Suy nhược cơ thể: Những lưu ý từ thể chất đến tâm lý

Bạn có thường xuyên mệt mỏi, dễ bệnh hay uể oải cả ngày? Có thể bạn đang trải qua suy nhược cơ thể. Suy nhược cơ thể là cảm giác cơ thể mệt mỏi và suy yếu. Nó được mô tả là thiếu năng lượng để sinh hoạt và làm việc. Người suy nhược cơ thể nghiêm trọng có thể không cử động được cơ thể của mình như mong muốn.

Dấu hiệu của suy nhược cơ thể?

Suy nhược có thể ở một số khu vực nhất định trên cơ thể. Một số khác có thể bị suy nhược toàn thân.

Suy nhược cơ thể riêng biệt

Bạn cảm thấy yếu ở một vùng trên cơ thể. Bạn cũng không thể di chuyển phần cơ thể đó một cách hiệu quả. Một số biểu hiện cụ thể:

  • Cử động chậm chạp.
  • Run không kiểm soát được.
  • Co giật cơ.
  • Chuột rút cơ.
  • Suy yếu vùng cơ nhất định.

Suy nhược toàn thân

Nó khiến cơ thể bạn cảm thấy suy sụp, tương tự như khi bị cảm cúm. Đôi lúc mệt mỏi, nhưng cũng có bạn suy nhược toàn thân mà không cảm thấy mệt.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.

Cần liên hệ với bác sĩ nếu có các triệu chứng:

  • Hoa mắt.
  • Chóng mặt.
  • Ảo giác.
  • Khó phát âm lời nói.
  • Thay đổi tầm nhìn.
  • Đau ngực.
  • Khó thở.

Suy nhược cơ thể có thể bắt nguồn từ nguyên nhân thể chất lẫn tâm lý

Nguyên nhân suy nhược cơ thể

Bạn cần sớm nhận biết nguyên nhân gây suy nhược cơ thể để tìm cách chữa trị căn bệnh từ gốc. Tránh để tình trạng này kéo dài gây mệt mỏi.

Nguyên nhân thể chất

  • Thiếu máu

Thể hiện qua các triệu chứng như mệt mỏi, nhức đầu, khó chịu, ớn lạnh… Đặc biệt với phụ nữ, đây là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng mệt mỏi, suy nhược cơ thể sau sinh. Phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài, mắc u xơ tử cung hay polyp tử cung sẽ khiến tình trạng thiếu máu trở nên trầm trọng hơn. 

  •  Đau cơ xơ hóa

Những người bị đau cơ xơ hóa thường gặp phải các vấn đề suy nhược như mệt mỏi, ảnh hưởng giấc ngủ, trí nhớ và tâm trạng. 

  •  Viêm khớp dạng thấp

Điều này có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày. Viêm khớp mắt cá, khớp gối hoặc khớp bàn chân có thể gây khó khăn cho bạn khi đi đứng và cúi người. Viêm khớp trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể như không còn sức lực.

  • Bệnh tiểu đường

Tiểu đường không phụ thuộc insulin là dạng phổ biến nhất của bệnh tiểu đường. Khi ấy, cơ thể bạn không sản xuất đủ lượng insulin hoặc sử dụng insulin không đúng cách. 90% đến 95% bệnh nhân tiểu đường mắc tiểu đường tuýp 2. Người mắc tiểu đường tuýp 2 sẽ thấy mệt mỏi, uể oải, hay khát, đói, đi tiểu nhiều, sụt cân… 

Một số nguyên nhân khác bao gồm: cảm cúm, bệnh tuyến giáp, suy tim sung huyết, thiếu vitamin B12, tác dụng phụ của thuốc, khi dùng thuốc an thần nhẹ để điều trị lo âu, sử dụng quá liều vitamin, ngộ độc…

Nguyên nhân tâm lý

  • Vấn đề sức khỏe tâm thần: trầm cảm hay lo âu

Tình trạng căng thẳng kéo dài hoặc liên tục sẽ dẫn đến các rối loạn sức khỏe tâm thần. Đó là nguy cơ khiến cơ thể trở nên mệt mỏi trầm trọng hơn. Trầm cảm sẽ khiến bạn chán nản, uể oải cả ngày, ăn nhiều hoặc ít hơn bình thường, rối loạn giấc ngủ cùng những triệu chứng suy nhược như hồi hộp, lo lắng, tim đập nhanh, đổ mồ hôi nhiều…

>> Stress khiến bạn mệt mỏi nhưng cũng là một phần của cuộc sống. Tại sao không thử học cách “kết bạn” với nó? Tìm hiểu thêm tại bài viết: Sống hòa hợp với stress: Nhận diện người bạn đường.

Lo âu, căng thẳng kéo dài khiến bạn kiệt sức
  • Rối loạn về giấc ngủ

Bạn sẽ gặp một số dấu hiệu phổ biến như khó đi vào giấc ngủ, ngủ ít hơn, ngủ không ngon giấc, hay thức giấc giữa đêm… Những triệu chứng này sẽ khiến cơ thể mệt mỏi vào ban ngày và dẫn đến các rối loạn vận động như làm rơi đồ hay té ngã.

Các rối loạn giấc ngủ trong đó có chứng ngưng thở khi ngủ sẽ dẫn đến sự suy giảm lượng oxy có trong máu. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tim mạch và não bộ, lâu dần khiến cơ thể suy nhược nặng.

Cải thiện suy nhược cơ thể

Tình trạng suy nhược sẽ khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến công việc và đời sống. Thế nên, hãy điều chỉnh lại lối sống hay nhờ đến sự can thiệp từ bác sĩ chuyên khoa để chọn cách điều trị phù hợp.

Điều trị bệnh lý

Ngay khi cảm nhận được những dấu hiệu suy nhược, bạn cần sớm đến gặp bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ chính là người sẽ giúp bạn xác định chính xác nguyên nhân khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp nhất.

Thay đổi lối sống như thế nào?

Nên giảm stress trong cuộc sống, công việc và học tập. Cân bằng sức khỏe thể chất lẫn tâm lý. 

Dù có thể bạn chẳng hề muốn bước chân ra khỏi phòng nhưng hãy cố gắng ngồi dậy, vận động tay chân nhẹ nhàng để máu huyết được lưu thông. Hãy chú ý hít thở để giải tỏa căng thẳng và giải phóng suy nghĩ khỏi những áp lực thường ngày. 

Bạn nên ăn gì?

Bổ sung thực phẩm dinh dưỡng cho người bị suy nhược là rất cần thiết để cơ thể nhanh chóng lấy lại năng lượng. Bạn hãy thử tham khảo một số thực phẩm gợi ý để cơ thể nhanh lấy lại năng lượng:

  • Chuối.
  • Chất béo từ cá.
  • Gạo lứt.
  • Khoai lang.
  • Cà phê.
  • Trứng.
  • Táo.
  • Sôcôla đen.
  • Bột yến mạch.
  • Sữa chua.
  • Bơ.
  • Cam.
  • Dâu tây.
  • Thực phẩm hạt/Hạt ngũ cốc.
  • Các loại đậu.
  • Trà xanh.
  • Rau xanh.
  • Củ cải đường.

Suy nhược cơ thể sẽ không còn đáng lo nếu bạn có những thay đổi trong lối sống cũng như điều trị kịp thời bệnh lý căn nguyên. Bạn hãy sớm lưu ý đến những bất thường là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang suy nhược để điều trị sớm và tận hưởng cuộc sống.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *