Rối loạn nhân cách dạng phân liệt (STPD) là một rối loạn tâm lý gây ra những suy nghĩ và hành vi lập dị. Rối loạn này kéo dài suốt đời và ảnh hưởng đến nhiều mặt trong đời sống của người bệnh. Hãy cùng Bác sĩ Đào Thị Thu Hương tìm hiểu về rối loạn nhân cách dạng phân liệt nhé!
1. Rối loạn nhân cách dạng phân liệt là gì?
Những người mắc rối loạn nhân cách dạng phân liệt (STPD) thường được mô tả là kỳ quặc, lập dị và thường có rất ít mối quan hệ thân thiết. Họ thường không hiểu cách tạo mối quan hệ hoặc không ý thức được tác động của hành vi đối với người khác. Những người bị rối loạn cũng có thể hiểu sai về mục đích và động cơ của người khác khiến bệnh nhân mất lòng tin vào những người xung quanh.
Những đặc điểm trên khiến người bệnh lo lắng nghiêm trọng và có xu hướng trốn tránh các tình huống xã hội. Người bệnh cũng có xu hướng tin vào những niềm tin kỳ dị và gặp khó khăn trong phản ứng với những hành vi xã hội.
Rối loạn nhân cách dạng phân liệt thường được chẩn đoán ở đầu độ tuổi trưởng thành và có khả năng kéo dài suốt đời. Việc điều trị như sử dụng thuốc và liệu pháp tâm lý có thể cải thiện triệu chứng.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.
2. Rối loạn nhân cách dạng phân liệt gây ra những triệu chứng gì?
Dạng điển hình của rối loạn nhân cách dạng phân liệt gây ra ít nhất 5 trong số những triệu chứng sau:
- Cô độc và thiếu bạn thân
- Cảm xúc phẳng lặng, cảm xúc thu hẹp hoặc cảm xúc thiếu hoà hợp
- Cảm thấy lo âu trong các mối quan hệ xã hội. Tình trạng lo âu này kéo dài dai dẳng và quá mức bình thường.
- Diễn giải sai các sự kiện trong cuộc sống. Chẳng hạn như người bệnh cho rằng một thứ gì đó đang ảnh hưởng trực tiếp đến mình dù thực ra nó vô hại.
- Có suy nghĩ, niềm tin hoặc hành vi khác thường và lập dị
- Suy nghĩ nghi ngờ hoặc hoang tưởng; thường xuyên nghi ngờ về sự trung thực của người khác
- Niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh không có thật nào đó. Chẳng hạn như người bệnh tin vào thần giao cách cảm hoặc mê tín dị đoan.
- Bất thường về nhận thức. Chẳng hạn như bệnh nhân cảm nhận được sự hiện diện của người đã mất hoặc xuất hiện ảo tưởng.
- Ăn mặc kỳ quặc hoặc lôi thôi
- Cách nói chuyện lập dị. Chẳng hạn trong cuộc trò chuyện, người bị rối loạn sẽ nói chuyện một cách mơ hồ hoặc lan man.
Người bị rối loạn nhân cách dạng phân liệt ở độ tuổi thiếu niên có thể xuất hiện những triệu chứng như thích các hoạt động một mình hoặc có mức độ lo âu xã hội cao. Đứa trẻ có thể là một học sinh kém khi đi học hoặc tỏ ra lạc lõng với các bạn cùng trang lứa. Những điều này có thể khiến đứa trẻ bị bắt nạt khi đi học.
3. Rối loạn nhân cách dạng phân liệt khác với tâm thần phân liệt như thế nào?
Rối loạn nhân cách dạng phân liệt có thể bị nhầm lẫn với tâm thần phân liệt. Tâm thần phân liệt là một bệnh tâm thần nghiêm trọng mà người mắc bệnh này như bị tách khỏi thực tại. Trong khi đó, những người bị rối loạn nhân cách dạng phân liệt có thể trải qua các giai đoạn loạn thần ngắn (bị hoang tưởng hoặc ảo giác). Những giai đoạn này không xuất hiện thường xuyên, không kéo dài và nghiêm trọng như trong tâm thần phân liệt.
Một điểm khác nhau quan trọng là người bị STPD thường có thể nhận thức được sự khác biệt giữa những suy nghĩ lập dị của họ và thực tế. Trong khi đó, những người bị tâm thần phân liệt tin chắc vào những suy nghĩ hoang tưởng của bản thân.
Tuy giữa hai bệnh này có những điểm khác biệt nhất định, việc điều trị cho bệnh nhân bị STPD cũng tương tự việc điều trị tâm thần phân liệt. Rối loạn nhân cách dạng phân liệt đôi khi được xem là có cùng chung vấn đề nhưng nhẹ hơn so với tâm thần phân liệt.
4. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra rối loạn nhân cách dạng phân liệt
Nhân cách là sự kết hợp giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành vi. Sự kết hợp đó khiến mỗi người là một cá thể duy nhất. Đó là cách mỗi cá nhân quan sát, diễn giải và liên hệ với thế giới bên ngoài cũng như chính nội tâm mỗi người. Nhân cách hình thành trong suốt thời thơ ấu, thông qua những tương tác giữa yếu tố di truyền và yếu tố môi trường.
Trong quá trình phát triển bình thường, theo thời gian, trẻ em sẽ học cách tương tác với người khác, hiểu những tín hiệu xã hội và phản ứng với các tình huống trong xã hội bằng những cách thích hợp và linh hoạt. Những người mắc STPD có khả năng bị những vấn đề trong cách thức hoạt động của não. Ngoài ra, di truyền và ảnh hưởng của môi trường sống cũng góp phần gây ra rối loạn ở những người này.
Nguy cơ bị rối loạn nhân cách dạng phân liệt tăng lên nếu người đó có người thân bị tâm thần phân liệt hoặc rối loạn tâm thần khác.
5. Rối loạn nhân cách dạng phân liệt nguy hiểm đến mức nào?
Những bệnh nhân bị rối loạn nhân cách dạng phân liệt tăng nguy cơ bị những tình trạng sau:
- Trầm cảm
- Lo âu
- Các rối loạn nhân cách khác
- Tâm thần phân liệt
- Những giai đoạn loạn thần thoáng qua. Những giai đoạn này thường do căng thẳng kích hoạt.
- Lạm dụng rượu hoặc ma tuý
- Tự tử
- Ảnh hưởng học tập, công việc và các mối quan hệ
>> Tìm hiểu thêm Làm sao phát hiện sớm ý định tự tử?
6. Chẩn đoán rối loạn nhân cách dạng phân liệt như thế nào?
Những người bị rối loạn nhân cách dạng phân liệt có thể đến bác sĩ vì những triệu chứng khác. Có thể người bệnh đi khám vì lo lắng, trầm cảm, vì tìm cách đối phó với tâm trạng thất vọng hoặc để điều trị tình trạng lạm dụng chất gây nghiện.
Bác sĩ sẽ khám và đánh giá tình trạng sức khoẻ tổng quát của người bệnh để loại trừ những bệnh lý khác. Sau đó, bệnh nhân sẽ gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được đánh giá cẩn thận.
Bác sĩ sẽ chẩn đoán rối loạn nhân cách dạng phân liệt dựa trên:
- Hỏi kỹ lưỡng các triệu chứng của người bệnh
- Tiền sử cá nhân và bệnh tật trước đây ( >> Tìm hiểu thêm Rối loạn stress sau sang chấn: nguyên nhân, xử trí và hướng điều trị )
- Dựa trên Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Phiên bản Thứ năm (DSM-5) được Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ xuất bản.
7. Những phương pháp điều trị rối loạn nhân cách dạng phân liệt là gì?
Điều trị rối loạn này thường kết hợp giữa sử dụng thuốc và liệu pháp tâm lý. Ngoài ra, việc tham dự những công việc hoặc hoạt động xã hội phù hợp với tính cách cá nhân cũng mang lại lợi ích cho nhiều bệnh nhân.
Tâm lý trị liệu
Sử dụng liệu pháp tâm lý trong điều trị rối loạn nhân cách dạng phân liệt giúp người bệnh bắt đầu tin tưởng người khác và học các kỹ năng cần thiết. Những lợi ích này có được thông qua việc xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa bệnh nhân và nhà trị liệu.
Các liệu pháp tâm lý gồm:
- Liệu pháp nhận thức – hành vi: Liệu pháp này giúp xác định và đối phó với những suy nghĩ tiêu cực. Ngoài ra nó còn giúp người bệnh học các kỹ năng xã hội và điều chỉnh những hành vi lập dị.
- Liệu pháp hỗ trợ: Phương pháp này khuyến khích bệnh nhân trau dồi những kỹ năng thích nghi với xã hội.
- Liệu pháp gia đình: Việc tham gia cùng các thành viên trong gia đình có thể giúp cải thiện khả năng giao tiếp, sự tin cậy và khả năng làm việc cùng nhau trong nhà.
Sử dụng thuốc
FDA chưa chứng nhận bất kỳ loại thuốc nào trong điều trị rối loạn nhân cách dạng phân liệt. Tuy nhiên, bác sĩ có thể dùng thuốc chống trầm cảm để giúp giảm bớt các triệu chứng như trầm cảm hoặc lo lắng. Một số thuốc có thể giúp cải thiện khả năng suy nghĩ, giúp suy nghĩ linh hoạt hơn.
Thay đổi trong cuộc sống
Mặc dù rối loạn nhân cách dạng phân liệt kéo dài suốt đời, có những trải nghiệm giúp cải thiện triệu chứng theo thời gian. Những trải nghiệm tích cực có thể nuôi dưỡng sự tự tin, niềm tin vượt qua khó khăn và cảm giác được xã hội hỗ trợ.
Những yếu tố sau có thể giúp giảm triệu chứng:
- Mối quan hệ tích cực với bạn bè và gia đình
- Những thói quen lành mạnh. Chẳng hạn như thói quen tập thể dục, đi ngủ, lập kế hoạch và tuân thủ điều trị.
- Đạt được những thành tích ở trường, nơi làm việc hay trong các hoạt động ngoại khoá.
Rối loạn nhân cách dạng phân liệt có thể ảnh hưởng rất nhiều khía cạnh của đời sống như học tập, công việc và các mối quan hệ của người bệnh. Việc điều trị phù hợp có thể giúp người bị rối loạn cải thiện các triệu chứng và chất lượng cuộc sống. Nếu người thân hoặc bạn bè xuất hiện những triệu chứng trên, bạn nên khuyến khích họ đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.