Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCPD) là 2 loại bệnh thường bị nhầm lẫn với nhau. Việc phân biệt được chính xác 2 loại bệnh trên là vô cùng cần thiết. Trên thực tế, OCD khác với OCPD như thế nào? Hãy cùng YouMed tìm hiểu trong bài viết này nhé!
1. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là gì?
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một rối loạn được định nghĩa là sự hiện diện của một nỗi ám ảnh (một suy nghĩ hoặc ý tưởng phi lý cứ lặp đi lặp lại) hoặc một hành vi cưỡng chế, ép buộc (một nghi thức, hành vi phi lý được thực hiện lặp đi lặp lại). Những hành vi này có thể xảy ra cùng nhau hoặc một mình và can thiệp vào chất lượng cuộc sống và khả năng hoạt động của một người.
1.1. Suy nghĩ ám ảnh
Nỗi ám ảnh không chỉ đơn giản là lo lắng về những vấn đề thực tế, hằng ngày. Chúng được xác định bởi các đặc điểm lâm sàng cụ thể sau:
- Những suy nghĩ, hình ảnh hoặc ý tưởng vô lý sẽ không biến mất. Nó không mong muốn và gây ra sự đau khổ tột cùng cho người mắc.
- Những suy nghĩ đến và đi bên trong bạn nhưng nó dường như không thể kiểm soát.
- Những suy nghĩ đủ đau khổ khiến bạn phải hành động một cách chủ động xua tan chúng. Chẳng hạn như tham gia vào các hành vi cưỡng chế như một biện pháp gây xao lãng, tránh né.
1.2. Hành vi cưỡng chế
Tương tự như nỗi ám ảnh, sự ép buộc không phải là thói quen hay do hành vi nghiện ngập. Thay vào đó, chúng được đặc trưng bởi các hành vi bất thường có thể bao gồm:
- Các hành vi mang tính nghi thức và thường xuyên mà bạn cảm thấy cần phải thực hiện nhiều lần. Chẳng hạn như làm sạch, rửa tay, đếm, gõ hoặc kiểm tra mọi thứ hai lần.
- Tham gia vào các hành vi lặp đi lặp lại vì sợ rằng điều gì đó khủng khiếp có thể xảy ra, chẳng hạn như xước có thể bị nhiễm trùng, hoại tử.
- Tích trữ những thứ vì sợ rằng điều gì đó tồi tệ có thể xảy ra nếu bạn không có những vật dụng này.
- Thực hiện các hành vi nghi thức để xua tan nỗi lo lắng về một suy nghĩ ám ảnh, chẳng hạn như sợ ai đó sẽ chết đi.
- Những hành vi lặp đi lặp lại mà bạn nhận ra là phi lý nhưng lại không thể dừng nó lại.
2. Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCPD) là gì?
Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCPD) đặc trưng bởi sự cầu toàn thái quá, đòi hỏi sự trật tự nghiêm ngặt, sự gọn gàng cực độ. Họ sẽ cảm thấy cần phải áp đặt các tiêu chuẩn của chính họ lên môi trường bên ngoài. Chỉ khi những đặc trưng tính cách này trở nên kém linh hoạt hay có khả năng làm suy yếu đi đáng kể các chức năng sống của họ và làm cho người đó có cảm thấy đâu khổ thì rối loạn này mới được xác định.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.
3. Phân biệt
Có 4 khía cạnh cơ bản để phân biệt rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCPD).
3.1. Mối liên hệ giữa ám ảnh và cưỡng chế
OCD được xác định bởi sự hiện diện của hành vi cưỡng chế như một cách xao lãng suy nghĩ ám ảnh. Ngược lại, với OCPD, các hành vi cưỡng chế này không được định hướng bởi những suy nghĩ ám ảnh. Thường những hành vi cưỡng chế ở OCPD sẽ không rõ lý do.
3.2. Kiểm soát
Những người mắc OCD thường đau khổ vì bản chất của hành vi hoặc suy nghĩ của họ. Tuy nhiên, họ không thể kiểm soát chúng. Trong khi những người mắc OCPD biết rằng hành động của họ có lý do và mục đích.
3.3. Tìm kiếm sự hỗ trợ
Những người mắc OCD thường sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ để vượt qua bản chất phi lý trong hành vi của họ. Kể cả trạng thái lo lắng dai dẳng mà họ đang sống (Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp họ xem hành động của mình là hợp lý và không tìm kiếm sự giúp đỡ).
Những người mắc OCPD thường sẽ không tìm kiếm sự giúp đỡ vì họ không thấy rằng bất cứ điều gì mình đang làm là đặc biệt bất thường hoặc không hợp lý.
3.4. Mức độ dao động triệu chứng
Các triệu chứng của OCD có xu hướng dao động liên quan đến lo âu. Ngược lại, triệu chứng của OCPD được xác định bởi tính không linh hoạt, các hành vi có xu hướng dai dẳng và không thay đổi trong thời gian dài.
Để có được chẩn đoán phù hợp và phương pháp điều trị thích hợp, bạn cần tìm đến chuyên gia sức khỏe tâm thần có chuyên môn cao để được tư vấn và thăm khám. Một số người mắc OCD hoặc OCPD có thể không nhận ra mình mắc bệnh. Bạn nên đến các trung tâm điều trị để được chữa trị kịp thời.
Con trai rơi nước mắt là tình trạng hiếm gặp trong cuộc sống. Khi con trai khóc chỉ là một trạng thái tâm lý bình thường hay là dấu hiệu của bệnh lý? Con trai khóc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào? Cùng tìm hiểu nhé: Khi con trai khóc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?