Tourette là một hội chứng phức tạp, thường xuất hiện khi bệnh nhân còn bé. Bạn sẽ bất ngờ với 10 sự thật dưới đây về hội chứng Tourette.
Hội chứng Tourette là gì?
Hội chứng Tourette là một rối loạn tâm – thần kinh đặc trưng bởi chuyển động Tic. Nói rõ hơn, tic là các chuyển động vận động hoặc tạo âm thanh lặp đi lặp lại, rập khuôn, không tự ý.
Các triệu chứng ban đầu của Tourette thường xuất hiện từ thời thơ ấu. Điển hình bắt đầu từ 5-6 tuổi và xu hướng nặng nhất trong 10-12 tuổi. Nam giới bị ảnh hưởng nhiều hơn khoảng ba đến bốn lần so với nữ giới.
Một vài tic thường có một dấu hiệu báo trước. Đó là cảm giác thôi thúc ở nhóm cơ bị ảnh hưởng. Một số người bị Tourette nói rằng họ cần phải thực hiện tic theo một cách nhất định hoặc một số lần nhất định để làm giảm cảm giác thôi thúc đó.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Sức khỏe tâm thần, tải ngay ứng dụng YouMed.
Tic nói chung và hội chứng Tourette nói riêng thường tệ đi khi gặp phấn khích hoặc lo lắng. Rối loạn này tốt hơn khi bạn bình tĩnh, tập trung. Tic không biến mất trong khi ngủ nhưng thường giảm đáng kể.
Triệu chứng nào có thể gặp trong hội chứng Tourette?
Hội chứng Tourette là một loại rối loạn tic. Cho nên muốn hiểu rõ Tourette, bạn cũng nên biết chút chút về tic.
Tic được chia thành hai loại là tic vận động và tic tạo âm. Một số kiểu tic vận động đơn giản thường gặp như: chớp mắt, nhăn mặt, nhún vai và giật đầu. Tic phát âm như hắng giọng, khịt mũi, lẩm bẩm… Một số tic phức tạp có liên quan đến dự phối hợp của nhiều nhóm cơ. Ví dụ vừa xoay đầu và nhún vai vừa nhăn mặt. Hoặc là tic tạo ra một từ ngữ hoặc cụm từ được coi là tic tạo âm phức tạp.
Đôi khi tic cũng tạo ra những vận động làm hại bản thân như tự đấm vào mặt. Hoặc tạo ra những từ ngữ không phù hợp như chửi bậy, nhại lời cũng khiến cho người mắc bệnh gặp không ít phiền toái. Các triệu chứng này thường chỉ xuất hiện ở một số lượng nhỏ 10-15% người bị Tourette.
Diễn tiến của hội chứng Tourette
Hội chứng Tourette khởi phát từ lúc nhỏ. Đa số các triệu chứng sẽ giảm và biến mất lúc ở tuổi thanh niên. Trong thời thơ ấu, các triệu chứng có thể giảm, kéo dài, hoặc tăng và tic mới thay thế tic cũ.
Mỗi người sẽ có những triệu chứng khác nhau, tần suất, vị trí và mức độ nghiêm trọng. Các triệu chứng đầu tiên thường xảy ra ở vùng đầu và cổ và có thể tiến triển đến các cơ của thân và tứ chi.
Tic vận động thường có trước tic tạo âm. Tic đơn giản có trước tic phức tạp.
Nói chung rối loạn này có thể kéo dài, nhưng người bệnh vẫn có một tuổi thọ bình thường. Trí thông minh không bị ảnh hưởng.
Dù vậy, người bệnh có thể đồng mắc các rối loạn tâm thần khác. Những rối loạn này có thể kéo dài và gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hằng ngày.
Bạn có thể kiểm soát được các triệu chứng tic của mình
Mặc dù các triệu chứng của Tourette là không tự ý, một số người đôi khi có thể kìm nén, kiểm soát để giảm thiểu tác động của tic. Tuy nhiên, họ thường nói rằng có nhiều tích tụ căng thẳng khi kiềm chế tic. Đến mức họ cảm thấy rằng cần phải giải phóng thực hiện tic đó (dù trái với ý muốn của họ). Tic phản ứng với một kích thích có thể là tự nguyện, có mục đích nhưng cũng có thể không.
Điều gì gây ra hội chứng Tourette?
Cho đến hiện tại, người ta vẫn chưa xác định được rõ nguyên nhân của Tourette. Nhưng những nghiên cứu hiện tại đã chỉ ra những bất thường ở một số vùng não. Những vùng này chịu trách nhiệm điều khiển vận động của con người. Và người ta thấy biểu hiện của Tourette phức tạp, vậy có thể là nguyên nhân gây ra nó cũng phức tạp như thế.
Chẩn đoán hội chứng Tourette như thế nào?
Hội chứng Tourette là một chẩn đoán lâm sàng, tức là dựa vào triệu chứng mà chẩn đoán. Người bệnh PHẢI có ĐỦ các tiêu chuẩn sau:
- Nhiều tic vận động VÀ một/nhiều tic tạo âm, trong suốt thời gian bệnh. Các tic này có thể không xuất hiện đồng thời
- Các triệu chứng trên kéo dài hơn một năm kể từ lúc khởi phát.
- Khởi phát trước 18 tuổi
- Phải loại trừ nguyên nhân do dùng chất như cocaine hoặc các bệnh lý y khoa như viêm não sau virus.
Không có xét nghiệm máu hoặc hình ảnh cần thiết để chẩn đoán. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hoặc để loại trừ các bệnh lý khác hoặc trong các nghiên cứu. Hình ảnh học như MRI, CT, điện não đồ hoặc một số xét nghiệm máu có thể thực hiện.
Làm thế nào để điều trị hội chứng Tourette?
Bởi vì các triệu chứng tic thường không gây suy giảm nhiều đến chức năng sống. Nên phần lớn họ không cần dùng thuốc để kiềm chế tic.
Dù vậy vẫn có một số loại thuốc được dùng để điều trị khi triệu chứng quá nặng như tự làm hại bản thân mình. Tuy nhiên, không có một loại thuốc nào có thể loại bỏ tất cả các triệu chứng của Tourette. Bên cạnh đó, thuốc nào cũng có tác dụng phụ.
Các liệu pháp hành vi có thể hữu ích cho người mắc hội chứng Tourette.
- Liệu pháp đảo ngược hành vi. Trong liệu pháp này, trẻ được dạy khi có cảm giác thôi thúc báo hiệu tic sắp xảy ra, bé sẽ thực hiện một hành vi. Hành vi này là để thay thế hoặc làm giảm sự chú ý từ đó giảm sự thôi thúc thực hiện tic.
- Tiếp xúc và dự phòng đáp ứng: dựa trên nguyên tắc: cảm giác thúc giục báo hiệu tic sắp xảy ra. Khi tic xảy ra, sự thôi thúc đó giảm. Như vậy, giữa cảm giác thôi thúc và tic có mối liên hệ với nhau. Và càng củng cố khi sự kiện này xảy ra càng nhiều.
Do đó liệu pháp dùng để ức chế tic trong một khoảng thời gian để bẻ gãy mối liên hệ này. Như vậy, nếu người bệnh từ chối không để tic xảy ra đủ lâu, sự thôi thúc này có thể được dung nạp, làm giảm nhu cầu tic.
Hội chứng Tourette có di truyền không?
Từ các nghiên cứu sinh đôi và gia đình cho thấy hội chứng Tourette là một rối loạn di truyền. Có thể có nhiều gen (vật liệu di truyền) tác động đến hội chứng. Và yếu tố môi trường có thể cũng có vai trò gây ra bệnh này.
Điều quan trọng là các gia đình phải hiểu rằng khuynh hướng di truyền có thể không nhất thiết dẫn đến đứa con nào của họ cũng bị hội chứng Tourette. Bạn nên được tư vấn di truyền để biết nguy cơ cho các thế hệ sau.
Những rối loạn nào có thể đi kèm với Tourette?
Nhiều người có hội chứng Tourette, bị ảnh hưởng nhiều đến chức năng cuộc sống không phải do tic. Các rối loạn tâm thần đi kèm là nguyên nhân chính gây ra hậu quả đó. Bao gồm:
- Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Với các vấn đề không tập trung, hiếu động thái quá và bốc đồng…, khiến việc học trở nên khó khăn.
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Những suy nghĩ/lo lắng xâm nhập và hành vi lặp đi lặp lại. Ví dụ, lo lắng bụi bẩn, vi trùng có thể liên quan đến việc rửa tay lặp đi lặp lại. Hay lo ngại về những điều xấu xảy ra gây ra các hành vi nghi thức như đếm, lặp lại và sắp xếp.
- Rối loạn trầm cảm chủ yếu.
- Rối loạn lo âu.
Và nhiều khó khăn khác trong cuộc sống, có thể có hoặc không liên quan trực tiếp đến Tourette.
Môi trường giáo dục nào tốt nhất cho trẻ mắc hội chứng Tourette?
Mặc dù trẻ bị Tourette thường hoạt động tốt trong lớp học nhưng vì ADHD, các triệu chứng ám ảnh cưỡng chế và tic thường xuyên có thể can thiệp rất lớn việc học tập và hoạt động xã hội.
Vì thế trẻ thường cần một môi trường giáo dục có thể đáp ứng nhu cầu. Bé có thể cần dạy kèm, lớp học với số lượng người ít hơn. Tất cả các học sinh có hội chứng này cần được khuyến khích để làm việc hết khả năng.
Những đứa trẻ mắc hội chứng Tourette có thể là bất hạnh. Nhưng “trong cái rủi có cái may” là rối loạn này đa phần sẽ hết khi chúng lớn lên đến tuổi trường thành. Và tic thực sự không ảnh hưởng nhiều đến chức năng cuộc sống hằng ngày, nếu không có bệnh lý khác đi kèm. Nhiều trường hợp Tourette điều trị dùng thuốc là không cần thiết. Hướng dẫn trẻ cách đối phó với tic bằng những hành vi khác an toàn hơn là thích hợp.