Hội chứng sau bại liệt có nguy hiểm như bại liệt?

Hội chứng sau bại liệt liên quan đến một nhóm các triệu chứng bại liệt tiềm tàng xuất hiện sau hàng thập kỷ – khoảng 30 đến 40 năm – sau lần mắc bệnh bại liệt đầu tiên. Những người mắc bệnh bại liệt thời trẻ có thể có hội chứng sau bại liệt về sau. Vậy làm thế nào để phát hiện và điều trị hội chứng này? Hãy cùng YouMed theo dõi bài viết dưới đây để có được những thông tin hữu ích nhất.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi

1. Triệu chứng của Hội chứng sau bại liệt là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp là:

  • Yếu và đau cơ, khớp tăng dần
  • Mệt mỏi và kiệt sức khi thực hiện các hoạt động nhẹ
  • Teo cơ
  • Vấn đề về hô hấp và nuốt
  • Rối loạn nhịp thở liên quan đến giấc ngủ, ví dụ như ngưng thở khi ngủ
  • Giảm khả năng chịu lạnh

Trong hầu hết các trường hợp, hội chứng sau bại liệt thường diễn tiến chậm với nhiều triệu chứng xuất hiện từ từ, theo sau là các giai đoạn ổn định.

>>> Tìm hiểu thêm về Bệnh bại liệt 

>>> Bạn cần chuẩn bị gì trước khi đi khám bệnh Bại liệt? Xem thêm bài viết tại đây!

2. Nguyên nhân là gì?

Có một vài giả thuyết cho nguyên nhân của hội chứng sau bại liệt, nhưng không có gì chắc chắn.

Khi vi-rút bại liệt lây nhiễm vào cơ thể, nó tác động lên tế bào nơ-ron vận động. Mỗi nơ-ron có ba phần cơ bản là:

  • Thân tế bào
  • Sợi trục
  • Sợi nhánh

Nhiễm siêu vi bại liệt thường làm tổn thương hoặc phá huỷ các nơ-ron vận động. Để bù đắp cho việc thiếu hụt nơ-ron, các nơ-ron còn lại tạo ra các nhánh mới và các sợi cơ phì đại lên.

Điều này thúc đẩy sự phục hồi chức năng cơ, nhưng cũng đòi hỏi thân nơ-ron phải nuôi thêm các nhánh thần kinh mới. Sau nhiều năm, nơ-ron bị kiệt sức, dẫn đến suy yếu các nhánh thần kinh mới.

3. Yếu tố nguy cơ của Hội chứng sau bại liệt là gì?

  • Mức độ nặng của bệnh bại liệt ban đầu. Nhiễm trùng ban đầu càng nặng thì càng có nguy cơ cao bị hội chứng sau bại liệt.
  • Tuổi khởi phát bại liệt. Nếu bị bại liệt ở tuổi thiếu niên hoặc trưởng thành, nguy cơ mắc hội chứng sau bại liệt sẽ cao hơn.
  • Mức độ phục hồi. Phục hồi sau bệnh bại liệt cấp tính càng tốt bao nhiêu thì nguy cơ hội chứng sau bại liệt càng cao bấy nhiều. Có lẽ vì phục hồi càng tốt càng làm tăng áp lực lên nơ-ron vận động.
  • Hoạt động quá mức. Tập luyện đến mức kiệt sức làm nơ-ron thần kinh bị quá tải và tăng nguy cơ hội chứng sau bại liệt.

4. Biến chứng là gì?

Hội chứng sau bại liệt hiếm khi đe doạ tính mạng. Nhưng yếu cơ nặng có thể gây ra các biến chứng sau:

  • Té ngã. Yếu cơ chân làm mất thăng bằng và dễ té ngã. Có thể dẫn đến gãy xương, chẳng hạn như gãy cổ xương đùi ở người lớn tuổi.
  • Suy dinh dưỡng, mất nước và viêm phổi. Bại liệt hành não gây khó nhai và khó nuốt. Dẫn đến thiếu dinh dưỡng và thiếu nước, cũng như hít phải thức ăn vào phổi gây viêm phổi.
  • Suy hô hấp mạn tính. Yếu cơ hoành và cơ ngực gây khó khăn khi hít thở sâu và ho, từ đó tích tụ dịch và chất nhầy trong phổi. Béo phì, hút thuốc lá, vẹo cột sống, gây mê, bất động lâu có thể làm nặng thêm tình trạng khó thở, dẫn đến hạ oxy máu (suy hô hấp cấp). Có thể cần đến liệu pháp thông khí để hỗ trợ thở.
  • Loãng xương. Không hoạt động hoặc bất động trong thời gian dài thường gây giảm mật độ xương và loãng xương ở cả nam và nữ.

5. Chẩn đoán bằng cách nào?

Không có xét nghiệm nào dùng để chẩn đoán hội chứng sau bại liệt. Chẩn đoán dựa vào bệnh sử và khám lâm sàng và loại trừ các bệnh lý khác.

Các chỉ dấu của hội chứng sau bại liệt

  • Tiền căn bại liệt. Các xét nghiệm và chẩn đoán bại liệt trước đây.
  • Khoảng thời gian sau phục hồi kéo dài. Những người phục hồi sau bại liệt lần đầu thường không có triệu chứng trong nhiều năm. Triệu chứng muộn thường xuất hiện sau ít nhất 15 năm.
  • Khởi phát từ từ. Yếu cơ khởi phát sau này thường là ở cơ đã bị tổn thương do bại liệt trước đó. Thường chỉ được chú ý khi nó đã ảnh hưởng đến công việc hàng ngày. Yếu cơ nhẹ hơn vào buổi sáng và nặng hơn vào buổi chiều, khiến các công việc dễ dàng thường ngày trở nên khó khăn.

Vì triệu chứng sau bại liệt tương tự với các rối loạn khác, nên cần phải loại trừ các nguyên nhân như viêm khớp, đau sợi cơ, hội chứng mệt mỏi mạn tính và vẹo cột sống.

Xét nghiệm loại trừ bệnh lý khác

Vì không có xét nghiệm chẩn đoán nên xét nghiệm chủ yếu để loại trừ các bệnh lý khác, bao gồm:

  • Điện cơ (EMG). Điện cơ đo tín hiệu điện ở cơ bằng cách cắm điện cực vào cơ muốn khảo sát. Bao gồm điện cơ khi nghỉ và khi co. Ngoài ra, điện cực cũng có thể được dán lên da ở dây thần kinh muốn khảo sát. Xét nghiệm này giúp xác định và loại trừ các bệnh lý như bệnh thần kinh và bệnh cơ.
  • Hình ảnh học. MRI hoặc CT scan giúp khảo sát hình ảnh của não và tuỷ sống. Loại trừ các bệnh tuỷ sống, chẳng hạn như thoái hoá đốt sống hoặc hẹp ống sống.
  • Sinh thiết cơ. Giúp loại trừ các nguyên nhân khác gây yếu cơ.
  • Xét nghiệm máu. thường có xét nghiệm máu bình thường. Xét nghiệm bất thường giúp loại trừ các bệnh lý khác.

Xét nghiệm không xâm lấn hứa hẹn đánh giá được mức độ nặng của hội chứng sau bại liệt và theo dõi diễn tiến bệnh là siêu âm cơ. Tuy nhiên cần được nghiên cứu thêm.

6. Điều trị Hội chứng sau bại liệt như thế nào?

Không có điều trị đơn lẻ nào cho tất cả các triệu chứng của hội chứng sau bại liệt. Mục tiêu điều trị nhằm kiểm soát triệu chứng và làm bạn dễ chịu và ít phụ thuộc nhất có thể:

  • Bảo tồn năng lượng. Tập luyện có nhịp độ và nghỉ ngơi thường xuyên để giảm mệt mỏi. Các công cụ hỗ trợ, chẳng hạn như gậy, khung tập đi, xe lăn, có thể giúp bảo tồn năng lượng. Lắp đặt thanh vịn phòng tắm hay bệ ngồi toilet cao cũng có thể có ích.
  • Vật lý trị liệu. Các bài tập tăng cường cơ bắp nhưng không gây mỏi cơ, như bơi lội hay aerobic dưới nước. Tập luyện duy trì thể lực là rất quan trọng. Nhưng tránh tập luyện quá mức hay tập đến ngưỡng đau.
  • Trị liệu lời nói. Các bài tập làm giảm triệu chứng khó nuốt, tăng cường giọng nói.
  • Điều trị ngưng thở khi ngủ. Thay đổi thói quen ngủ, chẳng hạn như tránh nằm ngửa khi ngủ hoặc dùng thiết bị làm thông thoáng đường thở khi ngủ.
  • Thuốc. Thuốc giảm đau – chẳng hạn như aspirin, acetaminophen và ibuprofen – có thể làm giảm đau cơ và khớp.

Các phương pháp điều trị khác bao gồm thuốc chống co giật gabapentin, thường dùng để điều trị đau thần kinh. Thuốc giảm đau opioid thường không được sử dụng vì có nguy cơ lâu dài.

Lối sống

  • Giảm các hoạt động gây đau hoặc mệt mỏi. Hoạt động vừa phải, không tập luyện quá mức.
  • Giữ ấm. Nhiệt độ thấp khiến cơ bắp mau mỏi hơn. Giữ nhiệt độ trong nhà dễ chịu và giữ ấm khi đi ra ngoài.
  • Tránh té ngã. Tránh để sàn nhà lộn xộn, đeo giày tốt, tránh đi trên những bề mặt trơn trượt.
  • Duy trì lối sống lành mạnh. Chế độ ăn cân bằng, không hút thuốc, giảm dùng caffetin để giữ vóc dáng, hít thở dễ hơn và ngủ tốt hơn.
  • Bảo vệ phổi. Theo dõi các dấu hiệu của viêm đường hô hấp để điều trị kịp thời. Ngưng hút thuốc lá, tiêm ngừa cúm và phế cầu.

Bệnh bại liệt có thể dẫn đến tử vong, nhờ có vắc-xin mà ngày nay số ca nhiễm chỉ còn rất ít. Tuy nhiên, những người từng mắc bại liệt khi còn nhỏ có nguy cơ bị hội chứng sau bại liệt. Hội chứng sau bại liệt hiếm khi gây tử vong nhưng có thể để lại nhiều biến chứng ảnh hưởng đến chức năng sống. Nếu bạn có triệu chứng yếu cơ và mệt mỏi tăng dần, hãy liên hệ bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *