Ngày nay, chất lượng cuộc sống của con người đang ngày càng được cải thiện, tuổi thọ trung bình cao hơn, đi kèm với đó là các bệnh lý tuổi già cũng xuất hiện nhiều hơn. Trong số đó “bệnh lú lẫn”, “bệnh hay quên” theo cách dân gian thường gọi rất thường gặp. Còn trong y khoa bệnh được gọi là sa sút trí tuệ do mạch máu. Bài viết này của bác sĩ Đào Thị Thu Hương sẽ giúp các bạn hiểu hơn về nguyên nhân, triệu chứng, tiến triển của bệnh.
Sa sút trí tuệ do mạch máu là gì?
Trước khi tìm hiểu về bệnh, các bạn nên biết một chút về cấu trúc và chức năng của não. Nhu mô não gồm hai phần là chất xám và chất trắng:
- Chất xám (gray matter) chủ yếu bao phủ bên ngoài nên còn được gọi là vỏ não, là nơi chứa đựng các tế bào não, có chức năng xử lí các thông tin.
- Chất trắng (white matter) nằm bên trong, gồm nhiều dây thần kinh làm nhiệm vụ dẫn truyền tín hiệu, là cầu nối của các tế bào não. Chất trắng cùng với nhiều cấu trúc khác như hạch nền, đồi thị, hạ đồi… tạo thành các cấu trúc dưới vỏ não.
Não bộ chịu trách nhiệm điều khiển, khởi phát vận động, cảm xúc, lời nói, là nơi lưu trữ thông tin, trí nhớ… Mọi hoạt động của cơ thể cần phải thông qua bộ não xử lí. Chính vì vậy khi não bị tổn thương, tùy thuộc vào chức năng mất đi nhiều hay ít sẽ có mức độ ảnh hưởng khác nhau đến hoạt động sống của con người.
Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ y khoa được dùng để mô tả một bệnh bao gồm các triệu chứng mất trí nhớ và gặp vấn đề trong ngôn ngữ, khả năng tập trung, giải quyết vấn đề. Bệnh do nhiều nguyên nhân, thường gặp nhất là bệnh Alzheimer, đứng thứ hai là do bệnh lý mạch máu.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi
Trong sa sút trí tuệ do mạch máu (hay sa sút trí tuệ não mạch), những triệu chứng này xảy ra là do não bị tổn thương do không được cung cấp máu nuôi.1
Nguyên nhân của sa sút trí tuệ do mạch máu
Bệnh sa sút trí tuệ do mạch máu chủ yếu do nhồi máu vỏ não và mạch máu dưới vỏ não. Chúng có những đặc điểm chung và cũng có vài triệu chứng khác nhau và diễn tiến theo những cách riêng biệt.
Sa sút trí tuệ sau đột quỵ
Đột quỵ là thuật ngữ nói chung để nói về dòng máu cung cấp cho não đột ngột bị mất, nó có thể do nhồi máu (dòng máu bị tắc nghẽn) hoặc xuất huyết (dòng máu bị vỡ gây chảy máu ra ngoài mạch). Trong phần lớn trường hợp bị đột quỵ, các mạch máu của não trở nên hẹp và bị tắc nghẽn do cục máu đông.
Cục máu đông này được hình thành có thể tại chỗ ngay trong mạch máu não hoặc di chuyển từ nơi khác đến (ví dụ từ tim). Đột quỵ có thể có nhiều mức độ khác nhau, phụ thuộc mạch máu vùng nào bị tắc nghẽn và sự ngừng cung cấp máu trở lại nhanh hay chậm.
Có khoảng 20% bệnh nhân bị tai biến sẽ tiến triển sa sút trí tuệ trong 6 tháng sau đó. Một lần đột quỵ sẽ làm tăng nguy cơ tiếp tục bị đột quỵ. Nếu điều này xảy ra, nguy cơ phát triển sa sút trí tuệ sẽ càng cao hơn.1
Sa sút trí tuệ mạch máu dưới vỏ não
Đây là một dạng bệnh của sa sút trí tuệ não mạch. Tình trạng này có liên quan đến bệnh trong các mạch máu nhỏ ẩn sâu trong não và gây tổn thương cho những vùng dưới vỏ não. Đó có thể là hậu quả từ việc không điều trị các tình trạng sức khỏe như cao huyết áp hay tiểu đường. Đây là những bệnh lý có thể dẫn đến các vấn đề về tim mạch. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy có sự liên quan giữa bệnh lý tim mạch và các bệnh sa sút trí tuệ.2 3
Yếu tố nguy cơ
Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được nhưng có một số lại không.
Yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát
Một số yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát được có thể kể đến như:1
- Tuổi: Tuổi tác là yếu tố nguy cơ mạnh nhất của sa sút trí tuệ do mạch máu, bệnh ít khi gặp ở người dưới 65 tuổi. Nguy cơ tăng gấp đôi mỗi năm năm sau 65 tuổi.
- Gen: Các nhà nghiên cứu cho rằng gen có liên quan đến bệnh sa sút trí tuệ do mạch máu. Điều này là do gen có liên quan đến các bệnh tim mạch. Nếu bạn có người thân bị đột quỵ, bệnh tim hoặc đái tháo đường sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh này. Tuy nhiên vai trò của gen là không nhiều.4
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn một chút so với nữ giới.5
Yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được
Yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được có thể kể đến như:
- Đột quỵ, đái tháo đường, tăng huyết áp, cholesterol cao, hay hút thuốc lá có thể làm tăng khả năng mắc sa sút trí tuệ do mạch máu.6
- Ngưng thở khi ngủ là tình trạng ngưng thở từ vài giây hoặc vài phút trong suốt lúc ngủ, cũng có thể là yếu tố nguy cơ.1
- Có nhiều bằng chứng cho rằng trầm cảm cũng làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ do mạch máu. Bất kì ai nghĩ rằng họ có thể bị trầm cảm tốt nhất nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần sớm.1
Triệu chứng của sa sút trí tuệ do mạch máu
Sa sút trí tuệ do mạch máu tác động lên mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân, các triệu chứng có thể xảy ra đột ngột như sau khi bị đột quỵ hoặc xuất hiện dần dần như trong bệnh lý mạch máu nhỏ.
Giai đoạn sớm và giữa1
Trong giai đoạn sớm và giữa, nếu mất trí nhớ thường gặp ở bệnh Alzheimer thì đây thường không phải là triệu chứng nổi bật xuất hiện sớm trong bệnh sa sút trí tuệ do mạch máu.
Các triệu chứng nhận thức thường gặp nhất do sa sút trí tuệ do mạch máu là:
- Có vấn đề về lên kế hoạch hoặc tổ chức. Ví dụ như không thể tìm lối ra khỏi mê cung hoặc sắp xếp các đồ vật theo một trật tự nào đó.
- Khi đối mặt với một tình huống không biết phải giải quyết như thế nào.
- Khó thực hiện một công việc có nhiều công đoạn như nấu cơm, giặt đồ.
- Tốc độ suy nghĩ chậm chạp hơn.
- Khó tập trung.
Ngoài ra, trong giai đoạn sớm người bệnh có thể mất trí nhớ, thường là trí nhớ gần (trí nhớ tồn tại trong vài giờ đến vài ngày, có thể đánh giá thông qua các câu hỏi sáng ăn gì, ngày hôm qua đi những đâu…) và ở mức độ nhẹ. Vấn đề về ngôn ngữ, họ có thể nói ít trôi chảy.
Bên cạnh các vấn đề nhận thức, người bệnh có thể vô cảm, hoặc trở nên lo lắng. Trong đó trầm cảm rất thường gặp, một phần là do người bệnh ý thức được những khó khăn mà bệnh gây ra. Cảm xúc thay đổi nhanh chóng, thất thường.
Trong sa sút trí tuệ sau đột quỵ, người bệnh thường kèm theo những triệu chứng cơ thể rõ ràng. Ví dụ: lé mắt, méo miệng, nói ngọng/đớ, yếu liệt một nửa người… tùy thuộc vào vị trí bị ảnh hưởng. Bằng phục hồi chức năng, các triệu chứng có thể tốt hơn một chút hoặc ổn định trong một thời gian, đặc biệt là trong sáu tháng đầu sau đột quỵ.
Còn với sa sút trí tuệ do bệnh lý mạch máu dưới vỏ, các triệu chứng ít thay đổi. Người bệnh có thể mất kiểm soát bàng quang. Bệnh nhân có thể yếu nhẹ một bên người hoặc đi đứng dễ bị té ngã hơn, hoạt động trở nên vụng về, phát âm không rõ, ít biểu lộ cảm xúc trên khuôn mặt.
Giai đoạn tiến triển và muộn1
Nhìn chung, bệnh sa sút trí tuệ do mạch máu sẽ trở nên tồi tệ cho dù tốc độ và loại bệnh có thể khác nhau.
Sa sút trí tuệ liên quan đến đột quỵ thường tiến triển theo từng bước. Tức là các triệu chứng có khoảng thời gian ổn định và một khoảng thời gian triệu chứng tiến triển xấu đi một cách đột ngột. Do đột quỵ xảy ra, não sẽ bị tổn thương thêm nữa, các triệu chứng trở nên nặng hơn.
Sa sút trí tuệ do bệnh lý mạch máu dưới vỏ đôi khi cũng tiến triển theo từng nấc. Nhưng do các tổn thương chất trắng từ từ lan rộng nên các triệu chứng thường xấu đi dần dần. Qua thời gian người bệnh trở nên lú lẫn nhiều hơn, họ không biết mình đang ở đâu, bây giờ là ngày tháng năm nào, thậm chí quên mất bản thân mình là ai.
Và thêm nhiều vấn đề khác như rối loạn hành vi. Bệnh nhân có những hành vi kì lạ hoặc không phải tính cách thường ngày của mình, thường gặp nhất là bứt rứt, kích động, gây hấn và xáo trộn giấc ngủ, hoang tưởng (tin vào những thứ không có thật), ảo giác (nhìn hoặc nghe thấy những thứ không thực sự có ở đó) mà dẫn đến họ không thể làm việc (như nấu ăn, dọn dẹp) mà không có sự hỗ trợ từ người khác.
Vào giai đoạn muộn, người bệnh ý thức rất kém về những gì đang xảy ra xung quanh họ. Bệnh nhân gặp khó khăn trong việc đi lại, ăn uống, dần trở nên yếu ớt. Cuối cùng tất cả mọi hoạt động, kể cả vệ sinh cá nhân hằng ngày đều cần nhờ người khác hỗ trợ.
Trung bình một người bệnh có thể sống khoảng năm năm kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Và đa phần họ chết vì nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não.
Chẩn đoán sa sút trí tuệ do mạch máu
Cho tới thời điểm hiện tại chưa có một xét nghiệm đơn độc nào có thể chẩn đoán sa sút trí tuệ, chẩn đoán bệnh chủ yếu vẫn dựa vào lâm sàng. Nếu bạn nghĩ người thân của mình có thể bị sa sút trí tuệ hãy đưa họ đến gặp bác sĩ. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ có lợi cho người bệnh, bao gồm giải thích các triệu chứng, tiếp cận điều trị, cho lời khuyên và hỗ trợ, cho phép người bệnh chuẩn bị tương lai và các kế hoạch.
Người bệnh có thể gặp bác sĩ Tâm thần hoặc bác sĩ Lão khoa. Ngoài việc hỏi bệnh sử, tiền sử gia đình, thăm khám như bác sĩ tổng quát, các bác sĩ chuyên khoa sẽ đánh giá các triệu chứng chi tiết hơn.
Ở bệnh nhân bị sa sút trí tuệ do mạch máu, qua các bài kiểm tra các lĩnh vực về tư duy, khả năng tập trung sẽ được đánh giá kĩ hơn, chính xác và khách quan hơn, người bệnh thường suy nghĩ chậm hơn là mất trí nhớ.
Bởi vì các triệu chứng của sa sút trí tuệ do mạch máu tương tự với u não hoặc tụ dịch trong não. Nên trước khi nghi ngờ có sa sút trí tuệ do mạch máu cần kiểm tra não bằng cách chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) hoặc MRI (chụp cộng hưởng từ) để loại trừ các bệnh lý trên.
Vai trò của CT hoặc MRI không chỉ dừng lại ở đó, chúng còn cho thấy ổ đột quỵ hoặc các tổn thương dưới vỏ, giúp chẩn đoán nguyên nhân sa sút trí tuệ.1
Điều trị bệnh sa sút trí tuệ do mạch máu
Cho đến hiện tại chưa có phương pháp nào chữa khỏi bệnh lý này. Tuy nhiên, có nhiều cách để người bệnh có thể sống chung với tình trạng này, bao gồm dùng thuốc và không dùng thuốc.
Quản lí các yếu tố nguy cơ
Kiểm soát huyết áp1 7
Việc kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp có thể làm chậm tiến triển của sa sút trí tuệ. Nếu tăng huyết áp kéo dài không được điều trị, bệnh có thể gây ra các biến chứng đột quỵ do thiếu máu não cục bộ. Hoặc gây ra tình trạng xuất huyết làm phá hủy các tế bào thần kinh.
Những tổn thương này tiến triển theo thời gian dẫn đến suy giảm nhận thức và tiến triển thành sa sút trí tuệ ở người bệnh tăng huyết áp. Vì vậy, việc kiểm soát tốt huyết áp sẽ giúp kiểm soát được sa sút trí tuệ do mạch máu.
Bên cạnh đó, sau khi bị đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua, việc điều trị cao huyết áp có thể giảm nguy cơ bị tai biến lần nữa, giảm khả năng bị sa sút trí tuệ. Và nếu đã có triệu chứng của sa sút thì điều này cũng giúp kéo dài khoảng thời gian bệnh tiến triển nặng.
Trong phần lớn trường hợp đã mắc bệnh sa sút trí tuệ não mạch, thuốc điều trị sẽ bao gồm các loại thuốc chống tăng huyết áp, chống hình thành cục máu đông và làm thấp cholesterol. Điều quan trọng là người bệnh nên tiếp tục dùng thuốc và tái khám theo lời dặn của bác sĩ.
Kiểm soát đường huyết6
Bên cạnh huyết áp, tình trạng tiểu đường nếu không được kiểm soát tốt có thể làm tổn thương các mạch máu, dẫn đến đột quỵ – là một trong những nguyên nhân của sa sút trí tuệ mạch máu. Vì vậy, việc ổn định lượng đường trong máu đối với người mắc tiểu đường sẽ giúp bảo vệ mạch máu, làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ.
Ngoài ra, điều trị tình trạng cholesterol tăng cao cũng góp phần làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ do mạch máu.
Xây dựng lối sống lành mạnh
Xây dựng một lối sống lành mạnh sẽ giúp người bệnh kiểm soát được bệnh sa sút trí tuệ não mạch. Một số biện pháp bao gồm:1 6
- Vận động thể lực thường xuyên. Có thể bơi, đi bộ, tập dưỡng sinh hay bất kì vận động nào phù hợp với sức khỏe của mình, ít nhất 30 phút/ngày và trên 5 ngày/tuần.
- Từ bỏ hút thuốc lá.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh và phù hợp. Nên ăn nhiều rau, trái cây và cá, hạn chế chất béo và muối.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Hạn chế sử dụng quá nhiều rượu bia.
Hỗ trợ và chăm sóc người bệnh1
Người bệnh sa sút trí tuệ có thể bị mất dần khả năng làm các công việc thường ngày. Nên sự hỗ trợ từ người thân và những người xung quanh là rất cần thiết. Bên cạnh đó cũng có nhiều cách để giúp người bệnh duy trì sự tự lập và đối mặt với các triệu chứng của bệnh.
Ví dụ, chia công việc ra thành nhiều bước nhỏ, sẽ dễ dàng làm hơn hoặc làm việc trong một môi trường không quá ồn ào sẽ dễ tập trung hơn. Với những người bị mất trí nhớ, có thể chia sẵn thuốc vào hộp và sử dụng các thiết bị hỗ trợ để nhắc nhở việc uống thuốc. Điều này có thể giúp ích cho người bệnh.
Một điều quan trọng cuối cùng đó là người bệnh phải luôn giữ được một tinh thần tích cực, vui vẻ, cứ tiếp tục làm những điều mà mình yêu thích. Điều này sẽ giúp cải thiện được trí nhớ và khả năng giao tiếp.
Như vậy, qua bài viết về sa sút trí tuệ do mạch máu, hi vọng quý độc giả có thể hiểu thêm về cách phòng tránh, triệu chứng bệnh cũng như cách hỗ trợ người bệnh như thế nào để họ vẫn có thể sống chung với bệnh. Nếu thấy bổ ích hãy cùng chia sẻ cho những người xung quanh cùng biết nhé.