Rối loạn đa nhân cách – cái tên nói lên tất cả. Nhiều nhân cách tồn tại bên trong một cơ thể. Nhưng nếu tìm hiểu về rối loạn này bạn sẽ phát hiện ra nhiều cái thú vị hơn nữa. Bạn sẽ phát hiện ra những điều kì diệu cơ thể mình làm được. Tuy nhiên đã gọi là rối loạn thì chắc hẳn sẽ có bất thường ảnh hưởng lên cuộc sống của bạn. Trước khi tìm hiểu về đa nhân cách có một khái niệm quan trọng bạn nên biết.
1. Phân ly là gì?
Trong Tâm thần học, phân ly được xem là một cơ chế bảo vệ vô thức cơ thể khỏi bị tổn thương. Đó là trạng thái mất đi những suy nghĩ, ký ức, cảm xúc, hành động hoặc ý thức về bản thân người đó. Tôi là ai? tôi đang ở đâu? Thường rối loạn này hay gặp ở những người bị sang chấn tâm lý.
Một người sống sót sau khi trải qua một tai nạn thảm khốc, bị hành hung, là nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp… có thể mất đi kí ức về sự kiện đó. Họ không thể nhớ về địa điểm, hoàn cảnh, những gì đã xảy ra trong ngày hôm ấy. Đó chính là cách cơ thể tự bảo vệ mình khỏi những thương tổn quá lớn.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Những điều bí ẩn về đa nhân cách!
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Sức khỏe tâm thần, tải ngay ứng dụng YouMed.
2. Các thể bệnh trong rối loạn phân ly
Đa nhân cách là một rối loạn nằm trong phổ rối loạn phân ly. Theo Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần 5, rối loạn phân ly bao gồm 3 rối loạn chính:
- Rối loạn nhận dạng phân ly.
- Quên phân ly
- Rối loạn tri giác sai thực tại/giải thể nhân cách.
Trong đó, triệu chứng phân ly biểu hiện thành 2 nhóm.
- Phân ly “âm tính”: mất khả năng nhớ lại hoặc kiểm soát chức năng tâm thần mà có thể ghi nhớ hoặc thực hiện một cách dễ dàng gặp trong quên phân ly.
- Phân ly “dương tính”: gặp trong hai rối loạn còn lại. Đó là những trải nghiệm tự nhiên xuất hiện trong ý thức và hành vi. Và đi kèm với sự mất cảm nhận về cơ thể hiện tại.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Rối loạn nhân cách phân liệt
3. Rối loạn đa nhân cách
Vậy đa nhân cách nằm ở đâu trong rối loạn phân ly, tại sao không được nhắc đến ở phần trên? Thật ra trong tiêu đề đã tiết lộ. Rối loạn đa nhân cách là tên gọi cũ của rối loạn nhận dạng phân ly. Hiện nay trong các y văn người ta dùng thuật ngữ này nhiều hơn. Nhưng trong đời sống hằng ngày, đa nhân cách vẫn là từ ngữ quen thuộc, dễ hiểu hơn với phần đông mọi người khi đề cập đến rối loạn này.
4. Nhận biết rối loạn đa nhân cách
Đa nhân cách có thể biểu hiện:
• Hiện diện nhiều con người: Một cơ thể nhưng tồn tại của hai hoặc nhiều “con người” khác, riêng biệt. Đi kèm với mỗi nhận dạng là thay đổi trong cảm xúc, hành vi, trí nhớ, tri giác, cảm giác. Các triệu chứng có thể được quan sát bởi người khác hoặc được chính người bệnh khai báo. Họ mô tả “chính họ” đang quan sát thấy lời nói, hoạt động của mình. Và bất lực khi không thể dừng lại việc này.
• Thay dổi đột ngột: Thái độ, vẻ bề ngoài, sở thích của người đa nhân cách có thể chuyển đổi đột ngột. Người bệnh cảm thấy mình như một ai khác: trẻ nhỏ, giới tính khác hoặc là một người to lớn. Với sự thay đổi này, họ nói “không phải của tôi” hoặc “không chịu sự kiểm soát của tôi”.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bệnh nhân Đa nhân cách cần chuẩn bị gì khi gặp bác sĩ?
Có các khoảng trống kí ức lặp đi lặp lại. Không nhớ sự kiện hàng ngày, thông tin cá nhân quan trọng, các sự kiện gây đau khổ. Và việc quên đi này không phù hợp với sự quên thông thường, ví dụ:
- Kí ức thời xa xưa bị khuyết, như thời thơ ấu, khoảng thời gian trưởng thành. Các sự kiện quan trọng như: ông bà mất, kết hôn, sinh con…không nhớ đã xảy ra như thế nào?
- Hôm nay đã xảy ra chuyện gì?: không thể nhớ. Khả năng dùng máy tính, chơi đàn, lái xe… thành thạo mà rõ ràng “bản thân mình” không biết.
- Phát hiện ra những hoạt động thường ngày hoặc công việc mà theo họ nhớ là mình không làm. Không thể giải thích được tại sao có món đồ đó lại có trong túi của mình. Không hiểu tại sao bản thân lại bị thương. Hoặc “sáng thức dậy ở một nơi xa” một cách khó hiểu, vô lí.
Cần nhớ rằng, mỗi một nhân cách có suy nghĩ, hành vi và cảm xúc riêng về cuộc sống. Dù các trạng thái này có vẻ khác nhau, nhưng tất cả chúng đều là biểu hiện của một người.
5. Nguyên nhân rối loạn đa nhân cách
Rối loạn nhận dạng phân ly có liên quan nhiều đến những tổn thương sâu sắc trong quá khứ. Trong đó, lạm dụng thể chất và tình dục là những sang chấn thời thơ ấu thường gặp nhất. Các báo cáo tại Mỹ cho thấy khoảng 90% trẻ bị lạm dụng bị bỏ bê mắc rối loạn này.
Một số trải nghiệm khác có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh như: làm thủ thuật, phẫu thuật khi còn nhỏ, bị khủng bố…. Hiện tại vẫn chưa có bằng chứng cụ thể, rõ ràng cho thấy rối loạn này có liên quan đến sự di truyền.
6. Các vấn đề rối loạn đa nhân cách mang lại
Đa nhân cách ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi người rất khác nhau. Mà đa phần là những rắc rối, có thể rất nhỏ nhưng cũng có thể là rất lớn. Các nhân cách ảnh hưởng đến quan hệ hôn nhân, gia đình nhiều hơn là công việc của họ.
Một ví dụ để bạn dễ hình dung về người bệnh đa nhân cách :
Một phụ nữ 33 tuổi, đã có chồng. Khi khám tâm thần, cô nói mình thường xuyên mất trí nhớ trong 12 năm đầu đời. Cô cảm giác “cuộc sống của mình bắt đầu từ năm 12 tuổi”. Cô thường được nghe người khác nói mình chơi đàn piano rất hay nhưng cô không ý thức được mình có thể làm điều đó. Chồng cô nói rằng cô rất hay quên các hoạt động hay khi nói chuyện với anh. Anh ta để ý, rất nhiều lần cô nói chuyện như một đứa trẻ nói giọng miền Nam. Đôi khi lại giận dữ và dễ bị khiêu khích. Trong khi đó, vợ anh ta lại chẳng thể nhớ những lúc này.
Trong lúc khám, khi được bác sĩ hỏi nhiều hơn về cuộc sống gần đây của mình, một giọng nói giống như trẻ con xuất hiện. “Tôi chỉ không muốn bị khóa trong tủ” với sự giận dữ, cáu kỉnh và quan tâm nhiều đến tình dục. Tìm hiểu về sự thay đổi nhanh chóng của “cô gái có giọng nói của đứa trẻ” này. Người ta biết đến quá khứ hỗn loạn trong 12 năm đầu đời của cô. Cô bị lạm dụng thể chất và tình dục, bị bạo hành về cảm xúc bởi bố mẹ và các anh chị mình.
(trích dẫn từ Kaplan & Sadocks Synopsis of Psychiatry behavioral Sciences/clinical psychiatry, trang 460)
Rối loạn nhận dạng phân ly có thể rất dễ nhầm lẫn với những rối loạn khác. Do đó nên gặp các bác sĩ chuyên khoa Tâm Thần. Để được chẩn đoán sớm và can thiệp điều trị phù hợp.
Bác sĩ Đào Thị Thu Hương