Chúng ta thường gọi chung các chất cấm là ma túy, và mọi người nghĩ rằng tất cả các chất này đều giống nhau. Tuy nhiên, ma túy chỉ là từ ngữ chung. Các chất cấm bao gồm nhiều loại khác nhau và có tác động khác nhau lên não. Ở bài lần trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu thế nào là cần sa, heroin, ma túy đá. Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các chất cũng rất phổ biến như: cocain, thuốc lắc, LSD.
1. Cocain
Cocain là một chất ma túy thuộc nhóm kích thích có khả năng gây nghiện. Nó được chiết xuất từ lá coca, một loại cây mọc ở Nam Mỹ. Trong qua khứ, người dân Nam Mỹ đã nhai và ăn lá coca (Erythroxylon coca).
1.1 Các dạng sử dụng của cocain
Cocain có 2 dạng:
-
Dạng bột: Là chất bột màu trắng. Những người bán Cocain thường trộn Cocain với các tạp chất khác như tinh bột ngô, phấn rôm hoặc đường. Họ cũng trộn Cocain với các chất kích thích khác như amphetamine.
- Dạng tinh thể: Một loại Cocain dùng để hút có dạng tinh thể như pha lê gọi là “crack”. Từ này dùng để chỉ âm thanh được tạo ra khi nó nứt ra lúc đun nóng.
Người dùng chủ yếu dùng cocaine bằng đường uống, tiêm tĩnh mạch, hoặc bằng đường hít đường mũi và hút. Khi sử dụng qua đường hít bột cocaine qua mũi, nó được hấp thụ vào máu qua niêm mach mũi. Người dùng cũng có thể chà cocain lên nướu (đường uống) và vào quá qua niêm mạc nướu. Hòa tan cocaine trong nước và tiêm ( tiêm tĩnh mạch) sẽ giải phóng thuốc trực tiếp vào máu và tăng cường cường độ tác dụng của nó. Khi mọi người hút cocaine vào phổi sẽ hấp thụ vào máu nhanh như tiêm.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Sức khỏe tâm thần, tải ngay ứng dụng YouMed.
1.2 Cocain tác động lên não như thế nào?
Não chúng ta có một vùng gọi là vùng não “thưởng – phạt”. Và chất dẫn truyền dopamine là sứ giả kích hoạt vùng não này. Ở một người bình thường, khi chúng ta có chuyện vui, được ăn ngon, hay quan hệ tình dục,… dopamine được tiết ra kích hoạt lên vùng não này, làm chúng ta cảm thấy vui vẻ, hưng phấn hay “phê”. Sau khi tạo cho chúng ta cảm giác đó, nồng độ dopamine sẽ giảm dần tại vị trí tác động và chúng ta lại trở lại trạng thái bình thường. Cocain tác động lên não, ngăn chặn việc giảm dần của dopamine, từ đó làm kéo dài trạng thái “phê” này.
1.3 Những tác động tức thời của cocain
Tác động của Cocaine xuất hiện gần như ngay lập tức sau một liều duy nhất. Một lượng nhỏ cocaine thường khiến người dùng cảm thấy phấn khích, tràn đầy năng lượng, nói nhiều, tỉnh táo và nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh. Nó cũng có thể tạm thời làm giảm nhu cầu ăn uống và giấc ngủ. Một số người dùng thấy rằng cocaine giúp họ tăng năng lượng thể chất và trí tuệ nhanh hơn
Tác dụng sinh lý ngắn hạn của việc sử dụng cocaine bao gồm co mạch máu, đồng tử giãn, tăng nhiệt độ cơ thể, nhịp tim và huyết áp. Một lượng lớn cocaine có thể dẫn đến hành vi kỳ quái, thất thường và bạo lực. Một số người dùng cocaine báo cáo cảm giác bồn chồn, khó chịu, lo lắng, hoảng loạn và hoang tưởng. Người dùng cũng có thể bị run, chóng mặt và co giật .Biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra khi sử dụng cocaine là ảnh hưởng tim mạch, loạn nhịp tim, đau đầu, co giật, đột quỵ và thậm chí hôn mê.
1.4 Những tác động lâu dài của cocain
Việc sử dụng cocain lặp đi lặp lại trong thời gian dài gây ra nghiện. Tức là càng ngày bạn càng phải sử dụng một lượng thuốc lớn hơn mới đạt được cảm giác khoái cảm. Nếu không có cocain để sử dụng khi não lên “cơn thèm”, bạn sẽ trở nên bồn chồn, bứt rứt, hoảng loạn. Điều này về lâu dài sẽ tác động xấu lên não.
Ngoài các tác động xấu lên não, cocain cũng tác động xấu lên rất nhiều cơ quan trong cơ thể. Những người sử dụng cocain qua đường hít bằng mũi về lâu dài rất dễ hỏng hết các tế bào khứu giác và mất khả năng ngửi, khô niêm mạc và viêm mã tính vùng niêm mạc này. Sử dụng bằng đường tiêm chích lằm tăng nguy cơ lây lan HIV, viêm gan B, C.
Cocaine gây tác động xấu lên nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Nó làm giảm lưu lượng máu trong đường tiêu hóa, có thể dẫn đến loét. Nhiều người sử dụng cocaine mãn tính mất cảm giác ngon miệng gây sụt cân và suy dinh dưỡng đáng kể. Cocaine có tác dụng độc hại đáng kể với hệ tim mạch. Sử dụng cocaine có liên quan với sự gia tăng nguy cơ đột quỵ, cũng như viêm cơ tim, suy giảm khả năng co bóp của tim và vỡ động mạch chủ.
2. Thuốc lắc (MDMA)
Thành phần chính là 3,4-methylenedioxy-methamphetamine (MDMA). Đây là một loại ma túy tổng hợp làm thay đổi tâm trạng và nhận thức. Vì thành phần tương tự amphetamine (hàng đá). Nên nó tương tự hàng đá về tác dụng. Đây là chất kích thích và gây ảo giác, tạo ra cảm giác tăng năng lượng, khoái cảm, gây bóp méo và nhận thức về thời gian. Tên gọi khác của thuốc lắc (MDMA) là thuốc Ecstasy hoặc Molly.
2.1 Các chế phẩm của thuốc lắc
Hầu hết thuốc lắc đều dạng viên nén. Những viên thuốc lắc có thể có các màu sắc khác nhau và trên viên thuốc thường được in logo, hình ảnh. Đôi khi thuốc lắc cũng được bán dưới dạng bột tinh thể, đựng trong các viên nang. Nhưng hầu hết đây chỉ là chiêu trò của người bán vì khi kiểm tra lượng thuốc lắc bị thu giữ, cảnh sát phát hiện ra trong thuốc còn pha nhiều loại tạp chất khác.
Trên thực tế, thuốc lắc trên thị trượng không tinh khiết. Nó được trộn hoặc thay thế bằng cathinones tổng hợp, loại chất thường thấy trong “muối tắm” (một loại chất kích thích). Một số thuốc lắc dạng viên nén khi được kiểm nghiệm còn chứa caffein, dextromethorphan (có trong một số loại xi-rô ho), amphetamine, PCP, hoặc cocain.
2.2 Thuốc lắc (MDMA) tác động lên não như thế nào?
Giống như cocain làm tăng hoạt động của dopamine trên não. MDMA làm tăng hoạt động của ba chất dẫn truyền:
- Dopamine có thể tạo ra năng lượng, sự hưng phấn, gia tăng hoạt động. Tác động lên hệ thống não khen thưởng để củng cố các hành vi.
- Norepinephrine gây tăng nhịp tim và huyết áp. Đặc biệt rủi ro cho những người có vấn đề về tim mạch.
- Serotonin ảnh hưởng đến tâm trạng, sự thèm ăn, giấc ngủ và các chức năng khác. Việc giải phóng một lượng lớn serotonin có thể gây ra sự tăng cảm xúc, hưng phấn. Serotonin cũng kích thích sự giải phóng hooc môn oxytocin và vasopressin. Nó đóng vai trò trong cảm xúc yêu thương, dục vọng và sự tin tưởng. Đây có thể là lý do tại sao những người sử dụng nói rằng họ có cảm giác gần gũi và cảm thông hơn.
2.3 Các tác động khác của thuốc lắc lên cơ thể
Các ảnh hưởng khác lên cơ thể bao gồm: buồn nôn, chuột rút, nghiến răng không kiểm soát, mờ mắt, ớn lạnh, đổ mồ hôi.
Tác dụng của MDMA kéo dài khoảng 3 đến 6 giờ, một người có thể trải qua các cảm giác như:
- Cáu gắt.
- Bốc đồng và hung hăng.
- Trầm buồn.
- Các vấn đề về giấc ngủ.
- Lo âu.
- Vấn đề về trí nhớ và sự chú ý.
- Chán ăn.
- Giảm hứng thú và khoái cảm từ tình dục.
- Các triệu chứng này có thể là do sử dụng kết hợp MDMA với các loại chất khác, đặc biệt là cần sa.
2.4 Thuốc lắc có gây nghiện không?
Các nghiên cứu vẫn chưa xác định được khả năng gây nghiện của thuốc lắc. Những gì chúng ta biết là thuốc lắc gây ảnh hưởng đến những chất dẫn truyền thần kinh tương tự như những loại chất gây nghiện khác. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về các thành phần gây nghiện của thuốc lắc. Tuy nhiên, một số người dùng gặp phải các triệu chứng cai rất khó chịu khi giảm hoặc ngưng dùng thuốc lắc sau một thời gian sử dụng thường xuyên (hàng ngày hoặc hầu như hàng ngày), như:
- Mệt mỏi.
- Ăn không ngon miệng.
- Trầm cảm.
- Khó tập trung.
3. Tem LSD
Tên khoa học: Lysergic acid diethylamide (LSD). Tên phổ biến hoặc tên đường phố: “tem”. LSD (lysergic acid diethylamide) là một chất gây ảo giác cực mạnh. Nó được tổng hợp từ axit lysergic, tìm thấy ở nấm ergot. Đây là một loại nấm mọc trên lúa mạch đen và các loại ngũ cốc. Tác dụng rất mạnh nên liều dùng thường chỉ trong phạm vi microgam. Tác động của nó thường bao gồm cảm giác kích thích, vui vẻ, dễ chịu nhưng cũng có thể dẫn đến cảm giác khó chịu, đôi khi là hoảng sợ.
3.1 Các chế phẩm của LSD
LSD khi được bán ra trên thị trường với các dạng chế phẩm:
- Tem (LSD tẩm vào các tờ giấy thấmsặc sỡ; cắt thành các miếng riêng lẻ với liều lượng nhỏ) – dạng phổ biến nhất.
- Các miếng gelatin vuông mỏng.
- Dạng viên nén hoặc viên nang.
- Dạng lỏng tinh khiết (có thể cực kỳ mạnh).
3.2 Tác động của LSD lên não?
LSD gây ra các hiệu ứng ảo giác thông qua tương tác với các thụ thể serotonin trong não. Serotonin ảnh hưởng đến tâm trạng, sự thèm ăn, giấc ngủ và các chức năng khác. Việc giải phóng một lượng lớn serotonin có thể gây ra sự tăng cảm xúc, hưng phấn, thậm chí ảo giác. Các triệu chứng có thể:
- Ảo giác.
- Nhận thức méo mó sự vật xung quanh.
- Âm thanh bị thay đổi.
- Lo âu và trầm cảm.
- Nhịp tim nhanh, nhiệt độ cơ thể tăng và huyết áp cao.
- Giãn đồng tử.
Những thay đổi cực độ trong tâm trạng có thể xảy ra. Nếu dùng với liều lượng đủ lớn, thuốc sẽ gây hoang tưởng và ảo giác thị giác. Quá liều có thể dẫn đến rối loạn thần nghiêm trọng.Các tác động khác bao gồm buồn nôn, chán ăn, tăng lượng đường trong máu, khó ngủ, khô miệng, run và co giật. Một số người dùng LSD cũng trải qua những suy nghĩ và cảm giác nghiêm trọng, đáng sợ, sợ mất kiểm soát và sợ điên loạn hoặc chết.
3.3 LSD có gây nghiện không?
Sử dụng LSD dẫn tới hiện tượng dung nạp, có nghĩa là người dùng cần liều LSD cao hơn để đạt mức độ “phê” trước đó. Một số người dùng ma túy liên tục phải dùng liều cao hơn để đạt được mức độ độc tính mà trước đây họ đã đạt được. Đây là một hành vi cực kỳ nguy hiểm, do đặc tính khó kiểm soát của loại ma túy này.
Sử dụng ma túy ban đầu có thể mang lại cho bạn trải nghiệm cảm giác “tuyệt vời”. Bạn cảm thấy hưng phấn hơn, yêu đời hơn khi sử dụng. Nhưng về lâu dài cái giả phải trả là quá đắt. Đôi khi phải trả bằng chính cả tính mạng của bản thân.