Buồn ngủ ban ngày quá mức là một trong những bất thường về giấc ngủ phổ biến nhất. Nó ảnh hưởng đến khoảng 20% dân số. Những người buồn ngủ nhiều như vậy thường tăng nguy cơ bị tai nạn giao thông và các sự cố khác liên quan đến công việc. Có nhiều nguyên nhân khiến người bệnh buồn ngủ. Việc tìm ra nguyên nhân ẩn bên dưới sẽ giúp tối ưu hóa điều trị.
1. Khi nào buồn ngủ là bất thường?
Buồn ngủ là một trạng thái sinh lý nhằm thúc giục cơ thể đi vào giấc ngủ. Người bình thường ngủ từ 6 đến 9 tiếng mỗi đêm. Tùy thuộc vào độ tuổi mà mỗi giai đoạn đời người sẽ có thời lượng ngủ phù hợp khác nhau.
Tuy nhiên, khi bạn buồn ngủ nhiều vào ban ngày và ảnh hưởng tới công việc, hoạt động hằng ngày thì có lẽ cơ thể bạn đang có vấn đề rồi đấy. Bản thân buồn ngủ ngày không phải là một rối loạn. Nó chỉ là một triệu chứng, một hậu quả do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.
Thông thường, người bệnh đi khám vì lý do “ngủ quá nhiều”, “buồn ngủ nhiều”. Một số khác có thể mô tả là họ cảm thấy “mệt mỏi”, “uể oải”, “chậm chạp”, “lừ đừ”. Quả thật những tính từ này rất mơ hồ. Vì thế, các bác sĩ thường cần phải đánh giá cẩn trọng để biết triệu chứng thật sự của bệnh nhân là gì. Khác với buồn ngủ, mệt mỏi đặc trưng bởi năng lượng thấp hoặc thậm chí là không có. Nhu cầu của họ là muốn nghỉ ngơi chứ không nhất thiết phải ngủ.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.
2. Nguyên nhân buồn ngủ ban ngày
Ngủ ngày quá mức là triệu chứng hay hậu quả của nhiều rối loạn khác nhau. Nó có thể là triệu chứng của các rối loạn giấc ngủ nguyên phát như chứng ngủ rũ hoặc là hậu quả rối loạn giấc ngủ như: thiếu ngủ, hội chứng ngưng thở lúc ngủ…. Việc sử dụng một số loại thuốc hay mắc các bệnh lý tâm thần, nội khoa cũng gây ra buồn ngủ vào ban ngày. Tuy nhiên, nhìn chung thì buồn ngủ trong các rối loạn nguyên phát ít gặp hơn.
Các nguyên nhân thường gặp của buồn ngủ ban ngày quá mức:
Thiếu ngủ
Đây có lẽ là nguyên nhân phổ biến nhất của buồn ngủ. Nó xảy ra ở những người khỏe mạnh sau khi giảm bớt giấc ngủ ban đêm. Các triệu chứng của thiếu ngủ có thể xảy ra chỉ sau một đêm mất ngủ. Người thường xuyên bị thiếu ngủ thường không nhận biết được sự suy giảm nhận thức cũng như hiệu suất làm việc của họ.
Nghịch lý thay, hầu hết các loại mất ngủ mãn tính lại tăng tỉnh thức vào ban ngày hơn là buồn ngủ. Sự xuất hiện buồn ngủ ban ngày quá mức ở một bệnh nhân bị mất ngủ thường là có bệnh đồng mắc. Ví dụ như rối loạn ngưng thở lúc ngủ hoặc rối loạn cảm xúc khí sắc.
Tác dụng của thuốc, chất
Buồn ngủ là tác dụng phụ thường được báo cáo nhất của các thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương. Điều hòa giấc ngủ và tỉnh táo là một quá trình phức tạp liên quan đến nhiều yếu tố và hệ thống. Không xác định được chất thần kinh duy nhất nào là cần thiết hoặc đủ để kiểm soát giấc ngủ. Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc có tác dụng an thần hoặc gây ngủ đều có tác động lên một hay nhiều chất dẫn truyền thần kinh điều hòa tỉnh – ngủ. Chúng bao gồm: dopamine, epinephrine, norepinephrine, acetylcholine, serotonin, histamine…
Một số thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ thường gặp:
- Thuốc an thần, gây ngủ.
- Thuốc chống co giật.
- Thuốc chống trầm cảm.
- Thuốc chống loạn thần.
- Thuốc phiện, á phiện.
- Thuốc chống nôn.
- Thuốc dị ứng.
Ngoài ra, một số chất cũng có thể gây ra tình trạng này, như: rượu, cần sa, heroin. Sự lạm dụng các chất kích thích như ma túy đá, cocain có thể khiến bạn ngầy ngật vào ban ngày. Nó xảy ra sau một khoảng thời gian dài dùng thuốc để kéo dài sự tỉnh táo.
>> Các chất kích thích như cần sa, ma túy đa hay heroin gây hại cho sức khỏe, nhưng liệu bạn đã hoàn toàn hiểu rõ về chúng? Tìm hiểu thêm: Cần sa, Ma túy đá, Heroin: Bạn đã thực sự hiểu hết
Hội chứng ngưng thở lúc ngủ (OSA)
Buồn ngủ ban ngày quá mức là triệu chứng phổ biến nhất của OSA. Đây là một rối loạn giấc ngủ gây ra do tắc nghẽn đường hô hấp trên. OSA dẫn đến các đợt ngừng hoặc giảm nhịp thở. OSA được định nghĩa khi có ≥ 5 cơn mất hoặc giảm nhịp thở mỗi giờ ngủ. Điều này khiến cho não bị thiếu oxy và kích thích nhịp thở trở lại.
Đối với người lớn từ 30 đến 60 tuổi, trong số những người mắc OSA, khoảng 23% nữ và 16% nam bị buồn ngủ ban ngày quá mức. Tuy nhiên, cũng có nhiều người bị bỏ sót chẩn đoán này. Một nghiên cứu ước tính rằng 93% nữ và 82% nam bị OSA từ trung bình đến nặng không được chẩn đoán. Hơn nữa, tuổi tác và béo phì, hai yếu tố nguy cơ đáng kể mắc OSA, ngày càng tăng. Tỉ lệ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ cũng gia tăng nhanh chóng.
Các nguyên nhân thứ phát khác gây ngủ nhiều
Nhiều bệnh lý y khoa có thể gây ngủ ngày, bao gồm:
- Bệnh thần kinh trung ương như: chấn thương đầu, đột quỵ, khối u, viêm não…
- Bệnh tâm thần, đặc biệt là trầm cảm, rối loạn nhịp sinh học như jet lag, làm việc ca đêm, hội chứng chân không yên…
- Suy giáp, thiếu máu mạn…
Ngủ nhiều nguyên phát
Ngủ rũ là rối loạn phổ biến nhất trong số các rối loạn ngủ nhiều nguyên phát. Bệnh đặc trưng bởi sự ập đến bất ngờ, nhanh chóng rơi vào trạng thái ngủ. Nó xảy ra nhiều lần trong ngày. Ngủ rũ có thể kèm theo sự mất khả năng cử động tay chân trước khi ngủ.
3. Hậu quả của buồn ngủ ban ngày
Thật sự, buồn ngủ ngày ảnh hưởng rất nhiều đến các chức năng của bạn.
Thường xuyên mệt mỏi, mất tập trung, lơ đễnh, hay phạm lỗi, mất khả năng phán đoán khiến cho hiệu suất học tập và làm việc kém đi.
Việc bạn lái xe trong tình trạng buồn ngủ, mất tập trung không chỉ nguy hiểm cho bản thân mà còn những người khác. Vào năm 2000, có hơn 800.000 lái xe tại Mỹ bị OSA có liên quan đến tai nạn xe cộ do giảm tỉnh táo.
Không chỉ vậy, một giấc ngủ kém vào ban đêm khiến cơ thể bạn không thể phục hồi trọn vẹn. Về lâu dài, nó sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính nguy hiểm như tim mạch, đái tháo đường, tai biến…
4. Bác sĩ chẩn đoán như thế nào?
Một bệnh sử chi tiết, một cuộc thăm khám kỳ càng và các xét nghiệm hỗ trợ sẽ cần thiết để bác sĩ chẩn đoán bệnh.
Bác sĩ ngoài hỏi về các triệu chứng liên quan sẽ bao gồm luôn cả những bệnh lý đang mắc và loại thuốc bệnh nhân đang uống. Vì thế, bạn nên kể thật chi tiết những loại thuốc được kê đơn và cả không kê đơn cho bác sĩ. Các thông tin lấy từ người ngủ chung với bạn cũng rất hữu ích để chẩn đoán nguyên nhân
Đo đa ký giấc ngủ qua đêm là một xét nghiệm rất hữu ích để chẩn đoán OSA và chứng ngủ rũ.
Việc thăm khám kỹ lưỡng sẽ giúp phát hiện ra các bệnh lý y khoa gây ra ngủ ngày nhiều.
5. Điều trị buồn ngủ ban ngày như thế nào?
Giải quyết các nguyên nhân là nguyên tắc điều trị cơ bản của buồn ngủ ngày.
Nếu do thuốc, đơn giản là cân nhắc ngưng hoặc đổi thuốc điều trị.
Các bệnh lý y khoa khi được điều trị, kiểm soát tốt sẽ giải quyết được ngủ ngày.
Với OSA, điều trị bằng các thiết bị áp lực dương (ví dụ CPAP) trong khi ngủ giúp cải thiện triệu chứng buồn ngủ đối với hầu hết bệnh nhân.
Ngoài ra, cũng có một số thuốc giúp tăng tình trạng thức tỉnh để hỗ trợ nếu không giải quyết được nguyên nhân. Tuy nhiên, vì một số tác dụng phụ gây nguy hiểm và khả năng gây nghiện, thuốc cần phải được bác sĩ kê đơn, kiểm soát và theo dõi kỹ.
Buồn ngủ ban ngày ảnh hưởng nhiều đến khả năng học tập và làm việc. Việc tìm được nguyên nhân sẽ giúp cho quá trình điều trị hiệu quả hơn.