Sa sút trí tuệ thường được gọi là “lú lẫn” hoặc “mất trí”. Bệnh này thường xảy ra ở người lớn tuổi. Tuy nhiên có những trường hợp bệnh khởi phát từ rất sớm trước tuổi 65. Nguyên nhân, biểu hiện và khó khăn trong chẩn đoán ở người trẻ khác gì với người lớn tuổi? Bài viết ngay sau đây của bác sĩ Đào Thị Thu Hương sẽ giúp bạn giải đáp tất cả những câu hỏi trên. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé.
Nguyên nhân nào khiến người trẻ mắc bệnh sa sút trí tuệ?
Sa sút trí tuệ trong y khoa còn được biết đến là rối loạn thần kinh nhận thức. Đây là tình trạng suy giảm về trí nhớ, học tập, sự tập trung chú ý, ra quyết định,… Bệnh do nhiều nguyên nhân tạo ra như:
Bệnh Alzheimer1
Cũng giống người lớn tuổi, bệnh Alzheimer là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra sa sút trí tuệ ở người trẻ.
Tuy nhiên cũng có sự khác biệt về triệu chứng giữa người lớn tuổi và người trẻ. Nếu người lớn tuổi, bệnh thường khởi phát bằng các triệu chứng về trí nhớ. Còn đối với người trẻ, các vấn đề về thị lực, lời nói, lập kế hoạch, ra quyết định và thay đổi hành vi sẽ xuất hiện đầu tiên.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi
Bệnh này còn được gọi là Alzheimer không điển hình, 1/3 số người trẻ mắc bệnh. Trong khi đó, chỉ 5% người lớn tuổi mắc bệnh.
Bệnh cũng cho thấy sự di truyền rõ ràng. Triệu chứng bắt đầu càng sớm thì khả năng do di truyền càng cao.
Do nguyên nhân mạch máu
Nguyên nhân mạch máu là nguyên nhân phổ biến thứ hai sau Alzheimer. Các bệnh lý như: đái tháo đường, tăng huyết áp, các bệnh tim là yếu tố nguy cơ cao gây ra bệnh.1
Tổn thương não liên quan đến rượu thường xảy ra ở độ tuổi 50. Những người thường xuyên uống quá nhiều rượu. Uống nhiều rượu gây thiếu vitamin B1. Từ đó, làm tổn thương các tế bào thần kinh, chấn thương đầu và chế độ ăn uống kém. Sa sút trí tuệ do rượu khác với sa sút trí tuệ do nguyên nhân khác. Nó có thể được kiểm soát hoặc thậm chí đảo ngược ở một số người khi được điều trị, thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, và tập luyện tốt.1
Ngoài ra bệnh cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác như: rối loạn nội tiết (bệnh tuyến giáp, tuyến thượng thận…), thiếu vitamin B12, nhiễm trùng (như HIV)… Những nguyên nhân này có thể điều trị được.2 3
Chẩn đoán sa sút trí tuệ ở người trẻ như thế nào?
Chẩn đoán sa sút trí tuệ ở người trẻ mất nhiều thời gian hơn ở người lớn tuổi
Việc chẩn đoán sa sút trí tuệ ở người trẻ thường mất nhiều thời gian hơn người lớn tuổi là bởi vì:
- Chứng sa sút trí tuệ tương đối hiếm gặp ở người trẻ tuổi. Bên cạnh đó, một số bác sĩ không có nhiều kinh nghiệm trong việc chẩn đoán bệnh.
- Các triệu chứng sớm của bệnh thường khó phát hiện và không rõ ràng. Chúng thường bị chẩn đoán sai, hoặc nhầm lẫn với các vấn đề khác như lo lắng, stress, hay trầm cảm, gặp khó khăn trong giao tiếp, hay những dấu hiệu của thời kỳ mãn kinh,…
- Triệu chứng sa sút trí tuệ trẻ khởi phát rất đa dạng. Tuy nhiên lại ít biểu hiện mất trí nhớ, đây là triệu chứng phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Thay vào đó là sự thay đổi trong hành vi (như thờ ơ, cáu kỉnh) hoặc tính cách (như mất sự đồng cảm).
- Thiếu nhận thức về bệnh sa sút trí tuệ có thể khiến người trẻ không chú ý, hoặc không thể phân biệt các triệu chứng của bệnh với các tình trạng khác.
Làm thế nào để chẩn đoán sa sút trí tuệ trẻ?
Lời khai của các thành viên trong gia đình và người chăm sóc sẽ rất quan trọng giúp chẩn đoán bệnh chính xác. Đặc biệt trong trường hợp trí nhớ của người bệnh không còn minh mẫn nữa.
Các bài kiểm tra, xét nghiệm máu, hình ảnh học sẽ được cân nhắc thực hiện dựa trên đánh giá lâm sàng của bác sĩ chuyên khoa.
Alzheimer khởi phát sớm thường liên quan nhiều đến di truyền. Chính vì thế, đối với những người bị mất trí nhớ sớm, có tiền sử gia đình liên quan đến Alzheimer có thể được đề nghị xét nghiệm gen.
Điều trị bệnh sa sút trí tuệ như thế nào?
Tùy theo nguyên nhân mà điều trị bệnh có thể khỏi hoàn toàn hoặc không. Với nguyên nhân do Alzheimer. Việc điều trị với mục đích giảm triệu chứng và làm chậm diễn tiến bệnh, có 2 phương pháp bao gồm:
Dùng thuốc
Với mỗi tình trạng bệnh khác nhau, các bệnh lý đi kèm, đáp ứng thuốc khác nhau. Mỗi bệnh nhân sẽ được bác sĩ lựa chọn thuốc phù hợp. Bạn nên đưa người bệnh đến gặp bác sĩ để cùng thảo luận, và đưa ra lựa chọn thuốc tốt nhất.
Không dùng thuốc
Bệnh sẽ tiến triển nhanh hơn nếu người bệnh không có một cơ thể khỏe mạnh. Vì thế, một chế độ sinh hoạt lành mạnh là rất cần thiết.
Bao gồm: tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc, không rượu bia, ăn uống lành mạnh và giữ cân nặng hợp lý.
Bệnh sa sút trí tuệ tưởng chừng như là bệnh của chỉ riêng người già. Tuy nhiên, nó vẫn có thể xảy ra ở người trẻ. Thường gặp nhất là do bệnh Alzheimer, hay liên quan đến di truyền. Hi vọng với những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
>> Xem thêm:
Rối loạn thần kinh tự chủ có thể biểu hiện nhiều dạng khác nhau. Liệu căn bệnh này có gây nguy hiểm đến tính mạng con người hay không? Tìm hiểu thêm qua bài viết: Rối loạn thần kinh tự chủ: Bệnh lý phổ biến gây giảm chất lượng cuộc sống