Giật cơ là cơn giật nhanh, không tự ý. Nấc cụt là một loại giật cơ, xảy ra ở người khỏe mạnh và hiếm khi có nguyên nhân. Trong khi một số dạng giật cơ khác do nguyên nhân thần kinh như động kinh, rối loạn chuyển hóa, phản ứng thuốc. Vậy làm thế nào để điều trị giật cơ? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để có được những thông tin hữu ích nhất.
1. Triệu chứng Giật cơ gồm những gì?
Triệu chứng giật cơ thường được mô tả như giật mình, lắc hoặc cơn co thắt, và có các đặc điểm sau:
- Đột ngột
- Diễn ra trong thời gian ngắn
- Không tự ý
- Giống như sốc
- Thay đổi về cường độ và tần số
- Khu trú ở một vị trí hoặc khắp cơ thể
- Đôi khi khó ăn uống, nói khó hoặc đi lại khó khăn
2. Nguyên nhân gây ra Giật cơ là gì?
Giật cơ có thể do nhiều bệnh lý gây ra. Phân loại giật cơ dựa vào nguyên nhân, từ đó xác định hướng điều trị thích hợp. Giật cơ bao gồm các dạng sau:
Giật cơ sinh lý
Loại giật cơ này thường gặp ở người khỏe mạnh và hiếm khi cần điều trị. Bao gồm:
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi
- Nấc cụt
- Bắt đầu giấc ngủ
- Lắc hoặc co thắt do lo âu hoặc tập luyện
- Giật cơ khi ngủ hoặc sau khi bú ở trẻ sơ sinh
Giật cơ bản thể
Loại giật cơ này khởi phát như một dạng của động kinh
Giật cơ thứ phát
Các cơn giật cơ xảy ra do một bệnh lý nền có từ trước, bao gồm:
- Chấn thương đầu hoặc tủy sống
- Nhiễm trùng
- Suy thận hoặc suy gan
- Rối loạn dự trữ lipid
- Ngộ độc chất hoặc thuốc
- Thiếu oxy máu kéo dài
- Phản ứng thuốc
- Bệnh lý viêm do tự miễn
- Rối loạn chuyển hóa
Bệnh lý thần kinh gây giật cơ thứ phát bao gồm:
- Đột quỵ
- U não
- Bệnh Huntington
- Bệnh Creutzfeldt
- Alzheimer
- Bệnh Parkinson và sa sút trí tuệ thể Lowy
- Thoái hóa vỏ não hạch nền
- Sa sút trí tuệ vùng trán thái dương
- Teo đa hệ thống
3. Chẩn đoán Giật cơ bằng cách nào?
Để chẩn đoán tình trạng giật cơ, cần phải có thông tin về tiền căn bệnh lý và khám lâm sàng.
Để xác định nguyên nhân giật cơ và loại trừ các nguyên nhân khác, có thể cần đến một số xét nghiệm. Bao gồm:
Điện não đồ (EEG)
Quy trình này ghi lại hoạt động điện của não và giúp xác định vị trí trong não bắt nguồn các cơn giật cơ. Các điện cực sẽ được dán lên da đầu. Người bệnh cần hít thở sâu và đều, nhìn vào điểm sáng cố định hoặc nghe âm thanh để không làm nhiễu sóng điện não.
Điện cơ (EMG)
Các điện cực sẽ được đặt lên các cơ, đặc biệt là các cơ gây co giật.
Khi cơ co hoặc nghỉ, các hoạt động điện của cơ sẽ được ghi lại. Từ đó giúp xác định loại giật cơ và nguyên nhân giật cơ.
Cộng hưởng từ (MRI)
Cộng hưởng từ giúp phát hiện các bất thường cấu trúc hoặc khối u trong não hoặc tủy sống, có thể là nguyên nhân gây giật cơ. MRI sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh chi tiết của não, tủy sống và các phần khác của cơ thể.
Xét nghiệm sinh hóa và di truyền
Xét nghiệm di truyền giúp xác định nguyên nhân giật cơ. Ngoài ra còn có xét nghiệm máu và nước tiểu để tìm:
- Rối loạn chuyển hóa
- Bệnh lý tự miễn
- Đái tháo đường
- Bệnh thận hoặc bệnh gan
- Thuốc hay độc chất
4. Điều trị Giật cơ như thế nào?
Điều trị giật cơ hiệu quả nhất khi xác định được nguyên nhân và có thể điều trị được. Chẳng hạn như các bệnh lý nội khoa, thuốc hoặc độc chất.
Tuy nhiên đa phần các bệnh lý nền không thể chữa hoặc loại bỏ được, nên mục tiêu điều trị là giảm triệu chứng giật cơ. Không có loại thuốc đặc hiệu nào cho điều trị giật cơ, nhưng các thuốc điều trị các bệnh khác lại có thể có tác dụng.
Thuốc
- Thuốc an thần. Clonazepam (Klonopin) là thuốc an thần được dùng phổ biến nhất để giảm triệu chứng giật cơ. Tác dụng phụ có thể là mất khả năng phối hợp vận động và buồn ngủ.
- Chống co giật.
- Thuốc chống co giật được chứng minh có hiệu quả giảm triệu chứng giật cơ. Thuốc thường sử dụng nhất là levetiracetam (Keppra, Roweepra, Spritam), acid valproic (Depakene) và primidone (Mysoline).
- Acid valproic có thể gây tác dụng phụ như buồn nôn. Levetiracetam gây mệt mỏi và chóng mặt. Primidone có tác dụng phụ là an thần và buồn nôn.
Trị liệu
Tiêm OnabotulinumtoxinA (Botox) có thể có ích cho điều trị nhiều loại giật cơ, đặc biệt là giật cơ khu trú. Botulinum toxin gây ức chế tiết các tín hiệu hóa học kích thích sự co cơ.
Phẫu thuật
Nếu giật cơ do u hoặc tổn thương não hoặc tủy sống gây ra, phẫu thuật là cần thiết. Điều trị phẫu thuật cho người bị giật cơ vùng mặt hoặc tai cũng có hiệu quả.
Kích thích não sâu (DBS) được sử dụng trong một số trường hợp giật cơ và trong các rối loạn vận động khác. DBS vẫn đang được nghiên cứu kĩ hơn trong việc điều trị giật cơ.
Giật cơ có nhiều dạng khác nhau, do nhiều nguyên nhân gây ra. Nguyên nhân gây giật cơ có thể do sinh lý như nấc cụt hoặc do bệnh lý như động kinh, rối loạn chuyển hóa. Điều trị lý tưởng là kiểm soát các bệnh lý nền, nhưng đa phần là điều trị giảm triệu chứng. Nếu bạn có triệu chứng giật cơ thường xuyên và kéo dài, hãy liên hệ bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị.