Động kinh vắng ý thức: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Động kinh vắng ý thức ảnh hưởng đến ý thức trong một thời gian rất ngắn, vì vậy rất khó nhận biết. Các cơn động kinh vắng ý thức thường có thể được kiểm soát bằng thuốc chống động kinh. Một số trẻ mắc chứng động kinh này cũng mắc phải các loại động kinh khác. Đa số trẻ sẽ không còn xảy ra cơn co giật này khi qua khỏi tuổi thiếu niên.

Động kinh vắng ý thức là gì?

Động kinh vắng ý thức là những cơn mất ý thức ngắn, xảy ra đột ngột. Chúng phổ biến ở trẻ em hơn người lớn.

Người trong cơn động kinh vắng ý thức giống như đang nhìn chằm chằm vào khoảng không trong vài giây. Sau đó, nhanh chóng trở lại mức độ tỉnh táo bình thường.

Triệu chứng

Dấu hiệu đơn giản là nhìn chằm chằm vào khoảng không. Triệu chứng này có thể bị nhầm lẫn với sự mất chú ý kéo dài khoảng 10 giây. Đôi khi cơn vắng ý thức kéo dài đến 20 giây, mà sau đó không có bất kỳ triệu chứng nào như đau đầu hoặc buồn ngủ.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi

Các dấu hiệu và triệu chứng của cơn động kinh bao gồm:

  • Đột ngột ngừng hoạt động nhưng không té ngã.
  • Liếm môi.
  • Rung giật mí mắt.
  • Chuyển động nhai.
  • Chà xát ngón tay.
  • Chuyển động nhỏ ở hai bàn tay.

Liếm môi là một trong những triệu chứng của cơn động kinh

Sau cơn, không nhớ được những gì đã diễn ra trong cơn. Một số người xuất hiện nhiều cơn mỗi ngày, gây trở ngại cho việc học hoặc sinh hoạt hàng ngày.

Các cơn động kinh diễn ra rất ngắn. Vì vậy trẻ thường bị động kinh vắng ý thức trong một thời gian trước khi người lớn có thể nhận ra các cơn động kinh. Khả năng học tập của trẻ suy giảm có thể là dấu hiệu đầu tiên của chứng rối loạn này. Giáo viên có thể nhận xét về việc trẻ không có khả năng chú ý hoặc trẻ thường mơ mộng.

Nguyên nhân gây ra động kinh vắng ý thức

Đa phần trẻ có khuynh hướng di truyền động kinh vắng ý thức.

Các tế bào neuron của não thường gửi các tín hiệu điện và hóa học qua các khe synap (khoảng hở giữa phần trước và phần sau synap. Tại đây có chứa các enzym đặc hiệu có chức năng phân giải chất trung gian hóa học để điều hòa sự dẫn truyền qua synap). Động kinh xảy ra do các xung điện bất thường từ các tế bào neuron.

Ở những người bị động kinh, hoạt động điện bình thường của não bị thay đổi. Trong cơn động kinh, các tín hiệu điện này lặp lại 3 chu kỳ trong một giây.

Những người bị động kinh cũng có thể bị thay đổi mức độ của các chất dẫn truyền thần kinh.

Các yếu tố nguy cơ mắc phải

Một số yếu tố thường gặp ở những trẻ có cơn động kinh vắng ý thức bao gồm:

  • Tuổi: phổ biến hơn ở trẻ em từ 4 đến 14 tuổi.
  • Giới tính: Bệnh lí này thường gặp hơn ở trẻ gái.
  • Tiền căn gia đình: Gần một nửa số trẻ mắc bệnh lí này có người thân bị động kinh.

Các biến chứng

Hầu hết trẻ bị động kinh vắng ý thức không gây ra biến chứng. Tuy nhiên, ở một số trẻ:

  • Phải dùng thuốc chống động kinh suốt đời để ngăn chặn cơn động kinh.
  • Diễn tiến đến co giật toàn bộ, như động kinh co cứng – co giật.

Các biến chứng khác có thể bao gồm:

  • Khó khăn trong học tập.
  • Các vấn đề về hành vi.
  • Tách biệt với xã hội.

Cơn co cứng – co giật

Chẩn đoán động kinh vắng ý thức

Các xét nghiệm cần thiết cho chẩn đoán bao gồm:

  • Điện não đồ (EEG): Trong cơn động kinh, hình thái sóng trên điện não đồ khác với hình thái bình thường.
  • Chụp cộng hưởng từ (chụp MRI) não: Trong động kinh vắng ý thức MRI não có thể bình thường. Tuy nhiên, MRI có thể cung cấp hình ảnh chi tiết của não. Điều này giúp loại trừ các vấn đề khác, chẳng hạn như đột quỵ hoặc khối u não.

Các phương pháp điều trị

Điều trị thường bắt đầu với thuốc chống động kinh liều thấp nhất có thể. Sau đó, tăng liều lượng khi cần để kiểm doát các cơn động kinh. Khi các cơn động kinh thưa dần và biến mất kéo dài khoảng 2 năm, trẻ có thể được giảm bớt liều thuốc.

Các loại thuốc chống động kinh bao gồm:

  • Ethosuximide (Zarontin): Đây là loại thuốc thường được chọn sử dụng đầu tay để kiểm soát cơn động kinh vắng ý thức. Trong hầu hết các trường hợp, cơn động kinh đáp ứng tốt với thuốc này. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm buồn nôn, nôn, buồn ngủ, khó ngủ, tăng động.
  • Axit valproic (Depakene): Axit valproic có liên quan đến nguy cơ gây dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, phụ nữ không nên sử dụng trong khi mang thai hoặc khi đang có ý định có thai.
    Các bác sĩ có thể khuyến nghị sử dụng axit valproic ở trẻ bị đồng thời động kinh vắng ý thức và động kinh co cứng – co giật.
  • Lamotrigine (Lamictal): Một số nghiên cứu cho thấy thuốc này kém hiệu quả hơn ethosuximide và axit valproic, nhưng nó có ít tác dụng phụ hơn. Các tác dụng phụ có thể bao gồm phát ban và buồn nôn.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

1. Liệu pháp ăn kiêng

Thực hiện theo chế độ ăn giàu chất béo và ít carbohydrate có thể cải thiện việc kiểm soát cơn động kinh. Liệu pháp này chỉ được sử dụng nếu các loại thuốc truyền thống không kiểm soát được cơn động kinh.

Chế độ ăn này không dễ duy trì, nhưng đã thành công trong việc giảm động kinh cho một số người.

Chế độ ăn giàu chất béo và ít carbohydrate có thể kiểm soát cơn động kinh

2. Các biện pháp bổ sung

Dưới đây là các bước mà bạn có thể thực hiện để giúp kiểm soát cơn động kinh:

  • Uống thuốc đúng cách: Không tự điều chỉnh liều lượng của thuốc. Nếu bạn cảm thấy thuốc chưa giúp kiểm soát được động kinh và cần thay đổi loại thuốc, hãy nói với bác sĩ trong khi tái khám.
  • Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ có thể gây ra các cơn động kinh. Đảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ mỗi đêm.
  • Đeo vòng tay cảnh báo y tế.

Động kinh vắng ý thức có thể khó nhận biết và để lại những hậu quả không mong muốn cho trẻ. Nếu như bạn nhận thấy trẻ có dấu hiệu và triệu chứng của cơn động kinh đã kể trên, hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *