Trong cuộc sống thường ngày, hẳn có nhiều lúc bạn thấy chán ghét đám đông, chỉ muốn được yên tĩnh. Điều này nhìn chung không đáng lo ngại. Tuy nhiên, có nhiều người cảm thấy sợ hãi, lo âu. Thậm chí muốn trốn tránh hoàn toàn khỏi những nơi đông người. Điều này rất có thể thể hiện cho việc họ đang mắc hội chứng sợ đám đông. Hãy cùng tìm hiểu xem hội chứng này là gì qua bài viết sau đây của Bác sĩ Nguyễn Hồng Tú nhé!
Hội chứng sợ đám đông là gì?
Hội chứng sợ đám đông là thuật ngữ chỉ tình trạng lo âu, sợ hãi của một người khi nghĩ tới hoặc đang ở một nơi có đông người. Trên thực tế, nhiều người cảm thấy không thoải mái khi tụ tập đông đúc hoặc đến các sự kiện nhiều người. Đây là trạng thái tâm lý bình thường. Trong khi đó, người mắc chứng sợ đám đông sẽ thấy sợ hãi đến mức không chịu được, khó lý giải và hầu như không kiểm soát được.
Khi một người mắc hội chứng sợ đám đông. Họ có thể gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống thường ngày. Tất cả những nơi đông người đều khiến cho những người này cảm giác nguy hiểm và sợ hãi. Tuy nhiên, chúng ta không thể luôn đoán trước được mình sẽ gặp phải điều gì và nỗi sợ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
Bên cạnh đó, đối với những người mắc hội chứng sợ đám đông. Chỉ cần họ nghĩ tới nơi sắp đến có thể sẽ có đông người đã đủ khiến họ thấy sợ hãi và lo lắng rất nhiều. Những điều này khiến họ có xu hướng tránh né. Đồng thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sinh hoạt thường ngày và các mối quan hệ xung quanh.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.
Nguyên nhân của hội chứng sợ đám đông
Hiện nay, nguyên nhân chính xác của hội chứng sợ đám đông vẫn chưa được khẳng định. Tuy nhiên, qua nghiên cứu có thể thấy một số đặc điểm sau có liên quan mật thiết đến việc hình thành hội chứng sợ đám đông này:
Liên quan đến rối loạn lo âu
Hội chứng sợ đám đông có thể là hệ quả của rối loạn lo âu. Những triệu chứng sợ hãi này thấy được ở những người có xu hướng lo lắng quá nhiều. Thêm vào đó, hội chứng sợ đám đông có thể không tồn tại riêng lẻ. Chứng sợ đám đông có thể liên quan đến các ám ảnh và nỗi sợ khác như ám ảnh sợ khoảng trống, rối loạn lo âu xã hội,…
Di truyền hoặc học được từ gia đình
Yếu tố gia đình được cho rằng có liên hệ đến việc hình thành chứng sợ đám đông. Khi cha hoặc mẹ có tiền sử sợ đám đông, con của họ có thể được di truyền hoặc “học được” qua việc nhìn nhận từ nhỏ. Sau đó, phát triển thành nỗi sợ hãi của riêng chúng.
Không chỉ vậy, một số trường hợp trẻ hình thành nỗi sợ từ thơ ấu. Ví dụ lúc nhỏ từng bị lạc mất cha mẹ, bị tách khỏi cha mẹ trong đám đông. Hoặc cha mẹ bảo bọc quá mức, không cho trẻ tiếp xúc đám đông nhiều. Điều này khiến đứa trẻ nhút nhát, xa lạ và dần sợ hãi nơi đông người.
Chấn thương trong quá khứ
Điều này xảy ra ở người từng trải qua chấn thương về thể xác, tinh thần khi ở trong đám đông. Họ có thể bị thương tích khi chen nhau trong một sự kiện, hay bị mắc kẹt, bị lạc không ra được trong một nơi đông đúc nào đó.
Nỗi sợ cũng hình thành khi một người chứng kiến người khác bị những tổn thương như thế. Cảm giác lúc đó rất tồi tệ, đầy sợ hãi và ám ảnh. Trong tiềm thức, sự liên kết giữa sự cố tương tự và đám đông được hình thành. Vì vậy, họ sẽ luôn muốn tránh nơi đông người để không gặp bất kì nguy hiểm nào như thế.
Nhận biết hội chứng sợ đám đông như thế nào?
Một người mắc hội chứng sợ đám đông khi ở nơi đông người không tránh được có thể phản ứng theo nhiều cách khác nhau. Những phản ứng này dù họ tự biết được là nó không hợp lý nhưng hầu như không kiểm soát được. Biểu hiện sợ đám đông thường cũng giống với các kiểu rối loạn lo âu khác. Nó sẽ gồm 3 nhóm triệu chứng chính:
Phản ứng cơ thể
- Ngất.
- Đau đầu, chóng mặt.
- Nhịp tim nhanh.
- Buồn nôn và nôn.
- Cơn hoảng loạn.
- Cảm giác khó thở.
- Đau bụng.
- Đổ mồ hôi.
- Run rẩy, rùng mình.
Nhận thức – Suy nghĩ
- Đờ đẫn, rối loạn chức năng tập trung, học tập và làm giảm trí nhớ (sương mù não).
- Cảm giác mình tách rời, mất kết nối với chính cơ thể mình (rối loạn giải thể nhân cách).
- Cảm thấy tức giận hoặc tuyệt vọng.
- Có những suy nghĩ tiêu cực.
Biểu hiện hành vi
- Tránh né các tình huống đông người (nhà thờ, rạp phim, siêu thị ..).
- Bám lấy ai đó ở bên cạnh vì cảm thấy sợ hãi.
- Khóc khi không tìm được cách để thoát ra khỏi đám đông.
- Cố gắng chạy trốn khỏi tình huống đang xảy ra.
Mỗi người sẽ có kiểu biểu hiện khác nhau và tùy thuộc mức độ của nỗi sợ gây nên. Dần dần, trạng thái tâm lý này cản trở người mắc chứng này tham gia các hoạt động nhất định. Nó có thể khiến bạn từ chối các trải nghiệm quan trọng cũng như các hoạt động tập thể xung quanh.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội. Đồng thời có thể làm trầm trọng thêm tình trạng. Cũng như dẫn đến các vấn đề tâm lý – tâm thần khác như giảm tự tin, lòng tự trọng thấp và trầm cảm.
Điều trị hội chứng sợ đám đông như thế nào?
Khi bạn nghi ngờ hoặc được xác nhận mình mắc hội chứng sợ đám đông. Hãy ghi lại nhật kí hành trình mỗi ngày. Việc này giúp bạn tự theo dõi tình trạng chính mình. Đồng thời nhận biết được tình huống và các biểu hiện khi nỗi sợ kéo đến. Bởi việc chữa trị sẽ dễ dàng hơn khi bạn biết được điều gì đã kích hoạt chúng.
Điều trị hội chứng sợ đám đông bao gồm 2 phương pháp chính là trị liệu tâm lý và dùng thuốc. Các liệu pháp nhằm giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình. Bên cạnh đó, uống thuốc khi cần thiết có thể hỗ trợ giảm các triệu chứng liên quan.
Liệu pháp tâm lý
Bao gồm sự kết hợp liệu pháp nhận thức – hành vi và các kĩ thuật giải mẫn cảm.
Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT)
Đây là phương pháp được sử dụng nhiều nhất để trị liệu hội chứng sợ đám đông. CBT hướng đến điều chỉnh cả về suy nghĩ lẫn nhận thức gây nên sự lo sợ cũng như hành vi trốn tránh tình huống. Qua đó, người sợ hãi học cách nhận diện những suy nghĩ, nhận thức tiêu cực, sai lệch của mình. Họ sẽ dần thay thế nó thành những suy nghĩ, thói quen hợp lý để thích nghi với tình huống.
Giải mẫn cảm
Các kĩ thuật giải mẫn cảm sẽ giúp người mắc hội chứng này từ từ thích nghi với các tình huống đông người. Từ đó, họ có thể luyện tập, điều chỉnh các phản ứng, hành vi của mình.
Trong đó, sẽ có các bài tập từ dễ đến khó để họ có thể nâng dần khả năng đối mặt với nỗi sợ. Đồng thời, có những phương pháp thư giãn (thiền, âm nhạc,..) có thể giúp họ ổn định tinh thần. Các kĩ thuật giải mẫn cảm thường được dùng là:
- Liệu pháp thị giác. Với liệu pháp này, bạn sẽ được xem các hình ảnh đám đông trước để định hình nhận thức cũng như nỗi sợ của bạn. Đây thường là bước đầu giúp người đến trị liệu luyện tập trước khi tiếp xúc đám đông thực tế.
- Công nghệ thực tế ảo. Đây là hình thức trị liệu khá mới, góp phần trong việc giải mẫn cảm với nỗi sợ đám đông. Bạn có thể trải nghiệm cảm giác ở trong đám đông dù chưa tiếp xúc thực tế.
- Liệu pháp tiếp xúc. Bạn sẽ tập luyện tiếp xúc với đám đông, từ một nhóm người đến một nơi đông người. Có những lúc nhà trị liệu hoặc người thân sẽ đi cùng hỗ trợ bạn vượt qua nỗi sợ.
- Trị liệu nhóm. Liệu pháp này giúp bạn kết nối với những người khác giống với mình. Hoạt động nhóm là cơ hội giúp bạn tiếp xúc nhiều người trong môi trường an toàn. Đồng thời, mọi người cùng hỗ trợ và nâng đỡ nhau vượt qua ám ảnh sợ hãi.
Thuốc men
Khi các triệu chứng của bạn rất trầm trọng và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống thường ngày. Trị liệu tâm lý là chưa đủ. Bạn có thể sẽ cần đến sự hỗ trợ của thuốc men dưới sự theo dõi của bác sĩ tâm thần. Toa thuốc ngắn hạn hay dài ngày sẽ tùy thuộc vào các mức độ các triệu chứng cũng như sự đánh giá của bác sĩ. Các thuốc có thể được dùng như là thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần,..
Chăm sóc người mắc hội chứng sợ đám đông
Người mắc chứng sợ đám đông có thể sinh hoạt cá nhân như bình thường. Tuy nhiên, những lúc ở ngoài hoặc nơi đông người họ khó có thể tự kiểm soát bản thân mình. Những lúc này, người thân thiết đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nâng đỡ tinh thần.
Việc bên cạnh người mình tin tưởng trong quá trình luyện tập sẽ tiếp thêm niềm tin, trấn an người đang sợ hãi. Điều này giúp họ vượt qua được nỗi sợ và dần thích ứng với các tình huống.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về hội chứng sợ đám đông. Như đã đề cập, hội chứng này về lâu dài sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động và các mối quan hệ xã hội. Vì vậy, việc nhận biết và chữa trị sớm giúp bạn sẽ dễ dàng trở lại cuộc sống bình thường hơn. Đồng thời, đừng ngần ngại đến gặp các chuyên gia tâm lý, tâm thần để được giúp đỡ. Ngay khi bạn can đảm đối mặt nỗi sợ, các bác sĩ sẽ sẵn sàng hỗ trợ bạn đến cùng!