Rối loạn tâm lý tuổi dậy thì: Tình trạng không hiếm gặp

Rối loạn tâm lý tuổi dậy thì là một trong những tình trạng rối loạn rất phổ biến. Nếu không được xử trí phù hợp, những rối loạn ấy có thể diễn biến nghiêm trọng hơn. Thậm chí có thể gây nên các bệnh lý tâm thần. Vậy tuổi dậy thì có những rối loạn tâm lý gì? Nguyên nhân do đâu? Cách xử trí như thế nào cho phù hợp? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!

Tại sao tuổi dậy thì dễ bị rối loạn tâm lý?

Trong suốt giai đoạn của tuổi dậy thì cơ thể trẻ sẽ xảy ra rất nhiều thay đổi về hình thể, sinh lý và tâm lý. Đặc biệt, có không ít các trường hợp phát triển quá nhanh hoặc với cường độ quá mạnh. Điều này góp phần làm cho tâm lý của trẻ rất dễ bị xáo trộn.

Tình trạng rối loạn tâm lý tuổi dậy thì càng trầm trọng hơn đối với những trẻ nhạy cảm hoặc những trẻ có tiền sử mắc các bệnh lý về tâm thần.

Trẻ ở độ tuổi dậy thì rất dễ bị rối loạn tâm lý

Khi bước vào độ tuổi dậy thì, hình thể của trẻ thay đổi rất nhiều. Chẳng hạn như trẻ em gái sẽ phát triển tuyến vú, bắt đầu có chu kỳ kinh nguyệt. Trong khi trẻ em trai sẽ bị vỡ giọng, mọc ria mép, có khả năng xuất tinh,… Sự ham muốn tình dục cũng sẽ xuất hiện. Trẻ không còn hồn nhiên, ngây thơ như giai đoạn trước đó. Thay vào đó, trẻ sẽ bắt đầu có những suy nghĩ như người lớn.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.

Bên cạnh đó, yếu tố xã hội cũng làm cho trẻ dậy thì rất dễ bị rối loạn tâm lý. Chẳng hạn như sự trêu chọc của bạn bè, sự thiếu thấu hiểu của cha mẹ, thầy cô,… Những tác động ấy làm cho trẻ rất dễ cáu gắt, bực bội, tự ti,… Một số trường hợp có thể dẫn đến xung đột, bất đồng, bạo lực học đường,…

Rối loạn tâm lý tuổi dậy thì nhận biết như thế nào?

Trẻ ở độ tuổi dậy thì bị rối loạn tâm lý sẽ xuất hiện một hoặc nhiều hơn các biểu hiện sau:1

  • Trẻ bị suy giảm khả năng học tập. Thường có kết quả học hành sa sút hơn so với giai đoạn trước đó.
  • Trẻ rất dễ cáu gắt, bực bội. Đôi khi không lễ phép với cha mẹ, thầy cô.
  • Nhiều trường hợp trẻ bị rối loạn giấc ngủ như: mất ngủ, ngủ nhiều, ngủ nướng,…
  • Trẻ có thể chán ăn, bỏ ăn, hoặc ăn uống vô độ. Từ đó có thể dẫn đến sụt cân nghiêm trọng, hoặc tăng cân thất thường.
  • Hành vi bất thường như: bỏ nhà ra đi, vui buồn thất thường, gây hấn với người khác,…
  • Có những rối loạn trong suy nghĩ. Chẳng hạn như: nghĩ có một bạn nào đó yêu mình hoặc ghét mình.
  • Trong một số trường hợp, trẻ nghĩ hoặc tưởng tượng mình mắc một bệnh lý nào đó.
  • Trẻ rất dễ bị stress trong học tập. Nguyên nhân có thể do: điểm kém, quá nhiều bài để học, áp lực từ kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô.
  • Một vài trường hợp, rối loạn tâm lý có thể tiến triển thành các bệnh lý tâm thần. Khi ấy, trẻ sẽ xuất hiện những hoang tưởng, ảo giác trong bệnh lý loạn thần. Hoặc trầm buồn trong bệnh lý trầm cảm, gia tăng hoạt động trong bệnh hưng cảm,…

Rối loạn cảm xúc là một trong những biểu hiện thường thấy khi trẻ bị rối loạn tâm lý tuổi dậy thì

Những dạng rối loạn tâm lý tuổi dậy thì

Một số dạng rối loạn tâm lý thường gặp ở tuổi dậy thì bao gồm:1 2

1. Rối loạn trầm cảm

Trầm cảm là rối loạn tâm lý khá thường gặp ở lứa tuổi dậy thì. Nguyên nhân do nồng độ hormone trong cơ thể thay đổi. Và các áp lực đến từ gia đình, thầy cô, bạn bè. Một số trường hợp do các sử dụng chất như: rượu bia, thuốc lá, ma túy,… Các triệu chứng điển hình bao gồm:

  • Buồn bã, chán nản, khí sắc u sầu.
  • Ít hoặc không quan tâm đến những gì xảy ra xung quanh.
  • Giảm sự quan tâm, thích thú với những sở thích trước đây.
  • Dễ mệt mỏi, giảm năng lượng.
  • Rối loạn giấc ngủ, tâm lý bi quan.
  • Một số trường hợp có ý nghĩ và hành vi tự sát.

2. Rối loạn hưng cảm

Ngược lại với trầm cảm, trẻ bị hưng cảm thường gia tăng suy nghĩ, cảm xúc và hành vi. Trẻ bị hưng cảm thường có những triệu chứng sau:

  • Gia tăng hành động suy nghĩ, có thể suy nghĩ liên tục, nhiều giờ liền.
  • Tư duy phi tán. Trẻ rất khó tập trung cho việc học tập.
  • Hầu hết trẻ mắc chứng hưng cảm thường nói nhiều. Giảm nhu cầu ăn uống và ngủ nghỉ.
  • Trẻ rất dễ bốc đồng, cáu gắt, bực bội.
  • Một vài trường hợp có hoang tưởng tự cao, hoang tưởng được yêu.

3. Loạn thần cấp tính

Loạn thần là một trong những rối loạn tâm lý nặng nề. Nó có thể tiến triển nặng thành rối loạn dạng phân liệt. Hoặc thậm chí là tâm thần phân liệt. Nếu không được điều trị kịp thời. Tình trạng loạn thần sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của trẻ về sau. Một số triệu chứng phổ biến của tình trạng loạn thần cấp bao gồm:

  • Trẻ có những hoang tưởng như: hoang tưởng bị hại, hoang tưởng nghi bệnh,…
  • Ảo giác xuất hiện như: ảo thị, ảo thanh.
  • Ngôn ngữ rời rạc, không liên quan.
  • Hành vi bị rối loạn. Trẻ có thể xuất hiện những cơn xung động hành vi, quậy phá không kiểm soát được.

Phụ huynh làm gì để giúp trẻ bị rối loạn tâm lý?

Khi thấy trẻ có những biểu hiện rối loạn tâm lý. Các bậc phụ huynh không nên giấu giếm. Đồng thời không nên mặc cảm về những rối loạn mà trẻ mắc phải. Cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tâm thần sớm nhất có thể. Đây là lúc trẻ rất cần sự chăm sóc, hướng dẫn của bác sĩ cũng như người thân trong gia đình.

Chính sự điều trị sớm và chăm sóc tận tình sẽ giúp trẻ nhanh chóng thuyên giảm những rối loạn tâm lý, hành vi. Phụ huynh cũng nên:

  • Thường xuyên trò chuyện, tâm sự với trẻ.
  • Khuyến khích con em mình tham gia các hoạt động tập thể lành mạnh.
  • Nhắc nhở trẻ tránh các trò chơi bạo lực. Cũng như không nên tiếp xúc với văn hóa phẩm đồi trụy, tệ nạn xã hội,…
  • Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, tạo thuận lợi cho sự phát triển của trẻ.

Quan tâm, chia sẻ, đưa trẻ đến bác sĩ tâm lý khi cần thiết là việc có thể làm để giúp trẻ cảm thấy tốt hơn

Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những rối loạn tâm lý tuổi dậy thì. Từ đó, các bậc phụ huynh sẽ biết cách phát hiện, cũng như có hướng xử trí đúng đắn khi phát hiện trẻ bị rối loạn tâm lý. Mục đích là tạo thuận lợi cho sự phát triển thể chất và tâm hồn của trẻ trong tương lai. Ngoài ra, nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc hay câu hỏi cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *