Giấc ngủ sâu và có chất lượng đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể được nghỉ ngơi, phục hồi tái năng lượng. Thời gian ngủ tối thiểu cho mỗi người có thể từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm. Tuy nhiên, giấc ngủ có sâu không thì lại phụ thuộc vào yếu tố khác. Đọc tiếp bài viết để biết giấc ngủ sâu là gì? Vai trò cũng như chức năng đối với sức khỏe con người.
1. Khái niệm về giấc ngủ sâu là gì?
Trong khi bạn nghỉ ngơi thông qua giấc ngủ thì cơ thể sẽ trải qua các giai đoạn khác nhau của chu kỳ ngủ, bao gồm:
- Giấc ngủ REM: Hay còn gọi là giấc ngủ chuyển động mắt nhanh;
- Giấc ngủ không REM: Là giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh.
Khi bắt đầu bước vào giấc ngủ thì bạn sẽ trải qua giấc ngủ không REM, qua một khoảng thời gian ngắn mới đi vào giấc ngủ REM. Chu kỳ này sẽ thực hiện liên tục trong suốt đêm và cứ 90 phút sẽ diễn ra một lần. Giấc ngủ sâu sẽ xảy ra trong giai đoạn cuối của giấc ngủ không REM.
Ở giai đoạn đầu của giấc ngủ không REM có thể sẽ kéo dài khoảng vài phút, lúc này các chức năng trong cơ thể bao gồm nhịp tim, hô hấp và mắt mới bắt đầu chuyển động nên tần số sẽ chậm. Thêm vào đó, lúc này cơ bắp của cơ thể chỉ thư giãn với những cơn co giật xảy ra không thường xuyên. Sóng não của bạn lúc này mới bắt đầu chậm lại từ trạng thái tỉnh táo.
Khi chuyển sang giai đoạn 2 của quá trình ngủ không REM (chiếm khoảng 50% tổng chu kỳ giấc ngủ) bạn có thể rơi vào giấc ngủ nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong suốt một đêm ngủ. Trong giai đoạn 2 này sẽ cho thấy các hệ thống của cơ thể tiếp tục chậm lại và được thư giãn. Đồng thời nhiệt độ lõi của cơ thể cũng giảm xuống và chuyển động mắt sẽ dừng lại, sóng não chuyển động chậm.
Khi bước sang giai đoạn 3 và giai đoạn 4 thì lúc này bạn sẽ đi vào giấc ngủ sâu. Ở 2 giai đoạn này bạn sẽ có nhịp tim và nhịp thở chậm nhất cùng với sự thư giãn của các cơ. Sóng não cũng tiến dần đến trạng thái chậm nhất khi bạn đang ngủ và khó để thức giấc ngay cả khi có tiếng ồn lớn.
Vì vậy, giấc ngủ sâu là giấc ngủ sóng chậm hoặc ngang bằng. Giai đoạn đầu tiên của giấc ngủ sâu có thể kéo dài từ 45 đến 90 phút. Thời gian này kéo dài hơn trong nửa đầu của một đêm ngủ.
Giấc ngủ REM cũng chính là giai đoạn 5 của giấc ngủ và ở giai đoạn này chính là giai đoạn đầu của giấc ngủ REM. Thời gian xảy ra giai đoạn này khoảng 90 phút sau khi chuyển sang các giai đoạn không REM. Ở giai đoạn này thường mắt sẽ di chuyển nhanh từ bên này sang bên kia. Hoặc có thể bạn sẽ trải qua giấc mơ khi não hoạt động tăng lên đến trạng thái tỉnh táo hơn, lúc này nhịp tim cũng tăng lên và gần với trạng thái tỉnh táo. Hơi thở đôi khi trở nên nhanh hoặc thay đổi không đồng đều. Tay chân ở giai đoạn này có thể có dấu hiệu tê cứng.
2. Ngủ sâu giấc có tốt không?
Giấc ngủ sâu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cho con người như:
- Quá trình chuyển hóa glucose trong não có thể sẽ tăng lên nếu chúng ta ngủ sâu;
- Ngủ sâu giấc hỗ trợ trí nhớ và khả năng học tập làm việc trong ngày;
- Giấc ngủ sâu cũng chính là thời điểm giúp tuyến yên tiết ra hormone quan trọng đối với sức khỏe;
- Ngoài ra, giấc ngủ sâu còn giúp phục hồi năng lượng sau một ngày làm việc mệt nhọc, tái tạo tế bào cơ thể, tăng quá trình cung cấp máu cho cơ bắp, thúc đẩy quá trình tăng trưởng cũng như sửa chữa các mô và xương;
- Thúc đẩy tăng cường hệ miễn dịch.
Nếu bạn không đạt được giấc ngủ sâu có thể ảnh hưởng đến việc cơ thể xử lý thông tin mỗi ngày, có thể liên kết với các tình trạng bệnh lý như Alzheimer, tim mạch, đái tháo đường hoặc đột quỵ.
Đối với cơ thể bình thường bạn nên dành khoảng 75% thời gian mỗi đêm trong giấc ngủ không REM và 25% thời gian còn lại cho giấc ngủ REM. Trong số tỷ lệ này, giấc ngủ sâu có thể chiếm từ 13 đến 23%. Giấc ngủ sâu cũng sẽ giảm dần theo tuổi tác. Nếu bạn dưới 30 tuổi thì có thể có giấc ngủ sâu khoảng 2 tiếng mỗi đêm. Nhưng nếu ở độ tuổi trên 60 tuổi thì bạn chỉ có khoảng thời gian ngủ sâu khá ngắn, trong tầm 30 phút hoặc không có giấc ngủ sâu.
Một vài lưu ý về giấc ngủ sâu:
- Nếu bạn thức giấc mà cảm thấy cơ thể kiệt sức thì có thể sử dụng một số thiết bị đo giấc ngủ. Mặc dù công nghệ còn khá mới mẻ, nhưng những thiết bị này có thể giúp xác định được các kiểu ngủ. Nó không chỉ báo cáo đáng tin cậy về mức độ ngủ mà còn cho biết mức độ ngủ sâu của bạn như thế nào.
- Để bạn có thể đi vào giấc ngủ sâu thì nhiệt độ được biết đến như yếu tố thúc đẩy quá trình ngủ sóng chậm hơn. Chẳng hạn khi bạn tắm nước nóng hoặc dành thời gian xông hơi thì có thể cải thiện được chất lượng giấc ngủ;
Bạn cũng nên ăn một chế độ ít carbs hoặc sử dụng thuốc chống trầm cảm theo hướng dẫn của bác sĩ để thúc đẩy cơ thể đi vào giấc ngủ sâu dễ dàng hơn.
3. Một số yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ
Khi tuổi tăng cao và cơ thể thay đổi, có thể ảnh hưởng đến thời lượng cũng như chất lượng giấc ngủ. Đồng thời có thể tùy thuộc vào tình trạng của mỗi cá nhân hoặc một số yếu tố khác như:
- Thời kỳ mãn kinh có thể gây ra hiện tượng giảm nội tiết tố nữ và sẽ dẫn tới tình trạng vã mồ hôi vào ban đêm cùng với các triệu chứng gây khó ngủ hoặc ngủ chập chờn không sâu giấc.
- Ở người cao tuổi thì do sự giảm bài tiết hormone Melatonin có vai trò trong kiểm soát giấc ngủ. Vì vậy, người cao tuổi có thể thấy buồn ngủ vào buổi tối sớm và khó quay trở lại giấc ngủ hơn. Đồng thời do cơ thể của người cao tuổi cũng tiết ra ít hormone tăng trưởng nên sẽ khó khăn cho đối tượng này quay trở lại giấc ngủ.
- Tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ với các trường hợp mắc bệnh lý mãn tính, chẳng hạn như viêm khớp gây đau hoặc nhức mỏi. Những người mắc bệnh đái tháo đường hoặc tiểu đêm thường xuyên cũng bị gián đoạn giấc ngủ.