Rối loạn tích trữ: Căn bệnh kì lạ như thế nào?

Rối loạn tích trữ là một tình trạng liên quan tới vấn đề tâm lý. Những người mắc chứng rối loạn tích trữ có thể không coi đó là vấn đề thực sự. Cũng vì vậy khiến việc điều trị trở nên khó khăn. Nhưng điều trị tích cực có thể giúp những người mắc chứng rối loạn tích trữ hiểu được cách thay đổi suy nghĩ và hành vi của họ. Mang đến cho họ một cuộc sống an toàn, thú vị hơn. Sau đây, hãy cùngbác sĩ của chúng tôi tìm hiểu thêm dấu hiệu nhận biết và cách điều trị của rối loạn tích trữ. 

1. Rối loạn tích trữ là gì?

Rối loạn tích trữ là chứng ám ảnh liên quan tới khó khăn trong việc vứt bỏ tài sản, vật dụng đang có. Một người mắc chứng rối loạn tích trữ cảm thấy đau khổ khi nghĩ đến việc loại bỏ các món đồ. Do đó, họ không quan tâm giá trị và nhu cầu sử dụng mà tích lũy đồ đạc một cách quá mức.

Việc tích trữ này thường làm không gian sống chật chội đến nỗi ngôi nhà không còn chỗ chứa. Mặt bàn, bồn rửa, bếp nấu, bàn làm việc, cầu thang và hầu như tất cả các bề mặt khác thường được chất đống đồ đạc. Và khi không còn chỗ bên trong, người ta còn để tràn sang nhà để xe, sân và các kho chứa đồ khác.

Mức độ của rối loạn tích trữ dao động từ nhẹ đến nặng. Trong một số trường hợp, rối loạn tích trữ có thể không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, một số người khác thì gặp vấn đề nghiêm trọng trong hoạt động hàng ngày.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.

2. Các triệu chứng nhận biết rối loạn tích trữ

Giữ lại quá nhiều đồ và khó vứt bỏ đồ đạc không còn sử dụng thường là những dấu hiệu đầu tiên của chứng rối loạn tích trữ. Rối loạn tích trữ thường xuất hiện ở lứa tuổi thanh thiếu niên đến người trưởng thành. Đến tuổi trung niên, các triệu chứng thường nghiêm trọng và có thể khó điều trị hơn.

Giữ lại quá nhiều đồ đạc cũng là một triệu chứng rối loạn tích trữ

Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:

  • Mua quá nhiều vật phẩm không cần thiết.
  • Khó khăn khi vứt bỏ hoặc từ bỏ những thứ đang có, mặc dù chúng vô dụng.
  • Cảm thấy cần phải tiết kiệm những vật dụng này và khó chịu khi nghĩ đến việc loại bỏ chúng.
  • Sắp xếp vật dụng lộn xộn đến mức không còn khoảng trống sử dụng.
  • Có xu hướng thiếu quyết đoán, cầu toàn, trì hoãn.
  • Gặp các vấn đề về lập kế hoạch và tổ chức.

Hậu quả của việc mua và tích lũy quá nhiều đồ dùng không cần thiết

  • Vật dụng nằm lung tung.
  • Thiếu không gian trống sử dụng.
  • Thức ăn hoặc rác tích tụ quá mức, mất vệ sinh.
  • Xung đột với những người đang cố gắng loại bỏ sự lộn xộn trong nhà bạn.
  • Khó sắp xếp các vật dụng, đôi khi làm mất các vật dụng quan trọng vì sự lộn xộn này.

Rối loạn tích trữ gây lộn xộn, mất vệ sinh

Lý do những người mắc chứng rối loạn tích trữ thích giữ lại vật dụng

  • Họ tin rằng những mặt hàng này là duy nhất hoặc chúng sẽ cần thiết vào một thời điểm nào đó trong tương lai
  • Các vật phẩm này có ý nghĩa quan trọng về mặt tình cảm. Chúng có thể như một lời nhắc nhở về những khoảng thời gian hạnh phúc. Chúng đại diện cho những người hoặc vật nuôi yêu quý
  • Họ cảm thấy an toàn hơn khi được bao quanh bởi những thứ họ tiết kiệm được
  • Họ không muốn lãng phí bất cứ thứ gì

Rối loạn tích trữ khác với sưu tập. Những người thích sưu tập, chẳng hạn như tem, ô tô mô hình, cố ý tìm kiếm các mặt hàng cụ thể, phân loại chúng và trưng bày cẩn thận bộ sưu tập của họ. Mặc dù các bộ sưu tập có thể lớn, chúng thường không lộn xộn và không gây ra cảm giác đau khổ.

Tích trữ động vật

Sức khỏe và sự an toàn của con người và động vật có nguy cơ bị đe dọa.

Những người tích trữ động vật có thể thu thập hàng chục, thậm chí hàng trăm thú cưng. Động vật có thể bị nhốt bên trong hoặc bên ngoài. Vì số lượng lớn nên những loài động vật này thường không được chăm sóc chu đáo. Sức khỏe và sự an toàn của con người và động vật có nguy cơ bị đe dọa vì điều kiện vệ sinh.

Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ

Nếu bạn hoặc người thân có các triệu chứng của rối loạn tích trữ, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu tình trạng rối loạn tích trữ của người thân của bạn đe dọa đến sức khỏe hoặc sự an toàn cho cộng đồng. Bạn cần liên hệ với chính quyền địa phương. Chẳng hạn như cảnh sát, cứu hỏa, y tế công cộng, dịch vụ bảo vệ trẻ em, người cao tuổi hoặc các cơ quan bảo vệ động vật.

3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của rối loạn tích trữ

Không rõ nguyên nhân gây ra rối loạn tích trữ. Nhiều người cho rằng các yếu tố liên quan tới di truyền, chức năng não và các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống có thể gây ra chứng rối loạn tích trữ.

Rối loạn tích trữ thường bắt đầu ở độ tuổi từ 11 đến 15, và nó có xu hướng nặng lên theo độ tuổi. Rối loạn tích trữ phổ biến ở người lớn tuổi hơn so với người trẻ tuổi.

Các yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh bao gồm:

  • Tính cách: Nhiều người mắc chứng rối loạn tích trữ có tính tình thiếu quyết đoán.
  • Tiền sử gia đình: Có mối liên quan chặt chẽ giữa người thân trong gia đình mắc chứng này
  • Một sự kiện căng thẳng trong cuộc sống: Một số người phát triển chứng rối loạn tích trữ sau khi trải qua một sự kiện căng thẳng trong cuộc sống mà họ khó đối phó. Chẳng hạn như cái chết của một người thân yêu, ly hôn, đuổi ra khỏi nhà hoặc mất tài sản trong một vụ hỏa hoạn.

Chưa xác định được nguyên nhân gây ra rối loạn tích trữ

4. Các nguy cơ đến từ rối loạn tích trữ

Rối loạn tích trữ có thể đem đến nhiều nguy cơ trong cuộc sống, ví dụ:

  • Tăng nguy cơ té ngã.
  • Bị thương hoặc bị mắc kẹt do dịch chuyển hoặc rơi đồ.
  • Xung đột gia đình.
  • Cô đơn và cô lập xã hội.
  • Tình trạng mất vệ sinh có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Nguy cơ hỏa hoạn.
  • Hiệu suất công việc kém.
  • Các vấn đề pháp lý.

Nhiều người bị rối loạn tích trữ cũng gặp phải các rối loạn sức khỏe tâm thần khác, chẳng hạn như:

  • Rối loạn lo âu.
  • Trầm cảm.
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

Người mắc rối loạn tích trữ thường bị cô lập xã hội

Tìm hiểu thêm: Rối loạn tic: Tật máy giật và những điều ít ai biết

5. Chẩn đoán rối loạn tích trữ như thế nào?

Chúng ta thường không tìm cách điều trị chứng rối loạn tích trữ mà thay vào đó là các vấn đề khác, chẳng hạn như trầm cảm hoặc lo lắng. Để giúp chẩn đoán rối loạn tích trữ, chuyên gia sức khỏe tâm thần thực hiện đánh giá tâm lý. Ngoài những câu hỏi về tình cảm hạnh phúc, bạn có thể được hỏi về thói quen mua và tiết kiệm đồ. Đồng thời tìm hiểu xem bạn có các triệu chứng của các rối loạn sức khỏe tâm thần khác hay không.

Để chẩn đoán, chuyên gia sức khỏe tâm thần sử dụng các tiêu chí cho rối loạn tích trữ. Tiêu chí này được liệt kê trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5), xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ.

6. Điều trị rối loạn tích trữ như thế nào?

Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị chính của rối loạn tích trữ.

Điều trị rối loạn tích trữ có thể là một thách thức cam go vì nhiều người không nhận ra tác động tiêu cực của nó đối với cuộc sống. Hay nói cách khác họ không tin họ cần điều trị. Điều này đặc biệt đúng nếu tài sản hoặc động vật mang lại sự thoải mái. Tuy nhiên, nếu những tài sản hoặc động vật này bị lấy đi, họ sẽ thất vọng và tức giận. Đồng thời, nhanh chóng thu thập nhiều hơn để giúp đáp ứng nhu cầu tình cảm cá nhân.

Phương pháp điều trị chính cho chứng rối loạn tích trữ là liệu pháp hành vi nhận thức. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc nếu bạn bị lo lắng hoặc trầm cảm.

Tâm lý trị liệu

Đây phương pháp điều trị chính. Trong đó, liệu pháp nhận thức hành vi là hình thức tâm lý trị liệu phổ biến nhất được sử dụng để điều trị chứng rối loạn tích trữ. Cố gắng tìm một chuyên gia sức khỏe tâm thần có kinh nghiệm điều trị chứng rối loạn tích trữ.

Bên cạnh đó, đối với liệu pháp nhận thức hành vi, bạn có thể:

  • Học cách xác định và loại bỏ những suy nghĩ liên quan đến việc tích góp vật phẩm.
  • Tập chống lại ham muốn có được nhiều vật phẩm hơn.
  • Học cách sắp xếp và phân loại tài sản để giúp bạn quyết định loại nào nên bỏ.
  • Cải thiện kỹ năng ra quyết định và đối phó của bạn.
  • Dọn dẹp nhà cửa.
  • Học cách giảm sự cô lập và tăng cường sự tham gia của xã hội.
  • Thăm khám định kỳ hoặc điều trị liên tục để giúp bạn duy trì thói quen lành mạnh.

Việc điều trị bao gồm hỗ trợ thường xuyên từ gia đình, bạn bè để giúp loại bỏ lộn xộn. Điều này cần thiết đối với người cao tuổi, đang mắc bệnh vì khó khăn để duy trì động lực.

Thuốc men

Hiện không có loại thuốc nào được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chấp thuận để điều trị chứng rối loạn tích trữ. Thông thường, các rối loạn khác như lo âu và trầm cảm thường xảy ra cùng với rối loạn tích trữ. Do đó, người ta sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm như SSRIs cho rối loạn tích trữ.

Trẻ em mắc chứng rối loạn tích trữ

Đối với trẻ mắc chứng rối loạn tích trữ, điều quan trọng là phải có sự tham gia điều trị của cha mẹ. Đôi khi được gọi là “nền tảng gia đình”. Một số cha mẹ có thể nghĩ rằng việc cho phép con họ tích góp đồ dùng có thể giúp giảm bớt sự lo lắng của chúng. Nhưng trên thực tế, nó lại gây tăng sự lo lắng hơn. Vì vậy, ngoài việc trị liệu cho trẻ, cha mẹ cần được hướng dẫn chuyên môn để biết cách ứng phó và quản lý hành vi tích trữ của con mình.

Nhìn chung, rối loạn tích trữ là một căn bệnh không hiếm gặp. Việc xem nhẹ và không nhận diện được triệu chứng bệnh khiến cho chẩn đoán và điều trị gặp nhiều khó khăn. Nếu bạn nghi ngờ mình có những dấu hiệu của rối loạn tích trữ hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn kĩ càng hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *