Đau đầu 2 bên thái dương: Dấu hiệu cảnh báo bệnh lý

Đau đầu hai bên thái dương là một trong những tình trạng đau đầu khá phổ biến. Đây có thể là biểu hiện của một bệnh lý cấp tính và nguy hiểm, cần được điều trị kịp thời. Vậy thì đau đầu 2 bên thái dương là như thế nào? Cách chẩn đoán và điều trị ra sao? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây của bác sĩ Nguyễn Lâm Giang để tìm được câu trả lời cho những thắc mắc này nhé!

Đau đầu hai bên thái dương là gì?

Đau đầu 2 bên thái dương là triệu chứng khá thường gặp của rất nhiều người. Khi bị bệnh, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau nhức ở vùng thái dương. Mức độ đau có thể từ nhẹ đến trầm trọng.

Triệu chứng này là biểu hiện của nhiều bệnh lý đa dạng. Để chẩn đoán xác định bệnh nào gây ra triệu chứng này. Các bác sĩ sẽ hỏi thật kĩ về bệnh sử của người bệnh. Đồng thời chỉ định một số xét nghiệm cần thiết.

Cảm giác đau nhức ở hai vùng thái dương đem lại nhiều khó chịu cho người bệnh

Thái dương là một khu vực ở trên đầu. Nó bao gồm toàn bộ phần hai bên của đầu. Phía trước tiếp giáp với vùng trán, phía trên tiếp giáp với vùng đỉnh. Và phía sau tiếp giáp với vùng chẩm. Vị trí thái dương là khu vực có chứa động mạch thái dương. Vì vậy, khi động mạch này bị viêm sẽ gây ra cảm giác đau nhức.1

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi

Đau đầu hai bên thái dương do bệnh lý nào gây nên?

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng đau đầu ở vùng thái dương 2 bên. Một vài bệnh lý phổ biến có thể kể đến như: đau đầu dạng căng thẳng, đau nửa đầu Migraine, đau đầu sau sang chấn,…1 2 3 4

Đau đầu do stress, căng thẳng

Đây là bệnh lý rất phổ biến có thể gây đau đầu ở vùng thái dương. Triệu chứng chính là cảm giác đau căng xung quanh đầu, thường được mô tả như đầu có cảm giác bị “bó chặt”. Nó có thể lan đến vùng chẩm, gáy, cổ trong một số trường hợp. Loại đau đầu này có thể nặng hơn khi người mắc phải thấy ánh sáng mạnh hoặc nghe tiếng ồn lớn.

Đau nửa đầu Migraine

Mặc dù đau nửa đầu Migraine thường gây triệu chứng đau ở ½ đầu, tuy nhiên, cơn đau có thể lan sang bên đối diện. Vì vậy, bệnh lý này không những gây nên đau đầu bên phải thái dương mà còn lan sang bên trái và ngược lại. Từ đó gây nên cảm giác đau cả hai bên đầu, đặc biệt là vùng thái dương.

Cơn đau đôi khi dữ dội, đau nhói và kéo dài, làm cho người bệnh rất khó chịu. Triệu chứng kèm theo thường gặp là: buồn nôn và nôn, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh…

Một số tác nhân có thể gây ra chứng đau nửa đầu bao gồm:

  • Thiếu ngủ.
  • Căng thẳng, quá sức.
  • Các tác nhân bên ngoài. Bao gồm thay đổi thời tiết, môi trường xung quanh như màn hình nhấp nháy, phòng ngột ngạt và tiếng ồn lớn.
  • Một số loại thuốc, bao gồm thuốc ngủ, thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hormone.
  • Một số loại thực phẩm, bao gồm cả sô cô la và pho mát.
  • Cà phê, hoặc một số loại rượu như rượu vang đỏ.
  • Các yếu tố kích thích cảm xúc, bao gồm trầm cảm hoặc lo lắng.

Viêm động mạch thái dương

Viêm động mạch thái dương, hay còn được gọi là viêm động mạch sọ hoặc tế bào khổng lồ, là tình trạng do viêm các động mạch thái dương lớn nằm ở hai bên đầu.

Những bệnh nhân bị viêm động mạch thái dương thường cảm thấy cơn đau dữ dội, đau nhói và bỏng rát, thường xảy ra ở thái dương ở một bên đầu. Các triệu chứng khác, chẳng hạn như sốt nhẹ, mệt mỏi, sụt cân hoặc thèm ăn, da đầu hoặc thái dương mềm cũng có thể xảy ra. Việc nhai có thể khiến cơ hàm bị đau nhức.

Tình trạng này phổ biến hơn ở phụ nữ và những người trên 50 tuổi.1

Rối loạn khớp thái dương hàm

Rối loạn khớp thái dương hàm là tình trạng gây đau ở hàm và vùng xung quanh. Chúng cũng có thể gây áp lực ở mặt, thái dương và cổ.

Các triệu chứng của rối loạn này bao gồm:

  • Đau và áp lực ở thái dương.
  • Cảm thấy đau ở ở bất kỳ cơ nào liên quan đến việc nhai, bao gồm cả mặt, hàm hoặc cổ.
  • Hàm cứng, cử động bị hạn chế.
  • Đau khi mở hoặc đóng miệng.
  • Nghiến răng, khi thức hoặc khi ngủ.
  • Răng trên và dưới không khớp với nhau như bình thường.

Đau đầu sau sang chấn

Triệu chứng đau đầu ở vùng thái dương có thể xuất hiện sau khi sang chấn hoặc té đập đầu ở vị trí thái đương. Mặc dù não không bị tổn thương nghiêm trọng và người bệnh không bị rối loạn ý thức. Tuy nhiên, tổn thương mô mềm, thần kinh, mạch máu,… có thể gây nên cảm giác đau kéo dài. Một số triệu chứng kèm theo cảm giác đau như: hoa mắt, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ,…

Đau đầu Cervicogenic

Đây là tình trạng đau đầu xuất phát từ nguyên nhân ở cột sống cổ. Chẳng hạn như: chấn thương cột sống cổ hoặc viêm cột sống cổ. Các triệu chứng kèm theo đau đầu bao gồm: cổ cứng, buồn nôn, giảm cử động cổ, suy giảm thị lực,…

Một số vấn đề về xoang

Nhiễm trùng và viêm xoang có thể gây ra áp lực ở thái dương. Người bệnh cũng có thể cảm thấy áp lực xung quanh trán, mắt và má, và đau răng trên. Một số triệu chứng khác kèm theo như sốt, mệt mỏi, ho, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.

Một số nguyên nhân khác gây đau dầu vùng thái dương 2 bên

Ngoài những nguyên nhân thường gặp nói trên, một số nguyên nhân khác có thể gây đau đầu ở thái dương hai bên. Bao gồm:

  • Tăng áp lực nội sọ.
  • Tăng nhãn áp ở cả hai mắt.
  • Các bệnh răng miệng.
  • Xuất huyết não.
  • Viêm màng não.
  • Thiếu máu não (thiểu năng tuần hoàn não). Bệnh lý này có thể gây đau khắp đầu, đặc biệt là ở thái dương 2 bên.

Thiếu máu não có thể là nguyên nhân gây đau nhức hai vùng thái dương ở đầu

Cách giảm đau đầu nhanh chóng

Khi bị đau đầu, chắc hẳn ai cũng muốn tìm ra cách để giảm đau sao cho thật nhanh chóng. Sau đây là một số cách chữa đau đầu hai bên thái dương phổ biến:5

Nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý

Phương pháp này thường giúp bạn giảm stress, giảm căng thẳng trong học tập, công việc. Vì vậy, nó có thể giúp giảm những cơn đau đầu do căng thẳng gây nên.

Ngoài ra, nên ngủ sớm, dậy sớm cũng như ngủ đủ giấc từ 6 đến 8 giờ mỗi ngày. Bên cạnh đó, nghe nhạc cũng giúp cho đầu óc thư giãn. Từ đó hạn chế căng thẳng dẫn đến đau đầu.

Massage vùng thái dương

Động tác massage vùng thái dương giúp thư giãn các cơ ở khu vực này. Nhờ vậy, tình trạng đau đầu sẽ giảm nhanh chóng, đặc biệt là đau đầu do căng cơ. Đồng thời, động tác massage cũng kích thích lưu thông tuần hoàn lên não. Qua đó giúp giảm tình trạng suy giảm tuần hoàn não, có tác dụng giảm đau đầu.

Thư giãn và massage vùng thái dương ngay khi cơn đau đầu xuất hiện giúp làm dịu cơn đau

Uống nhiều nước

Tình trạng thiếu nước có thể gây ra một số rối loạn nhất định trong cơ thể. Đồng thời làm cho tình trạng đau đầu vùng thái dương trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, bạn nên bổ sung nước, tốt nhất là nước lọc với lượng ≥ 1,5 lít/ngày.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác tình trạng của mình, cũng như đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp khi cơn đau đầu 2 bên thái dương kéo dài dai dẳng.

Người bệnh cũng nên đi khám nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Đau đầu liên tục ở một phần của đầu.
  • Cơn đau đầu dữ dội đến đột ngột.
  • Có sự thay đổi về tần suất hoặc kiểu đau đầu.
  • Đang mắc phải một tình trạng y tế bất kỳ, kèm theo triệu chứng là cơn đau đầu thường xuyên hoặc dữ dội.

Bác sĩ sẽ lấy tiền sử bệnh và hỏi về các triệu chứng. Sau đó, họ có thể sử dụng các xét nghiệm, chẳng hạn như xét nghiệm máu hoặc chụp MRI hoặc CT, để kiểm tra các vấn đề cơ bản.

Ngoài ra, người bệnh cũng nên chú ý nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh viêm màng não thì nên đi khám ngay.4

Điều trị đau đầu 2 bên thái dương

Tùy theo nguyên nhân gây đau đầu vùng thái dương mà biện pháp điều trị sẽ khác nhau. Tuy nhiên, biện pháp điều trị chính vẫn là giảm đau đầu. Các bác sĩ sẽ kê toa một số loại thuốc giảm đau thuộc một hoặc nhiều hơn các nhóm thuốc sau:1 2 3 4

  • Giảm đau, hạ sốt: Paracetamol, Efferalgan, thuốc Alaxan,…
  • Kháng viêm NSAIDs: Ibuprofen, thuốc Celecoxib, thuốc Meloxicam,…
  • Giảm đau thần kinh: Gabapentin, Topiramate, thuốc Pregabalin (Lyrica),…
  • Chống trầm cảm: Sertraline, Amitriptylin,…
  • Giảm đau giãn cơ: thuốc Eperison, Tolperison,…

Sau đây là cách điều trị theo một số nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng đau đầu 2 bên thái dương:1 2 3 4

Đau đầu do căng thẳng

Người mắc đau đầu do căng thẳng có thể điều trị tình trạng này bằng cách kiểm soát căng thẳng, ngủ đủ giấc, và thực hiện lối sống lành mạnh. Bên cạnh đó, thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen hoặc acetaminophen cũng có thể làm giảm áp lực và cơn đau.

Đau nửa đầu Migraine

Để hạn chế bị đau nửa đầu, người bệnh nên tránh các tác nhân có thể gây ra tình trạng này. Nếu cơn đau nửa đầu đang xảy ra, người bệnh có thể cân nhắc sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen, aspirin hoặc ibuprofen.

Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống đau nửa đầu cho những người có các cơn đau nửa đầu thường xuyên hoặc nghiêm trọng.

Viêm động mạch thái dương

Trong đa số trường hợp, bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê đơn corticosteroid và một loại thuốc khác để điều trị viêm động mạch thái dương.

Rối loạn khớp thái dương hàm

Người bệnh có thể giảm bớt các triệu chứng bằng cách thư giãn hàm và ăn thức ăn mềm trong vài ngày. Thuốc giảm đau không kê đơn có thể hữu ích nếu bệnh nhân cũng bị đau đầu, mặt hoặc hàm. Nha sĩ có thể đề nghị bệnh nhân sử dụng dụng cụ bảo vệ miệng đặc biệt để tránh nghiến hàm hoặc nghiến răng khi ngủ.

Đau đầu sau sang chấn

Trong trường hợp đau đầu do chấn thương nhẹ ở đầu, người bệnh nên nghỉ ngơi nhiều. Ăn uống lành mạnh, có giấc ngủ chất lượng và giảm lượng caffeine cũng có thể hỗ trợ làm giảm triệu chứng.

Đau đầu Cervicogenic

Điều trị bằng cách điều trị nguồn gốc của cơn đau, chẳng hạn như phẫu thuật hoặc sử dụng thuốc cho đĩa đệm bị phồng hoặc viêm xương khớp. Vật lý trị liệu và điều chỉnh tư thế thích hợp cũng có thể giúp làm giảm các triệu chứng.

Vấn đề về xoang

Thuốc xịt mũi, thuốc trị dị ứng và cảm lạnh cũng như thuốc thông mũi có thể giúp làm sạch xoang và giảm các triệu chứng. Nếu bạn bị nhiễm trùng xoang, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh.

Thuốc giảm đau Paracetamol có thể được chỉ định sử dụng để làm dịu cơn đau đầu hai bên thái dương

Một số thuốc Đông y cũng có tác dụng chữa đau đầu vùng thái dương hai bên rất hiệu quả. Tuy nhiên, dù điều trị theo phương pháp Đông y hay Tây y thì người bệnh không nên tự ý mua thuốc uống. Thay vào đó, bệnh nhân nên đi khám bệnh để các bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp nhất.

Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tình trạng đau đầu 2 bên thái dương. Từ đó, giúp bạn đọc có thêm kiến thức về cách chẩn đoán. Cũng như những phương pháp làm giảm đau đầu hiệu quả. Đồng thời, nắm được những loại thuốc Tây y thông dụng trong việc điều trị triệu chứng đau đầu này. Ngoài ra, nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc hay câu hỏi cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *