Điều trị bệnh Alzheimer thế nào cho hiệu quả chính là mối quan tâm hàng đầu của rất nhiều người cao tuổi. Đồng thời cũng là một trong những vấn đề nan giải của y học hiện nay. Vậy, bệnh lý này có dễ điều trị hay không? Có thể chữa khỏi hoàn toàn hay không? Bài viết sau đây của bác sĩ Nguyễn Lâm Giang sẽ giải đáp những thắc mắc trên cho bạn. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!
Chẩn đoán bệnh Alzheimer
Trước khi tìm hiểu các phương pháp điều trị bệnh Alzheimer thì bạn đọc hãy cùng tham khảo phương pháp chẩn đoán bệnh lý này.
Để chẩn đoán bệnh Alzheimer, các bác sĩ sẽ tiến hành một số bài test chuyên biệt. Mục đích nhằm đánh giá sự suy giảm trí nhớ cũng như khả năng tư duy của người bệnh. Bên cạnh đó, bác sĩ còn đánh giá mức độ suy giảm các chức năng và sự thay đổi hành vi. Một vài bài kiểm tra khác cũng có thể được chỉ định. Việc này nhằm loại trừ các bệnh lý khác có thể gây suy giảm trí nhớ.1
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi
Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ sẽ đánh giá:1
- Mức độ suy giảm trí nhớ, suy giảm nhận thức, tư duy.
- Những sự đổi khác về tính cách, hành vi.
- Ảnh hưởng của những thay đổi đến khả năng hoạt động hàng ngày của người bệnh.
- Nguyên nhân xuất hiện của các triệu chứng rối loạn.
- Bên cạnh thăm khám lâm sàng và hỏi bệnh. Một số xét nghiệm cũng có thể được chỉ định nhằm bổ trợ cho chẩn đoán xác định. Bao gồm xét nghiệm máu, chụp CT scan sọ não, chụp MRI sọ não, đo điện não, đo lưu huyết não,…
Các phương pháp điều trị bệnh Alzheimer
Một số phương pháp điều trị Alzheimer ở thời điểm hiện tại bao gồm:2 3
Phương pháp sử dụng thuốc
Các loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer hiện nay có thể giúp điều trị những rối loạn về trí nhớ và sự thay đổi nhận thức ở những mức độ nhất định. Cụ thể đó là hai nhóm thuốc:
Thuốc ức chế men cholinesterase
Cơ chế hoạt động chính của nhóm thuốc này là thúc đẩy khả năng giao tiếp giữa các tế bào thần kinh. Thông qua việc bảo vệ chất acetylcholin. Đây là một chất truyền tin hóa học thường bị suy giảm nhiều trong bộ não khi một người mắc bệnh Alzheimer.
Thuốc ức chế men cholinesterase còn giúp cải thiện một số triệu chứng tâm thần. Chẳng hạn như rối loạn khí sắc hoặc rối loạn hành vi. Thuốc ức chế men cholinesterase thường được chỉ định bao gồm: donepezil, galantamine và rivastigmine. Riêng thuốc rivastigmine, có cả loại viên uống và loại thuốc dán.
Một số tác dụng phụ của các loại thuốc này bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, chán ăn và rối loạn giấc ngủ. Ở những người mắc một số vấn đề về tim mạch, các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể bao gồm rối loạn nhịp tim.
Chất đối kháng NMDA
Đây là nhóm thuốc hoạt động trong một mạng lưới giao tiếp các tế bào não phức tạp. Đồng thời giúp kéo dài quá trình tiến triển của các triệu chứng trong bệnh Alzheimer. Tiêu biểu nhất là thuốc memantine. Thuốc được chỉ định cho những trường hợp bệnh Alzheimer từ mức độ trung bình đến nặng. Thuốc này đôi khi được kết hợp sử dụng với một thuốc trong nhóm ức chế cholinesterase.
Một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc này tương đối hiếm gặp, bao gồm chóng mặt và lú lẫn.
Phương pháp không sử dụng thuốc
Bên cạnh sử dụng các thuốc điều trị Alzheimer. Việc điều trị bệnh Alzheimer còn bao gồm cả những phương pháp không dùng thuốc. Đây là những phương pháp mang tính hỗ trợ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh Alzheimer.
Cụ thể, đối với người bệnh Alzheimer, chúng ta nên lập kế hoạch và duy trì các thói quen hàng ngày. Việc này sẽ giúp cuộc sống của bệnh nhân trở nên dễ dàng hơn.
Những phương pháp được các bác sĩ khuyến khích như sau:
- Luôn giữ những vật dụng quan trọng ở một nơi nhất định trong nhà để không bị thất lạc. Chẳng hạn như: chìa khóa, điện thoại di động, trang sức, tiền bạc, ví,…
- Lưu trữ thuốc ở một nơi an toàn. Theo dõi sát việc uống thuốc của người bệnh.
- Khuyến khích người bệnh mang theo điện thoại di động có tính năng định vị. Mục đích là giúp người thân thuận tiện theo dõi họ.
- Lắp đặt tay vịn ở những nơi có nguy cơ cao té ngã. Chẳng hạn như: cầu thang, nhà tắm, nhà vệ sinh.
- Tốt hơn hết là giảm số lượng gương trong nhà. Bởi vì người bệnh Alzheimer rất sợ khi thấy mình trong gương.
- Hạn chế để những đồ vật nguy hiểm trong tầm kiểm soát của người bệnh Alzheimer. Chẳng hạn như: dao, kéo, kim, ổ điện,…
Bệnh Alzheimer có chữa được không?
Có không ít người, đặc biệt là người thân của người bệnh thắc mắc rằng bệnh Alzheimer có chữa được không. Theo các chuyên gia về y tế, bệnh Alzheimer là một bệnh lý mạn tính. Vì vậy, bệnh không thể được chữa khỏi một cách hoàn toàn. Thuốc điều trị Alzheimer chỉ có tác dụng kéo dài quá trình tiến triển của bệnh. Đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh ở một mức độ nhất định.3
Tiên lượng bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer có xu hướng tiến triển nặng dần theo thời gian. Và kết quả sau cùng là gây tử vong cho người bệnh. Những người mắc bệnh Alzheimer có thời gian sống trung bình từ 4 đến 8 năm kể từ lúc vừa được chẩn đoán xác định bệnh. Một vài trường hợp cá biệt có thể sống đến 20 năm sau khi được chẩn đoán. Có thể thấy, diễn biến bệnh ở mỗi bệnh nhân sẽ không giống nhau.3
Những yếu tố tiên lượng xấu bao gồm:2
- Mắc bệnh ở mức độ nặng ngay từ khi được chẩn đoán.
- Có tổn thương não trước đó. Chẳng hạn như: chấn thương não, viêm não, u não,…
- Mắc một số bệnh mạn tính kèm theo. Ví dụ như: đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, bệnh suy thận, suy gan,…
- Bị bệnh Alzheimer cùng lúc với một bệnh lý tâm thần. Chẳng hạn như: lo âu, mất ngủ, trầm cảm, loạn thần,…
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về điều trị bệnh Alzheimer. Nói tóm lại, việc điều trị này chỉ nhằm mục đích kéo dài quá trình tiến triển của bệnh. Đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bởi bệnh Alzheimer là một bệnh lý mạn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Chính vì vậy, khi được chẩn đoán bệnh, người bệnh và người nhà nên sẵn sàng về mặt tâm lý để sống chung với bệnh đến cuối đời.