Rối loạn phân ly thường phát triển như một phản ứng đối với sang chấn tâm lý đã gặp phải. Điều trị rối loạn phân ly bao gồm tâm lý trị liệu và thuốc. Mặc dù điều trị rối loạn phân ly có thể khó khăn. Tuy nhiên nhiều người vẫn có thể vượt qua và duy trì cuộc sống khỏe mạnh, hiệu quả.
Rối loạn phân ly là gì?
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.
Rối loạn phân ly là những rối loạn tâm thần liên quan đến việc mất kết nối và thiếu liên tục giữa những suy nghĩ, ký ức, môi trường xung quanh, hành động và nhận dạng. Những người bị rối loạn phân ly ngày càng xa rời với đời sống thực tại theo những cách không mong muốn. Các triệu chứng, từ mất trí nhớ đến nhận dạng thay thế, phụ thuộc một phần vào dạng rối loạn phân ly mà bạn đang gặp phải.
Biểu hiện và triệu chứng của bệnh
Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:
- Mất trí nhớ trong các khoảng thời gian nhất định, sự kiện, con người và thông tin cá nhân.
- Một cảm giác tách rời khỏi bản thân và cảm xúc của bạn.
- Nhận thức về người và những thứ xung quanh bạn bị méo mó và không thực tế.
- Cảm giác mờ ảo về nhận dạng.
- Stress hoặc những vấn đề đáng kể trong các mối quan hệ. Cũng có thể là công việc hoặc các lĩnh vực quan trọng khác trong cuộc sống của bạn.
- Không có khả năng đối phó tốt với stress trong cảm xúc hay công việc.
- Các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Chẳng hạn như trầm cảm, lo lắng hay suy nghĩ và hành vi tự tử.
Các dạng của Rối loạn phân ly
1. Quên phân ly
Triệu chứng chính là mất trí nhớ nghiêm trọng hơn chứng hay quên thông thường. Và điều đó không thể giải thích được bằng một tình trạng bệnh lý khác. Bạn không thể nhớ được thông tin về bản thân hoặc các sự kiện và những người trong cuộc sống của bạn. Đặc biệt là từ thời điểm xảy ra sang chấn. Một đợt mất trí nhớ thường xảy ra đột ngột và có thể kéo dài vài phút, vài giờ hoặc hiếm khi, vài tháng hoặc nhiều năm.
2. Rối loạn nhận dạng phân ly
Trước đây được gọi là rối loạn đa nhân cách. Rối loạn này được đặc trưng bởi “chuyển đổi” sang danh tính thay thế. Bạn có thể cảm thấy sự hiện diện của hai hoặc nhiều người nói chuyện hoặc sống trong đầu bạn. Và bạn có thể cảm thấy như cơ thể bạn bị chiếm hữu bởi những nhận dạng khác. Mỗi nhận dạng có thể có một tên riêng, lịch sử và đặc điểm cá nhân, bao gồm sự khác biệt rõ ràng về giọng nói, giới tính, phong cách và thậm chí cả những phẩm chất thể chất. Cũng có sự khác biệt trong cách làm quen từng nhận dạng với những người khác. Những người bị rối loạn nhận dạng phân ly thường có kèm chứng quên phân ly.
3. Rối loạn giải thể nhân cách
Điều này liên quan đến một cảm giác tách rời liên tục hoặc cảm giác ở bên ngoài chính bạn. Bạn có thể quan sát hành động, cảm xúc, suy nghĩ và bản thân của bạn từ xa như thể đang xem một bộ phim. Bạn cảm thấy những người khác và những thứ xung quanh tách rời nhau và có sương mù. Thời gian có thể bị chậm lại hoặc tăng tốc, và thế giới có vẻ không thật.
Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ?
Suy nghĩ hoặc hành vi tự sát. Nếu bạn có suy nghĩ làm tổn thương chính mình hoặc người khác, hãy gọi cấp cứu hoặc số khẩn cấp tại địa phương của bạn ngay lập tức.
Nếu bạn hoặc người thân có các triệu chứng ít khẩn cấp hơn có thể liên quan đến rối loạn phân ly, hãy đến khám bác sĩ ngay.
Nguyên nhân của Rối loạn phân ly là gì?
Rối loạn phân ly thường phát triển như một cách để đối phó với các sang chấn tâm lý. Các rối loạn thường hình thành ở trẻ em bị lạm dụng thể xác, tình dục hoặc cảm xúc lâu dài. Sự căng thẳng của chiến tranh hoặc thiên tai cũng có thể gây ra các rối loạn phân ly.
Nhận dạng cá nhân vẫn đang hình thành trong thời thơ ấu. Vì vậy, một đứa trẻ có khả năng cao hơn người lớn về cảm giác bên ngoài chính mình và quan sát sang chấn như thể nó đang xảy ra với một người khác. Một đứa trẻ học cách phân tách để chịu đựng một trải nghiệm đau thương. Và có thể sử dụng cơ chế đối phó này để đối phó với các tình huống stress trong suốt cuộc đời.
Bạn đã từng nghe qua chứng rối loạn đa nhân cách chưa? Triệu chứng của bệnh có gì khác so với rối loạn phân ly, cùng tìm hiểu tại bài viết sau: Rối loạn đa nhân cách – rối loạn nhận dạng phân ly: Tuy hai mà một
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
- Những người bị lạm dụng thể xác, tình dục hoặc cảm xúc lâu dài trong thời thơ ấu có nguy cơ mắc chứng rối loạn phân ly cao nhất.
- Trẻ em và người lớn trải qua các sự kiện sang chấn khác, như chiến tranh, thiên tai, bắt cóc, tra tấn hoặc các điều trị y tế kéo dài, chấn thương, cũng có thể phát triển các tình trạng này.
Những biến chứng của bệnh
Những người bị rối loạn phân ly có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng và rối loạn liên quan, chẳng hạn như:
- Tự làm hại, làm bị thương bản thân.
- Suy nghĩ và hành vi tự sát.
- Rối loạn chức năng tình dục.
- Rối loạn nghiện rượu và ma túy.
- Trầm cảm và rối loạn lo âu.
- Chấn thương tâm lý.
- Rối loạn nhân cách.
- Rối loạn giấc ngủ, bao gồm ác mộng, mất ngủ và mộng du.
- Các triệu chứng thực thể như chóng mặt hoặc co giật không động kinh.
- Rối loạn ăn uống.
- Khó khăn trong các mối quan hệ cá nhân và tại nơi làm việc.
Rối loạn phân ly là một tình trạng rối loạn tâm thần xảy ra sau sang chấn tâm lý. Bệnh có thể để lại nhiều di chứng nặng nề cả về tinh thần và thể chất. Bạn cần đi khám bệnh để nhận được những hỗ trợ kịp thời và ngăn ngừa những diễn tiến xấu hơn xảy ra.