Chứng rối loạn tâm lý ở trẻ em là một trong những tình trạng bất thường về sức khỏe ở trẻ. Cụ thể là những bất thường về vấn đề tâm lý, tâm thần. Chúng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của trẻ. Vậy thì đó là những rối loạn nào? Ảnh hưởng đến trẻ ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp tường tận qua bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!
Nhận biết dấu hiệu trẻ bị rối loạn tâm lý
Khái quát về chứng rối loạn tâm lý ở trẻ em
Sức khỏe tâm lý, tâm thần là tổng thể sức khỏe thể hiện cách suy nghĩ, điều khiển cảm xúc và hành vi của một người. Rối loạn tâm lý hay sức khỏe tâm thần là những bất thường trong suy nghĩ, cảm xúc hoặc hành vi. Những rối loạn ấy gây ra sự khổ đau hoặc làm ảnh hưởng nhất định đến chất lượng cuộc sống của một người.
Rối loạn tâm lý ở trẻ em thường được khái quát là sự bất thường hoặc gián đoạn trong quá trình phát triển cảm xúc, tư duy, hành vi. Đồng thời đó có thể là sự gián đoạn phát triển những kỹ năng xã hội phù hợp với từng lứa tuổi. Những rối loạn này khiến trẻ lo lắng, buồn bã, tự ti. Đôi khi là nhút nhát, sợ hãi, lẫn tránh khỏi các hoạt động xã hội. Đặc biệt, rối loạn tâm lý ở trẻ mầm non sẽ ảnh hưởng rất nặng nề đến sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ sau này.1
Những khó khăn, thách thức trong vấn đề điều trị chứng rối loạn tâm lý ở trẻ em
Những rối loạn tâm thần, tâm lý ở trẻ em thường rất dễ nhầm lẫn với các hành vi bình thường khác ở trẻ. Đồng thời, tâm lý của trẻ sẽ thay đổi qua từng độ tuổi. Vì vậy, những bất thường về tâm lý, tâm thần ở trẻ dễ bị phụ huynh, thầy cô bỏ sót. Bên cạnh đó, xã hội vẫn còn khá kỳ thị với những bệnh lý về tâm thần. Chính điều này khiến nhiều bậc cha mẹ rất ngại đưa con đi khám bệnh. Cũng như kiên trì với phác đồ điều trị đặc hiệu của các bác sĩ chuyên khoa tâm lý – tâm thần.1
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Sức khỏe tâm thần, tải ngay ứng dụng YouMed.
Những dấu hiệu cảnh báo rối loạn tâm lý ở trẻ em
Những dấu hiệu sau đây cảnh báo cho việc trẻ có thể bị rối loạn tâm lý:2
- Buồn bã, chán nản từ hai tuần trở lên.
- Giảm hẳn tương tác, giao tiếp với mọi người.
- Tự làm tổn thương chính bản thân mình.
- Dễ bốc đồng, bực bội, cáu kỉnh.
- Có hành vi tăng động, hiếu động thái quá, mất kiểm soát.
- Có những thay đổi về thói quen ăn uống hàng ngày.
- Bị rối loạn giấc ngủ như: Khó ngủ, mất ngủ, ngủ ít.
- Khó khăn trong việc tập trung học tập, suy nghĩ,…
- Trốn học, bỏ học hoặc không muốn đi học nữa.
Chứng rối loạn tâm lý ở trẻ em liên quan đến bệnh gì?
Theo thống kê của các chuyên gia về tâm lý trẻ em. Một số bệnh lý thường gặp gây rối loạn tâm lý ở trẻ bao gồm:3 4
Rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu ở trẻ em là những nỗi lo lắng, sợ hãi kéo dài. Tình trạng này không chỉ làm gián đoạn khả năng học tập, vui chơi của trẻ. Nó còn gián tiếp làm cho trẻ bị trầm cảm, tự kỷ hoặc chậm phát triển trí tuệ. Đây là một trong những bệnh lý phổ biến nhất gây nên các rối loạn tâm lý thường gặp ở trẻ em.
Tăng động giảm chú ý
Trẻ bị tăng động giảm chú ý rất khó khăn trong việc tập trung suy nghĩ. Trẻ thường hiếu động quá mức và rất dễ bốc đồng.
Tự kỷ
Bệnh lý này còn gọi là chậm phát triển lan tỏa. Trẻ mắc chứng tự kỷ thường thu hẹp vào thế giới một mình, của riêng mình. Trẻ luôn gặp khó khăn trong vấn đề giao tiếp với người khác. Cũng như khi học hỏi những kiến thức mới.
Rối loạn ăn uống
Rối loạn ăn uống là một trong những chứng rối loạn tâm lý không hề hiếm gặp ở trẻ em. Sở dĩ gọi là rối loạn tâm lý vì trẻ mắc chứng này sẽ có những bất thường trong suy nghĩ về ăn uống. Cụ thể, trẻ sẽ bị rối loạn suy nghĩ về cân nặng, giảm cân, thừa cân. Trẻ sẽ ăn uống quá độ, hoặc chán ăn. Từ đó dẫn đến những rối loạn về tinh thần và hành vi.
Trầm cảm ở trẻ em – chứng rối loạn tâm lý rất thường gặp
Nhiều người quan niệm rằng bệnh trầm cảm chỉ xảy ra ở người lớn. Tuy nhiên, đây là một bệnh lý hoàn toàn có thể xảy ra ở trẻ em. Đồng thời, nhiều cha mẹ rất dễ bỏ sót tình trạng này ở con cái. Chính sự buồn bã, chán nản từ trầm cảm sẽ làm cho trẻ chậm phát triển trí tuệ. Cũng như học tập sa sút, đạt kết quả thấp.
Làm thế nào để giúp trẻ bị rối loạn tâm lý?
Hầu hết rối loạn tâm lý xuất phát từ các bệnh lý về tâm thần. Vì vậy, để hỗ trợ trẻ bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp các bác sĩ chuyên khoa Tâm thần nhi. Những lựa chọn điều trị phổ biến và hiệu quả những rối loạn tâm lý ở trẻ em bao gồm:
Tâm lý liệu pháp
Tâm lý liệu pháp hay tâm lý trị liệu sẽ được thực hiện thông qua nhà tâm lý, bác sĩ chuyên khoa tâm lý. Với trẻ em, liệu pháp này có thể bao gồm việc hướng dẫn về thời gian chơi. Hoặc về những gì trẻ nên làm trong khi chơi. Trong quá trình điều trị, trẻ em sẽ được học về cách nói lên những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Đồng thời được các chuyên gia tâm lý hướng dẫn cách phản ứng với các tình huống. Cũng như kỹ năng đối phó với những gì phát sinh bất ngờ trong lúc hoạt động, vui chơi.1
Sử dụng thuốc
Trong một số trường hợp, các bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng thuốc Tây y để hỗ trợ điều trị rối loạn tâm lý ở trẻ. Các nhóm thuốc điển hình như:1
- Chống trầm cảm.
- Ổn định khí sắc.
- Chống loạn thần.
- Giải lo âu.
- Nhóm thuốc dưỡng não.
Phòng tránh chứng rối loạn tâm lý ở trẻ em
Vậy thì cha mẹ cần làm gì để phòng tránh rối loạn tâm lý cho trẻ? Để phòng tránh rối loạn tâm lý cho trẻ. Cha mẹ nên thực hiện một số biện pháp sau:2
- Tạo mối quan hệ gia đình thật bền chặt, gần gũi. Cha mẹ hãy dành thời gian bên trẻ trong mỗi buổi ăn tối.
- Cha hoặc mẹ nên dành nhiều thời gian hơn để tâm sự với trẻ. Nhờ vậy, trẻ sẽ cảm thấy có một điểm tựa tinh thần vững chắc. Đồng thời, trẻ có thể giải bày tâm tư, tình cảm. Từ đó, hạn chế sự tích tụ những uất ức, trăn trở.
- Hướng dẫn cho trẻ cách giải quyết những khó khăn, khúc mắc trong cuộc sống.
- Khuyến khích, động viên trẻ thực hiện những việc đúng, việc tốt. Chẳng hạn như khen ngợi, trao thưởng khi trẻ làm đúng. Đồng thời nhắc nhở, chỉ bảo khi trẻ làm sai.
- Thường xuyên lắng nghe và tôn trọng cảm xúc của trẻ.
- Xây dựng đời sống tinh thần của gia đình thật an toàn và tích cực.
Với những thông tin mà bài viết đã cung cấp. Hy vọng các bậc phụ huynh sẽ hiểu rõ hơn về chứng rối loạn tâm lý ở trẻ em. Từ đó, tham khảo được cách chăm sóc đời sống tinh thần cho trẻ. Điều này sẽ giúp phòng những rối loạn tâm lý có thể xảy ra ở trẻ. Đồng thời phát hiện sớm và điều trị kịp thời để hạn chế những hệ lụy tiêu cực có thể xảy ra. Ngoài ra, nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc hay câu hỏi cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé!