Co giật nửa mặt trong thuật ngữ chuyên ngành được gọi là Hemifacial spasm (HFS). Chứng bệnh biểu hiện bởi các cử động co giật hoặc co cứng không chủ ý, không đều của các cơ ở một bên mặt (do thần kinh số VII chi phối). Bệnh này được xếp vào nhóm rối loạn vận động không có loạn trương lực. Sau đây, hãy Youmed tìm về chứng co giật nửa mặt, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh.
1. Tổng quan về chứng co giật nửa mặt
Co giật nửa mặt là một rối loạn thần kinh. Trong đó các cơ ở một bên mặt của người bệnh bị co giật một cách không chủ ý. Nguyên nhân của co giật nửa mặt thường do tổn thương hoặc kích thích dây thần kinh mặt, còn được gọi là dây thần kinh sọ thứ bảy. Ngoài ra còn có thể do chấn thương dây thần kinh mặt hay khối u, hoặc không rõ nguyên nhân.
Chứng co giật nửa mặt gây ảnh hưởng tới nhiều nhóm cơ. Bao gồm: cơ vòng mi, cơ trán, cơ cau mày, cơ mũi, cơ gò má, cơ vòng môi, cơ cười, cơ bám da cổ,…
Co giật nửa mặt có thể xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ. Tuy nhiên, chúng thường phổ biến nhất ở phụ nữ trên 40. Bệnh cũng có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn ở bên trái khuôn mặt của bạn.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi
2. Làm thế nào để nhận biết chứng co giật nửa mặt?
Triệu chứng đầu tiên của co giật nửa mặt là chỉ co giật một cách không chủ ý ở một bên mặt. Các cơn co giật nửa mặt thường bắt đầu ở mí mắt dưới dạng giật nhẹ. Đây được gọi là chứng co thắt não. Bạn có thể nhận thấy rằng cơn co giật trở nên rõ ràng hơn khi bạn lo lắng hoặc mệt mỏi. Đôi khi, những cơn co giật mí mắt này có thể khiến mắt bạn nhắm lại hoàn toàn hoặc khiến bạn chảy nước mắt.
Theo thời gian, tình trạng co giật có thể trở nên rõ ràng hơn ở các vùng da đã bị ảnh hưởng trên khuôn mặt. Cơn co giật cũng có thể lan sang các bộ phận khác của cùng một bên khuôn mặt và cơ thể, bao gồm:
- Lông mày.
- Má.
- Khu vực xung quanh miệng, chẳng hạn như môi.
- Cằm.
- Quai hàm.
- Phần cổ phía trên.
Trong một số trường hợp, co thắt cơ mặt có thể lan đến mọi cơ ở một bên mặt. Co thắt cũng có thể xảy ra khi bạn đang ngủ. Khi các cơn co giật lan rộng, bạn cũng có thể nhận thấy các triệu chứng như:
- Thay đổi khả năng nghe.
- Ù tai.
- Đau tai, đặc biệt là đau ở phía sau tai.
- Co thắt toàn bộ khuôn mặt.
3. Nguyên nhân gây ra tình trạng co giật nửa mặt là gì?
Co giật nửa mặt thường do dây thần kinh mặt bị kích thích. Nó cũng có thể do chấn thương dây thần kinh mặt hoặc khối u. Đôi khi chứng co thắt nửa mặt không tìm thấy nguyên nhân xác định và thường được gọi là co giật nửa mặt vô căn.
Một chấn thương ở đầu hoặc mặt cũng có thể gây co thắt cơ mặt do dây thần kinh mặt bị tổn thương hoặc chèn ép. Các nguyên nhân phổ biến hơn của co thắt cơ mặt có thể bao gồm:
- Khối u chèn ép đẩy lệch dây thần kinh mặt của bạn.
- Di chứng từ một đợt liệt Bell. Tình trạng này có thể khiến một phần khuôn mặt của bạn bị tê liệt tạm thời.
4. Làm cách nào để điều trị chứng co giật nửa mặt?
Chế độ ăn và thuốc men
Bạn có thể giảm các triệu chứng của mình tại nhà đơn giản bằng cách nghỉ ngơi nhiều và làm dịu thần kinh của bạn. Hạn chế uống nhiều caffeine, các chất kích thích thần kinh khác. Bên cạnh đó, bổ sung một số chất dinh dưỡng cũng có thể giúp giảm co giật, bao gồm:
- Vitamin D từ trứng, sữa và ánh sáng mặt trời.
- Magiê từ hạnh nhân và chuối.
- Hoa cúc, có sẵn dưới dạng trà hoặc viên nén.
- Quả việt quất, chứa chất chống oxy hóa làm giãn cơ.
Phương pháp điều trị phổ biến nhất cho những cơn co thắt này là uống thuốc giãn cơ để giữ cho cơ không bị co giật. Bác sĩ có thể đề nghị một số loại thuốc như: baclofen, clonazepam, carbamazepine.
Tiêm Botulinum toxin loại A (Botox)
Phương pháp tiêm Botox cũng thường được sử dụng để điều trị chứng co thắt cơ mặt. Trong phương pháp điều trị này, bác sĩ sẽ sử dụng một kim tiêm để tiêm một lượng nhỏ hóa chất Botox vào vị trí trên mặt gần các cơ đang co giật. Botox làm cho các cơ yếu đi và có thể làm giảm sự co thắt của bạn. Hiệu lực mỗi liều tiêm kéo dài ba đến sáu tháng trước khi bạn cần tiêm một mũi tiêm khác.
Trao đổi với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào để tránh các tác dụng phụ không đáng có.
Nếu dùng thuốc và Botox không đạt được hiệu quả, bác sĩ cũng có thể đề nghị phẫu thuật để giảm áp lực lên dây thần kinh mặt.
Phẫu thuật giải nén vi mạch (microvascular decompression)
Một phẫu thuật phổ biến được sử dụng để điều trị co giật nửa mặt được gọi là giải nén vi mạch. Trong thủ thuật này, bác sĩ tạo một lỗ nhỏ trong hộp sọ phía sau tai. Sau đó đặt một miếng đệm Teflon giữa dây thần kinh và mạch máu đang chèn lên đó. Ca phẫu thuật này chỉ mất tối đa vài giờ. Bạn có thể về nhà sau vài ngày hồi phục.
5. Mối liên hệ của chứng co thắt nửa mặt với các bệnh lý khác
Co giật nửa mặt cũng có thể bị gây ra do một tình trạng tương tự như đau dây thần kinh sinh ba. Tình trạng này do tổn thương hoặc kích thích dây thần kinh sọ thứ năm. Chứ không phải dây thần kinh sọ thứ bảy – dây thần kinh mặt. Đau dây thần kinh sinh ba có thể được điều trị bằng nhiều loại thuốc và thủ thuật tương tự.
Một khối u không được điều trị có thể làm tăng thêm tổn thương thần kinh nếu khối u phát triển hoặc trở thành ung thư. Ung thư có thể nhanh chóng di căn sang các bộ phận khác của đầu và não của bạn. Đồng thời, bệnh gây ra các biến chứng lâu dài.
Quy trình giải nén vi mạch có thể gây ra các biến chứng nhất định, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc khó thở. Nhưng phẫu thuật giải nén vi mạch hiếm khi gây ra bất kỳ biến chứng nghiêm trọng nào.
6. Tiên lượng của chứng co giật nửa mặt
Co giật nửa mặt có thể được kiểm soát thông qua điều trị tại nhà, dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Làm theo hướng dẫn của bác sĩ, bạn có thể giữ cơ co giật ở mức tối thiểu. Quy trình giải nén vi mạch giúp giảm và loại bỏ những cơn co giật này.
Co giật nửa mặt không được điều trị có thể gây khó chịu vì chúng trở nên dễ nhận thấy và gây rối loạn nặng theo thời gian. Đặc biệt nếu chúng lan rộng ra toàn bộ một bên khuôn mặt của bạn. Trao đổi thêm với bạn bè và gia đình về tình trạng co thắt. Điều này có thể giúp bạn cảm thấy được hỗ trợ nhiều hơn khi kiểm soát các triệu chứng của bệnh.
Chứng co giật nửa mặt thường không gây nguy hiểm. Nhưng sự co giật liên tục trên khuôn mặt của bạn có thể khiến bạn bực bội hoặc khó chịu. Trong một số trường hợp, những cơn co giật này có thể chỉ ra rằng bạn đang có một bệnh lý tiềm ẩn hoặc sự bất thường trong cấu trúc khuôn mặt. Một trong hai nguyên nhân này có thể chèn ép hoặc làm tổn thương dây thần kinh của bạn và làm cho cơ mặt của bạn bị co giật. Nếu nghi ngờ bạn đang có các triệu chứng trên hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn kĩ càng hơn.