Ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân trung ương (CSA) là một rối loạn trong đó quá trình hô hấp của bạn liên tục ngừng lại và xuất hiện khi ngủ. Rối loạn xảy ra do não của bạn không thể gửi những tín hiệu đến các cơ kiểm soát hô hấp một cách thích hợp. Tình trạng này khác với ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA). OSA cũng gây ra rối loạn hô hấp khi ngủ nhưng do tắc nghẽn đường hô hấp trên gây ra.
1. Các triệu chứng phổ biến
Những triệu chứng thường gặp bao gồm:
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi
- Có thể quan sát thấy những quãng ngưng thở hay rối loạn hô hấp trong khi ngủ.
- Thức tỉnh đột ngột do khó thở.
- Khó thở phải ngồi.
- Khó duy trì giấc ngủ hay mất ngủ.
- Buồn ngủ quá mức vào ban ngày (chứng ngủ nhiều).
- Đau ngực vào ban đêm.
- Khó tập trung.
- Thay đổi khí sắc.
- Đau đầu vào buổi sáng.
- Ngủ ngáy.
- Nhanh mệt hơn khi tập những bài thể dục trước đây.
Mặc dù tắc nghẽn một phần đường thở cũng gây ra ngáy, tình trạng ngủ ngáy có thể do ngưng thở khi ngủ trung ương gây ra. Tuy nhiên, ngáy là triệu chứng nổi bật trong chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn hơn là do trung ương.
Xem thêm: Rối loạn giấc ngủ và những điều nên biết.
2. Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?
Tham khảo ý kiến chuyên gia y tế nếu bạn tự cảm thấy hoặc người thân phát hiện bạn có những dấu hiệu bất thường. Đặc biệt bạn nên đi khám sớm nếu gặp những triệu chứng sau đây:
- Bạn đột ngột thức dậy do khó thở.
- Liên tục bị những cơn ngưng thở trong khi ngủ.
- Khó duy trì giấc ngủ.
- Buồn ngủ quá mức vào ban ngày, đến nỗi bạn có thể ngủ khi đang làm việc, xem tivi hay thậm chí khi đang lái xe.
Hãy nhờ bác sĩ tư vấn đề các vấn đề liên quan giấc ngủ khiến bạn cáu kỉnh, buồn ngủ và mệt mỏi kinh niên. Đôi khi buồn ngủ quá mức vào ban ngày do các rối loạn khác gây ra. Chẳng hạn bạn không có đủ thời gian để ngủ đúng giờ vào ban đêm (thiếu ngủ mãn tính), cơn buồn ngủ đột ngột (chứng ngủ rũ) hoặc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Xem thêm: Một số địa điểm khám mất ngủ uy tín tại TPHCM.
3. Nguyên nhân gây ra chứng ngưng thở khi ngủ
CSA thường do não bạn không thể gửi những tín hiệu đến các cơ hô hấp. Ngoài ra, những bệnh lý ảnh hưởng chức năng thân não cũng gây ra tình trạng này. Thân não là bộ phận liên kết cột sống với não, giúp kiểm soát nhiều chức năng như nhịp tim và hoạt động hô hấp.
Nguyên nhân tuỳ thuộc vào dạng ngưng thở:
- Kiểu thở Cheyne-Stokes. Kiểu thở này thường do suy tim sung huyết hay đột quỵ gây ra. Cheyne-Stokes đặc trưng bởi những giai đoạn tăng và giảm hô hấp xen kẽ nhau. Trong thời kỳ giảm hô hấp, những cơn ngưng thở có thể xuất hiện, gây ra ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân trung ương.
- Ngưng thở do thuốc. Sử dụng một số loại thuốc như thuốc chứa opioids, oxycodone hay codein có thể gây ra rối loạn hô hấp như tăng hô hấp, giảm hô hấp hay thậm chí ngừng hô hấp tạm thời.
- Rối loạn hô hấp theo chu kỳ do độ cao. Khi ở vị trí địa lý rất cao, một số người sẽ có kiểu thở Cheyne-Stokes. Nồng độ oxy trong không khí thấp khi càng lên cao gây ra những giai đoạn tăng và giảm thông khí xen kẽ nhau.
- Do điều trị những bệnh lý khác gây ra. Một số người phải dùng máy thở áp lực dương liên tục để điều trị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Chính điều này lại gây ra ngưng thở khi ngủ do trung ương.
- Do những bệnh lý khác gây ra. Nhiều bệnh lý như suy thận giai đoạn cuối hay đột quỵ có thể gây ra CSA. Biểu hiện những dạng này thường không phải kiểu thở Cheyne-Stokes.
- Vô căn (nguyên phát). Có những dạng ngưng thở khi ngủ do trung ương chưa rõ nguyên nhân.
4. Đối tượng nào dễ bị ngưng thở khi ngủ?
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng này là:
- Giới tính. Nam giới có nguy cơ mắc cao hơn nữ giới.
- Tuổi tác. Ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân trung ương thường gặp hơn ở những người lớn tuổi. Đặc biệt, CSA phổ biến ở người trên 65 tuổi. Tình trạng này có thể do người cao tuổi thường có bệnh lý khác hoặc có kiểu ngủ dễ dẫn đến chứng này.
- Bệnh lý tim mạch. Những người bị rối loạn nhịp tim (chẳng hạn như rung nhĩ) hay cơ tim giảm chức năng dẫn đến không thể bơm đủ máu (suy tim) là những yếu tố nguy cơ cao gây ra CSA.
- Đột quỵ, khối u não hay tổn thương cấu trúc thân não. Những bệnh lý này ảnh hưởng khả năng điều hoà hô hấp của não bộ.
- Đi đến những vùng cao. Ngủ ở những vị trí cao mà cơ thể bạn chưa quen có thể là một yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, ngưng thở khi ngủ này sẽ trở lại bình thường sau khi bạn trở về nơi bạn sống trong thời gian vài tuần.
- Sử dụng thuốc chứa opioid.
- CPAP: là phương pháp hỗ trợ thở áp lực dương liên tục. Một số người sử dụng CPAP có thể xuất hiện ngưng thở khi ngủ do trung ương.
5. Những biến chứng thường gặp
- Mệt mỏi. Phải thức dậy liên tục do ngưng thở khiến bạn không thể có một giấc ngủ ngon. Những người mắc CSA thường bị mệt mỏi nghiêm trọng, buồn ngủ vào ban ngày và cảm xúc khó chịu. Tình trạng đó gây ra mất khả năng tập trung, ngủ gật khi đang làm việc hay lái xe.
- Bệnh lý tim mạch. Ngoài những khó chịu trên, CSA còn có thể gây ra những ảnh hưởng lên tim mạch do tình trạng giảm oxy trong máu đột ngột trong cơn ngưng thở. Nếu bệnh nhân từng bị bệnh tim mạch trước đây, những giai đoạn hạ oxy máu càng làm những bệnh này trầm trọng hơn và tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim.
6. Chẩn đoán chứng này như thế nào?
Bên cạnh hỏi bệnh sử và những bệnh lý trước đây, bác sĩ sẽ xem xét cần làm thêm các cận lâm sàng khác hỗ trợ chẩn đoán như theo dõi nhịp thở qua đêm hay đo đa ký giấc ngủ. Trong quá trình đo đa ký giấc ngủ, bạn sẽ được đo hoạt động tim, phổi, não, đo nhịp tim, cử động tay chân và nồng độ oxy máu trong quá trình ngủ.
Đo đa ký giấc ngủ giúp bác sĩ chẩn đoán ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân trung ương. Xét nghiệm này cũng giúp loại trừ các rối loạn giấc ngủ khác. Chẳng hạn như nó có thể loại trừ ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, rối loạn vận động tay chân định kỳ (PLMD) hay chứng ngủ rũ. Những bệnh lý này cũng gây ra buồn ngủ quá mức vào ban ngày nhưng cần những phương pháp điều trị khác với CSA.
Có thể cần nhiều bác sĩ thuộc các chuyên khoa khác nhau như thần kinh và tim mạch tham gia đánh giá tình trạng của bạn. Ngoài ra đôi khi cần khảo sát tim hoặc thần kinh để tìm kiếm nguyên nhân.
7. Các phương pháp điều trị
Có nhiều phương pháp điều trị cho chứng này như:
- Điều trị các bệnh lý gây ra CSA. Chẳng hạn việc điều trị suy tim có thể giúp cải thiện tình trạng ngưng thở khi ngủ.
- Cắt giảm sử dụng thuốc chứa opioid. Bác sĩ sẽ cân nhắc việc này nếu thuốc chứa opioid gây ra chứng ngưng thở khi ngủ.
- Thở áp lực dương liên tục (CPAP). Phương pháp này sử dụng một mặt nạ áp vào mũi hay cả mũi và miệng. Mặt nạ nối liền với một máy nhỏ có chức năng bơm không khí liên tục vào đường thở. CPAP ngăn ngừa đường thở không bị xẹp nhờ đó tránh tình trạng ngưng thở khi ngủ. Phương pháp này thường được sử dụng đầu tiên khi điều trị ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân trung ương.
- Máy trợ thở kiểu trung ương (ASV). Nếu sử dụng CPAP không hiệu quả, ASV sẽ được sử dụng để điều trị. ASV khác CPAP ở chỗ nó sẽ điều chỉnh lượng khí vào theo từng nhịp thở.
- Thông khí với hai ngưỡng áp lực dương (BPAP). BPAP sẽ điều chỉnh áp lực giữa hai thì hít vào và thở ra giống ASV. Điểm khác nhau là BPAP thường cố định áp lực thì hít vào.
Một số phương pháp khác:
- Thở oxy. Sử dụng dụng cụ hỗ trợ thở oxy có thể giúp ích cho tình trạng ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân trung ương.
- Sử dụng thuốc. Một số thuốc như acetazolamide hay theophylline giúp kích thích hô hấp. Bác sĩ sẽ kê những loại thuốc này nếu bạn không thể dung nạp những phương pháp hỗ trợ thở trên. Ngoài ra thuốc cũng ngăn ngừa cơn ngưng thở khi ngủ nếu bạn đi đến những vùng cao.
Ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân trung ương thường do những bệnh lý thực thể như suy tim, đột quỵ hay chỉ đơn giản là đến những vùng địa lý cao. Chứng này thường gây ra nhiều bất tiện trong cuộc sống như thiếu ngủ, mệt mỏi và kém tập trung. Nếu xuất hiện những triệu chứng kể trên, bạn nên đến bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và điều trị thích hợp.
Bác sĩ Đào Thị Thu Hương