Suy nhược thần kinh: Nguy cơ dẫn đến trầm cảm

Suy nhược thần kinh là một định nghĩa khá quen thuộc và thường gặp trong y học. Chứng suy nhược thần kinh có liên quan chặt chẽ đến trạng thái trầm cảm và có xu hướng ngày càng gia tăng. Độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hoá.

Suy nhược thần kinh là gì?

Suy nhược thần kinh còn được gọi là rối loạn thần kinh tim, suy nhược mạn tính, hội chứng Da Costa, hội chứng căng thẳng, “trái tim người lính”, suy nhược bán cấp.

Đây là hội chứng biểu hiện các cảm giác đau hoặc tê ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, mệt mỏi, yếu người, lo lắng và ngất xỉu. Ngoài ra có thể bao gồm các triệu chứng: nhịp tim nhanh, không đều (đánh trống ngực), tay và chân đổ mồ hôi; thở nhanh bất thường; chóng mặt hoặc ngất xỉu; đổ mồ hôi nhiều.

Nói nôm na suy nhược thần kinh có thể hiểu là suy sụp tinh thần. Đây là tình trạng hoạt động của hệ thần kinh bị rối loạn khiến cảm xúc và thể chất của một người bị kích thích, ức chế tạm thời. Người mắc hội chứng suy nhược thần kinh không còn hứng thú với bất kỳ điều gì, luôn cảm thấy cơ thể uể oải mệt mỏi kéo dài, đau đầu triền miên, dễ bị kích động…

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi

Hội chứng biểu hiện các cảm giác đau hoặc tê ở các bộ phận khác nhau của cơ thể

Suy nhược thần kinh là vấn đề không thể xem nhẹ vì đây là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, chứng rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt… Nếu không được can thiệp sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng người bệnh.

Nguyên nhân gây ra suy nhược thần kinh

Nguyên nhân của suy nhược thần kinh vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, cũng như hầu hết các rối loạn khác, có thể do di truyền, nghề nghiệp (tính chất căng thẳng), tuổi tác (xảy ra trong khoảng từ 20 đến 55 tuổi) và giới tính (chủ yếu ở nam giới). Bệnh gặp ở người lao động trí óc nhiều hơn ở chân tay, ở thành thị lớn hơn ở nông thôn.

Do những nhân tố gây chấn thương tinh thần tác động trên người bệnh, kéo dài dẫn đến suy nhược thần kinh (thất bại trong công việc và đời sống, mâu thuẫn và bất hòa với tập thể, gia đình bất hòa, mất người thân,…). Thường là nhiều sang chấn tích lại, cường độ cao, làm cho người bệnh luôn ở trạng thái lo âu, căng thẳng nội tâm. Nếu không tìm ra được phương hướng giải quyết, tình trạng ức chế tinh thần tiếp diễn khiến người bệnh luôn ở trạng thái tự kiềm chế làm bệnh phát sinh.

Ngoài ra, nguyên nhân còn do một người có quá nhiều sang chấn tâm lý (stress), rất ít thời gian để nghỉ ngơi giải trí, là yếu tố thuận lợi để cho bệnh phát sinh hay phát triển.

Nguyên nhân do một người có quá nhiều sang chấn tâm lý (stress)

Những nhân tố thúc đẩy hình thành bệnh

Bệnh suy nhược thần kinh thường phát triển thầm lặng sau một thời gian căng thẳng tinh thần trường diễn và bộc lộ rõ khi gặp thêm một nhân tố thúc đẩy. Các nhân tố thúc đẩy như: người có thần kinh yếu, lao động trí óc quá mức, cuộc sống quá căng thẳng, nơi sống và nơi làm việc có nhiều nhân tố kích thích, tiếng ồn, điều kiện làm việc phức tạp, mắc bệnh viêm nhiễm mạn tính: viêm loét dạ dày, viêm đại tràng; những bệnh nhiễm độc mạn tính: nhiễm độc rượu, thiếu dinh dưỡng kéo dài, kiệt sức…

Cuộc sống quá căng thẳng và lao động trí óc quá mức khiến bệnh phát triển

Triệu chứng điển hình

Suy nhược thần kinh là một rối loạn tâm thần do căng thẳng hoặc lo lắng. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Yếu hoặc mệt mỏi, có thể đi kèm với đau ngực.
  • Nhịp tim dữ dội có thể không đều (đánh trống ngực, nhịp tim nhanh).
  • Lạnh tay và chân.
  • Thở nhanh bất thường.
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu.
  • Đổ mồ hôi nhiều
  • Bồn chồn.
  • Cảm thấy bất lực, vô vọng.
  • Né tránh, không muốn đến chỗ đông người hay tham gia các hoạt động/sự kiện xã hội thông thường.
  • Khó tập trung và hay quên mất những việc/sự kiện đơn giản trong ngày.
  • Cảm xúc thay đổi thất thường: Cảm thấy lo lắng, chán nản, dễ khóc và liên tục cáu gắt không rõ lý do, dễ cáu giận, nổi nóng hơn bình thường hoặc có cảm giác dễ tủi thân, ức chế cảm xúc, hồi hộp lo lắng thái quá…
  • Thiếu động lực và hứng thú với mọi thứ xung quanh.
  • Bỗng dưng thiếu quan tâm đến mọi người, khó hòa đồng và không còn khoan dung với người khác.
  • Mất ngủ, ngủ quá nhiều và đau đầu âm ỉ.

