Liệu bạn có bị rối loạn triệu chứng cơ thể hay không?

Rối loạn triệu chứng cơ thể là một bệnh lý tâm thần. Bệnh nhân mắc bệnh này có sự quan tâm và lo lắng quá mức về triệu chứng nào đó của cơ thể. Việc lo lắng quá mức này khiến họ rơi vào khủng hoảng. Vậy làm sao để biết việc lo lắng về các biểu hiện bệnh tật là bình thường hay bất thường? Hãy cùng YouMed tìm hiểu thêm về rối loạn này nhé.

1. Tổng quan Rối loạn triệu chứng cơ thể

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.

Khi bệnh nhân có rối loạn triệu chứng cơ thể, họ rất bận tâm về triệu chứng bệnh của mình. Họ thường nghĩ triệu chứng của mình là rất nghiêm trọng, và thường xuyên đi khám bác sĩ vì triệu chứng đó. Họ cứ liên tục đi khám nhưng khi được bác sĩ báo rằng họ không có vấn đề nào nghiêm trọng, họ lại cảm thấy không hài lòng. Vì sự quan tâm quá mức này, bệnh nhân trở nên khủng hoảng và ảnh hưởng lớn đến công việc, học tập và đời sống.

Bệnh nhân có rối loạn triệu chứng cơ thể chịu khủng hoảng về cả thể chất lẫn tinh thần. Các phương pháp điều trị hiện nay giúp bệnh nhân giảm các triệu chứng, tăng khả năng đối phó với mối bận tâm quá mức về sức khỏe này và từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bệnh nhân liên tục lo lắng quá mức về triệu chứng của mình

2. Biểu hiện của Rối loạn triệu chứng cơ thể

Các biểu hiện của rối loạn này có thể là:

  • Có một triệu chứng cụ thể nào đó, như đau hay khó thở. Hay có biểu hiện các triệu chứng một cách chung chung như mệt mỏi, yếu ớt.
  • Các triệu chứng này không hề có liên quan đến một bệnh lý cơ thể nào. Chúng không do các bệnh tiềm ẩn như ung thư, bệnh tim mạch.
  • Có một, một vài hay nhiều triệu chứng cùng lúc.
  • Các triệu chứng có thể có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng.

Đau là triệu chứng thường gặp nhất. Tuy nhiên, bất kể triệu chứng của bệnh nhân là gì, họ luôn có suy nghĩ thái quá, hay hành vi, cảm xúc liên quan đến triệu chứng rất rõ ràng. Chính những cảm xúc, suy nghĩ quá mức về triệu chứng mà bệnh nhân gặp khủng hoảng, dẫn đến các rối loạn trong cuộc sống.

Những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi có thể gặp ở bệnh nhân rối loạn triệu chứng cơ thể

  • Nỗi lo lắng liên tục về việc mình bị một bệnh lý nào đó.
  • Cảm thấy một dấu hiệu cơ thể bình thường như là một dấu hiệu của bệnh lý rất nghiêm trọng.
  • Sợ rằng triệu chứng của bản thân là rất nặng nề, mặc dù không hề có bằng chứng.
  • Nghĩ rằng một triệu chứng nào đó có thể gây đe dọa tính mạng hay có hại cho bệnh nhân.
  • Cảm giác rằng những chẩn đoán và điều trị của bác sĩ là chưa đủ.
  • Sợ rằng việc vận động thể chất sẽ gây hại cho cơ thể bản thân.
  • Liên tục kiểm tra cơ thể mình để xem có bất thường nào xuất hiện hay không.
  • Đi khám liên tục nhưng không cảm thấy bớt lo lắng, thậm chí còn khiến bệnh nhân lo lắng hơn.
  • Không đáp ứng với điều trị hay nhạy cảm quá mức với các tác dụng phụ.
  • Có rối loạn chức năng nghiêm trọng hơn mức dự đoán khi mắc một bệnh lý nào đó.

Đối với những bệnh nhân có rối loạn triệu chứng cơ thể, việc xuất hiện triệu chứng không quan trọng bằng cách họ phản ứng lại với nó và việc những phản ứng này có tác động như thế nào đến cuộc sống của bệnh nhân.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Việc xuất hiện một triệu chứng nào đó đôi khi là do bệnh thật sự. Các triệu chứng này cần được thăm khám và đánh giá để xác định nguyên nhân gì gây ra triệu chứng này. Tuy nhiên, khi được đánh giá và không có bệnh lý, bệnh nhân có thể có rối loạn triệu chứng cơ thể. Lúc này, bệnh nhân sẽ được đánh giá và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Nếu bạn thấy người thân của mình có các biểu hiện giống như trên, hãy khuyên họ đi khám tâm lý – tâm thần. Việc phản ứng quá mức đối với triệu chứng nào đó có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của họ. Do đó, việc được hướng dẫn cách đối phó với những suy nghĩ, cảm xúc này giúp ích rất nhiều.

3. Nguyên nhân nào gây ra rối loạn triệu chứng cơ thể?

Hiện nay, nguyên nhân cụ thể của rối loạn này vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy rằng các yếu tố sau có ảnh hưởng đến bệnh:

  • Yếu tố di truyền và sinh học. Có thể ví dụ như tình trạng nhạy cảm đau.
  • Ảnh hưởng từ gia đình.
  • Dạng tính cách tiêu cực. Những bệnh nhân này có thể cảm nhận các triệu chứng khác với bình thường.
  • Suy giảm nhận thức hay rối loạn trong xử lý cảm xúc. Điều này khiến bệnh nhân tập trung quá mức vào triệu chứng cơ thể và không nhận ra cách mình phản ứng với nó là không phù hợp.
  • Hành vi học tập có điều kiện. Có thể ví dụ như bệnh nhân cảm nhận được “lợi ích” khi được làm người có bệnh.

4. Các yếu tố nguy cơ của rối loạn triệu chứng cơ thể

Các yếu tố sau đây làm tăng khả năng mắc rối loạn triệu chứng cơ thể:

  • Có rối loạn lo âu hay trầm cảm.
  • Hiện tại đang mắc một bệnh lý nào đó hay đang trong quá trình hồi phục của bệnh.
  • Có nguy cơ bệnh lý, thường là người trong gia đình có tiền căn bệnh tật nhiều, nghiêm trọng.
  • Trải qua các sự kiện gây stress, các sang chấn hay bạo lực.
  • Đã từng trải qua sang chấn từ lúc nhỏ, như từng bị lạm dụng tình dục.
  • Có học thức thấp, trình độ văn hóa xã hội không cao.

Bạo hành từ lúc nhỏ có thể làm tăng nguy cơ của nhiều bệnh lý tâm thần

5. Biến chứng nào có thể xuất hiện?

Rối loạn triệu chứng cơ thể có thể gây ra ảnh hưởng như:

  • Sức khỏe kém
  • Khó khăn trong sinh hoạt thường ngày, có thể gây ra tàn phế
  • Khó khăn trong các mối quan hệ
  • Gặp vấn đề trong công việc, thất nghiệp
  • Gặp các bệnh lý tâm thần khác, như rối loạn lo âu, trầm cảm hay rối loạn nhân cách
  • Làm tăng nguy cơ tự sát liên quan đến trầm cảm
  • Gặp vấn đề về tài chính do việc đi khám bệnh quá mức

Rối loạn triệu chứng cơ thể cũng có thể làm xuất hiện trầm cảm

6. Làm sao để phòng ngừa rối loạn triệu chứng cơ thể?

Còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ trong cách phòng chống rối loạn này. Tuy nhiên, những lời khuyên dưới đây có thể giúp ích:

  • Nếu bạn có rối loạn lo âu hay trầm cảm, hay tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ và các nhà trị liệu.
  • Học cách nhận ra các thời điểm bạn bị căng thẳng quá mức và các tác động của chúng đến cơ thể bạn. Thường xuyên luyện tập các bài tập giúp kiểm soát căng thẳng và tập thư giãn.
  • Nếu bạn nghĩ rằng mình có rối loạn triệu chứng cơ thể, hãy tìm kiếm chăm sóc y tế sớm. Khi tình trạng này kéo dài, chúng sẽ gây ảnh hưởng ngày càng nặng nề.
  • Hãy kiên nhẫn tuân theo kế hoạch điều trị nhất định. Điều này giúp giảm nguy cơ tái phát và ngăn bệnh diễn tiến nặng hơn.

7. Chẩn đoán rối loạn triệu chứng cơ thể như thế nào?

Để chẩn đoán bệnh, bạn cần được khám và làm những xét nghiệm cần thiết. Việc đánh giá kỹ lưỡng các triệu chứng sẽ giúp tìm ra căn bệnh nếu có và đưa ra điều trị phù hợp. Khi được nghi ngờ có rối loạn triệu chứng cơ thể, bạn có thể được chuyển sang bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Khi đó, bác sĩ sẽ:

  • Khám tâm thần đầy đủ và chi tiết. Bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về các triệu chứng, những nỗi lo của bạn, các tình huống gây căng thẳng hay các vấn đề khác như các mối quan hệ, công việc, cuộc sống.
  • Bạn sẽ được làm bài kiểm tra đánh giá sức khỏe tâm thần.
  • Một vấn đề khác cũng được bác sĩ quan tâm đó là việc sử dụng rượu, thuốc hay các chất khác.

Tiêu chuẩn chẩn đoán

Bác sĩ sẽ dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán của DSM-5 để đánh giá. Các điểm giúp chẩn đoán bệnh như:

  • Có một hoặc nhiều triệu chứng gây khó khăn hay khủng hoảng trong cuộc sống.
  • Có suy nghĩ quá mức về triệu chứng của bản thân. Bạn liên tục lo lắng quá nhiều về vấn đề sức khỏe của bản thân. Hay bỏ ra quá nhiều thời gian và năng lượng để lo cho vấn đề sức khỏe này.
  • Các triệu chứng của bạn kéo dài khiến bạn lo lắng hơn 6 tháng.

8. Phương pháp điều trị rối loạn triệu chứng cơ thể

Mục tiêu của điều trị là cải thiện các triệu chứng và các rối loạn trong cuộc sống. Liệu pháp tâm ký có thể giúp ích rất nhiều trong điều trị. Đôi khi, thuốc cũng được sử dụng để hỗ trợ, đặc biệt đối với các trường hợp bệnh nhân có trầm cảm.

Tâm lý liệu pháp

Các triệu chứng cơ thể có thể liên quan đến các rối loạn về tâm lý. Do đó, khi các xung đột tâm lý được giải quyết, có thể giúp cải thiện triệu chứng. Liệu pháp nhận thức hành vi thường được sử dụng để điều trị.

Tâm lý liệu pháp

Những lợi ích của liệu pháp nhận thức hành vi:

  • Giúp bạn có niềm tin và kỳ vọng phù hợp vào sức khỏe của bản thân cũng như các triệu chứng cơ thể.
  • Học cách làm giảm căng thẳng trong cuộc sống.
  • Học cách thích nghi với các triệu chứng cơ thể.
  • Giảm các mối bận tâm về các triệu chứng.
  • Giảm sự né tránh các hoạt động thể chất hay các tình huống mà bạn trốn tránh trước đây do cảm giác lo lắng về triệu chứng mang lại.
  • Cải thiện chức năng làm việc, học tập và các mối quan hệ.
  • Tìm ra các bệnh tâm thần như trầm cảm.

Gia đình trị liệu cũng có thể giúp ích trong việc cải thiện các mối quan hệ trong gia đình, giúp cải thiện sự hỗ trợ lẫn nhau là liên kết bền vững hơn.

Điều trị dùng thuốc

Thuốc điều trị trầm cảm có thể được sử dụng để điều trị với bệnh nhân có trầm cảm. Bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc thích hợp cho bạn. Bạn có thể được đổi thuốc hoặc kết hợp thêm nếu điều trị không hiệu quả.

Bạn cũng nên lưu ý rằng thời gian điều trị có thể kéo dài, và cần có nhiều tuần để thuốc có tác dụng. Hãy trao đổi thật kỹ với bác sĩ của mình về lợi ích cũng như tác dụng phụ của thuốc nhé.

Một vài lời khuyên dành cho bệnh nhân

  • Hãy kiên nhẫn tái khám và theo dõi bệnh với lịch hẹn của bác sĩ. Việc điều trị rối loạn này cần một thời gian rất dài, do đó việc kiên nhẫn là mấu chốt quyết định thành công trong điều trị.
  • Hãy tập luyện các kỹ năng để giảm stress hay tập thư giãn.
  • Hãy cố gắng vận động thể lực thường xuyên.
  • Tham gia vào các hoạt động cộng đồng, xã hội, gia đình.
  • Tránh sử dụng rượu bia và các chất kích thích.

Hãy thường xuyên tham gia những hoạt động cộng đồng

Tạm kết

Rối loạn triệu chứng cơ thể là một bệnh lý tâm thần, trong đó bệnh nhân quan tâm, lo lắng một các quá mức về triệu chứng nào đó của cơ thể. Rối loạn này có thể gây ra khủng hoảng và ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bệnh nhân. Nếu bạn thấy mình hay người xung quanh có biểu hiện như bài viết mô tả, hãy liên hệ để được khám và điều trị. Hy vọng bài viết trên cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quát về rối loạn này. Hãy luôn lắng nghe cơ thể mình bạn nhé. Chúc bạn luôn khỏe.

>> Xem thêm: Rối loạn vận động mà bạn nên biết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *