Rối loạn phân liệt cảm xúc (Phần 1): Nguyên nhân và chẩn đoán

Bạn đang ngồi một mình và nghe thấy những tiếng nói bên tai với cảm xúc bình thường. Đôi khi, tiếng nói ấy lại xuất hiện kể cả khi bạn vui hay buồn. Bạn đang không hiểu chính mình bị gì? Tâm thần phân liệt hay rối loạn lưỡng cực hay là rối loạn trầm cảm chủ yếu?

Câu trả lời có thể là không cái nào trong ba rối loạn trên. Có thể bạn đang bị phân liệt cảm xúc đấy. Cùng tìm hiểu về bệnh qua các bài viết về rối loạn phân liệt cảm xúc nhé!

1. Rối loạn phân liệt cảm xúc là gì?

Nói một cách dễ hiểu, rối loạn phân liệt cảm xúc (schizoaffective) là tình trạng bệnh vừa có triệu chứng loạn thần vừa có triệu chứng khí sắc hiện diện cùng lúc trong một giai đoạn bệnh. Tức là có một khoảng thời gian người bệnh chỉ có triệu chứng giống như bệnh tâm thần phân liệt (ảo thanh, hoang tưởng, hành vi vô tổ chức, ngôn ngữ vô tổ chức, các triệu chứng âm tính khác). Có lúc bệnh nhân lại biểu hiện giống rối loạn trầm cảm, hưng cảm và có khi cả ba nhóm triệu chứng này cùng hòa trộn cùng lúc với nhau.

 

Rối loạn phân liệt cảm xúc là một bệnh khá phức tạp

2. Nguyên nhân gây bệnh

Cũng giống như tâm thần phân liệt, cho đến thời điểm viết bài này, nguyên nhân của bệnh thật sự vẫn là một ẩn số. Người ta cho rằng đó là do sự phối hợp của nhiều yếu tố, bao gồm:

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.

Di truyền

Nếu có cha/mẹ/anh/chị/em ruột mắc phân liệt cảm xúc, bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người không có tiền căn gia đình mắc bệnh. Cũng vì “lai” giữa tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực nên nguy cơ này cũng tăng lên khi gia đình bạn có người mắc một trong hai hoặc cả hai rối loạn này.

Chất dẫn truyền thần kinh

Sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh trong não như dopamin, serotonin và norepinephrine có thể đóng vai trò quan trọng trong rối loạn này. Tác động vào những chất này hoặc thụ thể của chúng chính là cơ chế hoạt động của các loại thuốc điều trị bệnh.

Ngoài ra, trong quá trình mang thai, nếu mẹ bị nhiễm vi-rút, suy dinh dưỡng hoặc thậm chí gặp biến chứng sản khoa cũng có thể đóng vai trò gây ra bệnh lý rối loạn phân liệt cảm xúc. Chúng ta vẫn đang cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định nguyên nhân thật sự của bệnh lý này.

3. Chẩn đoán rối loạn phân liệt cảm xúc

Theo tiêu chuẩn của DSM-5 (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorder – Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần), rối loạn phân liệt cảm xúc được chẩn đoán khi thỏa mãn tất cả các tiêu chuẩn sau:

  • Trong một khoảng thời gian liên tục, người bệnh có một giai đoạn khí sắc (trầm cảm hoặc hưng cảm). Đồng thời, họ thỏa mãn tiêu chuẩn đầu tiên của tâm thần phân liệt (có ít nhất 2/5 triệu chứng ảo giác, hoang tưởng, hành vi vô tổ chức, ngôn ngữ vô tổ chức, các triệu chứng âm tính kéo dài ít nhất 1 tháng).
  • Có giai đoạn hoang tưởng và ảo giác kéo dài ít nhất 2 tuần mà không có giai đoạn rối loạn về khí sắc trong suốt thời gian bị bệnh.
  • Các triệu chứng nằm trong tiêu chuẩn chẩn đoán của rối loạn khí sắc chiếm đa số thời gian (> 50%) trên tổng số thời gian bị bệnh.

Một số biểu hiện của bệnh

Ví dụ, bạn có ảo thanh và luôn nghĩ rằng ai đó đang âm mưu chơi xấu, ám hại, mưu sát mình (hoang tưởng bị hại) kéo dài 2 tháng trước khi khởi phát giai đoạn trầm cảm chủ yếu. Loạn thần và giai đoạn trầm cảm cùng diễn ra trong 3 tháng. Sau đó, bệnh nhân hết triệu chứng của trầm cảm nhưng loạn thần vẫn còn kéo dài dai dẳng khoảng 2 tháng nữa thì biến mất. Bạn có nghĩ đây là phân liệt cảm xúc không?

Câu trả lời là không. Mặc dù thỏa mãn hai tiêu chuẩn đầu tiên nhưng tổng thời gian bị bệnh là 7 tháng và giai đoạn khí sắc chỉ kéo dài “thoáng qua” trong 2 tháng. Điều này không thỏa mãn tiêu chuẩn rối loạn khí sắc chiếm đa số thời gian như đã nói ở trên.

Cũng như những rối loạn tâm thần khác, các triệu chứng bệnh phải loại trừ nguyên nhân do chất, thuốc hay các tình trạng y khoa khác.

4. Cần làm gì để chẩn đoán rối loạn phân liệt cảm xúc?

Các xét nghiệm được thực hiện với mục đích chính là loại trừ những nguyên nhân khác gây ra biểu hiện bệnh. Ví dụ như chụp CT, MRI giúp phát hiện các tổn thương cấu trúc não như u não, chấn thương não… Đo điện não để xác định có bị động kinh hay không. Lấy dịch trong não để biết não có đang bị viêm, nhiễm vi-rút, vi khuẩn gì hay không. Ngoài ra, kiểm tra chức năng tuyến giáp và tầm soát sử dụng chất qua nước tiểu cũng thường được thực hiện tại các bệnh viện.

Như vậy, bài viết đầu tiên đã cung cấp thông tin về nguyên nhân, chẩn đoán của phân liệt cảm xúc. Bài sau sẽ tiếp tục đề cập tới diễn tiến, điều trị và hỗ trợ cho bản thân người bệnh và gia đình, mời các bạn đón đọc: Rối loạn phân liệt cảm xúc (Phần 2): Diễn tiến và điều trị

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *