Chứng sợ khoảng rộng: Tại sao bạn trở nên hoảng loạn?

Bạn cảm thấy sợ hãi khi ở trong không gian rộng, đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề tâm lý. Để hiểu được vấn đề đang xảy ra đối với bạn, cũng như cách xử lý, hãy cùng theo dõi bài viết của ThS.BS chuyên khoa Tâm thần Nguyễn Trung Nghĩa về chứng sợ khoảng rộng này để trang bị cho mình những kiến thức đúng đắn nhất.

Chứng sợ khoảng rộng là gì?

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.

Chứng sợ khoảng rộng là một loại bệnh khác của chứng bệnh rối loạn lo âu. Người bệnh mắc chứng này thường trốn tránh những địa điểm và tình huống khiến họ cảm thấy:

  • Bị mắc kẹt.
  • Bất lực, vô dụng.
  • Hốt hoảng.
  • Xấu hổ.
  • Sợ hãi.

Người mắc chứng sợ khoảng rộng có triệu chứng của một cơn hoảng loạn khi gặp tình huống căng thẳng. Các triệu chứng đó có thể là: tim đập nhanh, hồi hộp, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn nao,… Họ cũng có thể trải qua những triệu chứng này trước khi gặp phải tình huống khiến họ sợ hãi. Tình trạng này có thể tệ đến mức khiến người đó tránh thực hiện các hoạt động thường ngày. Chẳng hạn như: Điều này làm người bệnh ở trong nhà suốt cả ngày, không thể ra ngoài.

Theo Viện sức khỏe tâm thần quốc gia, ước tính có 0,8% người trưởng thành ở Mỹ mắc chứng sợ khoảng rộng. Những người mắc chứng sợ khoảng rộng thường nhận ra nỗi sợ hãi của họ là phi lý, tuy nhiên họ không thể làm bất kỳ điều gì để chống lại điều đó. Nỗi sợ hãi này có thể làm ảnh hưởng vào các mối quan hệ gia đình, bạn bè và xã hội, đồng thời tác động đến hiệu suất làm việc, học tập của người bệnh.

Nếu bạn nghi ngờ mình mắc chứng sợ khoảng rộng thì việc điều trị sớm sẽ vô cùng quan trọng. Bạn có thể kiểm soát triệu chứng của mình và cải thiện chất lượng cuộc sống bằng việc điều trị. Phác đồ trị liệu có thể bao gồm thuốc và thay đổi lối sống, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh hiện tại.

Triệu chứng của chứng sợ khoảng rộng

Những người mắc chứng sợ khoảng rộng điển hình, thường có những triệu chứng:

  • Sợ việc rời khỏi nhà của họ trong một khoảng thời gian dài.
  • Sợ phải cô đơn giữa một tình huống trong xã hội (đám đông, chờ xếp hàng,…).
  • Lo lắng, sợ bản thân sẽ mất kiểm soát bản thân khi ở nơi công cộng.
  • Sợ ở trong một không gian kín, khó thoát ra ngoài, ví dụ như: xe ô tô, thang máy,…
  • Tự cô lập bản thân hoặc xa lánh với những người khác.
  • Lo lắng hoặc kích động.

Chứng sợ khoảng rộng thường xảy ra cùng lúc với các cơn hoảng loạn. Các cơn hoảng loạn là một chuỗi các triệu chứng mà đôi khi có thể xảy ra ở những người bị mắc bệnh rối loạn lo âu hoặc rối loạn tâm thần khác. Các cơn hoảng loạn có thể có nhiều triệu chứng về mặt thực thể, chẳng hạn như:

  • Đau ngực.
  • Tim đập nhanh.
  • Khó thở.
  • Chóng mặt.
  • Run sợ.
  • Nghẹt thở.
  • Vã mồ hôi.
  • Nóng bừng.
  • Ớn lạnh.
  • Buồn nôn.
  • Tiêu chảy.
  • Tê.
  • Cảm giác ngứa ran.

Bệnh nhân mắc chứng sợ khoảng rộng có thể có những cơn hoảng loạn. Tình trạng này xảy ra khi họ rơi vào một tình huống căng thẳng hoặc không thoải mái. Chính những tình huống như vậy sẽ khiến nỗi sợ hãi của người bệnh tăng lên nhiều lần.

Nguyên nhân nào gây ra chứng sợ khoảng rộng?

Đến hiện nay, nguyên nhân chính xác gây nên chứng sợ khoảng rộng vẫn chưa được tìm ra. Tuy nhiên, có một số yếu tố được cho rằng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Những yếu tố đó bao gồm:

  • Trầm cảm.
  • Có những nỗi sợ hãi khác, ví dụ như: hội chứng sợ không gian kín, hội chứng sợ xã hội.
  • Mắc những loại bệnh khác của rối loạn lo âu, ví dụ như: rối loạn lo âu toàn thể, rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
  • Từng bị ngược đãi về thể chất hoặc tình dục trong quá khứ.
  • Có vấn đề về việc lạm dụng chất, thuốc.

Chứng sợ khoảng rộng cũng phổ biến ở phụ nữ hơn so với đàn ông. Bệnh thường khởi phát từ thời niên thiếu, 20 tuổi là độ tuổi trung bình mắc bệnh. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh này vẫn có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi.

Làm sao để chẩn đoán chứng sợ khoảng rộng?

Chứng sợ khoảng rộng được chẩn đoán dựa trên những triệu chứng mà bệnh nhân than phiền và triệu chứng được phát hiện bởi bác sĩ khi thăm khám. Bác sĩ của bạn sẽ hỏi về những triệu chứng và đặc điểm của chúng. Các câu hỏi sẽ bao gồm việc triệu chứng xuất hiện từ khi nào và tần suất xuất hiện. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hỏi về quá trình bệnh của bạn và tiền căn gia đình. Sau đó bạn có thể sẽ được làm xét nghiệm máu để hỗ trợ loại trừ các bệnh lý thực thể khác gây nên những triệu chứng của bạn.

Tiêu chuẩn chẩn đoán chứng sợ khoảng rộng

Để có chẩn đoán chứng sợ khoảng rộng, những triệu chứng của bạn phải trùng khớp với những triệu chứng được liệt kê trong Hệ thống chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ. Đây là hệ thống chẩn đoán thường được sử dụng bởi những chuyên gia chăm sóc sức khỏe nhằm mục đích chẩn đoán các tình trạng sức khỏe tâm thần.

Chẩn đoán chứng sợ khoảng rộng khi bạn cảm thấy sợ hoặc lo lắng khi rơi vào tình huống sau đây (từ hai tình huống trở lên):

  • Sử dụng phương tiện công cộng, ví dụ như đi xe buýt.
  • Ở trong một không gian mở, ví dụ như một cửa hàng hoặc một bãi đậu xe.
  • Ở trong một không gian kín, ví dụ như thang máy hoặc trong xe ô tô.
  • Một mình đứng giữa đám đông.
  • Ra khỏi nhà một mình.

Ngoài ra còn có một số tiêu chuẩn được thêm vào để chẩn đoán rối loạn hoảng loạn cùng với chứng sợ khoảng rộng. Bạn phải có những cơn hoảng loạn gần đây, và ít nhất một cơn có những biểu hiện sau:

  • Lo âu dai dẳng về việc sẽ có thêm các cơn hoảng loạn nữa.
  • Lo lắng về các ảnh hưởng của cơn hoảng loạn và các hậu quả của nó. Ví dụ: Mất kiểm soát bản thân, bị một cơn đau tim, hóa điên.
  • Thay đổi hành vi rõ rệt do các cơn hoảng loạn.

Nếu những triệu chứng của bạn được gây ra do lạm dụng chất, thuốc hoặc các rối loạn tâm thần khác, các tình trạng bệnh khác, thì sẽ không được tính vào chẩn đoán chứng sợ không gian rộng.

Điều trị chứng sợ khoảng rộng như thế nào?

Có nhiều cách khác nhau để điều trị chứng sợ khoảng rộng. Tùy vào tình trạng bệnh của bạn, bác sĩ sẽ đưa ra các liệu pháp điều trị khác nhau.

Các liệu pháp điều trị:

1. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý, còn được biết đến là trị liệu trò chuyện, bao gồm những cuộc gặp gỡ thường xuyên với nhà trị liệu hoặc một chuyên gia tâm lý. Điều này sẽ cho bạn cơ hội để có thể nói về nỗi sợ hãi của bản thân mình. Qua cuộc trò chuyện, bạn và bác sĩ sẽ tìm ra vấn đề góp phần vào nỗi sợ của bạn. Liệu pháp tâm lý thường kết hợp với điều trị bằng thuốc để đạt được hiệu quả tốt nhất. Nói chung, đây là một loại điều trị ngắn hạn, được dừng lại khi bạn có thể tự ứng phó được với nỗi sợ hãi hoặc lo lắng của mình trong những tình huống căng thẳng.

2. Liệu pháp nhận thức hành vi

Liệu pháp nhận thức hành vi là một loại tâm lý trị liệu phổ biến nhất được sử dụng để điều trị cho những người mắc chứng sợ khoảng rộng. Phương pháp này giúp bạn hiểu cảm giác và suy nghĩ bị sai lệch do chứng sợ khoảng rộng. Đồng thời liệu pháp này sẽ hướng dẫn bạn cách vượt qua những tình huống căng thẳng bằng cách thay thế những suy nghĩ bị sai lệch bởi những suy nghĩ tích cực hơn. Từ đó, việc điều trị sẽ giúp bạn lấy lại khả năng kiểm soát trong đời sống thường ngày.

3. Liệu pháp tiếp xúc

Liệu pháp tiếp xúc cũng có thể giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân bạn. Khi điều trị bằng liệu pháp này, bạn sẽ từ từ trải nghiệm với tình huống khiến bạn sợ hãi. Điều này có thể làm cho nỗi sợ của bạn giảm dần theo thời gian.

4. Thuốc

Một số thuốc có thể làm giảm nhẹ triệu chứng của bệnh hoặc của cơn hoảng loạn. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào thì hãy trao đổi với bác sĩ của bạn. Các loại thuốc bao gồm:

  • Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin. Ví dụ: Paroxetine (Paxil) hoặc Fluoxetine (Prozac).
  • Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin và norepinephrine. Ví dụ: Venlafaxine (Effexor) hoặc duloxetine (Cymbalta).
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng. Ví dụ: Amitriptyline (Elavil) hoặc nortriptyline (Pamelor).
  • Thuốc chống lo âu. Ví dụ alprazolam (Xanax) hoặc clonazepam (Klonopin).

5. Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống không cần thiết trong điều trị chứng sợ khoảng rộng, tuy nhiên điều đó có thể làm giảm lo âu trong đời sống thường ngày. Bạn có thể thử một số cách sau:

  • Tập thể dục thường xuyên để gia tăng sản xuất một số chất tại não. Những chất này sẽ làm bạn cảm thấy hạnh phúc hơn và thư giãn hơn.
  • Có một chế độ ăn uống lành mạnh. Bao gồm: ngũ cốc, rau và protein sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn về thể trạng chung.
  • Luyện tập thiền mỗi ngày hoặc thực hành những bài tập hít thở sâu để làm giảm lo âu và vượt qua những cơn hoảng loạn.

Trong quá trình điều trị, tốt nhất là nên tránh sử dụng thực phẩm chức năng và thảo dược. Hiện nay, những loại thuốc tự nhiên vẫn chưa được chứng minh có hiệu quả trong điều trị lo âu. Ngoài ra, chúng có thể gây phản ứng tương tác với thuốc và làm giảm hiệu quả của thuốc. Vì vậy, trước khi sử dụng một loại thuốc, chất ngoài đơn thuốc của bác sĩ, hãy trao đổi để chắc rằng chúng không làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh.

Tương lai của bệnh nhân mắc chứng sợ khoảng rộng

Chứng sợ khoảng rộng không phải lúc nào cũng phòng ngừa được. Tuy nhiên, điều trị sớm rối loạn lo âu hoặc rối loạn hoảng loạn có thể giúp ích. Thông qua việc điều trị, bạn sẽ có một cơ hội để trở nên tốt hơn. Khả năng điều trị dễ và nhanh hơn khi nó được bắt đầu sớm hơn. Chứng bệnh này có thể làm bạn suy nhược vì nó ngăn bạn tham gia vào các hoạt động trong đời sống hằng ngày. Tuy không có cách nào chữa khỏi, nhưng việc điều trị sẽ làm giảm đáng kể các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *