Rối loạn tâm thần và hành vi là một trong những rối loạn khá phổ biến thuộc chuyên khoa Tâm thần. Vậy liệu rằng rối loạn này có phải là một bệnh lý khó điều trị hay không? Nguyên nhân và biểu hiện ra sao? Tất cả những thắc mắc trên của bạn đọc sẽ được bác sĩ Nguyễn Lâm Giang giải đáp chi tiết qua bài viết sau đây. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé.
Rối loạn tâm thần và hành vi là gì?
Rối loạn tâm thần và hành vi là một nhóm bệnh lý thuộc chuyên khoa Tâm thần. Trong bệnh lý này, người bệnh có các triệu chứng điển hình của tình trạng loạn thần. Đi kèm với đó là những hành vi bị rối loạn, khác thường, không phù hợp với bất kỳ hoàn cảnh, văn hóa, tôn giáo,…1 2
Tùy thuộc vào bệnh lý tâm thần mà người bệnh mắc phải, những hành vi của người bệnh có thể bị rối loạn từ nhẹ đến nặng. Có thể chỉ đơn giản là hành vi bất thường nào đó với tần suất thấp, xảy ra không thường xuyên. Cho đến những hành vi dị thường, lặp đi lặp lại. Thậm chí có những cơn xung động hành vi mà người bệnh không thể kiểm soát được.2
Nguyên nhân rối loạn tâm thần và hành vi
Nguyên nhân của tình trạng tâm thần và hành vi bị rối loạn có thể là nguyên phát hoặc thứ phát.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Sức khỏe tâm thần, tải ngay ứng dụng YouMed.
Nguyên nhân nguyên phát
Những bệnh lý nguyên phát gây nên tình trạng tâm thần và hành vi bị rối loạn bao gồm:1 2 3
- Tâm thần phân liệt.
- Loạn thần cấp.
- Rối loạn dạng phân liệt.
- Rối loạn phân liệt cảm xúc.
Nguyên nhân chính xác gây nên những rối loạn này hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng sự hoạt động quá mức của hệ thống dopamine có liên quan mật thiết đến bệnh lý này. Cụ thể như sau:4 5
- Các thụ cảm thể dopamine ở vỏ não cũng như các nhân dưới vỏ tăng sự nhạy cảm.
- Nồng độ dopamine ở khe synap thần kinh hệ dopamine tăng số lượng (có thể lên đến 300%).
Ngoài ra, gen di truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong căn nguyên nguyên phát này. Người ta thấy rằng nhóm rối loạn này là do đa gen gây ra, các gen gây bệnh nằm trên các nhiễm sắc thể số 6, 8, 10, 13 và 22. Gen di truyền kết hợp với các yếu tố môi trường thuận lợi sẽ gây ra các bất thường về hành vi và tâm thần nói chung.6 7
Nguyên nhân thứ phát
Nguyên nhân gây nên những rối loạn về hành vi và tâm thần thứ phát có vẻ thường gặp hơn. Sau đây là những căn nguyên điển hình:1 6
- Chậm phát triển tâm thần, vận động: tự kỷ, bệnh Down, suy giáp bẩm sinh,…
- Sử dụng chất: rượu bia, thuốc lắc, cần sa, heroin, cocain,…
- Tổn thương thực thể ở não: viêm não, chấn thương sọ não, u não,…
- Rối loạn cảm xúc, khí sắc: trầm cảm, hưng cảm mức độ trung bình đến nặng.
- Tác dụng phụ của một số thuốc. Chẳng hạn như: Atropin, L-Dopa, thuốc giảm cân,…
Biểu hiện rối loạn tâm thần và hành vi
Biểu hiện của tình trạng tâm thần và hành vi rối loạn bao gồm các triệu chứng của loạn thần và những bất thường về hành vi.
Những biểu hiện của tình trạng rối loạn tâm thần
Rối loạn tâm thần được đặc trưng bởi các triệu chứng hoang tưởng và ảo giác.8
Hoang tưởng
Là những ý nghĩ hoang đường, không phù hợp với văn hóa, tôn giáo, xã hội, cuộc sống. Người bệnh hoàn toàn không nhận ra sự dị thường trong cách suy nghĩ của mình. Một vài hoang tưởng điển hình như:
- Tự cao: Người bệnh nghĩ mình có tài hơn mọi người, có khả năng lãnh đạo, điều hành mọi người.
- Bị hại: Người bệnh cảm thấy có một người, một thế lực nào đó đang có ý định gây hại cho mình.
- Được yêu: Cảm thấy người khác (đồng nghiệp, bạn bè) đang rất thần tượng, yêu thương mình.
- Hoang tưởng bị kiểm tra, chi phối, hoang tưởng kỳ quái,…
Ảo giác
Là những tri giác sai lầm về một sự vật, sự việc hoàn toàn không có thực. Điển hình như:
- Ảo thị. Nhìn thấy ma quỷ, thấy ánh sáng thiên thần, …
- Ảo thanh. Nghe tiếng nói bên tai xúi giục, hăm dọa bản thân.
- Ảo xúc. Cảm giác như dòi bò khắp cơ thể.
- Ngoài ra còn có ảo khứu, ảo vị, ảo giác phức tạp.
Những biểu hiện của tình trạng rối loạn hành vi
Hành vi của bệnh nhân trở nên dị thường, không phù hợp với hoàn cảnh thực tại. Điển hình như:1 2
- Nói nhảm, nói một mình, nói lặp đi lặp lại.
- Ngồi trầm ngâm, bất động, không nói.
- Đập phá đồ đạc, la hét, kích động, chửi bới, đánh đập, giết người.
- Cơn xung động hành vi: tự gây hại bản thân, cởi bỏ quần áo, cướp giật, phóng hỏa, …
Những phương pháp điều trị rối loạn tâm thần và hành vi
Việc điều trị phụ thuộc vào loại bệnh và mức độ bệnh mà người bệnh mắc phải. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ chuyên khoa Tâm thần sẽ có kế hoạch điều trị phù hợp. Thông thường, các bác sĩ sẽ kết hợp nhiều liệu pháp để nâng cao hiệu quả điều trị.
Một số phương pháp điều trị bao gồm:6 8
Liệu pháp sử dụng thuốc
Tùy vào bệnh lý gây rối loạn hành vi và tâm thần mà bác sĩ chuyên khoa sẽ có chỉ định nhóm thuốc phù hợp. Có thể bao gồm 1 hoặc nhiều hơn trong số những nhóm thuốc sau đây:
- Chống loạn thần: haloperidol, risperidon, sulpiride, …
- Chống trầm cảm: amitriptylin, sertralin, venlafaxin, …
- Ổn định khí sắc: encorate, carbamazepin, lithium, …
- An thần: diazepam, mimosa, alimemazin, …
Tâm lý liệu pháp
Tâm lý liệu pháp là một phương pháp điều trị có hiệu quả, cần thiết trong một số trường hợp nhất định. Chẳng hạn như: trầm cảm, rối loạn phân liệt cảm xúc, lo âu, …
Hành vi trị liệu
Trị liệu hành vi là một thuật ngữ rộng đề cập đến việc sử dụng các kỹ thuật bắt nguồn từ hành vi. Những người thực hành liệu pháp hành vi thường có xu hướng nhìn vào các hành vi cụ thể, đã học. Cũng như phương thức mà môi trường ảnh hưởng đến những hành vi đó.
Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, hành vi trị liệu thường đơn giản bao gồm những phương pháp sau:9
- Tái hòa nhập cộng đồng
- Tăng cường vận động thể lực: thể dục, thể thao, yoga, fitness, …
- Hướng dẫn bệnh nhân tham gia vào các hoạt động xã hội: tham gia làm tình nguyện viên cho các tổ chức thiện nguyện, hỗ trợ người nghèo,…
- Mở các lớp dạy nghề, hướng nghiệp phù hợp cho người bệnh.
Nói tóm lại, rối loạn tâm thần và hành vi không phải là một tình trạng bệnh lý khó điều trị. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm bệnh và điều trị bởi một bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm là vô cùng cần thiết. Mục đích là để giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe tâm thần. Đồng thời tái hòa nhập với môi trường sống, không để mình trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.