Chấn động não: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Chấn động não là một chấn thương ở đầu, có thể gặp ở bất kì lứa tuổi nào. Nguyên nhân hàng đầu gây ra chấn động não là do té ngã. Triệu chứng của chấn động não rất đa dạng. Vậy chấn động não có nguy hiểm không? Bạn hãy cùng Bác sĩ của chúng tôi tìm hiểu nhé.

Chấn động não là gì?

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ của chúng tôi

Chấn động não là một chấn thương ở đầu làm ảnh hưởng đến não bộ. Thường chỉ ảnh hưởng thoáng qua nhưng đôi khi có thể kéo dài. Các triệu chứng bao gồm đau đầu, suy giảm khả năng tập trung, ghi nhớ, thăng bằng và kết nối với mọi người xung quanh. Trẻ có nguy cơ bị chấn động não do đập đầu vào đâu đó, té hay bị tai nạn giao thông. Một số trường hợp trẻ bị mất ý thức sau chấn động não, nhưng hầu hết thì không. Té ngã thường là nguyên nhân hàng đầu của chấn động não. Ngoài ra, chấn động não có thể xảy ra khi trẻ chơi thể thao, như đá bóng hay bóng bầu dục. Hầu hết trẻ đều hồi phục hoàn toàn sau chấn động não

Dấu hiệu chấn động não ở trẻ

Dấu hiệu chấn động não thường giống nhau ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn cần xét tới tuổi của con khi đưa con đi chẩn đoán.

Dấu hiệu chấn động não ở trẻ sơ sinh:

Ở những trẻ sơ sinh, dấu hiệu chấn động não gồm:

  • Khóc khi bạn di chuyển đầu bé
  • Bị kích ứng
  • Thay đổi giấc ngủ. Trẻ ngủ nhiều hơn hay ít hơn
  • Nôn
  • Có vết sưng hay vết bầm ở đầu.

Dấu hiệu chấn động não ở trẻ trong độ tuổi tập đi:

Các triệu chứng của chấn động não có thể rất mờ nhạt và không phải lúc nào cũng xuất hiện ngay sau khi chấn động. Một số trường hợp, triệu chứng có thể kéo dài vài ngày, vài tuần hoặc lâu hơn.

Triệu chứng thường gặp sau chấn động não là đau đầu, mất trí nhớ và lú lẫn. Tình trạng mất trí nhớ có thể bao gồm việc trẻ quên mất nguyên nhân gây ra chấn động não đó.

Các triệu chứng của chấn động não bao gồm:

  • Đau đầu
  • Ù tai
  • Buồn nôn
  • Nôn ói
  • Mệt mỏi hoặc lơ mơ
  • Nhìn mờ

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Lú lẫn, cảm giác mọi thứ không rõ ràng
  • Mất trí nhớ ngắn hạn, xung quanh khoảng thời gian xảy ra chấn động
  • Choáng váng

Những người xung quanh trẻ thường thấy trẻ có dấu hiệu sau:

  • Mất ý thức thoáng qua
  • Nói lắp, nói không rõ
  • Trả lời câu hỏi một cách chậm chạp
  • Trạng thái sững sờ
  • Mất khả năng ghi nhớ, như hỏi đi hỏi lại một câu hỏi

Một số triệu chứng xuất hiện muộn hơn, nhiều ngày sau chấn thương gồm:

  • Suy giảm khả năng ghi nhớ và tập trung
  • Dễ kích thích hay thay đổi tính cách
  • Nhạy cảm quá mức với ánh sáng và âm thanh
  • Khó ngủ
  • Gặp vấn đề về tâm lý và trầm cảm
  • Rối loạn ngửi và nếm (khứu giác- vị giác)

Sau chấn động não, một số trẻ trở nên cáu kỉnh và thay đổi tính tình

Một số triệu chứng ở trẻ lớn hơn

Đau đầu là triệu chứng rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Tuy chấn động não rất khó để nhận ra ở trẻ nhũ nhi và trẻ mới tập đi vì chúng không thể nào kể lại những những triệu chứng trẻ đang có. Vậy, những triệu chứng của chấn động não ở trẻ nhỏ gồm:

  • Sững sờ
  • Không nghe lời hoặc dễ thấy mệt
  • Dễ kích thích và tính tình thay đổi
  • Mất thăng bằng và không thể đi lại vững được
  • Trẻ khóc nhiều hơn bình thường
  • Thay đổi thói quen ăn uống hay chu kì ngủ
  • Giảm hứng thú với những món đồ chơi trước đây trẻ rất thích
  • Nôn ói
  • Co giật

Nên đưa trẻ đi khám bác sĩ khi nào?

Bạn nên đưa trẻ đi khám sau 1-2 ngày nếu:

Trẻ từng chấn thương đầu, thậm chí trẻ không có các dấu hiệu cần phải cấp cứu.

Nếu trẻ không có dấu hiệu chấn thương đầu, vẫn tỉnh táo, đi lại bình thường và vẫn trả lời bạn bình thường, chấn thương có thể ở mức nhẹ và không cần làm nhiều xét nghiệm thêm.

Trong một số trường hợp, nếu trẻ muốn đi nghỉ, bạn vẫn có thể cho trẻ đi ngủ. Tuy nhiên, nếu triệu chứng của trẻ nặng dần, bạn cần đưa trẻ đi nhập cấp cứu ngay.

Đưa trẻ đi cấp cứu nếu trẻ từng chấn thương đầu và có thêm các triệu chứng sau:

  • Nôn ói hoặc buồn nôn tái đi tái lại nhiều lần
  • Mất ý thức kéo dài hơn 30 giây
  • Đau đầu tăng dần
  • Chảy máu hay chảy dịch ở tai hoặc mắt
  • Giảm thị trường, như do đồng tử dãn to hoặc hai đồng tử không cùng kích thước
  • Ù tai không giảm
  • Yếu tay hoặc chân
  • Da xanh tái kéo dài hơn một giờ
  • Thay đổi hành vi
  • Lú lẫn, trẻ khó nhận ra người xung quanh là ai hoặc đang ở nơi nào
  • Nói khó nói lẫn lộn
  • Gặp khó khăn trong khi kết nối với người xung quanh hoặc gặp vấn đề về tâm lý
  • Thay đổi các hoạt động thể lực, như là dễ trượt chân hoặc trở nên vụng về
  • Co giật hoặc động kinh
  • Choáng váng kéo dài hoặc tái diễn
  • Triệu chứng nặng dần qua thời gian
  • Sưng u to ở đầu hoặc bầm tím ở đầu trẻ, đặc biệt ở trẻ dưới 12 tháng.

Sau chấn động não, trẻ có thể quấy khóc liên tục và thay đổi chu kì ngủ

Đối với vận động viên

Người bị chấn động não thường không thể tham gia hoạt động thể thao đó nữa. Các chuyên gia khuyến cáo rằng vận động viên từng nghi bản thân mắc chấn động não không nên tham gia chơi môn đó nữa vì nó có thể làm tái xuất hiện các triệu chứng của chấn động não.

Trẻ em và trẻ vị thành niên nên đi khám bác sĩ chuyên gia về thể thao để đánh giá tốt hơn về chấn động não. Các chuyên gia khuyến cáo người lớn, trẻ em và trẻ vị thành niên từng mắc chấn động não không nên chơi môn thể thao mà từng gây nên vấn đề này.

Nguyên nhân chấn động não là gì?

Não bộ thường được ổn định trong hộp sọ nhớ cấu trúc xương sọ và dịch não tủy bên trong. Bất kì nguyên nhân gì gây ra sự va đập ở đầu, cổ và thân trên có thể làm não trượt ra sau và đẩy ra trước qua mức. Một số nguyên nhân gây ra sự chấn động sọ não đột ngột do tông xe hoặc do sốc nẩy quá mức, gây chấn thương não. Những chấn thương này thường xảy ra rất nhanh chóng, gây ra các triệu chứng của chấn động não.

Chấn thương sọ não có thể dẫn để xuất huyết bên trong não, gây ra triệu chứng lú lẫn và lơ mơ. Triệu chứng thường xuất hiện ngay tức thời nhưng một số thì xuất hiện muộn hơn.

Xuất huyết trong não có thể gây chảy máu đến tử vong. Đó là lí do tại sao bất kì ai từng chấn thương sọ não phải được nhập viện và theo dõi nhiều giờ để có thể cấp cứu kịp thời nếu triệu chứng nặng dần.

Các yếu tố nguy cơ chấn động não gồm những gì?

Các hoạt động và yếu tố làm tăng khả năng chấn động não, gồm:

  • Té ngã, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi
  • Tập luyện môn thể thao nguy cơ cao, như bóng bầu dục, bóng đá, đấm bốc…
  • Tham gia những môn thể thao tính chất đối kháng cao mà không mang dụng cụ bảo hộ
  • Bị tai nạn khi đang đi xe máy, xe phân khối lớn
  • Tai nạn khi đi xe đạp hoặc đi bộ
  • Xảy ra tai nạn khi tham gia chiến trường
  • Nạn nhân của nạn bạo hành
  • Đã từng xảy ra chấn động não trước đây

Trẻ khi tập các môn đối kháng cần mang đủ dụng cụ bảo hộ

Biến chứng của chấn động não gồm những gì?

Các biến chứng có thể gặp khi dính chấn động não gồm:

  • Đau đầu sau tai nạn. Tình trạng này có thể xảy ra trong vòng 7 ngày sau chấn thương
  • Chóng mặt sau tai nạn. Người bị chấn động não có thể có triệu chứng sau nhiều ngày và nhiều tháng
  • Hội chứng sau chấn động não. Một số ít người (15-20%) có triệu chứng đau đầu, lú lẫn và cảm thấy khó khăn trong việc suy nghĩ, có thể kéo dài đến 3 tháng. Nếu triệu chứng kéo dài hơn 3 tháng, đó được gọi là hội chứng sau chấn động não
  • Các hệ quả khác của tổn thương não.
  • Hội chứng sang chấn thứ phát. Thường hiếm gặp, xuất hiện sau khi các triệu chứng đầu tiên thoái lui, thường là hệ quả của tình trạng phù não và tử vong.

Các phương pháp phòng chấn động não

Một số lưu ý sau sẽ giúp giảm nguy cơ mắc chấn động não gồm:

  • Mặc đồ bảo hộ khi tham gia các hoạt động mang tính đối kháng hoặc các hoạt động có nguy cơ
  • Đeo dây đai an toàn khi đi xe
  • Đảm bảo nhà bạn an toàn với trẻ.
  • Luôn lưu tâm đến trẻ, và giảm nguy cơ chấn thương cho trẻ bằng cách chặn lại cầu thang và gắn lớp lưới bảo vệ ở cửa sổ
  • Tập luyện thường xuyên và tăng sức mạnh cơ thể cũng như khả năng thăng bằng
  • Giúp các vận động viên cũng như cha mẹ trẻ để nhận biết dấu hiệu của chấn động não

Làm sao để chẩn đoán chấn động não?

Bác sĩ sẽ khám và hỏi thêm về các tiền căn của trẻ, cũng như khám thần kinh thật cẩn thận. Các xét nghiệm bác sĩ có thể làm thêm để chẩn đoán nguyên nhân các triệu chứng trẻ đang có.

Khám thần kinh

Sau khi bác sĩ hỏi bệnh sử chi tiết, đặc biệt về cơ chế chấn thương, bác sĩ sẽ đánh giá thêm về:

  • Thị trường
  • Khả năng nghe
  • Sức cơ và cảm giác
  • Khả năng thăng bằng
  • Khả năng phối hợp
  • Phản xạ

Đánh giá về nhận thức

Bác sĩ thực hiện hàng loạt xét nghiệm giúp đánh giá khả năng tư duy. Các xét nghiệm gồm:

  • Ghi nhớ
  • Tập trung
  • Khả năng nhận biết xung quanh

Các cận lâm sàng chẩn đoán hình ảnh gồm:

Các test hình ảnh học về não bộ sẽ được thực hiện khi người mắc chấn động não có triệu chứng đau đầu dữ dội, động kinh, nôn ói nhiều và hoặc triệu chứng khác nặng dần. Có thể thông qua các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ sẽ phát hiện được vị trí chấn thương ở não hoặc xuất huyết, phù nề ở vùng sọ.

CT-scan sọ não là tiêu chuẩn vàng, cần được thực hiện ở người trưởng thành dính chấn thương sọ não. Ở trẻ con nghi ngờ chấn động não, CT-scan chỉ có ích khi có gãy xương sọ. Và lưu ý, hạn chế để trẻ phơi nhiễm quá nhiều tia. MRI giúp phát hiện những thay đổi trong não, hoặc giúp phát hiện các biến chứng khác do chấn động não gây ra

Theo dõi

Bác sĩ có thể đề nghị bạn ở lại bệnh viện qua đêm hoặc có thể lưu trú tại nhà nếu có người theo dõi suốt 24h.Người chăm sóc nên lay gọi trẻ thường xuyên để chắc rằng trẻ vẫn còn tỉnh táo.

Điều trị chấn động não

Sau chấn động não, bạn nên cho trẻ nghỉ ngơi nhiều để mau hồi phục

Các bước sau giúp phục hồi não và tăng tốc độ hồi phục:

  • Nghỉ ngơi về cả thể chất và tinh thần. Đây là cách tốt nhất giúp não hồi phục lại bình thường. Hạn chế làm những việc đòi hỏi tư duy nhiều trong 1-2 ngày sau chấn động. Ngoài ra, bạn cũng hạn chế trẻ chơi game hay chơi vi tính, xem ti vi vì đây là những hoạt động đòi hỏi sự tập trung cao độ, do đó có thể làm nặng hơn tình trạng bệnh.
  • Có thể cân nhắc việc cho trẻ giảm giờ học tại trường hoặc giờ làm, nghỉ ngơi nhiều hơn và cắt giảm bớt khối lượng bài tập hoặc việc cần làm trong giai đoạn hồi phục này
  • Học cách để quay lại cuộc sống thường ngày. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách dần dần quay trở lại các hoạt động thường ngày, cũng như tăng dần khối lượng công việc hay thời gian học/làm.
  • Giảm đau khi cần. Có thể người mắc chấn động não chịu đựng đau đầu kéo dài hàng tuần, nên việc sử dụng thuốc giảm đau là cần thiết. Tuy nhiên, nên tránh dùng các thuốc có nguy cơ xuất huyết như ibuprofen hay aspirin.

Tóm lại, chấn động não là một tình trạng thường gặp ở trẻ, đặc biệt khi tham gia các môn thể thao mang tính đối kháng cao mà không có dụng cụ bảo hộ. Thường thì bác sĩ sẽ khám lâm sàng cẩn thận và làm thêm một số xét nghiệm để loại trừ các tình trạng nguy hiểm khác. Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ với mọi người nhé.

>> Xem thêm:

Nhiễm Norovirus, làm cách nào để ngăn ngừa lây nhiễm

U nguyên bào thần kinh đệm ít nhanh là gì

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *