Điều trị Parkinson như thế nào? Cần lưu ý gì khi chăm sóc người bệnh?

Bệnh Parkinson được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau. Do đó, việc điều trị Parkinson theo từng giai đoạn có những lưu ý nhất định. Vậy liệu rằng bệnh Parkinson có chữa được không? Người bệnh có khỏi bệnh hoàn toàn không? Tất cả những thắc mắc trên sẽ được giải đáp chi tiết qua bài viết sau đây của bác sĩ Nguyễn Lâm Giang. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!

Điều trị bệnh Parkinson có khỏi hoàn toàn không?

Phần lớn những bệnh nhân mắc bệnh Parkinson thắc mắc rằng liệu bệnh lý này có thể chữa khỏi hoàn toàn không. Theo các bác sĩ chuyên khoa, đây là một bệnh lý mạn tính. Vì vậy, bệnh không thể được chữa khỏi hoàn toàn. Người bệnh sẽ phải uống thuốc suốt đời kể từ lúc mắc bệnh. Thuốc điều trị Parkinson nhằm vào những mục tiêu chính sau:1 2

  • Làm giảm độ trầm trọng của các triệu chứng. Chẳng hạn như: bị run khi nghỉ ngơi, co cứng cơ khi vận động, di chuyển chậm chạp, mệt mỏi,…
  • Kéo dài quá trình diễn biến của bệnh. Qua đó gián tiếp giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.
  • Góp phần hạn chế sự xuất hiện các biến chứng của bệnh. Điển hình gồm: chấn thương trong quá trình di chuyển, viêm nhiễm các cơ quan, trầm cảm, lo âu,…

Phương pháp chẩn đoán bệnh Parkinson

Việc chẩn đoán bệnh Parkinson chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng. Khi có những triệu chứng sau đây, bệnh nhân sẽ được nghi ngờ là đã mắc bệnh:1 2

  • Bị run khi nghỉ ngơi và giảm run hơn khi vận động.
  • Tăng trương lực cơ.
  • Biểu hiện chậm và khả nặng vận động bị giảm.
  • Có thể được hỗ trợ chẩn đoán bệnh Parkinson dựa trên một số triệu chứng kèm theo. Chẳng hạn như: nháy mắt không thường xuyên, khuôn mặt đờ đẫn, biểu cảm kém, bất thường về dáng đi (dáng đi chậm chạp).

Ở người cao tuổi, trước khi chẩn đoán bệnh Parkinson. Chúng ta cần phải loại trừ các nguyên nhân có thể khác làm giảm chuyển động tự phát. Chẳng hạn như trầm cảm nặng, suy giáp hoặc sử dụng các loại thuốc an thần gây ngủ.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi

Phương pháp điều trị bệnh Parkinson

Giai đoạn bệnh Parkinson

Theo thang đánh giá “Hoehn and Yahr”, bệnh Parkinson sẽ được chia thành 5 giai đoạn. Các giai đoạn được đánh số thứ tự từ 1 đến 5. Giai đoạn có số thứ tự càng cao, các triệu chứng của bệnh Parkinson càng nặng. Điển hình là các biểu hiện: run tay chân khó kiểm soát, hạn chế trong phối hợp các động tác, khó nói,…3 4

Còn theo thang đánh giá UPDRS (The Unified Parkinson’s Disease Rating Scale), đây là một công cụ toàn diện được sử dụng để xem xét nhiều loại triệu chứng. Một số triệu chứng mà nó đánh giá bao gồm:3

  • Hoạt động trí óc.
  • Tâm trạng.
  • Sự giao tiếp xã hội.
  • Vận động.

Việc xem xét nhiều loại triệu chứng giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về cách bệnh Parkinson đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh, mà không chỉ dựa vào khả năng vận động của họ. Theo cách đánh giá này, bệnh Parkinson sẽ được chia thành 3 giai đoạn chính thay vì 5 giai đoạn. Ba giai đoạn này bao gồm Parkinson giai đoạn nhẹ, trung bình và nặng.

Như vậy, có thể mô tả các biểu hiện trong từng giai đoạn bệnh Parkinson theo cách chia mới như trong hình dưới đây.

Các giai đoạn của bệnh Parkinson và các biểu hiện đi kèm

Dùng thuốc điều trị

Bệnh Parkinson ở giai đoạn càng nặng thì người bệnh càng cần phải sử dụng thuốc. Số loại thuốc cũng như tần suất sử dụng thuốc, liều thuốc sẽ tăng dần theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Chữa bệnh Parkinson bằng các thuốc Tây y

Biện pháp thường được sử dụng trong phác đồ điều trị bệnh Parkinson đó là sử dụng thuốc. Hiện có 6 nhóm thuốc chính chữa bệnh Parkinson, bao gồm:1 2

  • Thuốc thay thế dopamine. Các thuốc điển hình thuộc nhóm này bao gồm: thuốc Madopar, Sinemet, Duodopa, Kinson, Stalevo.
  • Chất chủ vận dopamine. Các thuốc điển hình bao gồm: Bromocriptine, Pergolide, Pramipexole và Ropinirole.
  • Chất ức chế men catechol o-methyltransferase (COMT). Bao gồm các thuốc điển hình như: Tolcapone, Entacapone.
  • Thuốc ức chế thụ thể MAO type B: Eelegiline, Rasagiline.
  • Thuốc kháng cholinergic: Thuốc Trihexyphenidyl, Benztropine.
  • Amantadine.

Chữa bệnh Parkinson bằng Đông y

Theo Đông y, bệnh Parkinson xảy ra là do tuổi già, do can huyết và thận âm suy yếu. Huyết bị suy nhược nên nuôi dưỡng các khớp không tốt. Đồng thời, các mạch máu thiếu huyết lưu thông sẽ trở nên co rút, run giật.

Do đó, muốn điều trị hiệu quả bệnh lý Parkinson thì cần phải bổ huyết, hoạt huyết, dưỡng âm, bổ can thận, thông lợi khớp và trừ phong thấp. Từ đó, phương pháp hiệu quả nhất là sử dụng các bài thuốc có tác dụng tổng hợp. Bao gồm: bổ huyết, bổ can thận, dưỡng âm, trừ phong, tiêu thấp.5

Hai loại thảo dược quý có nhiều tiềm năng điều trị hiệu quả bệnh Parkinson đó chính là Câu đằng và Thiên ma.6 7

Sử dụng thuốc Đông y là một trong những phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh Parkinson

Phẫu thuật

Trong những giai đoạn sau của bệnh Parkinson. Việc đáp ứng với thuốc điều trị ngày càng giảm dần. Bệnh nhân cần phải tăng liều điều trị. Chính vì vậy, nhiều biến chứng và tác dụng phụ do việc sử dụng thuốc sẽ tăng dần theo thời gian và liều lượng thuốc.

Ngoài ra, kỹ thuật “kích thích não sâu” là một trong những kỹ thuật hiện đại đã được nghiên cứu để điều trị bệnh lý này ở những giai đoạn cuối. Phẫu thuật kích thích não sâu được thực hiện gồm các bước sau:1 2

  • Một điện cực được đặt vào các cấu trúc não sau.
  • Điện cực được nối với một thiết bị dây dẫn ra khỏi não.
  • Dây dẫn được luồn dưới da từ đầu đến vị trí trước ngực và được gắn vào một máy tạo nhịp đã được đặt tại đó.
  • Tương tự như máy tạo nhịp tim. Khi được kích thích, dòng điện sẽ truyền theo dây dẫn vào điện cực. Từ đó, dòng điện sẽ tác động vào nhân não giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh Parkinson.

Chăm sóc người bệnh Parkinson

Trong quá trình điều trị Parkinson, việc chăm sóc bệnh nhân có vai trò khá quan trọng. Một số lưu ý khi chăm sóc người bệnh Parkinson mà bạn nên biết như:1 2

Chế độ ăn uống

Chế độ ăn của người bệnh Parkinson nên cân bằng và đầy đủ chất. Những loại thức ăn dễ tiêu cũng cần được ưu tiên. Đồng thời, thực phẩm cũng nên chứa nhiều chất xơ để tránh táo bón.

Chế độ vệ sinh

Người bệnh Parkinson thường gặp khó khăn trong các hoạt động sinh hoạt thường ngày như việc vệ sinh cá nhân. Vì vậy, người thân có thể hỗ trợ vệ sinh cơ thể người bệnh sạch sẽ và thường xuyên để tránh bị nhiễm trùng.

Chế độ tập luyện

Bệnh nhân mắc bệnh Parkinson nên thường xuyên tập luyện thể dục, vận động. Bởi việc này có tác dụng giúp cơ tăng sức mạnh và sức bền. Đồng thời cải thiện được các triệu chứng run, co cứng cơ. Một số động tác tập luyện điển hình nhất bao gồm:

  • Đi bộ với tốc độ vừa phải.
  • Đứng lên và ngồi xuống.
  • Động tác vặn người.

Chăm sóc người bệnh Parkinson cũng ảnh hưởng một phần đến hiệu quả điều trị Parkinson

Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề điều trị Parkinson. Như đã đề cập, đây là một bệnh lý mạn tính và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng thuốc thì chăm sóc người bệnh chu đáo cũng giữ vai trò khá quan trọng. Tất cả các biện pháp kết hợp với nhau nhằm giúp người bệnh sống lâu hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *