Méo mặt không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau. Bài viết sau đây sẽ tập trung vào những bệnh lý của tai gây méo mặt, nhằm giúp các bạn hiểu được tầm quan trọng trong việc nhận diện và điều trị sớm những bệnh này.
1. Méo mặt là gì?
Méo mặt, trong y học gọi là liệt mặt, là tình trạng yếu các cơ trên vùng mặt. Hệ quả là không những vẻ thẩm mỹ bị ảnh hưởng mà còn cả những chức năng khác. Méo mặt có thể xảy ra đột ngột hoặc từ từ, thoáng qua hoặc kéo dài.
Đa số méo mặt là vô căn, tức là xảy ra mà không tìm thấy nguyên nhân thực thể nào. Tuy nhiên còn có nhiều nguyên nhân khác nguy hiểm hơn như nhiễm trùng, khối u, bệnh lý từ tai…Trong đó các bệnh lý tai gây méo mặt không hiếm gặp và cũng rất nguy hiểm
Chúng ta biểu hiện cảm xúc vui, buồn, cáu gắt…là nhờ các cơ vùng mặt, nằm dưới da. Các cơ này chủ yếu được chi phối bởi thần kinh mặt (dây thần kinh sọ số VII). Méo mặt xảy ra do bệnh lý tại dây thần kinh này, hoặc là bệnh lý các cấu trúc lân cận, làm mất khả năng vận động các cơ. Bất thường có thể ở một bên hay hai bên, với các mức độ khác nhau, làm cho khuôn mặt không còn đối xứng.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi
Đa số méo mặt là vô căn với tỉ lệ gần 75%. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân được biết tới là:
- Nhiễm trùng hoặc viêm dây thần kinh mặt.
- Chấn thương vùng đầu.
- Khối u vùng đầu hoặc cổ.
- Đột quỵ.
Vì dây thần kinh mặt có một đoạn chạy gần ống tai nên bệnh lý của tai có thể gây nên méo mặt. Đặc biệt, bệnh lý tai giữa luôn nguy hiểm và do đó cần được đánh giá kĩ càng để xác định hoặc loại trừ với những nguyên nhân gây liệt mặt khác.
>> Xem thêm: Đừng bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ!
2. Những biểu hiện có thể gặp của méo mặt
Triệu chứng của méo mặt đa dạng và khác nhau giữa người này với người khác, không đơn thuần chỉ là sự bất đối xứng trên gương mặt. Một cách tổng quát méo mặt được chia thành hai nhóm nguyên nhân là trung ương và ngoại biên. Trong đó nguyên nhân trung ương bao gồm những tổn thương trực tiếp ở não bộ như u não, viêm não…Nhóm còn lại, nguyên nhân ngoại biên, chỉ những nguyên nhân ngoài não bộ.
Liệt mặt do tai thuộc nhóm nguyên nhân ngoại biên. Cũng như các nguyên nhân khác trong nhóm này, bệnh được biểu hiện bởi:
- Mặt mất cân đối do các cơ mặt bị kéo về bên lành.
- Mờ hoặc mất nếp nhăn trán, nếp nhăn khóe mắt.
- Lông mày sụp, mắt bên bệnh nhìn kém linh hoạt.
- Mất khả năng nhắm kín mắt, từ đó dễ bị khô mắt.
- Miệng, nhân trung bị kéo về bên lành.
- Chảy nước bọt do miệng không đóng kín và góc mép miệng bên bệnh bị xệ xuống.
- Rãnh mũi-má bị mờ.
- Có thể mất vị giác 2/3 trước lưỡi.
- Đau tai hoặc những vùng cạnh tai. Giảm khả năng nghe.
- Khi bác sĩ yêu cầu, người bệnh không nhăn trán được, mắt không nhắm kín, khó nhe răng, phồng má, huýt sáo, nhướn mày…
3. Những bệnh lý của tai gây méo mặt
3.1. Zona tai
Còn gọi là hội chứng Ramsay Hunt, do sự hoạt hóa varicella zoster virus ở những người từng mắc thủy đậu. Virus ảnh hưởng tới tai và dây thần kinh mặt nằm bên cạnh, dẫn tới liệt mặt một bên.
Bệnh thường khởi đầu bằng đau tai mức độ vừa tới nặng thường kèm phát ban vùng mặt. Người bệnh sẽ cảm giác các cơ vùng mặt căng cứng, khó điều khiển. Các triệu chứng khác có thể gặp là ù tai, giảm thính lực, chóng mặt. Sau đó, xuất hiện mụn nước ở ống tai ngoài, vành tai, da xung quanh tai. Một số trường hợp còn gặp bóng nước ở miệng, họng.
Một số yếu tố nguy cơ dẫn tới Zona tai là:
- Nhiễm thủy đậu trước đó.
- Lớn hơn 60 tuổi, bệnh hiếm gặp ở trẻ em.
- Tình trạng suy giảm miễn dịch.
Điều trị chủ yếu là dùng thuốc kháng virus (như acyclovir, famciclovir) kết hợp corticoid (như prednisone). Tùy theo triệu chứng đi kèm mà có thể có thêm các thuốc khác, ví dụ:
- Thuốc kháng viêm nonsteroid (NSAIDs) được dùng để giảm đau.
- Antihistamin được dùng để giảm chóng mặt, buồn nôn.
- Các dung dịch nhỏ mắt được dùng để bảo vệ giác mạc khỏi bị khô và tổn thương.
Việc giữ cho các bóng nước không nhiễm bẩn cũng rất quan trọng.
Liệt mặt do Zona tai nếu không điều trị sẽ chỉ có khoảng 10% phục hồi hoàn toàn. Do đó khi thấy đau tai, nổi ban vùng mặt và bắt đầu cảm thấy yếu cơ mặt, tới ngay bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị.
>> Xem thêm: Zona tai có thể gây liệt mặt, giảm sức nghe
3.2. Viêm tai giữa
Viêm tai giữa xảy ra khi vi khuẩn hoặc virus xâm nhập niêm mạc tai giữa, phần nằm sau màng nhĩ, từ đó gây ra viêm nhiễm. Do liên quan giữa đường đi của dây thần kinh mặt với tai giữa nên viêm có thể lan tới dây thần kinh mặt làm nó sưng nề, bị chèn ép. Ngoài méo mặt, các triệu chứng thường thấy của viêm tai giữa là đau tai, chảy dịch tai, nghe kém, ù tai…
Trong viêm tai giữa cấp, méo mặt có thể xảy ra ở mức độ nhẹ với tỉ lệ 1:20000 trường hợp. Hầu hết xảy ra ở trẻ em, phần lớn viêm tai giữa ở trẻ em. Tình trạng méo mặt sẽ phục hồi nhanh chóng sau khi điều trị viêm tai giữa. Kháng sinh, giảm đau là các thuốc được sử dụng.
Trong viêm tai giữa mạn, viêm tai giữa thanh dịch hoặc viêm tai xương chũm, méo mặt thường nặng hơn và có thể liên quan tới một thể rất nặng là cholesteatoma. Lúc này thường cần tới phẫu thuật mới có thể phục hồi méo mặt hoàn toàn.
Hình 3. Khối cholestetoma (màu vàng, góc trên bên trái) gây thủng màng nhĩ, hủy xương và ảnh hưởng dây thần kinh mặt bên cạnh – Nguồn ảnh:Fine Art America.
>> Xem thêm: Viêm tai giữa là gì? Khi nào cần đến khám bác sĩ?
3.3. Viêm tai ngoài ác tính
Viêm tai ngoài thường còn được gọi là bệnh tai ở người bơi lội. Đây là tình trạng nhiễm trùng vùng da và niêm mạc ống tai bên ngoài màng nhĩ. Thường bệnh không quá nặng nề và được chữa khỏi bởi kháng sinh. Tuy nhiên trên những cơ địa suy giảm giảm miễn như đái tháo đường, hóa trị, nhiễm HIV/AIDS…bệnh có thể lan tới các mô xung quanh, có thể gồm cả thần kinh mặt và phần xương xung quanh. Lúc này bệnh trở nên nguy hiểm tới tính mạng và được gọi là viêm tai ngoài ác tính.
Ngoài méo mặt, các biểu hiện khác của bệnh có thể là chảy dịch tai, đau tai, nghe kém, sốt, nuốt khó, sưng tấy xung quanh tai.
Điều trị nên được bắt đầu càng sớm càng tốt. Ngoài kháng sinh, có thể cần tới phẫu thuật nhằm lấy bỏ phần mô viêm hoại tử.
3.4. Chấn thương vùng tai
Thần kinh mặt có một đoạn chạy trong xương thái dương, là một xương sọ chứa ống tai. Do đó chấn thương xương thái dương là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới chấn thương cho thần kinh mặt. Một chấn thương như thế có thể gây chảy máu vào tai, tạo nên khối máu tụ sau màng nhĩ. Méo mặt trong trường hợp này là do dây thần kinh bị kẹt vào vết gãy, bị đứt lìa hoặc muộn hơn là phù nề. Điều trị gồm theo dõi hoặc phẫu thuật nối thần kinh.
Tổn thương dây thần kinh mặt sau phẫu thuật tai giữa hoặc xương chũm có thể gặp, mặc dù tỉ lệ chỉ khoảng 1%. Do đó cần theo dõi các triệu chứng sau phẫu thuật để có thể phát hiện và điều trị sớm.
3.5. Các bệnh lý u tân sinh
U xuất phát từ tai giữa gây méo mặt hiếm gặp hơn các nguyên nhân khác. Tuy nhiên nếu méo mặt không hồi phục hoặc tiếp tục tiến triển, nguyên nhân này cần nghĩ tới.
Như chúng ta đã thấy, méo mặt có thể xảy ra với bất cứ ai. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ mà còn làm người bệnh gặp nhiều khó khăn khác liên quan các chức năng vùng mặt. Đa số méo mặt là vô căn. Tuy nhiên trường hợp nào cũng cần loại trừ những bệnh lý khác. Trong đó các bệnh lý từ tai không thể bỏ qua vì hầu hết đề khá nghiêm trọng, đôi khi ảnh hưởng tính mạng. Những bệnh lý này cần được chẩn đoán sớm, và nếu không được điều trị đúng thì tình trạng méo mặt lẫn những chức năng của tai sẽ không dễ phục hồi.
Bác sĩ Nguyễn Lê Vũ Hoàng