Nguồn gốc của hội chứng sợ lỗ (Trypophobia)

Sự ác cảm hoặc sợ hãi khi nhìn thấy các cụm lỗ nhỏ, vết sưng,.. là triệu chứng điển hình của hội chứng sợ lỗ. Một số đối tượng có thể kích hoạt phản ứng sợ hãi bao gồm vỏ hạt hoặc hình ảnh cận cảnh lỗ chân lông của ai đó. Cùng dược sĩ Phạm Thị Thuý Diễm tìm hiểu về hội chứng này thông qua bài viết sau nhé.

Hội chứng sợ lỗ là gì?

Hội chứng sợ lỗ (có tên khoa học là Trypophobia) là một hội chứng ám ảnh khi quan sát các vật có lỗ nhỏ hoặc vết thâm. Khi mọi người nhìn thấy những hình ảnh này, một loạt các phản ứng được kích hoạt. Họ gặp phải các triệu chứng như sợ hãi nghiêm trọng, buồn nôn, ngứa, đổ mồ hôi, run rẩy và thậm chí là các cơn hoảng loạn.

Sợ hãi là một triệu chứng phổ biến, nhưng “sự ghê tởm” thường được mô tả là cảm xúc áp đảo mà mọi người cảm thấy với hội chứng này. Trypophobia cũng có tính trực quan cao. Chỉ cần người mắc chứng này xem hình ảnh trực tuyến hoặc bản in là đủ để kích hoạt cảm giác sợ hãi, nỗi kinh hoàng hoặc lo lắng.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.

Đối tượng kích hoạt hội chứng sợ lỗ

Nghiên cứu về hội chứng sợ lỗ vẫn còn tương đối hiếm, một số đối tượng kích hoạt chuỗi phản ứng của hội chứng đã được tìm thấy bao gồm:

  • Tổ ong;
  • Các mắt trên dâu tây;
  • Bát sen;
  • Quả lựu;
  • Bong bóng;
  • Lỗ hoặc vết sưng trên da thịt;
  • Mắt côn trùng;
  • San hô;
  • Hạt trái cây;
  • Miếng bọt biển.

Hoa văn nhân tạo, cũng như những động vật có lông, da đốm hoặc hoa văn, cũng có thể gây ra phản ứng sợ lỗ.

Triệu chứng của chứng sợ lỗ

Sau khi nhìn thấy các cụm lỗ nhỏ hoặc vết sưng, mọi người thường sẽ có phản ứng:

  • Sợ hãi và lo lắng;
  • Nổi da gà;
  • Thở nhanh;
  • Đổ mồ hôi;
  • Buồn nôn;
  • Ngứa;
  • Hoảng loạn;
  • Run;
  • Rối loạn cảm xúc.

Ngoài việc trải qua các triệu chứng như sợ hãi và ghê tởm, những người mắc bệnh trypophobia thường sẽ trải qua những thay đổi hành vi, phổ biến nhất là tránh các đối tượng kích hoạt. Ví dụ, một người có thể tránh ăn một số loại thực phẩm (như dâu tây hoặc chocolate có bọt) hoặc tránh đi đến một số nơi nhất định (chẳng hạn như một căn phòng có giấy dán tường chấm bi).

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ lỗ

Nghiên cứu về hội chứng sợ lỗ vẫn còn khá hạn chế, nhưng có một số lý thuyết về lý do tại sao nó xảy ra.

Nguyên nhân tiến hóa

Một trong những lý thuyết phổ biến nhất cho rằng trypophobia là nỗi ám ảnh dựa trên một phản ứng của vỏ não có liên quan đến khả năng tự vệ trước những hình ảnh nguy hiểm. Ví dụ, da bị bệnh, ký sinh trùng và các tình trạng nhiễm trùng khác có thể đặc trưng bởi các lỗ hoặc vết sưng như vậy. Điều này cho thấy nỗi ám ảnh này có một cơ sở tiến hóa. Đây là tác dụng phụ của một sự thích nghi tiến hóa để tránh những thứ có liên quan đến bệnh tật hoặc nguy hiểm.

Nó cũng phù hợp với xu hướng những người mắc bệnh trypophobia gặp phải sự ghê tởm lớn hơn là sợ hãi khi họ nhìn thấy một đối tượng kích hoạt.

Liên quan đến động vật nguy hiểm

Một giả thuyết khác cho rằng các cụm lỗ có chung một hình dạng tương tự như hoa văn da và lông trên một số động vật có nọc độc. Mọi người có thể sợ những hình ảnh này một cách vô thức.

Các nhà nghiên cứu tin rằng những người mắc chứng trypophobia vô thức thường liên hệ hình ảnh tổ ong với các sinh vật nguy hiểm, như rắn chuông. Mặc dù họ không có ý thức về mối liên hệ này, nhưng nó có thể là nguyên nhân khiến họ cảm thấy ghê tởm hoặc sợ hãi.

Liên quan đến mầm bệnh truyền nhiễm

Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy những người tham gia có xu hướng liên hệ hình ảnh các lỗ với mầm bệnh lây truyền qua da, với nhiều báo cáo về cảm giác ngứa da và kiến bò dưới da khi xem các mẫu như vậy.

Ghê tởm hoặc sợ các mối đe dọa tiềm tàng là một phản ứng tiến hóa thích nghi. Trong nhiều trường hợp, những cảm giác này giúp chúng ta an toàn khỏi nguy hiểm. Trong trường hợp trypophobia, các nhà nghiên cứu tin rằng nó có thể là một hình thức quá mức và phóng đại của phản ứng thích nghi thông thường này.

Liên quan với các đặc điểm kích thích thị giác

Một số nghiên cứu cho thấy rằng sự khó chịu mà mọi người cảm thấy có liên quan nhiều hơn đến các đặc điểm hình ảnh của chính các mẫu vật. Một nghiên cứu được công bố cho thấy, khi mọi người cảm thấy khó chịu khi xem các mẫu vật, thì những cảm giác này có liên quan nhiều do đặc điểm hình ảnh hơn là liên kết với động vật nguy hiểm.

Những kết quả như vậy đặt ra câu hỏi liệu trypophobia có thực sự là một nỗi ám ảnh hay không, hay chỉ đơn giản là một phản ứng tự nhiên đối với một số loại kích thích thị giác.

Liên quan tới các rối loạn khác

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người mắc chứng sợ lỗ có nhiều khả năng gặp phải các triệu chứng lo âu và trầm cảm. Các triệu chứng của trypophobia cũng được nhận thấy là dai dẳng và kéo dài, dẫn đến suy giảm chức năng trong cuộc sống hàng ngày và tăng nguy cơ mắc các tình trạng khác như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).

Điều trị hội chứng sợ lỗ

Không có phương pháp điều trị cụ thể hiệu quả đối với tình trạng này. Tuy nhiên, nhiều phương pháp điều trị được sử dụng cho các nỗi ám ảnh cụ thể cũng có khả năng hữu ích trong việc giảm các triệu chứng.

Liệu pháp phơi nhiễm (tiếp xúc)

Đây là biện pháp cho một người tiếp xúc dần dần với đối tượng họ sợ hãi với hy vọng theo thời gian, việc tiếp xúc này sẽ khiến các triệu chứng giảm bớt. Bệnh nhân có thể bắt đầu bằng cách tưởng tượng những gì họ sợ, sau đó nhìn vào hình ảnh của đối tượng, và cuối cùng là ở gần hoặc thậm chí chạm vào đối tượng đó.

Trong trường hợp trypophobia, một người có thể bắt đầu điều trị bằng cách nhắm mắt lại và tưởng tượng một vật thể như tổ ong hoặc vỏ hạt. Họ sẽ lặp lại hành động này cho đến khi các triệu chứng bắt đầu giảm. Một khi bệnh nhân có thể tưởng tượng ra vật thể mà không có phản ứng gì, họ sẽ chuyển sang bước tiếp theo: nhìn vào hình ảnh của vật thể.

Liệu pháp thay đổi nhận thức (CBT)

Trị liệu thay đổi nhận thức là việc kết hợp với trị liệu tâm lý để thay đổi những suy nghĩ và hành vi tiềm ẩn của bệnh nhân có thể góp phần gây ra bệnh trypophobia. Ví dụ thảo luận về những suy nghĩ không thực tế, thay thế những suy nghĩ này bằng những suy nghĩ thực tế hơn và sau đó thực hiện các thay đổi về hành vi.

Một trong những lý do khiến mọi người gặp phải các triệu chứng ám ảnh là vì họ thường tin rằng các đối tượng đó vốn đã nguy hiểm hoặc đe dọa. Điều này dẫn đến những suy nghĩ tự động tiêu cực ngay khi họ thấy vật thể đó.

Thuốc

Thuốc chống trầm cảm hoặc chống lo âu đôi khi có thể được bác sĩ kê toa, đặc biệt nếu bệnh nhân cũng bị trầm cảm hoặc lo lắng. Các thuốc bao gồm các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), thuốc nhóm benzodiazepin hoặc thuốc chẹn beta. Những loại thuốc này có thể được sử dụng đơn độc, nhưng thường được sử dụng kết hợp với phương pháp điều trị khác như CBT, liệu pháp tiếp xúc hoặc các loại trị liệu tâm lý khác.

Thuốc điều trị trầm cảm thường được kê toa với các bệnh nhân mắc hội chứng sợ lỗ. Xem thêm: Những thông tin cần thiết khi uống thuốc chống trầm cảm

Hi vọng với những thông tin bổ ích trên, các bạn đã có thêm kiến thức và hiểu biết về hội chứng sợ lỗ, hay còn gọi là hiệu chứng Trypophobia.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *