Trong cuộc sống, chắc hẳn ai trong chúng ta đều có những lúc vui, lúc buồn tùy vào hoàn cảnh và trường hợp cụ thể. Vậy bạn có biết như thế nào là vui, buồn bệnh lý? Bài viết ngày hôm nay-rối loạn lưỡng cực sẽ nói về rối loạn liên quan đến cảm xúc.
1. Như thế nào là rối loạn lưỡng cực?
Rối loạn lưỡng cực là một rối loạn về khí sắc (khí sắc là những cảm xúc mà bên trong mỗi người cảm nhận) được đặc trưng bởi những giai đoạn hung cảm, hưng cảm nhẹ và trầm cảm chủ yếu.
Có 2 loại rối loạn lưỡng cực: Rối loạn lưỡng cực I và rối loạn lưỡng cực II. Bệnh nhân có rối loạn lưỡng cực I bắt buộc phải có 1 giai đoạn hưng cảm và có hoặc không một giai đoạn hưng cảm nhẹ, trầm cảm. Rối loạn lưỡng cực II bắt buộc phải có ít nhất một giai đoạn hưng cảm nhẹ và một giai đoạn trầm cảm, không bao giờ có một giai đoạn hưng cảm.
Vậy giai đoạn hưng cảm, hưng cảm nhẹ, trầm cảm có triệu chứng như thế nào?
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.
2. Triệu chứng của rối loạn lưỡng cực?
Hưng cảm
Hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ biểu hiện một tình trạng vui vẻ, phấn khởi quá mức, được đặc trưng bởi ít nhất 3 trong 7 triệu chứng sau:
- Đánh giá cao bản thân: cảm thấy bản thân luôn tài giỏi hơn mọi người xung quanh, bản thân có thể làm rất nhiều những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp như viết một quyển tiểu thuyết mới, phát minh ra những sáng kiến mới. Thậm chí có thể lên đến mức hoang tưởng như có những mối quan hệ đặc biệt với những người nổi tiếng.
- Giảm nhu cầu ngủ: ít ngủ so với trước đây nhưng vẫn cảm thấy khỏe. Ví dụ như trước đây mỗi ngày bạn ngủ từ 7-8 tiếng mới cảm thấy khỏe và đủ năng lượng cho một ngày làm việc mới, thì trong giai đoạn này bạn ít ngủ hơn tầm 3-4 tiếng nhưng vẫn cảm thấy khỏe khoắn
- Nói nhiều hơn: trong giai đoạn này bạn thấy mình nói nhiều hơn, nói nhanh hơn, luôn thôi thúc bản thân phải nói, nói từ chủ đề này sang chủ đề khác, nói không cần quan tâm đến người khác có mong muốn giao tiếp với mình hay không. Sự thay đổi này có thể được nhận thấy bởi chính bản thân bạn hoặc những người xung quanh.
- Luôn có những ý tưởng chạy đua trong đầu: trong giai đoạn này bạn sẽ có rất nhiều ý tưởng, sáng kiến, thậm chí những ý nghĩ, sang kiến này có thể còn nhanh hơn cả khả năng bạn biểu lộ ra bên ngoài. Đôi khi bạn suy nghĩ liên tục từ chủ đề này sang chủ đề khác, những chủ đề này có thể liên quan đến nhau hoặc không.
- Dễ xao nhãng: dễ bị phân tán sự chú ý dù đó là những kích thích rất nhỏ. Ví dụ nhưng bạn đang nói chuyện với bạn bè và ngoài kia đang có người quét rác đang đi qua, bạn nhìn ra người quét rác đó và khó quay lại tiếp câu chuyện đang gián đoạn với bạn bè, thậm chí bạn có thể ra phụ người quét rác đó làm việc
- Gia tăng các hành vi có mục đích: bạn có nhiều kế hoạch và tham gia nhiều hoạt động hơn ví dụ như làm nhiều việc hơn, quan hệ tình dục nhiều hơn, hoặc đơn giản như là gọi điện thoại nhiều hơn cho những người xung quanh, thậm chí với người lạ, những người bạn cũ đã lâu không còn liên lạc
- Gia tăng các hành vi có nguy cơ đem lại đau khổ: ví dụ như quan hệ tình dục bừa bãi, đầu tư vào những lĩnh vực mà mình không có kinh nghiệm hoặc không biết gì về nó, bán nhà, bán đất…
Trầm cảm
Là một giai đoạn trầm buồn, mất hứng thú được đặc trưng bởi ít nhất 5 trong 9:
- Cảm giác buồn, chán nản, vô vọng, trống rỗng
- Mất hứng thú: những sở thích trước đây như xem phim, nghe nhạc bây giờ không còn cảm thấy thích thú nữa
- Rối loạn giấc ngủ: nằm trằn trọc khó đi vào giấc hoặc ngủ chập chờn, không sâu giấc, dễ bị thức giấc giữa đêm, ngủ ít hơn so với trước đây hoặc ngủ nhiều hơn 10 giờ/ngày hoặc ngủ nhiều hơn 2 tiếng so với trước đây
- Ăn uống không cảm thấy ngon miệng
- Cảm thấy dễ mệt mỏi, mất năng lượng
- Chậm chạp hoặc cảm giác ngồi không yên, cào da, vọc tay, vọc tóc, xoắn vặn tay chân
- Khó tập trung: bạn thường cảm thấy mình hay quên ví dụ mới để chìa khóa trên bàn lại loay hoay không biết mình đặt ở đâu. Hay cảm thấy dạo gần đây làm việc gì cũng do dự, khó ra quyết định
- Cảm thấy bản thân vô dụng, tội lỗi với bản thân, với những người xung quanh
- Thường nghĩ đến cái chết, muốn chết, có những kế hoạch để tự sát
Nếu bạn có những triệu chứng trên thì hãy đến khám chuyên khoa Tâm Thần để được chẩn đoán và điều trị sớm.
>> Một số bệnh viện thần kinh mà bạn có thể tham khảo để chữa trị: Hướng dẫn khám, chữa bệnh tại bệnh viện Tâm Thần TPHCM