Từ trước tới nay nhắc đến người bệnh tâm thần, mọi người sẽ nghĩ ngay đến “người bị điên”. Họ thường lang thang ngoài đường, quần áo rách rưới, nhếch nhác; dễ bị kích động, chửi mắng hoặc có những hành vi rất kì lạ. Còn trong y khoa, bệnh thuộc phổ tâm thần phân liệt và các rối loạn loạn thần khác. Các bạn có tò mò tại sao tên bệnh lại là tâm thần phân liệt, biểu hiện bệnh như thế nào? Tại sao mắc bệnh và liệu có điều trị hết được không? Hãy cùng YouMed tìm hiểu về bệnh qua chuỗi bài “Tâm thần phân liệt đáng thương hay đáng sợ?” nhé.
1. Thuật ngữ
Tâm thần là một hoạt động cấp cao của não bộ, gồm ba mảng gắn bó mật thiết với nhau là tư duy, cảm xúc và hành vi. Ở người bệnh tâm thần phân liệt, ba hoạt động này bị phân rã, không còn phù hợp với nhau nói dễ hiểu thì là nghĩ một đường làm một nẻo nên được gọi là “phân liệt”.
Còn loạn thần là một thuật ngữ chung chung. Các triệu chứng loạn thần có thể xảy ra trong nhiều bệnh chứ không riêng gì tâm thần phân liệt. Người bị loạn thần thường không thể phân biệt đâu là thực tại đâu là suy nghĩ, là “thế giới riêng”của mình. Hoang tưởng và ảo giác là hai triệu chứng nổi bật của loạn thần. Bên cạnh đó còn có lời nói và hành vi vô tổ chức.
2. Triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt thường xuất hiện từ khi còn là thiếu niên. Bệnh tiến triển từ từ, làm thay đổi cách con người suy nghĩ và hành xử. Ban đầu, các dấu hiệu rất khó để nhận ra. Các triệu chứng như thu rút xã hội, thay đổi trong sinh hoạt, ngủ nghỉ có thể nhầm lẫn như là một giai đoạn của tuổi dậy thì. Bệnh thường diễn tiến theo từng đợt. Trong suốt giai đoạn bệnh các triệu chứng của họ thường nặng (gọi là giai đoạn cấp), sau đó là giai đoạn có ít hoặc không có triệu chứng.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Sức khỏe tâm thần, tải ngay ứng dụng YouMed.
Các triệu chứng của bệnh bao gồm:
Ảo giác
Là rối loạn về tri giác mà người bệnh có thể nhìn, nghe, ngửi, nếm hoặc cảm nhận về một thứ có thể là con người, đồ vật hay bất cứ thứ gì mà không tồn tại trong thực tế. Ảo giác thường gặp nhất là ảo thanh. Khi đó, bệnh nhân có thể nghe được tiếng của người anh đã mất, hoặc một giọng nói lạ đang thì thầm vào tai dẫu rằng họ đang ngồi một mình và xung quanh không có ai. Những tiếng nói đó có thể bình luận, nhận xét các hoạt động đang diễn ra, tâm sự, tỉ tê hoặc yêu cầu trực tiếp bệnh nhân làm bất cứ điều gì.
Cũng có khi bệnh nhân chỉ là người thứ ba đang nghe về cuộc đối thoại giữa hai hoặc nhiều ảo thanh đang nói chuyện. Và thái độ của bệnh nhân đối với những ảo thanh đó rất quan trọng, liên quan đến thái độ xử trí, có tức giận, phản kháng với giọng nói đó, thực hiện mệnh lệnh của ảo thanh, hay sợ hãi, yêu thích, phớt lờ ảo giác… rất cần để biết.
Hoang tưởng
Là một triệu chứng khác nằm trong tiêu chuẩn chẩn đoán của tâm thần phân liệt. Đây cũng là từ chúng ta thường dùng để nói ai đó tin vào việc mà không có thực, cho dù điều đó rất kì lạ, không thực tế, thậm chí có những bằng chứng chứng minh hoàn toàn sai nhưng người bệnh vẫn tin tưởng. Ví dụ, bản thân là “dân đen” nhưng luôn nói với người khác rằng mình là điệp viên, đang hoạt động bí mật cho tổ chức phòng chống tội phạm quốc tế.
Nội dung hoang tưởng thường gặp là hoang tưởng bị hại. Người bệnh tin rằng mình đang bị theo dõi, đầu độc, ám hại; thường là bởi người trong gia đình hoặc bạn bè. Họ có thể tin rằng những bài viết trên báo hoặc nội dung phát thanh viên đang nói trên ti vi là đang nói tới họ, hoặc có những diễn giải rất kì lạ về suy nghĩ của mình như bị ai đó đánh cắp, hoặc bị người khác lấy suy nghĩ của họ áp đặt vào người bệnh, và đó không phải là suy nghĩ của người…
Ngôn ngữ vô tổ chức (disorganized speech)
Bệnh nhân thường chuyển chủ đề rất nhanh từ chủ đề này qua chủ đề khác, hoặc trả lời có nội dung không liên quan với câu hỏi của bác sĩ. Tuy nhiên, người nghe vẫn có thể hiểu được. Còn nặng hơn, người bệnh có thể nói từng từ, cụm từ lộn xộn, không liên quan về mặt ngữ nghĩa, lô-gic gì cả, người nghe không thể hiểu họ đang muốn diễn đạt cái gì.
Họ đôi khi mô tả trong đầu mình rất mơ hồ như được bao phủ một lớp sương, nhiều dòng suy nghĩ cứ nối tiếp nhau. Họ khó tập trung nên không thể tập trung nghe giảng, đọc sách báo hay coi một chương trình ti vi hoàn chỉnh.
Ở bệnh nhân tâm thần phân liệt, những hành vi vô tổ chức (disorganized behavior) cũng thường xảy ra và không thể dự đoán trước được. Họ có thể đột nhiên kích động, la hét, chửi mắng đánh đuổi bất kì ai mà không có lí do nào cả. Hoặc trời đang nắng như đổ lửa vẫn đi khoác tấm áo bông dày cộp. Hoặc đứng trước một tình huống đau buồn thì lại cười nói rất to. Một số người bệnh dù đã là người trưởng thành nhưng đột nhiên có cách hành xử, nói năng như đứa con nít…
Và nhóm triệu chứng cuối dù không nổi bật, rầm rộ như các triệu chứng trên nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng của bệnh nhân, đó là các triệu chứng âm tính. Âm tính là vì đáng lẽ người bình thường phải có thì bệnh nhân tâm thần phân liệt lại không có. Còn các triệu chứng khác vừa kể ở trên trong tâm thần được xếp vào nhóm triệu chứng dương tính vì đáng lẽ không có ở người bình thường thì lại có.
Triệu chứng âm tính có thể xuất hiện vài năm trước khi triệu chứng dương tính xuất hiện. Nó thường được coi là tiền triệu của bệnh, dần dần sẽ trở nên tồi tệ, nặng nề hơn, bao gồm sống thu rút khỏi xã hội và ngày càng không quan tâm tới xung quanh kể cả bản thân bệnh nhân. Họ không còn thiết tha vệ sinh cá nhân, chẳng thèm để ý tới vẻ bề ngoài của mình.
Người bệnh dần mất đi sự yêu thích và động lực trong các mối quan hệ, kể cả tình dục. Họ mất tập trung, không muốn ra khỏi nhà và thay đổi giấc ngủ. Ít bắt chuyện với người khác, cảm thấy không có gì để nói và không thoải mái khi có nhiều người. Chính vì sự thô lỗ và lười biếng như vậy nên bệnh nhân tâm thần phân liệt thường hay có vấn đề về bạn bè và gia đình.
>> Xem tiếp: Tâm thần phân liệt đáng thương hay đáng sợ? (Phần 2)
Bài viết đã cung cấp thông tin về nguyên nhân, chẩn đoán dấu hiệu tâm thần phân liệt. Cùng tiếp tục tìm hiểu thuốc chữa trị bệnh tâm thần phân liệt. Mời các bạn đón đọc.