Chóng mặt hoặc ngất xỉu là một triệu chứng của bệnh

Bên cạnh liên tục bị đau đầu, choáng váng không rõ nguyên nhân, có thể bạn sẽ bị mất ngủ, ngủ không sâu giấc, thường xuyên gặp ác mộng. Điều này khiến cơ thể không được nghỉ ngơi đầy đủ. Nhưng cũng có đôi khi bạn lại ngủ quá nhiều, buồn ngủ không thể kiểm soát. Tuy nhiên lại cảm thấy cơ thể mệt mỏi, uể oải. Đây là triệu chứng điển hình nhất khi thần kinh bị suy nhược.

Người mắc chứng suy nhược thần kinh nên làm gì?

Suy nhược thần kinh kéo dài thường là nguyên nhân của các triệu chứng stress, căng thẳng quá độ, mất ngủ, đau đầu kéo dài, trầm cảm, rối loạn ảo giác,… Do đó, nếu thấy các biểu hiện của chứng suy nhược thần kinh, bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế để được tầm soát sớm.

Bạn không nên tự ý dùng thuốc điều trị về thần kinh, an thần. Bởi vì các bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác tình trạng và mức độ bệnh để đưa những biện pháp điều trị thích hợp. Đôi khi biện pháp điều trị là chỉ cần thay đổi lối sống sinh hoạt không cần phải dùng thuốc. Do vậy, bạn đừng quá lạm dụng thuốc khi thần kinh đang bị suy nhược.

Thực hiện một lối sống lành mạnh, thường xuyên thư giãn tinh thần và thể chất là lời khuyên tốt nhất dành cho bạn:

  • Lối sống sinh hoạt lành mạnh: ăn uống dinh dưỡng, nghỉ ngơi đầy đủ. Không lạm dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu bia,..
  • Tránh các nguyên nhân gây căng thẳng như mâu thuẫn, xung đột, ức chế trong cuộc sống… Bạn nên tìm cách giải toả áp lực, tâm sự, chia sẻ với người thân, bạn bè những vấn đề trong công việc, cuộc sống.
  • Nếu sức khỏe có vấn đề thì nên thăm khám đầy đủ, tuân thủ liệu trình điều trị. Tránh làm bệnh nặng thêm, khiến ảnh hưởng đến tinh thần.
  • Tập luyện thể dục, thư giãn tinh thần, thể chất bằng các bài tập nhẹ nhàng, như thiền hay yoga,…

Thiền hay yoga là bài tập nhẹ nhàng giúp thư giãn tinh thần và thể chất

Phòng ngừa bệnh suy nhược thần kinh như thế nào?

Bệnh thần kinh suy nhược có thể chữa khỏi và phòng ngừa được. Người bệnh suy nhược thần kinh cần lưu ý:

  • Xây dựng mối quan hệ tốt giữa các thành viên trong gia đình, cơ quan, tập thể, tránh các chấn thương tâm thần mạn tính.
  • Khắc phục các tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Cân đối giữa thời gian làm việc và thời gian thư giãn, nghỉ ngơi .
  • Tránh nguồn ô nhiễm tiếng ồn ở môi trường làm việc cũng như nơi ở.
  • Luôn lạc quan, yêu đời và tạo cho mình niềm vui trong công việc và cuộc sống;
  • Ăn uống đủ chất, đảm bảo giấc ngủ, rèn luyện thân thể thường xuyên, phát hiện điều trị kịp thời bệnh hiện có.

Suy nhược thần kinh là hội chứng phổ biến và ngày càng gia tăng ở những người trẻ trong thời đại công nghệ. Để phòng tránh và ngăn ngừa bệnh tiến triển thành trầm cảm, bạn nên thực hiện một lối sống lành mạnh, tránh các nguyên nhân gây căng thẳng thần kinh kéo dài.

Ảnh hưởng của stress lên da là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Căng thẳng hay stress phát sinh khi con người chịu áp lực về tinh thần, thể chất hoặc cảm xúc. Cùng Youmed tìm hiểu thêm nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *