Rối loạn trầm cảm theo mùa: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Trầm cảm một căn bệnh không còn xa lạ trong đời sống chúng ta. Bệnh phổ biến ở người trẻ, gồm nhiều thể bệnh khác nhau, trong đó trầm cảm theo mùa là một loại gây ra do sự thay đổi của mùa. Biểu hiện trầm cảm theo mùa đặc trưng với cảm giác chán nản, ủ rũ, mất hứng thú, yêu thích,… Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh.

Tổng quan về rối loạn trầm cảm theo mùa

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.

Trầm cảm theo mùa (SAD) là một loại rối loạn cảm xúc liên quan đến sự thay đổi thời tiết theo mùa. Bệnh bắt đầu và kết thúc vào cùng một khoảng thời gian hàng năm. Thông thường, các triệu chứng bắt đầu vào mùa thu và tiếp tục vào những tháng mùa đông. Bệnh làm hao mòn năng lượng và khiến bạn cảm thấy ủ rũ. Tuy nhiên, trong số ít trường hợp, trầm cảm theo mùa cũng xuất hiện vào mùa xuân hoặc đầu mùa hè.

Đừng chủ quan khi cho rằng nó chỉ là một tình trạng cảm xúc tồi tệ do thời tiết. Bởi lẽ đây là một bệnh và nó có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn. Do đó, các biện pháp để giữ tâm trạng và tinh thần ổn định trong suốt cả năm thật sự quan trọng. Điều trị bệnh trầm cảm theo mùa có thể bao gồm liệu pháp quang học, thuốc men và tâm lý trị liệu.

Triệu chứng của bệnh biểu hiện như thế nào?

Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng rối loạn trầm cảm theo mùa xuất hiện vào cuối mùa thu, đầu mùa đông và biến mất trong những ngày nắng mùa xuân hè. Tuy vậy, cũng có trường hợp biểu hiện bắt đầu vào mùa xuân hoặc mùa hè. Trong cả hai trường hợp, các triệu chứng có thể bắt đầu nhẹ và trở nên nghiêm trọng hơn khi thời tiết tiến triển.

Các dấu hiệu và triệu chứng của trầm cảm theo mùa có thể bao gồm:

  • Cảm thấy chán nản cả ngày, gần như mỗi ngày
  • Mất hứng thú với các hoạt động từng ưa thích
  • Chậm chạp, uể oải, ủ rũ
  • Có vấn đề với giấc ngủ
  • Thay đổi trong khẩu vị hoặc cân nặng
  • Cảm thấy chậm chạp hoặc kích động
  • Khó tập trung
  • Cảm thấy vô vọng, bản thân vô giá trị hoặc mặc cảm tội lỗi
  • Thường xuyên có suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử

Bệnh trầm cảm mùa đông

Các triệu chứng đặc trưng cho trầm cảm theo mùa khởi phát mùa đông, đôi khi được gọi là trầm cảm mùa đông, bao gồm:

  • Ngủ nhiều
  • Thay đổi khẩu vị, đặc biệt là thèm các loại thực phẩm giàu đường, tinh bột
  • Tăng cân
  • Mệt mỏi hoặc cảm thấy lờ đờ

Bệnh trầm cảm mùa hè

Các triệu chứng cụ thể của rối loạn cảm xúc theo mùa khởi phát vào mùa hè, đôi khi được gọi là trầm cảm mùa hè, bao gồm:

  • Khó ngủ hoặc mất ngủ
  • Ăn uống kém
  • Sụt cân
  • Kích động hoặc lo lắng

Thay đổi cảm xúc theo mùa trong rối loạn lưỡng cực

Ở một số người mắc chứng rối loạn lưỡng cực, mùa xuân và mùa hè có thể mang đến các triệu chứng hưng cảm hoặc một dạng hưng cảm nhẹ ít dữ dội hơn. Riêng mùa thu và mùa đông có thể là thời gian biểu hiện triệu chứng trầm cảm.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường có một vài ngày buồn bã và mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu tình trạng này lặp lại nhiều ngày liên tiếp, bạn thấy chán nản và không có động lực để thực hiện các hoạt động mà bạn yêu thích. Đồng thời, giấc ngủ và khẩu vị thay đổi. Bạn chuyển sang uống rượu để thoải mái hoặc thư giãn, hoặc cảm thấy vô vọng hay nghĩ về việc tự tử. Hãy đến đặt cuộc hẹn với bác sĩ để được tư vấn và điều trị sớm.

Nguyên nhân nào gây ra rối loạn trầm cảm theo mùa

Nguyên nhân cụ thể của rối loạn cảm xúc theo mùa vẫn chưa được biết. Một số yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh bao gồm:

  • Đồng hồ sinh học. Mức độ giảm của ánh sáng mặt trời vào mùa thu và mùa đông có thể gây ra bệnh. Do nó này làm gián đoạn đồng hồ bên trong cơ thể, dẫn đến cảm giác chán nản.
  • Nồng độ serotonin. Đây là một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng chi phối tới cảm xúc con người. Ánh sáng mặt trời giảm có thể làm giảm serotonin có thể gây ra trầm cảm.
  • Nồng độ melatonin. Sự thay đổi trong mùa có thể phá vỡ sự cân bằng của mức độ melatonin của cơ thể, gây ra các rối loạn giấc ngủ và tâm trạng.

Yếu tố nguy cơ gây ra rối loạn trầm cảm theo mùa

Bất cứ ai cũng có khả năng mắc bệnh. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy trầm cảm theo mùa xuất hiện nhiều ở nữ giới hơn là nam giới. Bên cạnh đó, bệnh xảy ra thường xuyên hơn ở người trẻ trong độ 15-55 tuổi.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn cảm xúc theo mùa bao gồm:

  • Tiền sử gia đình. Nếu gia đình có ai mắc rối loạn trầm cảm theo mùa hoặc một dạng rối loạn trầm cảm nào khác thì bạn sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh.
  • Tiền căn trầm cảm nặng hoặc rối loạn lưỡng cực. Các triệu chứng trầm cảm có thể xấu đi theo mùa nếu bạn có một trong những tình trạng này.
  • Sống xa xích đạo. Trầm cảm theo mùa dường như phổ biến hơn ở những người sống xa về phía bắc hoặc phía nam của đường xích đạo. Điều này có thể là do ánh sáng mặt trời giảm trong mùa đông và ngày dài hơn vào mùa hè.

Rối loạn trầm cảm theo mùa có thể gây ra các hậu quả gì?

Cũng như các loại trầm cảm khác, trầm cảm theo mùa có thể trở nên tồi tệ và dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng nếu không được điều trị.

  • Thu rút, xa lánh xã hội
  • Gặp khó khăn trong học tập hoặc công việc
  • Gây tình trạng lạm dụng chất
  • Các rối loạn sức khỏe tâm thần khác như rối loạn lo âu hoặc rối loạn ăn uống
  • Có suy nghĩ hoặc hành vi tự sát

Điều trị sớm bệnh có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng. Đặc biệt là nếu trầm cảm theo mùa được chẩn đoán và điều trị trước khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Chẩn đoán rối loạn trầm cảm theo mùa như thế nào?

Đôi khi bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần khó chẩn đoán rối loạn cảm xúc theo mùa. Vì các loại trầm cảm hoặc các bệnh lý tâm thần khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự.

Các phương tiện giúp chẩn đoán rối loạn trầm cảm theo mùa bao gồm:

  • Khám sức khỏe. Trong một số trường hợp, trầm cảm có thể liên quan đến một số vấn đề sức khỏe thể chất tiềm ẩn.
  • Xét nghiệm. Xét nghiệm máu hoặc kiểm tra tuyến giáp để đảm bảo rằng nó hoạt động bình thường hay không.
  • Bảng đánh giá tâm lý. Để kiểm tra các dấu hiệu trầm cảm, bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ hỏi về các triệu chứng, suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bạn. Bạn có thể điền vào một bảng câu hỏi để giúp trả lời những câu hỏi này. Chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể sử dụng các tiêu chí cho các rối loạn trầm cảm theo mùa được liệt kê trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5).

Điều trị rối loạn trầm cảm theo mùa

Điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa có thể bao gồm liệu pháp ánh sáng, thuốc men và tâm lý trị liệu.

Liệu pháp ánh sáng

Liệu pháp ánh sáng là một trong những phương pháp điều trị đầu tiên cho bệnh trầm cảm theo mùa. Nguyên nhân gây bệnh là do sự thay đổi ánh sáng giữa các mùa nên việc sử dụng liệu pháp ánh sáng là phương pháp điều trị nguyên nhân hiệu quả. Liệu pháp bắt chước ánh sang tự nhiên ngoài trời và tạo ra sự thay đổi các hóa chất não liên quan đến tâm trạng. Phương pháp thường bắt đầu có hiệu quả trong một vài ngày đến một vài tuần.

Thuốc

Một số người bị trầm cảm theo mùa đáp ứng với thuốc điều trị chống trầm cảm, đặc biệt là với các triệu chứng nghiêm trọng. Quá trình điều trị bằng thuốc chống trầm cảm diễn ra trước khi các triệu chứng bắt đầu mỗi năm. Đồng thời, bác sĩ khuyến cáo nên tiếp tục dùng thuốc ngay cả sau khi triệu chứng biến mất. Cần một vài tuần để thuốc phát huy tác dụng. Ngoài ra, bạn có thể phải thử các loại thuốc khác nhau trước khi bạn tìm thấy một loại thuốc phù hợp với bạn và có ít tác dụng phụ nhất.

Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là một lựa chọn khác để điều trị bệnh. Một loại trị liệu tâm lý được gọi là liệu pháp hành vi nhận thức có thể giúp bạn:

  • Xác định và thay đổi những suy nghĩ, hành vi tiêu cực đã khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn
  • Tìm hiểu cách lành mạnh để đối phó với bệnh
  • Học cách quản lý căng thẳng

Biện pháp tự khắc phục tại nhà

  • Tạo môi trường học tập, làm việc và sinh hoạt sáng sủa, nắng ấm. Ngồi gần cửa sổ sáng hơn khi ở nhà hoặc trong văn phòng. Mở rèm, cắt cành cây chặn ánh sáng mặt trời
  • Ra ngoài. Ngay cả trong những ngày lạnh hoặc nhiều mây, ánh sáng ngoài trời có thể giúp ích. Đặc biệt nếu bạn dành thời gian bên ngoài trong vòng hai giờ sau khi thức dậy vào buổi sáng. Đi bộ hay ăn trưa tại một công viên gần nhà hoặc đơn giản là ngồi trên băng ghế và tắm nắng.
  • Tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục và các loại hoạt động thể chất khác giúp giảm căng thẳng và lo lắng, cải thiện tâm trạng.

Quản lý rối loạn cảm xúc theo mùa

  • Bám sát kế hoạch điều trị của bạn. Tuân thủ điều trị và tái khám thường xuyên.
  • Chăm sóc bản thân. Ngủ đủ giấc để giúp bạn cảm thấy được nghỉ ngơi. Nhưng hãy cẩn thận, đừng nghỉ ngơi quá nhiều, vì các triệu chứng trầm cảm theo mùa thường khiến mọi người cảm thấy như ngủ đông. Tập thể dục hoặc tham gia vào một hình thức hoạt động thể chất thường xuyên nào đó. Lựa chọn thực phẩm lành mạnh cho bữa ăn. Đừng lạm dụng rượu hoặc chất kích thích để giảm đau.
  • Tập quản lý căng thẳng. Tìm hiểu các phương pháp để quản lý căng thẳng tốt hơn. Các lo lắng không được kiểm soát có thể dẫn đến trầm cảm, ăn quá nhiều hoặc những suy nghĩ và hành vi không lành mạnh khác.
  • Kết nối với mọi người xung quanh. Khi bạn cảm thấy thất vọng và chán nản, hãy nỗ lực để kết nối với những người bạn thích ở xung quanh. Họ có thể chia sẻ với bạn, cho bạn một bờ vai để tựa hoặc mang tới tiếng cười cho cuộc sống bạn thêm màu sắc hơn.

Rối loạn trầm cảm theo mùa có thể điều trị và kiểm soát tốt nếu được phát hiện sớm. Do đó, nếu bạn có các triệu chứng kể trên, hãy tới khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Trên đây Youmed đã cung cấp cho các bạn thông tin cần thiết về bệnh, hãy quan  tâm tới sức khỏe, hiểu về bản thân để có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *