Rối loạn nhai lại: nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Rối loạn nhai lại là một tình trạng bệnh nhân ợ lên và nhai lại thức ăn đã nuốt vào bụng. Tình trạng này có liên quan đến một số bệnh lý tâm thần và có thể gây tổn thương thực quản. Sự nhai lại này được thực hiện trong vô thức, nghĩa là bệnh nhân không hề tự ý làm vậy. Liệu rối loạn này có thể điều trị được không? Hãy cùng YouMed tìm hiểu về rối loạn nhai lại nhé.

1. Tổng quan

Những bệnh nhân có rối loạn nhai lại thường sẽ nhai lại thức ăn sau mỗi bữa. Họ sẽ ợ thức ăn lên miệng trở lại, sau đó nhai lại thức ăn đó. Đa phần thức ăn đều chưa được tiêu hóa. Sau khi nhai lại, bệnh nhân có thể nuốt trở lại thức ăn vào dạ dày hoặc nhổ ra.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi

Hiện nay, chưa thống kê được mức độ phổ biến của căn bệnh này trong dân số. May thay, rối loạn nhai lại có thể điều trị được.

>> Xem thêm: Khó nuốt: Các bệnh lý có thể gặp

Rối loạn nhai lại có thể điều trị được

2. Biểu hiện của rối loạn nhai lại

Các biểu hiện của rối loạn này có thể là:

  • Hành động nhai lại một cách dễ dàng, vô thức, không cần phải cố gắng để ợ thức ăn lên. Thường xuất hiện trong khoảng 10 phút sau khi nuốt thức ăn lần đầu tiên.
  • Cảm giác đau bụng được giảm bớt khi bệnh nhân nhai lại.
  • Cảm giác đầy bụng.
  • Hơi thở có mùi hôi.
  • Buồn nôn.
  • Sụt cân không chủ ý.

Rối loạn này có thể xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em. Nếu bạn hay con bạn có biểu hiện của rối loạn nhai lại, hãy đi khám bác sĩ.

3. Nguyên nhân của rối loạn nhai lại là gì?

Nguyên nhân cụ thể của rối loạn này còn chưa được tìm ra. Tuy nhiên, nhiều khả năng nó có liên quan đến tình trạng tăng áp lực trong bụng.

Rối loạn nhai lại thường hay bị nhầm lẫn với chứng cuồng ăn tâm thần (bulimia nervosa), trào ngược dạ dày thực quản hay liệt dạ dày. Một số trường hợp bệnh lại có liên quan tới rối loạn cơ vòng trực tràng, một bệnh lý gây ra táo bón mạn tính.

Tình trạng này từ lâu đã được ghi nhận ở trẻ sơ sinh và những trường hợp có dị tật. Các nghiên cứu hiện nay cho thấy, rối loạn nhai lại có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, kể cả trẻ sơ sinh, vị thành niên lẫn người trưởng thành. Bệnh cũng thường gặp hơn ở những bệnh nhân với rối loạn lo âu, trầm cảm hay các rối loạn tâm thần khác.

Rối loạn nhai lại có thể xuất hiện với các bệnh tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn lo âu

4. Biến chứng có thể xuất hiện ở bệnh nhân với rối loạn nhai lại

Nếu không được điều trị, rối loạn nhai lại có thể làm tổn thương khoang miệng, thực quản và dạ dày. Các vấn đề khác có thể xuất hiện như:

  • Sụt cân không chủ ý
  • Suy dinh dưỡng
  • Mòn men răng
  • Hơi thở hôi
  • Sự xấu hổ khi người khác thấy hành động nhai lại
  • Tự cô lập mình khỏi xã hội

5. Chẩn đoán rối loạn nhai lại

Người bệnh sẽ được hỏi kỹ về bệnh sử và tiền căn trước đây của mình. Qua việc trò chuyện và thăm khám trước tiếp, đôi khi kết hợp với quan sát hành động nhai lại, bác sĩ có thể chẩn đoán được bệnh.

Để xác định chẩn đoán, một số xét nghiệm có thể được thực hiện. Đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao (HRM) hay đo kháng trở thực quản có thể được thực hiện. Các xét nghiệm này giúp xác định tình trạng tăng áp lực trong ổ bụng.

Các xét nghiệm khác có thể được làm với mục đích loại trừ bệnh lý khác. Có thể kể đến như:

  • Nội soi thực quản dạ dày tá tràng: Nội soi giúp quan sát tốt cấu trúc của đường tiêu hóa trên. Điều này có thể giúp loại trừ các bệnh lý do tắc nghẽn. Ngoài ra, qua nội soi có thể sinh thiết để đánh giá thêm tình trạng tổn thương.
  • Nghiệm pháp làm trống dạ dày: Thử nghiệm này cho biết thời gian để làm trống dạ dày.

Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng giúp đánh giá tổn thương ống tiêu hóa trên

6. Điều trị căn rối loạn này như thế nào?

Để bắt đầu điều trị, bác sĩ cần xác nhận chẩn đoán và loại trừ các bệnh lý khác tương tự. Tùy thuộc vào độ tuổi và khả năng nhận thức, các biện pháp khác nhau sẽ được lựa chọn.

6.1 Liệu pháp hành vi

Liệu pháp đảo ngược thói quen có thể được sử dụng với những bệnh nhân không có vấn đề về mặt nhận thức. Bệnh nhân sẽ được học cách phát hiện hành động nhai lại và cách hít thở bằng cơ bụng trong những thời điểm ấy. Sự di chuyển của cơ hoành khi hô hấp sẽ ngăn cản sự có thắt ở bụng và sự nhai lại.

Phản hồi sinh học cũng là một phần của liệu pháp hành vi cho rối loạn nhai lại. Trong liệu pháp này, bệnh nhân cũng sẽ được học cách để chống lại hành động nhai lại, thông qua động tác hít thở.

Liệu pháp hành vi có thể giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân với rối loạn nhai lại

Đối với trẻ sơ sinh, biện pháp điều trị chủ yếu phụ thuộc vào cha mẹ. Họ sẽ giáo dục, hướng dẫn trẻ và tạo môi trường phù hợp để cải thiện rối loạn này.

6.2 Điều trị dùng thuốc

Nếu tình trạng nhai lại thường xuyên gây tổn thương thực quản, thuốc ức chế bơm proton có thể được sử dụng. Nhóm thuốc này giúp ức chế tiết acid dạ dày, bảo vệ thực quản khỏi viêm loét.

Một số bệnh nhân được điều trị thuốc giúp thư giãn dạ dày sau ăn. Biện pháp này có thể có ích trong một số trường hợp.

Rối loạn nhai lại là tình trạng nhai lại thức ăn trong vô thức. Bệnh cũng hay đi kèm với các bệnh lý tâm thần như rối loạn lo âu hay trầm cảm. Các biểu hiện và biến chứng có thể gây khó chịu nếu không được điều trị. Các biện pháp được sử dụng hiện này đang cho thấy sự hiệu quả trong điều trị các rối loạn ở bệnh nhân. Khi có nghi ngờ hay phát hiện các dấu hiệu của sự nhai lại thức ăn, hãy đi khám ngay bạn nhé.

>> Cứng hàm có thể gây rất nhiều đau đớn và khó chịu. Cùng tìm hiểu ngay để có những phương pháp thư giãn mà bạn có thể tập tại nhà để làm giảm nhẹ triệu chứng. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *