Trầm cảm là một căn bệnh phức tạp. Cho đến nay vẫn không ai biết nguyên nhân trầm cảm cụ thể là gì. Tuy vậy, có nhiều yếu tố liên quan khá chặt chẽ với việc khởi phát căn bệnh này. Chúng có thể là những sự kiện đau thương, biến cố lớn trong cuộc sống hoặc di truyền từ gia đình. Bài viết sau đây của Chuyên viên Tâm lý Nguyễn Thị Hương sẽ cung cấp thông tin về những nguyên nhân và các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm. Mời bạn đọc cùng theo dõi nhé!
Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là chứng rối loạn tâm trạng gây buồn, thấp thỏm và tuyệt vọng thời gian dài. Nó ảnh hưởng đến cảm giác, suy nghĩ và hành vi hằng ngày của người bệnh như ngủ, ăn uống, học tập, làm việc,… Bất kỳ ai cũng có thể bị trầm cảm, bất kể tuổi tác, thu nhập, văn hóa,…1
Nếu không điều trị kịp thời, chứng trầm cảm có thể trở nên tồi tệ. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể thấy khó khăn khi thực hiện các hoạt động hằng ngày, có hành vi làm tổn thương bản thân, thậm chí là tự tử.2
Trầm cảm có thể được điều trị bằng thuốc, bằng liệu pháp tâm lý hoặc kết hợp cả hai. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể thực hiện một số cách hỗ trợ và giúp ích cho việc chữa trầm cảm tại nhà.3
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.
Những nguyên nhân thể chất
Khi nhắc đến nguyên nhân trầm cảm, nhiều người chỉ nghĩ về các yếu tố tâm lý. Thực tế, một số yếu tố về thể chất cũng có sự liên quan chặt chẽ đến căn bệnh này.
Sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh trong não3 4 5
Đây là một nguyên nhân sinh học tiềm ẩn của bệnh trầm cảm. Các chất dẫn truyền thần kinh trong não hay còn gọi là các hormone liên quan đến việc điều chỉnh tâm trạng. Điển hình là những cái tên như dopamin và serotonin. Chúng giúp các phần khác nhau của não giao tiếp với nhau và ảnh hưởng lớn đến cảm xúc. Khi một trong số những chất này bị thiếu hụt, chúng gây ra các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Đây được coi là nguyên nhân chính gây ra trầm cảm. Tuy nhiên, hiện nay quan điểm này chưa được chứng minh cụ thể. Thêm vào đó, sự mất cân bằng của các chất này không phải là yếu tố duy nhất gây ra căn bệnh.
Các vấn đề sức khỏe thể chất
Một người sẽ có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn nếu họ cũng mắc các bệnh mãn tính hoặc rối loạn giấc ngủ. Những người bị tiểu đường, ung thư, đa xơ cứng cũng có tỷ lệ trầm cảm lớn hơn so với người khỏe mạnh.6 Do đó, các vấn đề về thể chất cũng có thể là nguyên nhân trầm cảm.
Tinh thần và thể chất có sự liên quan mật thiết. Vì thế, nếu cơ thể đang không khỏe, bạn sẽ thấy tinh thần mình cũng bị sa sút theo. Các bệnh thể chất liên quan đến trầm cảm theo hai hướng. Thứ nhất, sự căng thẳng do mắc bệnh sẽ dẫn đến cơn trầm cảm. Và thứ hai, một số bệnh như rối loạn tuyến giáp, bệnh gan, bệnh Parkinson, viêm khớp,… gây ra các triệu chứng trầm cảm.4 5
Nội tiết tố sinh dục nữ cũng là nguyên nhân trầm cảm
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh CDC, nữ giới có tỷ lệ bị trầm cảm nặng cao gấp đôi nam giới.7Vì điều này, người ta tin rằng, nội tiết tố sinh dục nữ cũng là một nguyên nhân của bệnh trầm cảm. Ngoài ra, phụ nữ dễ bị trầm cảm vào những thời kỳ nội tiết tố thay đổi thất thường. Điển hình là vào chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, sinh con và tiền mãn kinh. Đó cũng có thể là lý do vì sao chứng trầm cảm sau sinh ngày càng phổ biến ở phụ nữ. Thêm vào đó, nguy cơ trầm cảm ở phụ nữ cũng giảm xuống sau khi họ trải qua thời kỳ mãn kinh.4
Nguyên nhân trầm cảm liên quan đến di truyền và lịch sử gia đình
Chúng ta có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn nếu trong gia đình cũng có tiền sử về căn bệnh này. Có khoảng 40% người bị trầm cảm có liên quan đến di truyền và lịch sử gia đình.8Những nghiên cứu về gia đình có sinh đôi, nhận con nuôi cũng cho thấy có mối liên hệ với trầm cảm. Tuy vậy, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chắc chắn sự di truyền trầm cảm là do gen nào. Hiện tại chỉ có thể khẳng định, nếu ông bà hoặc bố mẹ từng có tiền sử bị trầm cảm thì đứa con có nguy cơ mắc trầm cảm cao gấp đôi so với những trường hợp khác.4
Nguyên nhân trầm cảm liên quan đến lối sống
Bên cạnh thể chất và di truyền thì lối sống cũng có sự tác động nhất định đến nguy cơ phát bệnh trầm cảm.
Stress kéo dài
Con người thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề gây ra stress trong cuộc sống. Tình trạng này kéo dài có thể làm giảm khả năng đối phó của con người với các vấn đề và gây ra trầm cảm. Các nhà nghiên cứu cũng nghi ngờ việc hormone cortisol được tiết ra khi bị stress có thể ảnh hưởng đến hormone serotonin.9 Và chính điều đó gây ra trầm cảm.
Chế độ dinh dưỡng kém4
Chế độ ăn uống nghèo nàn cũng có thể là nguyên nhân trầm cảm. Sự thiếu hụt một số các vitamin và khoáng chất có thể gây ra các triệu chứng của căn bệnh này. Điển hình trong số đó là khẩu phần ăn thiếu omega 3.10 Ngoài ra, chế độ ăn nhiều đường cũng có sự liên quan với chứng trầm cảm.11
Những sự kiện đau buồn hoặc mất mát3 5
Một sự kiện lớn như mất người thân, ly hôn, thay đổi nơi ở từng gắn bó,… đều gây nên sự đau buồn. Đi cùng với đó là cảm giác mất mát. Người trải qua những sự kiện này thường có những phản ứng như như khó ngủ, chán ăn. Đôi khi chúng sẽ đi kèm việc kém hứng thú với các hoạt động thường ngày. Thông thường, các dấu hiệu này sẽ giảm đi theo thời gian. Tuy nhiên, nếu chúng kéo dài và trở nên trầm trọng hơn, sự đau buồn này sẽ trở thành trầm cảm. Đôi khi, nó thể gây ra triệu chứng trầm cảm nghiêm trọng, chẳng hạn như ý nghĩ tự tử.
Lạm dụng chất kích thích, gây nghiện hoặc sử dụng thuốc4
Hầu như những người lạm dụng rượu bia hoặc ma túy có các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Có thể khi mới sử dụng các chất này, bạn có thể cảm thấy khá hơn. Nhưng lâu dần, chúng sẽ khiến bệnh tình trở nên trầm trọng. Ngoài ra, còn có một số loại thuốc được phát hiện liên quan đến bệnh trầm cảm. Thuốc chống co giật, statin, thuốc trị mụn trứng cá,… nằm trong danh sách này.
Nguyên nhân trầm cảm là rất nhiều. Người bệnh có thể bị khởi phát cơn trầm cảm bởi nhiều yếu tố tác động cùng lúc. Tuy nhiên, cần nhớ rằng dù vì bất cứ nguyên nhân gì chúng cũng có thể được điều trị hiệu quả. Nếu bị các cơn trầm cảm tấn công, bạn hãy đến gặp ngay người có chuyên môn để được thăm khám và chữa trị kịp thời.