch công việc hoặc suy giảm trí nhớ ngắn hạn.

Giai đoạn 5 đặc trưng bởi không thể nhớ được số điện thoại, địa chỉ nhà hay cơ quan. Nhưng các hoạt động tối thiểu như ăn uống và vệ sinh vẫn thực hiện được. Khi các hoạt động cơ bản này gặp khó, người bệnh có đặc trưng của giai đoạn 6.

Và đến giai đoạn 7 – giai đoạn cuối, họ thờ ơ, lãnh cảm và mất phản ứng với môi trường xung quanh. Họ cũng có thể mất khả năng mỉm cười, tự ngồi xuống và ngẩng cao đầu. Các phản xạ trở nên bất thường. Cơ bắp dần dần cứng lại. Việc nuốt thức ăn ngày càng khó khăn.

Từ lúc xuất hiện triệu chứng teo não đầu tiên cho đến lúc qua đời có thể kéo dài từ 8 – 10 năm.

Người bệnh thường có biểu hiện suy giảm trí nhớ

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn hoặc người thân đang gặp vấn đề về suy nghĩ, trí nhớ và cảm xúc, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra. Vì đây là những triệu chứng chung. Điều quan trọng là phải đánh giá toàn diện để xác định tình trạng cụ thể.

Đối với hầu hết các tình trạng gây teo não, điều trị sớm có thể giúp giảm tốc độ tiến triển các triệu chứng. Nó cũng giúp giảm thiểu tác động của bệnh đến cuộc sống của bạn.

Bệnh teo não được chẩn đoán như thế nào?

Để chẩn đoán teo não và bất kỳ tình trạng nội khoa đi kèm nào, bác sĩ thường sẽ hỏi về:1

  • Triệu chứng. Chúng bắt đầu có từ khi nào? Tần suất xảy ra? Có tiến triển xấu hơn theo thời gian không?
  • Tiền sử bệnh của bản thân và gia đình.

Quá trình chẩn đoán phụ thuộc vào nguyên nhân bác sĩ nghi ngờ bạn mắc phải. Thường sẽ bao gồm một cuộc đánh giá lâm sàng toàn diện bằng nhiều phương tiện. Theo sau đó là các cận lâm sàng nhất định.

Thăm khám lâm sàng đánh giá sự phối hợp các động tác, chuyển động mắt. Nó cũng đánh giá khả năng ngôn ngữ, tư duy, trí nhớ và giải quyết vấn đề.1

Teo não có thể phát hiện trên MRI không? Có, teo não có thể hiển thị trên hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) sọ não. Chụp cắt lớp vi tính (CT) cũng có thể phát hiện chứng teo não. Nhưng MRI nhạy hơn trong việc tiết lộ tổn thương xảy ra ở một số vùng cụ thể trong não của bạn (tổn thương khu trú).1

Điều trị teo não

Một khi mất đi các tế bào nơ-ron thần kinh, các khiếm khuyết thần kinh để lại là không thể hồi phục. Vì vậy không có cách chữa khỏi bệnh teo não. Hiện nay, điều trị triệu chứng và biến chứng của bệnh là nguyên tắc điều trị chủ yếu. Cụ thể:

Điều trị chứng sa sút trí tuệ và các triệu chứng mất chức năng11

1. Thuốc

Thuốc tăng cường các hóa chất trung gian kiểm soát sự dẫn truyền tín hiệu não hoặc điều trị các triệu chứng suy giảm nhận thức, đôi khi được sử dụng trong bệnh Alzheimer.

Trong các giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer’s, donepezil (aricept) hoặc rivastigmine (exelon) có thể được bác sĩ kê đơn để giúp duy trì nồng độ acetylcholine ở mức độ cao trong não của bạn. Điều này có thể giúp các tế bào thần kinh trong não của bạn gửi và nhận tín hiệu tốt hơn. Từ đó có thể làm giảm một số triệu chứng của bệnh Alzheimer.

Một loại thuốc mới hơn được gọi là aducanumab (aduhelm). Nó chỉ được khuyên dùng cho những người mắc bệnh Alzheimer sớm. Nó được cho là có thể làm giảm các mảng protein tích tụ trong não khi mắc bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, có một số lo ngại về việc liệu lợi ích tiềm năng của thuốc có lớn hơn rủi ro của nó hay không và vẫn đang được nghiên cứu.

Để điều trị bệnh Alzheimer’s giai đoạn trung bình đến giai đoạn cuối, bác sĩ có thể kê toa donepezil (aricept) hoặc memantine (namenda). Ngăn chặn tác động của glutamate dư thừa là vai trò của thuốc memantine. Glutamate được giải phóng với lượng cao hơn trong bệnh Alzheimer và chất trung gian này làm tổn thương các tế bào não.

Bác sĩ cũng có thể đề nghị dùng thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu hoặc thuốc chống loạn thần. Mục đích là giúp điều trị các triệu chứng liên quan đến bệnh Alzheimer’s. Các triệu chứng này thay đổi tùy theo sự tiến triển của bệnh. Có thể bao gồm: phiền muộn, khó ngủ vào ban đêm, kích động, ảo giác.

Mặc dù nhu cầu chăm sóc của một người mắc bệnh Alzheimer’s sẽ tăng lên theo thời gian, nhưng các triệu chứng chính xác sẽ khác nhau ở mỗi người.

Một số nghiên cứu đã gợi ý rằng vitamin E có thể giúp làm chậm diễn tiến của bệnh Alzheimer. Đặc biệt là khi dùng chung với các loại thuốc như donepezil, làm tăng acetylcholine trong não. Nhưng nghiên cứu khác không tìm thấy lợi ích khi dùng vitamin E đối với bệnh Alzheimer.12 Cần có thêm nhiều bằng chứng thuyết phục hơn.

Trước khi dùng bất cứ thuốc hay thực phẩm chức năng gì, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Bởi vì hiệu ứng tương tác thuốc có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả của một số loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh Alzheimer.

2. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu để cải thiện chức năng và đảm bảo tối ưu việc thực hiện các hoạt động hàng ngày. Nó giúp phòng ngừa các biến chứng do suy giảm chức năng gây ra.

Ngoài ra, việc tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân được bắt đầu từ giai đoạn sớm.

Điều trị các triệu chứng khác của bệnh teo não11

Co giật: dùng thuốc dự phòng co giật để phòng ngừa. Thuốc làm giảm tần suất lên cơn hay mức độ co giật.

Hỗ trợ tâm lý: cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân thông qua liệu pháp nhận thức hành vi. Khuyến khích họ tham gia các hoạt động văn hóa và thể dục thể thao. Kích thích nhận thức và giúp người bệnh dần dần nhớ lại những sự việc, sự kiện đã quên.

Liệu pháp nói để giảm tác động của chứng mất ngôn ngữ.

Vật lý trị liệu để làm giảm tốc độ diễn tiến mất kiểm soát cơ. Điều này giúp duy trì các sinh hoạt cơ bản.

Điều trị nguyên nhân hoặc các yếu tố thúc đẩy diễn tiến bệnh. Ví dụ: nhiễm trùng hoặc chấn thương cơ bản dẫn đến teo não.

Các biện pháp hỗ trợ11

Thực hiện một lối sống năng động, lành mạnh là cách tốt nhất để làm chậm sự tiến triển của bệnh teo não. Nó cũng giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh teo não.

Chế độ ăn uống giàu rau quả và trái cây có tác dụng chống oxy hóa: có thể bao gồm thực phẩm chức năng bổ sung vitamin, nhất là vitamin B12, các loại đa sinh tố nhằm làm giảm tốc độ tiến triển của bệnh, đặc biệt là các trường hợp teo não do thiếu hụt vitamin B12.

Thường xuyên tăng cường hoạt động trí óc và tích cực rèn luyện thể lực.

Những giai đoạn cuối: đề phòng viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, loét tì đè do nằm lâu không vận động.

Các phương pháp điều trị bổ sung11

Các phương pháp điều trị bổ sung dù vẫn chưa có nghiên cứu về tính hiệu quả  nhưng có thể giúp một số bệnh nhân trong nỗ lực đối phó với chứng teo não. Các phương pháp điều trị này bao gồm thực phẩm dinh dưỡng và thảo dược tự nhiên, châm cứu, liệu pháp xoa bóp, yoga.

Phòng ngừa bệnh teo não như thế nào?

Sự sụt giảm thể tích của não ở một mức độ nào đó được đánh giá là nằm trong quá trình lão hóa bình thường. Nhưng áp dụng những thói quen lành mạnh có thể làm giảm một số yếu tố nguy cơ dẫn đến teo não. Nó cũng giúp bạn cải thiện cuộc sống hàng ngày của mình:

  • Tuân thủ điều trị thuốc và không thuốc để kiểm soát các bệnh nội khoa như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh đái tháo đường, béo phì, xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa khác. Vì đây là các bệnh lý góp phần thúc đẩy tình trạng thiếu máu não cục bộ dẫn đến teo não.
  • Sử dụng đồ uống có cồn ở mức cho phép, không lạm dụng rượu bia.
  • Bỏ thuốc lá.
  • Nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường thể lực, sức đề kháng của cơ thể. Nên tăng cường ăn rau, trái cây và các loại thực phẩm giàu sinh tố, giàu vi khoáng. Hạn chế thực phẩm quá nhiều dầu mỡ, chất béo no. Bổ sung các chất béo không no, rất dồi dào trong các thực phẩm từ cá.
  • Chế độ rèn luyện cơ thể hợp lý cả về trí óc và thể lực.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Kiểm soát căng thẳng, điều này có liên quan đến huyết áp cao, bệnh tim và đột quỵ. Luôn tạo cho mình không khí vui vẻ, giảm các loại gây căng thẳng thần kinh không cần thiết (tránh xa các việc gây suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng thần kinh…).
  • Thường xuyên trao đổi với bác sĩ về việc quản lý các yếu tố nguy cơ nếu bạn có nguy cơ cao.

Bỏ hút thuốc, không lạm dụng rượu bia,… sẽ giúp phòng ngừa teo não

Teo não là tình trạng mất các tế bào thần kinh trong não hoặc mất số lượng kết nối giữa các tế bào thần kinh. Đa số trường hợp có diễn tiến tự nhiên nặng dần theo thời gian. Ở những giai đoạn sớm có thể không ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, teo não đôi khi có thể dẫn đến các triệu chứng. Ví dụ: suy giảm trí nhớ, mất ngôn ngữ, co giật và đôi khi nặng có thể đe dọa tính mạng. Vì vậy, người bệnh nên đi khám sớm để chẩn đoán nguyên nhân gây teo não và đưa ra phương pháp điều trị tích cực từ đầu nếu có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh teo não. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin cần thiết cho bạn đọc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *