Bò là gia súc rất gần gũi với chúng ta. Hằng năm, chúng cung cấp sản lượng hàng triệu tấn thịt và sữa trên toàn thế giới. Trung bình Việt Nam ăn 3 kí thịt và uống 20 lít sữa bò mỗi năm. Chắc hẳn chúng ta từng một lần nghe tới bệnh bò điên và lo lắng về việc lây lan sang người. Vậy chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về bệnh bò điên để giải đáp những thắc mắc và lo lắng kể trên.
Bệnh bò điên là bệnh ở bò hay ở người?
Bệnh bò điên là bệnh ở bò (tên tiếng anh là Bovine Spongiform Encephalopathy, viết tắt là BSE, dịch ra là bệnh viêm não thể bọt biển ở bò). Bò bị bệnh có những biểu hiện như có hành vi bất thường, khó khăn trong di chuyển và giảm thể trọng.
Nguyên nhân của bệnh được cho là nhiễm một loại protein độc, được gọi là prion. Những con bò bị bệnh do ăn bột xương và thịt của các gia súc mắc bệnh như cừu. Thói quen nuôi bò bằng bột xương và thịt này hay gặp ở Vương quốc Anh.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi
Lây lan sang người thông qua việc ăn các sản phẩm bò bị mắc bệnh bò điên. Đặc biệt là não, tủy sống và nội tạng bò. Bệnh ở người được cho là biến thể của bệnh Creutzfeldt – Jakob. Tên tiếng anh là variant Creutzfeldt – Jakob disease, viết tắt là vCJD.
Bệnh Creutzfeldt – Jakob là bệnh lý thần kinh gây chết người. Biểu hiện là sa sút trí tuệ nhanh, rung giật cơ và đi đứng loạng choạng. Bệnh lý này thường có 3 dạng là dạng lây nhiễm (thông qua protein độc prion), do di truyền trội nhiễm sắc thể thường và dạng xuất hiện một cách ngẫu nhiên rải rác.
Nguyên nhân bệnh Creutzfeldt – Jakob
Đây là bệnh rất hiếm gặp, xuất độ hàng năm là 0,5 – 1,5 người trên 1 triệu dân. Gây ra 200 cái chết mỗi năm ở Mỹ.
1. Bệnh mắc phải do prion
Prion là một loại protein có cấu trúc xoắn bất thường. Khi vào cơ thể, các protein độc này tác động đến các protein bình thường khác, biến chúng thành các prion mới. Cứ như vậy chúng sẽ phát triển trong cơ thể theo cấp số nhân.
Con đường lây nhiễm tự nhiên không rõ, ít lây qua đường hô hấp, tiêu hóa hay đường tiếp xúc tình dục. Những ca ghi nhận có sự lây truyền ngang qua chăm sóc y tế như tiêm truyền, ghép giác mạc, truyền hóc môn tăng trưởng.
2. Bệnh do di truyền
5 – 15% ca CJD di truyền qua gen trội NST thường số 20. Do tính chất di truyền nên ba mẹ bị bệnh có thể di truyền gen bệnh lại cho con cái.
3. CJD ngẫu nhiên
90% bệnh Creutzfeldt – Jakob không xác định được nguồn lây hay yếu tố gia đình. Những ca nhiễm bệnh này được xếp vào nhóm bệnh CJD ngẫu nhiên rải rác.
Biểu hiện bệnh lý, chẩn đoán và điều trị bệnh bò điên
1. Biểu hiện bệnh CJD
Ban đầu biểu hiện mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ hay chán ăn.
Sau đó, có những triệu chứng thần kinh bao gồm mất trí nhớ, lú lẫn, hành vi bất thường.
Cuối cùng biểu hiện yếu liệt nửa người, nói khó, mù, đi đứng loạng choạng.
Tử vong thường được ghi nhận một năm sau khi khởi phát triệu chứng bệnh.
2. Chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán dựa trên các biểu hiện lâm sàng và điện não đồ. Các phương tiện hình ảnh học sọ não giúp loại trừ các bệnh viêm não khác. Sinh thiết não có thể giúp xác định chẩn đoán.
Hiện nay, bệnh Creutzfeldt – Jakob vẫn chưa có cách điều trị. Tiên lượng sống trung bình là 5 tháng.
Các thông tin về bệnh bò điên trên thế giới và Việt Nam
- Việc sử dụng thịt và xương động vật bị bệnh như cừu để bổ sung protein trong thức ăn gia súc. Việc này đã phổ biến ở châu Âu từ những thập niên 70.
- Năm 1986, ghi nhận 1 gia súc bị bệnh bò điên đầu tiên tại Vương quốc Anh.
- Trường hợp được báo cáo đầu tiên ở Bắc Mỹ là năm 1993 từ Alberta, Canada.
- Sau khi phát hiện ra trường hợp bệnh bò điên đầu tiên ở Mỹ vào ngày năm 2003. Nhật Bản đã ngừng nhập khẩu thịt bò Mỹ.
- Với 36 trường hợp được xác nhận, Nhật Bản đã trải qua một trong những trường hợp mắc bệnh bò điên lớn nhất ngoài Châu Âu.
- 177 người (tính đến tháng 6 năm 2014) mắc bệnh và chết vì một căn bệnh có triệu chứng thần kinh tương tự. Sau đó được gọi là bệnh Creutzfeldt – Jakob biến thể (vCJD).
- Các nghiên cứu cho thấy các prion không bị tiêu hủy cả ở nhiệt cao như khi được nấu chín.
- Hiện nay bằng nhiều biện pháp, cơn khủng hoảng bệnh bò điên gần như đã được kiểm soát.
Tại Việt Nam, nghi ngờ có 2 ca nhiễm bệnh bò điên, hay đúng hơn là bệnh Creutzfeldt – Jakob biến thể năm 2014, nhưng không thể chẩn đoán xác định do tại Việt Nam chưa thực hiện được xét nghiệm định lượng prion.
Các biện pháp phòng bệnh bò điên
Như những thông tin đã cung cấp, chúng ta có thể bị bệnh Creutzfeldt – Jakob từ nhiều nguồn gốc. Có thể bị lây từ người sang người, di truyền trong gia đình, từ gia súc mắc bệnh bò điên hoặc không thể xác định được nguyên nhân nào cả.
Vậy để phòng bệnh ta có thể dựa trên một số phương pháp:
- Kiểm soát gia súc mắc bệnh bò điên: thay đổi cách chăn nuôi, tiêu hủy bò bệnh, kiểm soát xuất nhập khẩu bò,…
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm bò bệnh, đặc biệt các bộ phận chứa nhiều prion như não, tủy sống.
- Giảm thiểu nguy cơ lây từ người sang người qua các chế phẩm tiêm truyền, ghép tạng bằng việc kiểm tra kĩ người hiến tặng.
Bài viết cung cấp cho các bạn kiến thức về bệnh bò điên ở bò cũng như bệnh Creutzfeldt – Jakob ở người. Do có nhiều đặc điểm tương đồng và mối liên hệ giữa hai bệnh lý này nên đôi khi chúng ta sẽ đôi chút nhầm lẫn. Những thông tin này sẽ mang lại cho bạn những góc nhìn và hiểu biết chính xác hơn về bệnh.