trieMọi đứa trẻ đều có những giai đoạn tính cách khó chịu và dễ cáu gắt. Đây có phải là một tình trạng bình thường? Làm sao để phân biệt bệnh lí rối loạn thách thức chống đối (ODD) với một giai đoạn trưởng thành bình thường của trẻ? Hãy cùng ThS.BS chuyên khoa Tâm thần Nguyễn Trung Nghĩa tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé.
Rối loạn thách thức chống đối (ODD) là gì?
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.
Ngay cả một đứa trẻ ngoan ngoãn cũng có những giai đoạn khó chịu và đầy gian nan. Tuy nhiên, nếu trẻ nhỏ hoặc trẻ tuổi dậy thì (tuổi teen) có khuynh hướng nóng nảy, dễ kích thích, gây hấn hay chống đối… thì có khả năng trẻ đã mắc chứng rối loạn thách thức chống đối.
Điều trị ODD bao gồm việc học cách xây dựng một gia đình hòa thuận và học cách kiểm soát hành vi không đúng. Ngoài ra, một số phương pháp điều trị khác có thể được cân nhắc để kết hợp điều trị rối loạn sức khỏe tâm thần này.
- Nhẹ: Triệu chứng thường chỉ xuất hiện ở một nơi, một lúc nào cụ thể. Ví dụ chỉ xuất hiện ở trường, nhà hoặc làm việc với đồng nghiệp.
- Vừa: Triệu chứng xuất hiện ở 2 nơi khác nhau.
- Nặng: Triệu chứng xuất hiện 3 nơi trở lên.
Một số trẻ chỉ có triệu chứng ở nhà, nhưng sau đó nặng dần, xuất hiện ở trường và trong giao tiếp với bạn bè.
Triệu chứng của Rối loạn thách thức chống đối ở trẻ nhỏ
Đôi lúc, thực sự rất khó để phân biệt giữa tính cách bướng bỉnh và rối loạn thách thức chống đối. Thông thường, hành vi chống đối vẫn có thể xuất hiện trong một giai đoạn nào đó trong quá trình trưởng thành của trẻ.
Dấu hiệu của ODD thông thường sẽ xuất hiện từ khi trẻ ở mẫu giáo. Đôi khi, ODD có thể xuất hiện ở giai đoạn tuổi lớn hơn, nhưng thường trước tuổi dậy thì. Những hành vi chống đối có thể ảnh hưởng rất nhiều đến gia đình, đến hoạt động xã hội, trường học và công việc.
Theo DSM-5, các tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn thách thức chống đối gồm những triệu chứng về khí sắc và hành vi, kéo dài hơn 6 tháng, bao gồm:
Khí sắc tức giận, dễ kích thích:
- Thường mất sự bình tĩnh.
- Thường dễ bị kích động và dễ cảm thấy bị làm phiền bởi người khác.
- Dễ tức giận, cảm thấy uất ức.
Có hành vi hay tranh cãi hay hành vi thách thức:
- Thường hay tranh cãi với cha mẹ hay người lớn hơn.
- Có hành vi thách thức và khước từ thực hiên lời dặn dò của của người lớn.
- Dễ cảm thấy bị làm phiền hoặc buồn bã.
- Thường đổ thừa người khác những sai lầm bản thân mắc phải.
Tính dễ hận thù:
- Thường tỏ ra hằn học và hận thù.
- Có thái độ hằn học, thù ghét ít nhất 2 lần trong 6 tuần.
Khi nào bạn cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ?
Trẻ thường không nhận ra hành vi bất thường của bản thân. Thay vào đó, trẻ thường đổ lỗi cho những nguyên do không hợp lí hoặc cho người nào đó. Nếu trẻ có những dấu hiệu của ODD hoặc hành vi bất thường hoặc bạn cảm thấy khó khăn trong việc nuôi dạy trẻ, bạn nên đi gặp bác sĩ tâm thần nhi khoa hay chuyên gia tâm lý trẻ nhỏ.
Nguyên nhân gì gây ra Rối loạn thách thức chống đối của trẻ?
Tới nay vẫn chưa biết được nguyên nhân chính xác gây ra chứng rối loạn thách thức chống đối. Tuy vậy, có những nguyên nhân như di truyền và môi trường góp phần gây nên tình trạng bệnh lí này.
- Gen di truyền: Chúng góp phần hình thành tính khí của trẻ và bất thường trong sinh hóa đường dẫn truyền não bộ, dây thần kinh.
- Môi trường: Vấn đề trong cách cha mẹ nuôi dạy trẻ, bao gồm sự không thống nhất trong cách giáo dục, nghiện chất hay bỏ bê không nuôi dưỡng trẻ
Những đứa trẻ lớn lên trong bạo hành thường bị ảnh hưởng nhiều về tính cách. Xem thêm bài viết về: Bạo hành gia đình.
Các yếu tố nguy cơ mắc Rối loạn thách thức chống đối của trẻ?
Rối loạn thách thức chống đối thường là một tình trạng bệnh phức tạp. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Tính khí: Trẻ có tính khí thất thường, dễ bị xung động hoặc có khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc
- Vấn đề từ việc nuôi dạy trẻ: Trẻ từng nghiện chất hoặc suy giảm chú ý, không có phương pháp kỉ luật thống nhất hoặc do giới hạn tầm nhìn của cha mẹ.
- Vấn đề gia đình khác: Nếu đứa trẻ sinh ra trong gia đình có cha mẹ bất hòa hoặc cha mẹ nghiện chất, mắc bệnh lí tâm thần thì nguy cơ trẻ mắc ODD cao hơn.
- Môi trường sống: Rối loạn thách thức chống đối có thể nặng hơn nếu giáo viên không có hành vi giáo dục đúng đắn thống nhất.
Biến chứng gồm những gì?
Trẻ nhỏ và trẻ dậy thì mắc rối loạn thách thức chống đối gặp khó khăn trong giao tiếp với cha mẹ và anh chị em trong gia đình, với giáo viên ở trường học và với đồng nghiệp. Trẻ mắc ODD gặp khó khăn trong việc kết giao bạn bè cũng như hình thành các mối quan hệ xung quanh.
1. ODD có thể dẫn đến nhiều vấn đề
- Học tập hoặc làm việc kém.
- Thái độ chống đối xã hội.
- Mất khả năng kiểm soát vấn đề.
- Rối loạn nghiện chất.
- Tự sát.
2. Các rối loạn tâm thần khác
Có nhiều trẻ mắc ODD có thể mắc nhiều chứng rối loạn tâm thần khác, bao gồm:
- Rối loạn giảm tập trung chú ý/ tăng động;
- Rối loạn dẫn truyền;
- Trầm cảm;
- Lo âu;
- Rối loạn trong học tập và giao tiếp.
Điều trị những bệnh tâm thần kể trên giúp cải thiện triệu chứng của ODD. Có thể việc điều trị ODD không đạt được hiệu quả nếu các rối loạn khác không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cách phòng ngừa bệnh Rối loạn thách thức chống đối
Hiện nay không có phương pháp nào giúp bạn hay con bạn không mắc phải chứng rối loạn thách thức chống đối. Tuy nhiên, việc nuôi dạy tích cực cũng như điều trị sớm sẽ giúp cải thiện hành vi cũng như ngăn chặn các tình huống xấu không xảy ra. Điều trị có thể giúp trẻ lấy lại sự tự tin và tái tạo các mối quan hệ tích cực với mọi người xung quanh.
Chẩn đoán bệnh Rối loạn thách thức chống đối như thế nào?
Để chẩn đoán rối loạn thách thức chống đối, bác sĩ thăm khám trẻ và yêu cầu bạn cung cấp những thông tin về các căn bệnh mà bé đã mắc trước đây và những hành vi gần đây của bé. Bạn cần cung cấp cho bác sĩ những thông tin cụ thể nhằm giúp chẩn đoán có nguyên nhân nào khác gây ra triệu chứng của trẻ không.
Các bước thăm khám gồm:
- Sức khỏe tổng quát.
- Hành vi cử chỉ gần đây.
- Khí sắc và hành vi ở những môi trường khác nhau và mối quan hệ xung quanh.
- Hoàn cảnh gia đình và mối quan hệ trong gia đình.
- Các phương thức nào có thể giúp ích hoặc gây hại trong việc kiểm soát bất thường hành vi của trẻ.
- Có các bệnh lí tâm thần khác, hoặc rối loạn học tập và giao tiếp.
Điều trị Rối loạn thách thức chống đối như thế nào?
Muốn điều trị ODD, trẻ cần đến những liệu pháp tâm lý và phải có sự hợp tác giữa bố mẹ và trẻ. Điều trị có thể kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí lâu hơn. Nên vậy, việc điều trị các bệnh lí khác đi kèm cũng rất cần thiết. Những căn bệnh đó có thể là nguyên nhân làm cho tình trạng bệnh không đáp ứng điều trị hoặc thậm chí bệnh nặng hơn.
Thuốc thường không cần dùng nếu trẻ chỉ mắc ODD. Nếu trẻ có nhiều bệnh đồng mắc, như ADHD, lo âu hoặc trầm cảm, thuốc có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh ở trẻ.
1. Các bước cần làm để điều trị ODD gồm:
- Các chương trình đào tạo, huấn luyện: Bố mẹ phải tham gia các chương trình này để biết cách chăm sóc cho trẻ bị ODD. Ngoài ra, cha mẹ còn cần xây dựng các kĩ năng như tích cực hơn, hành vi lời nói thống nhất hơn. Một số trường hợp, trẻ sẽ tham gia huấn luyện cùng cha mẹ, giúp đạt được mục tiêu kiểm soát vấn đề đang gặp. Ngoài ra, những người quản lí trẻ, như giáo viên, có thể cũng cần tham gia huấn luyện.
- Liệu pháp tương tác giữa trẻ và cha mẹ: Chuyên gia sẽ giúp cha mẹ hiểu cách để tương tác với trẻ. Ngoài ra, có thể cha mẹ sẽ đeo một thiết bị đeo tai, giúp chuyên gia có thể quan sát và đưa ra lời khuyên đúng lúc. Kết quả là, cha mẹ sẽ học được kĩ năng nuôi dạy trẻ tốt hơn, giảm các hành vi bất thường ở trẻ.
- Dạy bé các kỹ năng để giải quyết vấn đề: Điều này sẽ giúp bé thay đổi hành vi và biết cách phản ứng tích cực với những tình huống căng thẳng. Ngoài ra, bạn cũng đồng hành cùng bé, giúp bé định hướng cách xử trí vấn đề.
- Liệu pháp cá nhân hóa và gia đình: Bao gồm việc trẻ sẽ học cách kiểm soát cơn nóng giận và biết cách thể hiện cảm xúc tích cực hơn. Gia đình cũng sẽ góp phần giúp trẻ trong việc giao tiếp và hình thành mối quan hệ với các thành viên trong gia đình với nhau.
- Học các kĩ năng xã hội: Trẻ có thể trở nên uyển chuyển và tích cực hơn trong giao tiếp với mọi người xung quanh.
2. Một số lời khuyên bạn có thể áp dụng để chăm sóc bé:
- Đặt ra các quy tắc rõ ràng và đưa ra hình phạt khi cần.
- Khuyến khích những hành vi tốt của bé. Hãy khen ngợi, động viên nếu bé có thể kiểm soát và điều chỉnh những hành vi không tốt của mình.
Mặc dù kĩ năng nuôi dạy trẻ đôi khi được xem như là những hành động bản năng của cha mẹ. Việc học cách giữ thái độ thống nhất trong những tình huống nào đó không dễ dàng, nhất là khi có nhiều tác nhân gây căng thẳng khác. Do đó, cha mẹ cần luyện tập và nhẫn nại với trẻ hơn.
Điều quan trọng là phải thể hiện với trẻ thái độ thống nhất, tình yêu thương không điều kiện và thái độ bao dung với trẻ. Thậm chí cha mẹ cần giữ thái độ đó trong những tình huống cực kì căng thẳng và khó chịu. Bạn không nên quá khó khăn với chính bản thân bạn. Đây là một quá trình đầy khó khăn, ngay cả với những cặp cha mẹ bình thường rất nhẫn nại.
Những hoạt động dành cho bé bị Rối loạn thách thức chống đối
- Luôn ghi nhận và khuyến khích những hành vi tích cực của trẻ. Ví dụ như “Cha mẹ rất thích cách con sắp xếp gọn đồ chơi tối qua”. Đưa ra lời khuyến khích những hành vi tích cực có thể giúp ích rất nhiều, nhất là với những trẻ còn nhỏ.
- Định hình hành vi bạn muốn trẻ noi theo. Hướng dẫn trẻ cách tương tác và định hình hành vi xã hội đúng đắn giúp cải thiện kĩ năng xã hội của trẻ.
- Tránh dùng sức mạnh đe dọa trẻ.
- Đưa ra những lời khuyên rõ ràng và hiệu quả, đặc biệt cần thống nhất trong các tình huống.
- Cần đưa ra một lịch trình cụ thể mỗi ngày cho các hoạt động của trẻ.
- Cha mẹ cùng người thân trong gia đình cần thống nhất trong cách giáo dục trẻ.
Nói tóm lại, rối loạn thách thức chống đối (ODD) có thể gặp ở bất kì trẻ nào, kể cả những đứa trẻ bình thường rất ngoan ngoãn. Khi mắc bệnh này, trẻ dễ bị ảnh hưởng đến tính khí, học tập… Cha mẹ trẻ cũng cảm thấy rất khó khăn trong nuôi dạy trẻ. Vì vậy, khi nghi ngờ con bạn mắc ODD, bạn hãy đưa trẻ đi khám ngay nhé.