Rối loạn thăng bằng của cơ thể: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Rối loạn thăng bằng có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt, như thể căn phòng đang quay xung quanh bạn, cảm thấy không đứng vững hoặc lâng lâng. Bạn có thể cảm thấy căn phòng đang quay cuồng hoặc bạn sẽ ngã xuống. Những cảm giác này có thể xảy ra dù lúc đó bạn đang nằm, ngồi hoặc đứng. 

Tổng quan về rối loạn thăng bằng

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi

Nhiều hệ thống trong cơ thể, bao gồm: cơ – xương – khớp, mắt, cơ quan giữ thăng bằng như tai trong, dây thần kinh, tim mạch – phải hoạt động bình thường để bạn có được trạng thái thăng bằng bình thương. Khi các hệ thống này hoạt động không tốt, bạn có thể gặp vấn đề về thăng bằng.

Nhiều bệnh lý có thể gây ra rối loạn thăng bằng. Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề về thăng bằng là do các vấn đề trong cơ quan thăng bằng tại hệ thống tai trong (hệ thống tiền đình).

Triệu chứng của rối loạn thăng bằng

  • Cảm giác xoay tròn, chóng mặt.
  • Cảm thấy quay cuồng hoặc muốn ngất xỉu.
  • Mất thăng bằng hoặc không đứng vững.
  • Té ngã hoặc cảm thấy bản thân có thể bị ngã.
  • Cảm thấy lâng lâng hoặc hoa mắt.
  • Thị lực thay đổi, ví dụ như nhìn mờ.
  • Lú lẫn.

Nguyên nhân gây nên rối loạn thăng bằng

Rối loạn thăng bằng có thể là nguyên nhân của nhiều tình trạng khác nhau. Nguyên nhân của rối loạn thăng bằng thường liên quan đến các dấu hiệu hoặc triệu chứng cụ thể.

1. Cảm giác xoay tròn, chóng mặt

Chóng mặt có thể liên quan đến nhiều tình trạng, bao gồm:

Chóng mặt kịch phát tư thế lành tính

Bệnh xảy ra khi các tinh thể canxi bên trong tai trong của bạn di chuyển khỏi vị trí bình thường của chúng và di chuyển đến một nơi nào khác của tai trong. Bạn có thể trải qua cảm giác xoay tròn khi trở mình trên giường hoặc ngửa đầu về sau để nhìn lên cao.

Viêm dây thần kinh tiền đình

Bệnh lý viêm này, có thể do virus gây ra, gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở phần thăng bằng tại tai trong của bạn. Các triệu chứng thường nghiêm trọng và dai dẳng, và bao gồm buồn nôn và đi lại khó khăn. Các triệu chứng có thể kéo dài vài ngày và dần dần cải thiện mà không cần điều trị.

Chóng mặt tư thế tri giác dai dẳng

Bệnh này xảy ra thường xuyên với các loại chóng mặt khác. Triệu chứng bao gồm đứng không vững hoặc có cảm giác chuyển động bên trong đầu của bạn. Các triệu chứng thường trở nên nặng hơn khi bạn nhìn một vật thể nào đó di chuyển, khi bạn đọc hoặc khi bạn ở trong một môi trường trực quan phức tạp, chẳng hạn như khu mua sắm.

Đau nửa đầu Migraine

Chóng mặt và nhạy cảm với chuyển động (Migraine tiền đình) có thể xảy ra do chứng đau nửa đầu.

2. Cảm giác muốn ngất xỉu hoặc quay cuồng

Cảm giác này có thể có mối liên hệ với:

Hạ huyết áp tư thế

Đứng lên hoặc ngồi xuống quá nhanh có thể khiến một số người bị giảm huyết áp đáng kể. Do đó dẫn đến cảm giác lâng lâng hoặc ngất xỉu.

Bệnh lý tim mạch

Bất thường nhịp tim (Rối loạn nhịp), hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu, cơ tim phì đại (bệnh cơ tim phì đại), hoặc giảm thể tích máu có thể làm giảm lưu lượng dòng máu và gây ra cảm giác quay cuồng hoặc ngất xỉu.

3. Mất thăng bằng hoặc không đứng vững

Triệu chứng này có thể là kết quả của:

Vấn đề về tiền đình

Bất thường ở tai trong của bạn có thể gây ra cảm giác bồng bềnh hoặc nặng đầu, và đứng không vững trong bóng tối.

Tổn thương thần kinh ở chân (Bệnh lý thần kinh ngoại biên)

Tổn thương có thể dẫn tới việc khó khăn đi lại.

Vấn đề về cơ, khớp hoặc thị lực

Yếu cơ hoặc khớp mất vững có thể góp phần làm bạn mất thăng bằng cơ thể. Các vấn đề về thị lực cũng có thể dẫn đến sự mất vững của cơ thể.

Sử dụng thuốc

Mất thăng bằng hoặc mất vững có thể là tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc.

Một số bệnh lý thần kinh. Bao gồm thoái hóa cột sống cổ và bệnh lý Parkinson.

4. Choáng váng

Cảm giác choáng váng hoặc chóng mặt có thể xuất phát từ:

Vấn đề tại tai trong

Bất thường hệ thống tiền đình có thể dẫn đến cảm giác lâng lâng hoặc cảm giác sai lầm về chuyển động.

Bệnh lý tâm thần

Trầm cảm (Rối loạn trầm cảm chủ yếu), rối loạn lo âu hoặc các bệnh lý tâm thần khác có thể gây choáng váng.

Nhịp thở nhanh bất thường (Tăng thông khí)

Tình trạng này thường đi kèm với rối loạn lo âu và có thể gây ra choáng váng.

Thuốc

Choáng váng có thể là một tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc điều trị.

Chẩn đoán trạng thái mất thăng bằng

Bác sĩ sẽ bắt đầu đánh giá bệnh sử và tiến hành thăm khám để kiểm tra về thể chất và thần kinh.

Để xác định xem các triệu chứng của bạn có phải do vấn đề về chức năng cân bằng tại tai trong hay không, thì bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm để kiểm tra. Các xét nghiệm có thể bao gồm:

Kiểm tra thính giác

Khó khăn khi lắng nghe thường có liên quan đến các vấn đề về thăng bằng.

Kiểm tra biểu đồ tư thế

Bạn sẽ được mang một loại dây nịt an toàn và cố gắng đứng vững trên một loại bục di chuyển. Kiểm tra biểu đồ tư thế cho biết bạn dựa vào phần nào nhất trong hệ thống thăng bằng của bạn.

Nghiệm pháp Dix-Hallpike

Bác sĩ của bạn sẽ cẩn thận quay đầu bạn đến các vị trí khác nhau. Đồng thời họ sẽ theo dõi chuyển động của mắt để xác định xem bạn có cảm giác sai về chóng mặt hay không.

Xét nghiệm hình ảnh

MRI và CT có thể xác định xem có một bệnh lý nào gây ra sự mất thăng bằng.

Kiểm tra huyết áp và nhịp tim

Bạn sẽ được đo huyết áp khi ngồi và sau đó đứng lên. Sau khi đứng lên được từ hai đến ba phút, bạn sẽ được đo huyết áp lại một lần nữa. Từ đó sẽ xác định xem bạn có bị tụt huyết áp đáng kể hay không. Nhịp tim của bạn khi đứng có thể được ghi nhận lại. Thông qua đó, xác định xem có bệnh lý tim mạch nào gây nên triệu chứng của bạn hay không.

Điều trị rối loạn thăng bằng như thế nào?

Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên rối loạn thăng bằng. Các phương pháp điều trị bao gồm:

Các bài tập thăng bằng (phục hồi chức năng tiền đình)

Nhà trị liệu về rối loạn thăng bằng sẽ thiết kế một chương trình phù hợp về các bài tập thăng bằng. Việc trị liệu có thể giúp bạn bù đắp lại sự mất cân bằng, thích nghi với sự kém cân bằng và duy trì các hoạt động thể chất. Để đề phòng té ngã, bác sĩ trị liệu của bạn có thể đề nghị một số thiết bị hỗ trợ cân bằng. Chẳng hạn như gậy, và các cách để làm giảm nguy cơ té ngã trong nhà.

Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống

Nếu bạn mắc bệnh Meniere hoặc đau nửa đầu Migraines, thay đổi chế độ ăn uống thường được đề xuất là có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng. Nếu bạn bị hạ huyết áp tư thế, bạn có thể cần uống nhiều nước hơn hoặc mang vớ nén.

Sử dụng thuốc

Nếu bạn bị chóng mặt nghiêm trọng kéo dài hàng giờ hoặc nhiều ngày, bạn có thể được kê đơn thuốc giúp kiểm soát chóng mặt và nôn ói.

Tình trạng rối loạn thăng bằng có thể là một dấu điểm cho thấy sự tồn tại của một bệnh lý nguyên nhân. Chính vì thế, chẩn đoán và điều trị sớm có vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống, cũng như điều trị dứt điểm bệnh. Bạn cần đi khám bệnh và làm các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ để tìm ra được nguyên nhân chính xác nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *