Rối loạn giả bệnh: Phát hiện dễ hay khó?

Rối loạn giả bệnh là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng mà người bệnh sẽ cố tình bị bệnh hoặc tự gây thương tích để lừa dối người khác rằng bản thân bị bệnh. Các triệu chứng có thể từ mức độ nhẹ như phóng đại các triệu chứng có sẵn, hay đến mức độ nặng như hội chứng Munchausen. Người bệnh có thể tự tạo ra các triệu chứng hoặc thậm chí giả mạo các xét nghiệm y khoa để thuyết phục người khác rằng mình cần điều trị. Sau đây, mời bạn cùng Bác sĩ Đào Thị Thu Hương tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh qua bài viết sau nhé!

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.

Rối loạn giả bệnh có triệu chứng gì?

Những người mắc rối loạn giả bệnh không phải bịa đặt bệnh lý vì mục đích đạt được lợi ích cá nhân. Bịa ra bệnh để được nghỉ làm hay thắng kiện thì không phải là rối loạn giả bệnh. Người thật sự bị rối loạn mặc dù biết rằng họ đang tự tạo ra các triệu chứng nhưng có thể không hiểu nguyên nhân của hành động này hay không biết rằng bản thân có bất thường.

Rối loạn giả bệnh rất khó để nhận biết và cũng rất khó để điều trị. Tuy nhiên, sử dụng thuốc và các phương pháp trị liệu tâm thần có thể giúp ngăn ngừa hành động tự gây thương tích hay thậm chí tử vong.

Các triệu chứng thường liên quan đến việc bắt chước bệnh, tự tạo ra bệnh hoặc tự gây thương tích. Đôi khi người bệnh chỉ là phóng đại các triệu chứng có sẵn hay giả bộ suy yếu để đánh lừa người khác. Những bệnh nhân sẽ cố gắng che giấu hành động lừa dối nên rất khó nhận ra rằng những triệu chứng bề ngoài đó chỉ là một phần của rối loạn tâm thần bên trong.

Người bệnh sẽ tiếp tục lừa dối dù rằng không nhận được bất kỳ lợi ích hay phần thưởng gì hay kể cả khi người khác đưa ra những bằng chứng trái ngược.

Những triệu chứng của rối loạn giả bệnh bao gồm:

  • Hiểu biết nhiều về các bệnh lý, thuật ngữ y khoa
  • Các triệu chứng thường mơ hồ hoặc không nhất quán
  • Bệnh trầm trọng hơn mà không có nguyên nhân rõ ràng
  • Bệnh không đáp ứng phù hợp với các phương pháp điều trị đúng phác đồ
  • Người bệnh đi khám nhiều bác sĩ hay bệnh viện và có thể sử dụng tên giả
  • Thường không muốn bác sĩ nói chuyện với người thân hoặc bạn bè
  • Thường xuyên ở lại bệnh viện
  • Mong muốn thường xuyên được thăm khám, làm xét nghiệm hay phẫu thuật
  • Có nhiều sẹo mổ cũ hay từng được làm nhiều thủ thuật y khoa trước đây
  • Ít có người thân đến thăm khi nhập viện
  • Tranh cãi với bác sĩ hoặc nhân viên y tế

Rối loạn giả bệnh áp đặt lên người khác

Rối loạn này trước đây được gọi là hội chứng Munchausen uỷ quyền hay rối loạn giả bệnh uỷ quyền. Khi đó, người bệnh sẽ cố tình nói với mọi người rằng người nào đó có bệnh hay có triệu chứng về tâm thần. Bệnh nhân cũng có thể gây thương tích hoặc gây bệnh cho người nào đó để lừa dối người khác.

Những người bị rối loạn này thường cho rằng đối phương bị bệnh hay có rối loạn chức năng và cần phải điều trị. Tình trạng này thường xảy ra ở những bậc cha mẹ muốn hãm hại con cái. Hành động lừa dối này khiến con cái họ phải điều trị không cần thiết hay thậm chí bị đẩy vào những tình huống nguy hiểm.

Rối loạn giả bệnh áp đặt lên người khác thường gặp ở những bậc cha mẹ

Làm cách nào người mắc rối loạn giả bệnh có thể giả dạng được triệu chứng?

 Những người bị rối loạn thường rất thành thạo trong việc tự tạo các triệu chứng và bệnh lý hay thậm chí tự tổn thương bản thân nên người thân và bác sĩ thường rất khó xác định được họ bị bệnh thật hay giả.

Bệnh nhân có thể tự tạo ra triệu chứng bằng những cách sau:

  • Phóng đại những triệu chứng đang có. Họ thường làm cho những bệnh có sẵn trông như nghiêm trọng hơn tình trạng hiện có.
  • Bịa ra tiền sử bị bệnh. Người bệnh có thể kể cho người thân hay bác sĩ tiền căn y khoa không có thật. Chẳng hạn như họ sẽ khẳng định rằng mình bị ung thư hay HIV. Đôi khi họ còn làm giả các kết quả xét nghiệm để chứng minh rằng mình đang bị bệnh.
  • Tự tạo ra triệu chứng. Người bệnh sẽ giả các triệu chứng như đau dạ dày, co giật hay bất tỉnh.
  • Tự tổn thương bản thân. Chẳng hạn người bệnh sẽ tiêm vào bản thân những thứ như vi khuẩn, sữa, xăng hay phân. Họ cũng có thể tự cắt hay đốt bản thân. Ngoài ra, hành động tự dùng những thuốc như thuốc tiểu đường cũng được sử dụng để giả mạo bệnh. Người bệnh cũng có thể rạch hoặc khiến vết thương nhiễm trùng.
  • Giả mạo kết quả. Người bệnh có thể ảnh hưởng các dụng cụ hay xét nghiệm y tế để làm lệch kết quả. Chẳng hạn họ có thể làm nóng nhiệt kế hay cho thêm máu vào mẫu nước tiểu xét nghiệm.

Bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần khi nào?

Những bệnh nhân bị rối loạn giả bệnh có thể nhận thức rõ nguy cơ chấn thương hay thậm chí tử vong do những hành vi của bản thân. Tuy nhiên, người bệnh không thể kiểm soát hành vi của mình và không thể tìm kiếm sự giúp đỡ. Ngay cả khi có bằng chứng trái ngược như video chứng minh họ tự gây bệnh, người bệnh vẫn không chấp nhận và từ chối điều trị tâm thần.

Nếu nghi ngờ người thân đang phóng đại triệu chứng hay giả bệnh, bạn có thể nói chuyện nhẹ nhàng với họ. Trong cuộc trò chuyện, nhớ tránh cảm xúc giận dữ, phán xét hay đối đầu với người bệnh. Bạn có thể khuyến khích, giúp họ củng cố các hoạt động lành mạnh. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân xuất hiện các hành vi tự làm tổn thương bản thân hay cố tự tử, bạn nên đưa họ đi khám ngay lập tức.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của rối loạn giả bệnh là gì?

Hiện nay các bác sĩ vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra rối loạn giả bệnh. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố tâm thần và căng thẳng trong cuộc sống dẫn đến rối loạn này. Có những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc rối loạn giả bệnh như:

  • Chấn thương ở trẻ em về mặt thể chất hay tâm lý. Chẳng hạn trẻ em bị lạm dụng về mặt thể chất, tình cảm hay lạm dụng tình dục.
  • Từng bị bệnh nặng khi còn nhỏ
  • Có người thân chết do bệnh tật hay bị bỏ rơi
  • Từng được người khác quan tâm khi bị bệnh
  • Nhận thức kém về bản thân và lòng tự trọng thấp
  • Rối loạn nhân cách
  • Trầm cảm
  • Mong muốn được bác sĩ hay nhân viên y tế quan tâm
  • Làm việc trong ngành y khoa

Trẻ em từng bị lạm dụng là yếu tố nguy cơ của rối loạn giả bệnh

Biến chứng do rối loạn giả bệnh gây ra là gì?

Những bệnh nhân có thể có những hành vi nguy hiểm tính mạng để tự tạo ra bệnh. Bệnh nhân cũng thường mắc những rối loạn tâm thần khác song song. Hậu quả là:

  • Chấn thương hay thậm chí tử vong do các bệnh tự tạo
  • Ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng do bị nhiễm trùng hay phẫu thuật không cần thiết
  • Phẫu thuật cắt chi hoặc nội tạng không cần thiết
  • Lạm dụng rượu hoặc các chất khác
  • Ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày, các mối quan hệ và công việc
  • Ảnh hưởng đến những người xung quanh

Những hành vi tự tổn thương có thể rất nguy hiểm

Chẩn đoán rối loạn giả bệnh bằng cách nào?

Chẩn đoán rối loạn này thường vô cùng khó khăn. Bệnh nhân thường là chuyên gia trong việc giả mạo bệnh tật. Đôi khi họ cũng thật sự mắc bệnh mặc dù có thể đó là do người bệnh tự gây ra.

Bệnh nhân thường đi khám ở nhiều bác sĩ và bệnh viện, sử dụng tên giả kèm các quy định về quyền riêng tư khiến bác sĩ không thể biết tiền sử bệnh tật thật sự trước đây.

Chẩn đoán rối loạn này thường dựa trên những triệu chứng khách quan. Bác sĩ sẽ nghi ngờ người bệnh mắc rối loạn giả bệnh khi:

  • Tiền sử bệnh trước đây không phù hợp
  • Bệnh hay chấn thương không có nguyên nhân rõ ràng
  • Bệnh không diễn tiến phù hợp
  • Dù được điều trị theo phác đồ nhưng bệnh không thuyên giảm
  • Các triệu chứng mâu thuẫn với nhau hoặc không nhất quán với kết quả xét nghiệm
  • Người bệnh từ chối bác sĩ nói chuyện với người thân hay không đưa ra hồ sơ y khoa trước đây
  • Khi phát hiện người bệnh đang nói dối hoặc tự gây thương tích

Khi đó, để xác định bệnh nhân thật sự mắc rối loạn giả bệnh, bác sĩ sẽ:

  • Thực hiện phỏng vấn bệnh nhân
  • Yêu cầu hồ sơ y khoa trước đây
  • Nói chuyện với các thành viên trong gia đình để tìm hiểu thêm thông tin nếu bệnh nhân cho phép
  • Chỉ thực hiện những xét nghiệm cần để chẩn đoán bệnh lý thực sự
  • Sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn giả bệnh theo DSM-5

Những phương pháp điều trị rối loạn giả bệnh

Điều trị rối loạn này thường khó khăn và không có liệu pháp tiêu chuẩn. Bình thường người bệnh sẽ không chấp nhận điều trị rối loạn. Tuy nhiên, họ sẽ đồng ý điều trị nếu bác sĩ tâm thần tiếp cận một cách nhẹ nhàng và không phán xét.

Cách tiếp cận không phán xét

Những lời nói thẳng rằng bệnh nhân bị rối loạn giả bệnh sẽ khiến người bệnh tức giận và phòng thủ. Việc này sẽ khiến họ đột ngột chấm dứt mối quan hệ với bác sĩ và đến bệnh viện khác. Vì vậy, bác sĩ sẽ tạo ra một yếu tố bên ngoài nào đó nhằm tránh cảm xúc xấu hổ khi bệnh nhân thừa nhận triệu chứng là giả tạo. Sau đó bác sĩ sẽ cung cấp thông tin cũng như phương pháp điều trị đúng đắn. Việc này giúp người bệnh đến một chuyên gia tâm thần để được điều trị phù hợp và giúp củng cố các hành vi lành mạnh.

Những phương pháp điều trị

Điều trị thường tập trung vào kiểm soát tình trạng tổng thể thay vì chỉ điều trị triệu chứng:

  • Có một bác sĩ chăm sóc chính. Người bệnh chỉ khám với một bác sĩ duy nhất để có kế hoạch điều trị đúng đắn và tránh việc đến khám tại những bệnh viện khác.
  • Liệu pháp tâm lý. Liệu pháp tâm lý và hành vi có thể giúp kiểm soát căng thẳng và cải thiện kỹ năng đương đầu với những vấn đề trong cuộc sống. Ngoài ra, liệu pháp gia đình cũng được khuyến cáo nếu có thể thực hiện. Bác sĩ cũng nên tìm ra và điều trị những rối loạn tâm thần khác như trầm cảm.
  • Sử dụng thuốc. Một số thuốc được dùng để điều trị những rối loạn tâm thần kèm theo như rối loạn lo lâu hay trầm cảm.
  • Nhập viện. Trong một số trường hợp nặng, bác sĩ nên cho bệnh nhân nhập viện trong thời gian ngắn để theo dõi điều trị và tránh những hành vi tự tổn thương.

Lời khuyên của bác sĩ dành cho bệnh nhân mắc rối loạn giả bệnh

Những thay lời khuyên đây có thể giúp bệnh nhân bị rối loạn giả bệnh:

  • Tuân thủ kế hoạch điều trị. Nếu cảm thấy có những cảm xúc thúc đẩy làm hại bản thân, hãy nói với chuyên gia tâm lý hay bác sĩ chính để cùng tìm ra cách vượt qua những cảm xúc này.
  • Nên theo một bác sĩ điều trị, tránh việc đi khám tại nhiều nơi.
  • Luôn ý thức được nguy cơ do rối loạn gây ra. Người bệnh nên nhắc nhở bản thân rằng mình có thể bị những thương tật vĩnh viễn hay thậm chí cái chết mỗi khi tự làm tổn thương bản thân.
  • Đừng tìm bác sĩ hay bệnh viện khác. Cố gắng cưỡng lại ý nghĩ tìm bác sĩ khác. Hãy nhờ chuyên gia tâm lý để vượt qua những ý nghĩ này.
  • Tạo mối quan hệ với những người xung quanh.

Hiện nay các bác sĩ vẫn chưa tìm ra phương pháp phòng ngừa rối loạn giả bệnh hữu hiệu vì chưa rõ nguyên nhân. Chính vì thế, nếu bạn hay người thân xuất hiện những yếu tố nghi ngờ, hãy đến bác sĩ hay chuyên gia tâm lý để được phát hiện và điều trị phù hợp, tránh những hành vi nguy hiểm hay thậm chí nguy hiểm tính mạng. Hy vọng bài viết trên của YouMed đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về rối loạn giả bệnh.

>> Xem thêm:

Rối loạn thần kinh tư chủ và những điều mà bạn cần biết

Rối loạn trầm cảm theo mùa, nguyên nhân và cách điều trị hợp lý

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *