Ngày nay, điều trị tâm lý đã trở thành một chuyện quen thuộc và được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng. Các phiên trị liệu có thể dành cho người có những rối loạn lo âu, trầm cảm, nhưng cũng có thể mang lại lợi ích cho người có sức khỏe tâm thần khỏe mạnh. Một trong những liệu pháp tâm lý được áp dụng rộng rãi vì mang lại hiệu quả chính là CBT. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về CBT – những lợi thế và khó khăn khi tham gia vào một tiến trình CBT, bạn nhé.
CBT là gì?
CBT là từ viết tắt tiếng Anh của Cognitive Behavioral Therapy, nghĩa là liệu pháp nhận thức hành vi. Liệu pháp này được sử dụng phổ biến trong điều trị tâm lý hiện đại. Trong quá trình trị liệu, bạn sẽ làm việc với một tâm lý gia với lộ trình cụ thể. CBT giúp bạn nhận ra kiểu suy nghĩ không chính xác hoặc tiêu cực đang tồn tại trong mình. Nhờ đó bạn có thể xem xét và phản hồi hiệu quả hơn các tình huống mình đang gặp phải.
CBT là một công cụ rất hữu ích trong điều trị các rối loạn sức khỏe tâm thần. Ví dụ như các rối loạn trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) hoặc rối loạn ăn uống. Nhưng người có tình trạng tâm thần bình thường (hay gọi là “người bình thường”) vẫn có thể hưởng lợi từ CBT. CBT là công cụ hiệu quả để giúp bất cứ ai học cách quản lý tốt hơn các tình huống căng thẳng trong cuộc sống.
Tại sao CBT lại có hiệu quả?
CBT giúp bạn xác định ngay và đối phó liền với những thách thức cụ thể. Đây là phương pháp trị liệu được cả tâm lý gia và thân chủ ưa thích vì nó có thể nhanh chóng mang lại kết quả. Liệu pháp hành vi nhận thức được sử dụng để điều trị một loạt các vấn đề rất đa dạng. Thêm nữa, CBT có cấu trúc làm việc rõ ràng và thường đòi hỏi ít phiên gặp mặt hơn các loại trị liệu khác.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Sức khỏe tâm thần, tải ngay ứng dụng YouMed.
CBT là một công cụ hữu ích để giải quyết các thách thức về cảm xúc. Ví dụ, nó có thể giúp bạn:
- Kiểm soát các triệu chứng của rối loạn tâm thần.
- Ngăn ngừa tái phát các triệu chứng của rối loạn tâm thần.
- Điều trị các rối loạn tâm thần khi thuốc không phải là một lựa chọn tốt.
- Tìm hiểu các cách thức để đối phó với các tình huống căng thẳng trong cuộc sống.
- Xác định các cách để quản lý cảm xúc.
- Giải quyết xung đột trong mối quan hệ và tìm hiểu các cách tốt hơn để giao tiếp.
- Đối phó với đau buồn hoặc mất mát.
- Khắc phục chấn thương cảm xúc liên quan đến lạm dụng hoặc bạo lực.
- Đối phó với một căn bệnh đang mắc phải (vd: đái tháo đường, ung thư…).
- Quản lý các triệu chứng cơ thể mãn tính (vd: đau đầu, đau lưng kéo dài nhiều năm…).
Các rối loạn sức khỏe tâm thần có thể cải thiện với CBT bao gồm:
- Trầm cảm.
- Rối loạn lo âu.
- Các chứng sợ.
- Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD).
- Rối loạn giấc ngủ.
- Rối loạn ăn uống.
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).
- Rối loạn sử dụng chất.
- Rối loạn lưỡng cực.
- Tâm thần phân liệt.
- Rối loạn tình dục.
Trong một số trường hợp, CBT có hiệu quả tốt nhất nếu được kết hợp với các phương pháp điều trị khác. Ví dụ như như thuốc chống trầm cảm hoặc các loại thuốc khác.
Nguy cơ gì có thể xảy ra?
Nói chung, có rất ít nguy cơ trong việc điều trị hành vi nhận thức. Nhưng đôi khi bạn có thể cảm thấy khó chịu. Trong các buổi CBT, đôi khi bạn được yêu cầu khám phá những cảm giác, cảm xúc và trải nghiệm đau đớn mà bạn chỉ muốn quên đi. Bạn có thể khóc, buồn bã hoặc cảm thấy tức giận trong một thử thác mà tâm lý gia đặt ra. Bạn cũng có thể cảm thấy kiệt sức về thể chất.
Một số dạng CBT, chẳng hạn như liệu pháp phơi nhiễm, có thể yêu cầu bạn đối mặt với các tình huống bạn thật sự muốn tránh né – chẳng hạn như chạm vào con nhện đồ chơi nếu bạn bị chứng sợ nhện. Điều này có thể khơi dậy sự căng thẳng hoặc lo lắng tạm thời.
Tuy nhiên, làm việc với một nhà trị liệu lành nghề sẽ giảm thiểu mọi rủi ro. Các kỹ năng đối phó mà bạn học được có thể giúp bạn quản lý và chinh phục những cảm xúc và nỗi sợ có tính chất tiêu cực.
Bạn nên chuẩn bị như thế nào?
Bạn có thể tự quyết định rằng bạn muốn thử trị liệu nhận thức hành vi. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể là người đề nghị bạn thực hiện liệu pháp tâm lý này. Đây là cách để bắt đầu:
- Tìm một nhà trị liệu.
Bạn có thể nhận được sự giới thiệu từ bác sĩ, chương trình bảo hiểm y tế, bạn bè hoặc nguồn đáng tin cậy khác. Hoặc bạn có thể tự mình tìm một nhà trị liệu – thông qua một hiệp hội tâm lý địa phương bằng cách tìm kiếm trên internet. Tại TP.HCM, bạn có thể tìm kiếm nhà điều trị tại trung tâm Touching Soul Center, Hồn Việt, Tâm An… hoặc các tâm lý gia đang đăng ký trị liệu với trang Youmed.vn.
- Tìm hiểu chi phí.
Nếu bạn có bảo hiểm y tế, hãy tạm quên đi. Vì thường các loại bảo hiểm y tế công cộng ở nước ta chưa cho phép thanh toán các phiên điều trị Tâm lý. Một số chương trình bảo hiểm tư nhân chỉ bao gồm một số buổi trị liệu nhất định mỗi năm. Ngoài ra, hãy trao đổi với tâm lý gia của bạn về phí và các tùy chọn thanh toán.
- Xem lại mối quan tâm của bạn. [Bước này cực kỳ quan trọng]
Trước cuộc hẹn đầu tiên, hãy suy nghĩ về những vấn đề bạn muốn giải quyết. Mặc dù bạn cũng có thể sắp xếp điều này với tâm lý gia tại buổi khám, nhưng có chuẩn bị một số ý từ trước sẽ giúp cho tiến trình suôn sẻ và nhanh chóng hơn.
Có thể bạn quan tâm: CBT: Bạn có thể làm gì để những buổi điều trị thành công hơn?
Những gì bạn có thể mong đợi
Liệu pháp nhận thức hành vi có thể được thực hiện từng người một hoặc cùng với các thành viên khác gia đình hoặc cùng một nhóm những người có vấn đề tương tự. Các cộng đồng trực tuyến có thể giúp bạn liên lạc và tham gia vào CBT cùng nhóm người. Hiện nay, ngoài các thành phố lớn, dường như hoạt động tâm lý trị liệu được cung cấp rất ít.
1. CBT thường bao gồm:
- Tìm hiểu về tình trạng sức khỏe tâm thần của bạn
- Học và thực hành các kỹ thuật như thư giãn, đối mặt, phục hồi (resilience), quản lý stress và kỹ năng ra quyết định
2. Buổi trị liệu đầu tiên thường sẽ như thế nào?
“Đừng hy vọng rằng bạn có thể giải quyết vấn đề của mình ngay trong buổi đầu tiên!”
Về nguyên tắc, phiên đầu tiên có nhiệm vụ làm quen và tạo mối quan hệ điều trị. Chuyên gia trị liệu sẽ thu thập thông tin về bạn và hỏi bạn muốn giải quyết vấn đề gì. Sau đó, tâm lý gia có thể sẽ hỏi về sức khỏe thể chất và cảm xúc trong hiện tại và quá khứ để hiểu sâu hơn về tình huống của bạn. Anh ấy/cô ấy có thể thảo luận về việc bạn có thể được hưởng lợi từ các phương pháp điều trị khác hay không (chẳng hạn như kết hợp với dùng thuốc).
Buổi đầu tiên cũng là cơ hội để bạn phỏng vấn nhà trị liệu để xem liệu anh ấy hoặc cô ấy có phù hợp với bạn không. Nghe có vẻ hơi lạ nhưng hãy chắc chắn rằng bạn hiểu:
- Cách tiếp cận của anh ấy hoặc cô ấy.
- Loại trị liệu nào phù hợp với bạn.
- Mục tiêu điều trị của bạn.
- Độ dài của mỗi buổi trị liệu.
- Bạn cần bao nhiêu buổi trị liệu.
Có thể mất một vài phiên để nhà trị liệu của bạn hiểu đầy đủ về tình huống và mối quan tâm của bạn, và để xác định hướng hành động tốt nhất. Nếu bạn không cảm thấy thoải mái với nhà trị liệu đầu tiên bạn gặp, hãy thử người khác. Cảm giác được “sự phù hợp” với tâm lý gia có thể giúp bạn nhận được nhiều lợi ích nhất từ CBT.
3. Những gì gây khó khăn trong các buổi CBT?
- Sự mở lòng
Chuyên gia trị liệu sẽ khuyến khích bạn nói về những suy nghĩ, cảm xúc và những gì gây phiền toái cho bạn. Đừng lo lắng nếu bạn thấy khó mở lòng về cảm xúc của mình. Rất nhiều thân chủ cũng cảm thấy như vậy, đó là điều dễ hiểu. Tâm lý gia sẽ cố gắng giúp bạn có được sự tự tin và thoải mái hơn khi chia sẻ.
-
Cam kết thực hiện
CBT thường tập trung vào các vấn đề cụ thể và sử dụng phương pháp tiếp cận theo mục tiêu. Nhà trị liệu rất thường xuyên yêu cầu bạn làm bài tập về nhà. Đó chính là các hoạt động tìm hiểu hoặc thực hành dựa trên những gì bạn khám phá trong các buổi trị liệu. Nhà tâm lý cũng khuyến khích bạn áp dụng những gì học được trong cuộc sống hàng ngày.
-
Phương pháp trị liệu CBT có tính cá nhân hóa
Liệu trình sẽ phụ thuộc vào tình huống và sở thích cụ thể của bạn. Chuyên gia trị liệu có thể kết hợp CBT với một phương pháp trị liệu khác – ví dụ: trị liệu liên cá nhân (tập trung vào mối quan hệ của bạn với người khác).
Như vậy, chúng ta đã biết được CBT là một liệu pháp điều trị tâm lý dựa trên thay đổi về nhận thức và hành vi. Phương pháp này được áp dụng rộng rãi do nhanh chóng mang lại kết quả. Tuy nhiên bạn cần biết trước mong muốn của mình là gì trước khi đến thảo luận với tâm lý gia thì các buổi làm việc mới có nhiều hiệu quả. Bên cạnh đó, CBT cũng có các khó khăn khi thực hiện, bao gồm đòi hỏi sự chia sẻ và cam kết của bạn. Hãy vững tin và kiên trì, bạn nhé.